Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/08/2021

Điểm báo Pháp - Taliban có sẽ bị cô lập như trước ?

RFI tiếng Việt

Afghanistan : Taliban có sẽ bị cô lập như trước ?

Tình hình Afghanistan tiếp tục chiếm hết trang quốc tế của các báo Pháp ra ngày 19/08/2021. Nhật báo Le Monde chạy tựa lớn trang nhất : "Taliban tìm cách phá thế đơn độc". Tờ báo báo dành nhiều bài viết cho thấy, chỉ hai ngày sau khi chiếm chính quyền ở Afghanistan, phong trào Taliban đã cố gắng thể hiện một bộ mặt khác nhằm trấn an dư luận quốc tế, xa hơn nữa là nhằm tránh bị cô lập.

taliban1

Mullah Baradar Akhund (giữa), một quan chức cấp cao của Taliban, phát biểu trong một đoạn video không rõ địa điểm và ngày tháng. Ảnh trích từ video ngày 16/08/2021.  © Reuters – Social Media

Le Monde trở lại cuộc họp báo đầu tiên của lực lượng Taliban tại Kabul hôm 17/08 và nhận xét, "lực lượng nổi dậy đưa ra những bảo đảm nhằm thoát khỏi thế cô lập, nhưng Mỹ và các nước Liên Hiệp Châu Âu cho biết là sẽ đánh giá trên hành động của Taliban" chứ không phải lời nói. "Chiến tranh đã kết thúc, chúng tôi sẽ không tìm cách trả thù", đó là cam kết quan trọng nhất của Taliban đưa ra trong cuộc họp báo ngày 17/08. Trước đó, Taliban đã thông báo "ân xá toàn bộ" các công chức chính quyền cũ.

Theo Le Monde, những tuyên bố của Taliban không xóa được hết nỗi lo sợ chế độ này sẽ trở lại với chính sách ngu dân tàn bạo. Những bảo đảm như vậy chủ yếu gửi đến các nước phương Tây. Thế nhưng, dường như đa số các nước phương Tây sẵn sàng công nhận Taliban như là một bên đối thoại.

Về quan điểm của phương Tây, tờ báo nhận thấy hầu hết các nước đều thống nhất với nhau là chế độ Kabul mà họ ủng hộ từ 20 năm qua đã chết, việc bây giờ là tiếp cận với các ông chủ mới của nước này. Biểu hiện rõ nét là tuyên bố của phó tổng thống Afghanistan, Amrullah Saleh, cam kết tiếp tục cầm quyền theo quy định của Hiến pháp Afghanistan, đã không có được hồi âm từ các nước phương Tây. Trong khi đó, Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đã khen ngợi những tuyên bố đầu tiên của Taliban.

Hầu hết các nước phương Tây đều coi việc quân nổi dậy nắm quyền ở Afghanistan là việc đã rồi, chỉ cố vớt vát bằng tuyên bố để xem thực tế ra sao rồi sẽ quyết định hình thái quan hệ với Taliban.

Trên bình diện quốc tế, một bài viết khác của Le Monde cũng nêu bật thái độ "ngờ vực và thực dụng trong Liên Hiệp Châu Âu". Le Monde cho hay, sau một cuộc họp ngoại trưởng các nước thành viên EU ngày 17/08, lãnh đạo ngoại giao Châu Âu, Josep Borrell đã tuyên bố : "Taliban đã thắng cuộc chiến tranh. Vậy nên chúng ta phải nói chuyện với họ". Sau cú sốc Afghanistan rơi vào tay quân nổi dậy, Châu Âu cố gắng khẩn trương thích nghi với ván bài mới, tờ báo nhận xét.

Về vấn đề quan hệ chính trị mà các nước thành viên sẽ thiết lập với chế độ mới ở Afghanistan, Liên Hiệp Châu Âu tỏ ra thận trọng, nhấn mạnh việc Afghanistan phải tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế. Châu Âu cũng ý thức được khả năng gây ảnh hưởng của EU hiện nay với Taliban rất là hạn chế.

Phương Tây chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng di dân mới

Nhật báo Le Figaro quan tâm đến những người Afghanistan có quan hệ với phương Tây đang "mòn mỏi trong sợ hãi và tìm đường đi tị nạn", cho dù đã có những tuyên bố trấn an của Taliban. Các báo đều nhận thấy, sắp tới các nước phương Tây sẽ phải đối mặt với vấn đề đón tiếp làn sóng người tị nạn Afghanistan, những người mà trong hai chục năm qua làm việc cho các nước phương Tây.

Theo Libération, với khoảng 1 triệu rưỡi người Afghanistan sẽ phải rời bỏ đất nước, cộng đồng quốc tế, chủ yếu là các nước phương Tây chuẩn bị đối mặt với một cuộc khủng hoảng di dân mới.

Taliban làm sao quản lý kinh tế đất nước ?

La Croix nhìn vào sự kiện Afghanistan trở lại tay Taliban dưới góc độ kinh tế với bài : "Taliban trở lại làm kinh tế Afghanistan thêm khốn đốn". Theo La Croix, bị ảnh hưởng bởi nhiều năm xung đột, bị tàn phá vì nạn tham nhũng, Afghanistan là một trong những nước nghèo nhất hành tinh. Việc Taliban trở lại nắm quyền có nguy cơ khiến tình hình thêm trầm trọng.

Trong khi kinh tế Afghanistan đến giờ sống nhờ phần nhiều vào viện trợ quốc tế, nguồn này có thể sẽ không còn nữa với chính quyền Taliban. Sự thay đổi chế độ ở Afghanistan có thể đẩy đất nước này vào cơn bão tài chính. Thứ Sáu tuần trước, khi Taliban mới ngấp nghé ở cửa ngõ Kabul, Bộ Tài chính Mỹ đã đóng cửa không cho Ngân hàng Trung ương Afghanistan tiếp cận thanh khoản bằng đô la. Ngay lập tức đồng tiền quốc gia Afghanistan mất giá.

Taliban có thu nhập hàng năm từ 300 triệu đến 1,5 tỷ đô la, theo một báo cáo của ủy ban trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, công bố hồi tháng 5/2020. Nguồn tiền của Taliban chủ yếu từ trồng thuốc phiện, tiền chuộc bắt cóc người và thu thuế các doanh nghiệp, hoặc các mặt hàng nhập khẩu trong vùng lãnh thổ dưới sự kiểm soát của họ. Phát ngôn viên Taliban bảo đảm trong tương lai "Afghanistan sẽ không còn là nước trồng thuốc phiện nữa". Để xem Taliban có giữ được lời hứa này hay không.

Trung Quốc lợi dụng sự kiện Afghanistan để chống Mỹ

Ở một góc độ khác của sự kiện, Le Monde có bài mang tựa đề :  "Bắc Kinh muốn khai thác thất bại của Mỹ". Ngay sau khi Afghanistan thất thủ về tay phe Taliban, Trung Quốc đã tìm được lá bài để chơi trong cuộc đối đầu với Mỹ và nhất là trong công cuộc tái thiết Afghanistan, theo Le Monde.

Việc người Mỹ vội vã rút đi và thủ đô Kabul thất thủ trước quân nổi dậy Taliban ngày 15/08 là cơ hội bất ngờ cho bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc. Dưới mắt Bắc Kinh, không có gì hùng hồn hơn sự kiện này để chứng minh "áp dụng máy móc một mô hình của nước ngoài vào một đất nước có lịch sử, văn hóa và hoàn cảnh khác biệt chỉ có thể dẫn tới thất bại", như phát biểu của ngoại trưởng Vương Nghị trong cuộc điện đàm với đồng nghiệp Mỹ Antony Blinken hôm thứ Hai 16/08.

Trong bài xã luận số báo ngày 17/08, nhật báo Trung Quốc China Daily nhấn mạnh vào "di sản tai họa Hoa Kỳ để lại ở Afghanistan". Tờ báo bình luận "chết chóc, đổ máu và một thảm họa nhân đạo lớn là những gì mà Hoa Kỳ thực sự để lại đằng sau họ ở Afghanistan".

Trong khi đó tờ Hoàn Cầu Thời Báo trong số ra hôm 16/08 thì cảnh báo trường hợp Afghanistan sẽ là bài học cho Đài Loan. Cũng như Afghanistan, Đài Loan cũng có nguy cơ "bị bỏ rơi""Nếu một cuộc chiến tranh nổ ra trong eo biển, hệ thống phòng thủ của hòn đảo sẽ đổ sụp trong vòng vài giờ, quân đội Mỹ sẽ không đến giúp họ. Hậu quả là chính quyền của đảng Dân Tiến sẽ nhanh chóng đầu hàng, một số quan chức cao cấp có thể sẽ lên máy bay chạy trốn", nhật báo Trung Quốc nhấn mạnh.

Nhưng sâu xa hơn nữa, Trung Quốc đã nhìn thấy khoảng trống mà Mỹ để lại ở Afghanistan để nhảy vào đó phục vụ mục đích làm ăn kinh tế, cũng như để bình định người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tờ báo nhắc lại, dù chưa bao giờ công nhận Taliban khi còn cầm quyền ở Afghanistan (1996-2001), từ năm 2015, Bắc Kinh đã nhiều lần gặp gỡ thương lượng với các thủ lĩnh nổi dậy này tại Trung Quốc. Gần đây nhất là cuộc gặp giữa nhân vật số 2 của Taliban với ngoại trưởng Trung Quốc tại Thiên Tân hôm 28/07/2021.

Theo Le Monde, giờ đây Bắc Kinh cảm thấy có được lá bài để chơi trong một đất nước Afghanistan ổn định, mở cửa ; đó là quá trình tái thiết đất nước, lôi kéo Afghanistan vào chiến lược gây ảnh hưởng kinh tế trong vùng.

Afghanistan cái cớ để Trung Quốc nắn gân Mỹ về Đài Loan

Vẫn liên quan đến Trung Quốc - Mỹ - Đài Loan. Trang quốc tế của La Croix có bài : "Trung Quốc không ngừng hăm dọa Đài Loan".

Bài báo đề cập đến sự kiện ngày 18/08, quân đội Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn, huy động hải quân và không quân, ở phía nam đảo Đài Loan vào sâu trong vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo. Hành động này nằm trong chiến lược răn đe thường trực để nhắc nhở Đài Loan là một phần của Trung Quốc và một tuyên bố độc lập sẽ làm khởi phát chiến tranh.

La Croix nhắc lại, dưới mắt Trung Quốc, Đài Loan không phải là một quốc gia độc lập có chủ quyền, mà chỉ là một tỉnh của Trung Quốc, bằng mọi giá sẽ phải trở về trong sự cai quản của đất mẹ Hoa lục. Sau khi thu hồi Hồng Kông năm 1997, Macao năm 1999, mục tiêu ưu tiên của Bắc Kinh giờ là trói buộc hòn đảo cùng 23 triệu dân vào với Hoa lục. Nếu cần thì sử dụng cả chiến tranh trong trường hợp Đài Bắc tuyên bố độc lập.

Các hành động hăm dọa quân sự với Đài Loan mang quy mô mới sau khi Joe Biden vào Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ hiện nay là người kiên quyết ủng hộ nền dân chủ Đài Loan. Sau thông báo tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về dân chủ vào tháng 12 tới, ngay lập tức Đài Loan đã ngỏ mong muốn được tham dự. Nếu điều này xảy ra thì sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao Trung-Mỹ mới.

Các nước giàu thừa vac-xin cũng chật vật với tiêm chủng

Trở lại với trang báo Le Figaro. Hồ sơ chính của tờ báo dành cho chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 của nước Pháp.

Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : Tiêm chủng : Nước pháp đã khắc phục sự chậm trễ thế nào. Le Figaro cho biết, sau khi chiến dịch tiêm chủng khởi đầu khá chậm chạp, nước Pháp đã bứt tốc trong mùa hè này. Mục tiêu đến hết tháng 8, có 50 triệu dân Pháp được tiêm mũi vac-xin đầu tiên là có thể đạt được.

Tờ báo ghi nhận : Từ đầu Pháp luôn đứng ở top cuối trong những nước giàu trên mặt trận tiêm  ngừa Covid. Nhưng chỉ trong vài tuần qua, Pháp đã có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục, vượt lên trên những nước luôn được lấy làm gương như Đức và Ý. Đến ngày 17/08, hơn 46,5 triệu người Pháp đã được chích liều vac-xin đầu tiên, tức khoảng 69% dân số. Từ nay đến hết mùa hè, khả năng số người đi tiêm chủng sẽ còn tăng mạnh khi chiến dịch tiêm phòng sẽ được triển khai rộng tại các trung tâm thương mại, nơi làm việc và cả các trường học phổ thông.

Cũng trong chủ đề tiêm chủng, Le Figaro nhìn ra bên ngoài Châu Âu với các bài viết về việc Hoa Kỳ sau khi khởi đầu khá tốt, chiến dịch tiêm chủng trong dân đang bị chững lại, không vượt qua được ngưỡng 70% dân tiêm đủ 2 liều. Thế nhưng, chính quyền liên bang đang chuẩn bị cho tiến hành tiêm liều vac-xin thứ 3 để ngăn dịch tiếp tục lây lan.

Trong khi đó tại Israel, mặc dù đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, tới trên dưới 70%, nhưng vẫn không có dấu hiệu đẩy lùi dịch. Nước này đang lo sợ sẽ phải tái phong tỏa.

Còn tại Úc, vì biến thể Delta, chính quyền đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ tiêm vac-xin. Hiện mới có 27% dân Úc được tiêm đủ 2 liều, gần một nửa dân số được tiêm mũi đầu tiên. Như vậy vẫn còn khá xa so với ngưỡng để đạt miễn dịch cộng đồng là trên 70% tiêm đủ 2 liều.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 440 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)