Phe đối lập Nga bị dồn vào chân tường
Liên Hiệp Châu Âu đã kêu gọi Moskva cho điều trị cho nhà đối lập Alexei Navalny, người đã tuyệt thực trong tù và sức khỏe đang nguy kịch. Trong khi đó, những người ủng hộ ông Navalny đã thông báo tổ chức cuộc biểu tình vào thứ Tư 21/04.
Báo công giáo La Croix trong bài viết "Phe đối lập Nga bị dồn đến chân tường" nhắc lại cuộc đối đầu kéo dài từ vài năm qua hiện giờ vẫn đang diễn ra như lệ thường : Phe của nhà đối lập Alexei Navalny có những đoạn video gây rúng động về sự tham nhũng của giới thượng lưu Nga và tổ chức nhiều cuộc biểu tình, ông Navalny được cho là nhà đối lập duy nhất ở Nga có khả năng đưa hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người xuống đường tuần hành. Trong khi đó, điện Kremlin không ngừng gây áp lực bằng cách sử dụng vũ lực và án tù nhắm vào các nhà tranh đấu.
Tuy nhiên, La Croix lo ngại là Văn phòng công tố Nga tuyên bố Quỹ chống tham nhũng - tổ chức do ông Navalny lập ra - và các chi nhánh khu vực của tổ chức này là "cực đoan, quá khích", với lý do là "với các khẩu hiệu đòi tự do, các tổ chức này đang tạo điều kiện gây bất ổn chính trị và xã hội". Điều này sẽ mở đường cho việc cấm tổ chức này hoạt động và dẫn đến các thủ tục tố tụng hình sự chống lại các thành viên của tổ chức.
Liên quan đến tình hình sức khỏe của nhà đối lập, các bác sĩ thân tín của Vanalny cho là ông có thể bị ngừng tim bất cứ lúc nào. Vấn đề về sức khỏe của nhà đối lập Nga đã được đưa vào chương trình nghị sự trong một cuộc họp của các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu vào hôm qua 19/04. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà tù Nga thông báo rằng họ đã chuyển Alexei Navalny đến một nhà tù khác, nơi có bệnh viện, và khẳng định sức khỏe của ông vẫn "ổn định". Ivan Zhdanov, giám đốc Quy chống tham nhũng do Navalny lập ra, nhận định "sức khỏe của Navalny đã xấu đi đến mức ngay cả những kẻ tra tấn ông cũng phải nhận ra".
Các nhà lãnh đạo phong trào đối lập từ vài tuần qua đã thu thập chữ ký của những người sẵn sàng xuống đường yêu cầu chính quyền trả tự do cho ông Alexei Navalny, lên kế hoạch công bố ngày biểu tình sau khi đạt 500.000 chữ ký. Thế nhưng, tình trạng sức khỏe của nhà đối lập ngày càng xấu đi đã khiến họ phải thay đổi chương trình. Người được coi là "cánh tay phải" của Alexei Navalny, Leonid Volkov, hiện đang sống lưu vong ở Đức, trong chương trình hàng tuần phát trên YouTube, nhấn mạnh : "Chúng tôi hiểu rằng không ai giúp đỡ chúng tôi ngoại trừ chính mình và tình hình đang xấu đi rất nhiều, chúng tôi phải hành động nhanh chóng".
Tatiana Kastouéva-Jean, người đứng đầu trung tâm Nga tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp IFRI, nhận định đó là "nỗ lực để cứu những gì còn có thể cứu", trước khi có thể xảy ra một cuộc đàn áp quy mô lớn. Bởi vì ngày mà tổ chức của Navalny gọi là "trận chiến cuối cùng giữa cái thiện và tính trung lập" không được chọn ngẫu nhiên : thứ Tư 21/04 cũng là ngày tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu truyền thống tại Quốc hội. La Croix kết luận, bị dồn vào chân tường, phe đối lập muốn đối mặt với tổng thống Nga.
Ukraine : Avdiivka và một cuộc chiến không thể tránh khỏi
Căng thẳng Nga - Ukraine ở thành phố Avdiivka, thuộc vùng Donbass, là đề tài quốc tế được báo Libération quan tâm, với bài phóng sự của đặc phái viên Stéphane Siohan từ Avdiivka. Sau 7 năm chiến tranh, Avdiivka là tiền đồn cuối cùng của vùng Donbass, hiện đang trong tâm điểm căng thẳng, hứng chịu những đợt tấn công bằng đạn pháo, thiết bị bay không người lái và những tay súng bắn tỉa thiện xạ của Nga.
Avdiivka một lần nữa lại trở thành một trong 3 chốt chặn cho Donbass. Năm 2020, nhờ lệnh ngừng bắn đầu tiên, Ukraine đã hạn chế tổn thất xuống còn 50 binh sĩ thiệt mạng và 338 người bị thương. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, quân đội Ukraine đã có hơn 30 người chết và 100 người bị thương. Các binh sĩ Ukraine đôi khi gọi Avdiivka là pháo đài Alamo.
Một người dân tên là Oleksiy vẫn chưa có kế hoạch rời Avdiivka cho dù áp lực đang gia tăng. Ông cho đặc phái viên báo Libération biết nếu quân đội Nga xâm lược, người dân Avdiivka biết sẽ đi đâu lánh nạn : họ đã chuẩn bị kế hoạch B. Còn ông Serhiy, 59 tuổi, nhận định chiến lược của kẻ thù bây giờ là thường xuyên dùng các đội lính bắn tỉa thiện xạ và cho thiết bị bay tự động thả mìn hoặc lựu đạn xuống Avdiivka.
Trừ khi có mối đe dọa trực tiếp đến tính mạng binh lính, quân đội Ukraine không có quyền trả đũa. Đó là nguyên tắc của Kiev. Sau 7 năm, chiến lược phòng thủ của nhà nước Ukraine đã khiến quân đội ở tiền tuyến rất thất vọng. Trên thực tế, quyết định đôi khi được đưa ra trên thực địa và người Ukraine sẽ nổ súng vào kẻ thù nếu lính bắn tỉa bắn vào họ hoặc nếu đạn pháo rơi xuống.
Ông Serhiy cũng không còn tin tưởng vào vài trò trung gian hòa giải của quốc tế. Ông nhấn mạnh người dân Ukraine chỉ muốn giành lại quyền kiểm soát biên giới phía đông đất nước, cắm cờ Ukraine và tự nhủ với bản thân rằng họ đã làm được điều đó. Thế nhưng, phó chỉ huy các lực lượng miền đông Ukraine, Viktor Ganushchak, dự báo trong những ngày tới, các hành động khiêu khích sẽ tiếp tục, bởi các nhà lãnh đạo Nga hiện nay ưu tiên giải pháp quân sự. Chiến lược của Moskva sẽ là gây tổn thất nhân lực tối đa vùng này với sự yểm trợ của các tay súng bắn tỉa thiện xạ của Nga.
Miến Điện : Thà chết còn hơn sống dưới sự cai trị của giới tướng lĩnh quân sự
Nhìn sang Châu Á, báo Le Monde quan tâm đến số phận và cuộc đấu tranh của những người phản đối cuộc đảo chính của quân đội qua bài phóng sự của đặc phái viên Bruno Philip từ Lay Wah.
Đã 10 tuần kể từ khi tập đoàn quân sự đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, hơn 700 người đã bị quân đội sát hại, hơn 3.000 người bị bắt. Đó là chưa kể đến những người bị thương, bị tra tấn hay còn đang mất tích. Trong số những người tham gia phong trào đấu tranh và may mắn còn sống sót, nhiều người phải tạm lánh khỏi các thành phố lớn như Rangoon, Mandalay, cho dù nếu bị bắt trên đường rời thành phố họ có thể phải ngồi tù hoặc mất mạng.
Nhưng đối với những người này, thà trốn chạy và sống trong bất trắc còn hơn là chết một cách "ngốc ngếch" ở thành phố để rồi không thể đấu tranh được nữa. Một số người tìm cách bỏ trốn sang Thái Lan cho dù không được chào đón ở quốc gia láng giềng này, một số khác thì sẵn sàng cầm vũ khí tiếp tục chống giới quân sự, khẳng định không buông bỏ, không sợ hãi mà tạm lánh để chuẩn bị phương tiện chiến đấu tiếp trên mọi mặt trận.
Một số người gia nhập nhóm vũ trang của các sắc tộc thiểu số, hình thành "quân đội Miến Điện trong bóng tối". Một người cho đặc phái viên Le Monde biết điều khẩn thiết nhất giờ đây là các nhóm vũ trang thuộc các sắc tộc thiểu số phải đoàn kết lại để chống quân đội Tatmadaw. Có người quả quyết sẽ đánh bom cảm tử ở trạm gác quân đội, để giết được càng nhiều binh sĩ càng tốt, bởi họ "thà chết còn hơn sống dưới sự cai trị của giới tướng lĩnh Miến Điện".
Ấn Độ : New Delhi và cơn ác mộng Covid-19
Vẫn liên quan đến Châu Á, nhưng về dịch Covid-19, Le Monde nói về "cơn ác mộng" ở New Delhi. Virus corona đang lây lan với tốc độ khủng khiếp ở thủ đô Ấn Độ, không từ một tầng lớp xã hội nào. Với tỉ lệ xét nghiệm dương tính lên tới 30%, New Delhi là thành phố dịch bệnh lây lan mạnh nhất trong cả nước. Các trung tâm xét nghiệm, bệnh viện và cả các cơ sở hỏa táng đều bị quá tải. Thông tín viên Sophie Landrin ví cứ như thể ở New Delhi đang xảy ra "một vụ tàn sát".
Người ta không thể đếm hết số văn phòng, hộ gia đình, tòa nhà trong đó tất cả mọi người đều nhiễm Covid-19. Nhiều hiệu thuốc không còn thuốc cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Thành phố 25 triệu dân chỉ có 4.212 giường chăm sóc hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19 nặng và số giường trống hiện chỉ là 49. Trong số 178.000 giường cho các ca nặng vừa phải, cũng chỉ còn 3.000 chỗ. Không những vậy, các bệnh viện đều thiếu nghiêm trọng khí oxygène và phải nhờ cậy các bang khác tiếp sức. Tuy nhiên, nhiều bang như Maharashtra, Madhya Pradesh và Uttah Pradesh cũng đang phải chạy đua với thời gian để có khí oxyène cho các bệnh viện của họ.
Nhìn rộng ra cả nước Ấn Độ, thông tín viên Le Monde nhận định nếu không có biện pháp phong tỏa, Ấn Độ sẽ không thể phá vỡ dây chuyền dây nhiễm virus corona : dân số là 1,3 tỉ người, nhưng mới chỉ có 122 triệu liều vac-xin được tiêm. Cho đến nay, mới chỉ có 9% dân số Ấn Độ được tiêm ngừa Covid-19, so với con số 63% của Anh Quốc.
B.1.617 : Kẻ thù số 1 của Ấn Độ
Vẫn về làn sóng dịch thứ hai đang bùng phát dữ dội tại Ấn Độ, Le Figaro nói đến chủng mới B.1.671 của virus corona, chứa hai biến thể E484Q (có trong virus biến thể California) và L542R (có trong biến thể Anh Quốc và Brazil). Thực ra biến chủng B.1.671 đã được các nhà khoa học phát hiện tại Ấn Độ từ năm ngoái, nhưng bây giờ mới được nói đến nhiều. Các chuyên gia cho rằng biến chủng này chính là thủ phạm khiến Ấn Độ trở thành tâm dịch mới lần này. Tại một số quận ở Maharashtra, khu vực dịch hoành hành dữ dội nhất, 63% mẫu xét nghiệm cho ra kết quả có B.1.671.
Cũng như Le Monde, Le Figaro chỉ trích các biện pháp đầy mâu thuẫn của nhà chức trách, đặc biệt là thái độ của thủ tướng Modi, người đang tích cực vận động tranh cử và tỏ ra vui mừng vì "chưa bao giờ thấy có đông người đến như vậy" đến dự mit-tinh, bất chấp dịch bệnh đang căng thẳng và nhiều bang đang phải áp dụng biện pháp phong tỏa chống Covid-19.
Philippines : Covid-19 và bước nhảy vọt của lĩnh vực khai thác quặng mỏ nickel
Về kinh tế, công nghiệp khai khoáng, báo Les Echos lưu ý đến quyết định của tổng thống Philippines Duterte về việc dỡ bỏ lệnh cấm các dự án khai khoáng mới mà Manila đưa ra hồi năm 2012, để có các nguồn thu mới trong bối cảnh Philippines gặp nhiều khó khăn tài chính do tác động của đại dịch Covid-19.
Les Echos nhắc lại Philippines rất giàu nguồn tài nguyên đồng và vàng, nhưng đặc biệt là nickel. Trên thực tế, Philippines là nhà sản xuất nickel lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Indonesia. Một nửa lượng quặng nickel Trung Quốc nhập khẩu là từ Philippines.
Tổng thống Rodrigo Duterte tin tưởng vào lĩnh vực khai thác mỏ có thể mang lại "lợi ích kinh tế đáng kể cho đất nước". Quyết định của chính phủ đương nhiên đã được giới khai thác quặng mỏ hoan nghênh. Cơ quan quản lý việc khai thác mỏ Philippines ước tính rằng dự án sẽ khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước, tạo ra nguồn thu mới cho ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hàng ngàn, hàng chục ngàn người Philippines.
Ngược lại, các hiệp hội bảo vệ môi trường cho rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm là một thảm họa. Les Echos nhấn mạnh việc khai thác nickel tác động rất nhiều đến môi trường, chẳng hạn các chất thải từ mỏ gây ô nhiễm nặng nề và tàn phá đa dạng sinh học biển khi chúng được thải ra đại dương.
Thùy Dương