Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/09/2021

Điểm báo Pháp – VDL hối thúc Liên Âu lập quân đội riêng

RFI tiếng Việt

Hối thúc Liên Âu lập quân đội riêng, chủ tịch "VDL" vượt qua "húy kỵ"

Trọng Thành, RFI, 16/09/2021

Mùa tranh cử tổng thống đang bắt đầu vẫn là chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp. Chính sách của tổng thống Macron về đầu tư thêm cho ngành "cảnh sát" và kiểm soát "bạo lực cảnh sát" là chủ đề trang nhất Le Monde. Le Figaro lo ngại cánh hữu đang sa lầy trong tình trạng khó chọn được ứng viên tổng thống. Libération hoan hỉ với thành công gần như đúng với kế hoạch của chính quyền trong chiến dịch tiêm ngừa Covid.

vdl1

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen delivers phát biểu trước Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp, ngyaf 15/09/2021. AP - Yves Herman

Về thời sự quốc tế, vụ nước Úc "bất ngờ" hủy đơn đặt hàng mua tầu ngầm khổng lồ của Pháp là chủ đề chính của Les Echos. Diễn văn thường niên của chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen (tên gọi tắt là VDL), ngày hôm qua tại Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg (Pháp), về tình trạng của Liên Hiệp là chủ đề được hầu hết các báo chú ý. Les Echos chạy trang nhất hàng tựa "Von der Leyen cao giọng với Trung Quốc".

Von der Leyen cao giọng với Trung Quốc 

Nhật báo kinh tế Pháp tóm lược các điểm chính trong bài diễn văn hôm qua của người đứng đầu Ủy ban Châu Âu. Trong bối cảnh Liên Âu đã ra khỏi khủng hoảng y tế - xã hội, với tỉ lệ tiêm chủng cao, và nền kinh tế đang hồi phục mạnh, lãnh đạo Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen phác họa "các trụ cột chính của một Châu Âu hùng mạnh, có khả năng tự chủ về quốc phòng hay các công nghệ mũi nhọn như vật liệu bán dẫn".

Lãnh đạo Ủy ban Châu Âu cũng tuyên bố thành lập một cơ quan y tế của khối, cũng như một dự án quốc tế nhằm đối trọng lại "các con đường tơ lụa" của Trung Quốc. Sức mạnh kinh tế của Liên Âu cũng sẽ được sử dụng như "một đòn bẩy để làm cho các trao đổi thương mại trở nên có đạo đức hơn". Cụ thể là Bruxelles sẽ đề nghị cấm việc bán các sản phẩm do lao động bị cưỡng bức, một thông điệp rõ ràng gửi đến Trung Quốc, bị cáo buộc đang giam giữ rất nhiều người Duy Ngô Nhĩ và cưỡng bức họ tham gia vào nhiều hoạt động sản xuất tại vùng Tân Cương.

Les Echos trong bài về "các trụ cột của một Châu Âu hùng mạnh" nhấn mạnh trước hết đến lĩnh vực quốc phòng. Cựu bộ trưởng Quốc Phòng Đức thông báo một Thượng đỉnh về Quốc phòng Châu Âu sẽ được tổ chức vào thời điểm nước Pháp làm chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, nửa đầu năm tới 2022. Trong lĩnh vực quốc phòng, điểm đặc biệt được chú trọng là "an ninh mạng". Ngoài lĩnh vực quân sự, bà Von der Leyen cũng nêu bật đòi hỏi về "chủ quyền công nghệ của châu lục". Bruxelles - chủ trương tăng gấp đôi thị phần toàn cầu của vật liệu bán dẫn do Châu Âu sản xuất vào năm 2020 (lên 20%) - dự kiến sẽ có một văn bản luật quy định vấn đề này. Mục tiêu đặt ra là dần dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào Châu Á trong lĩnh vực chiến lược này.

Tiêm chủng thành công – kế hoạch ưu tiên giới trẻ

Le Figaro trong bài "Liên Âu : "VDL" (tên gọi tắt của nữ chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen) chờ đợi nhiều quyết tâm chính trị hơn" cũng nhấn mạnh đến chủ trương bao trùm bài Diễn văn về tình trạng Liên Hiệp nhấn mạnh đến "chủ quyền Châu Âu", vào thời điểm cạnh tranh vô cùng quyết liệt hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực vật liệu bán dẫn.

Tuy nhiên, điều được Le Figaro lưu ý trước hết là thành công của Liên Âu trong việc "tiêm chủng được 70% dân cư tuổi trưởng thành vào cuối mùa hè, vượt Mỹ và Anh". Không những tiêm chủng cho dân cư của khối, Liên Âu còn xuất ra bên ngoài "hơn 700 triệu liều" để hỗ trợ các nước khác, ngay vào thời điểm vac-xin còn thiếu. Một trong những ưu tiên của Liên Âu trong thời gian tới là giới trẻ, thành phần bị thiệt thòi nhiều trong đại dịch. Chương trình mang tên Alma được lập ra để trong năm 2022, "nhiều thanh niên không được đào tạo, không có việc làm, có cơ hội học nghề - làm việc tại một quốc gia trong Liên Hiệp", nhằm thúc đẩy sự gắn bó với ngôi nhà chung Châu Âu.

Thách thức lớn với Liên Âu nằm ở ngay cửa ngõ của Liên Hiệp là một nhận xét khác của Le Figaro. "Bất chấp các khoản đầu tư khổng lồ vào bán đảo Balkan, khu vực này vẫn nằm trong vòng ảnh hưởng của nhiều thế lực", từ Trung Quốc đến Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hay Saudi Arabia.

Câu chuyện về chủ trương xây dựng một nền quốc phòng tự trị cho Châu Âu là phần cuối của bài phân tích trên Le Figaro. Theo nhật báo thiên hữu, việc chủ tịch Ủy ban von der Leyen trực tiếp đề cập đến vấn đề này đã gây nhiều bất ngờ trong hội nghị hôm qua. Thông thường một thượng đỉnh như vậy của Liên Hiệp Châu Âu phải do chủ tịch Hội Đồng Châu Âu đề xuất. Sáng kiến này cũng gây ngạc nhiên vì một thượng đỉnh về Quốc phòng Châu Âu đã từng được dự kiến tổ chức vào tháng 3/2022.

"Vượt qua húy kỵ"

La Croix dành bài xã luận cho chủ đề Quốc phòng Châu Âu, với nhan đề "Một húy kị của Châu Âu". Nhật báo công giáo nhấn mạnh đến thái độ chủ động khác thường của lãnh đạo Ủy ban Châu Âu. Bà Ursula von der Leyen đang buộc toàn khối phải tăng tốc với thông điệp Liên Hiệp phải có phương tiện để "hành động ở những nơi nào mà NATO và Liên Hiệp Quốc không hiện diện".

Tại sao có thể coi đây là một sự vượt qua húy kỵ ? La Croix giải thích : Quốc phòng vốn không thuộc thẩm quyền hành động của Ủy ban. Khi trực tiếp phối hợp với nước Pháp để thúc đẩy một hội nghị như vậy, lãnh đạo Ủy ban Châu Âu rõ ràng khẳng định đây là điều cần làm khẩn cấp. "Khó mà có thể nói bà ấy đã sai". La Croix dẫn ra hàng loạt thực tế cho thấy điều này là cần thiết : "Liên Âu không thể dựa vào cái ô của Mỹ, bởi Hoa Kỳ hiện đang dồn sức đối đầu với Trung Quốc", "nhiều đế chế cũ bắt đầu thức dậy, các láng giềng của Châu Âu, như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, công khai chống lại mô hình và các giá trị của Liên Âu…".

Cho dù "về phương diện kỹ thuật và pháp lý", sự ra đời của một quân đội Châu Âu còn là điều xa vời. Nhưng điều đầu tiên cần có là quyết tâm chính trị. Từ nhiều tháng nay, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thúc đẩy mạnh mẽ vấn đề này. Trong cuộc thảo luận hôm qua tại Nghị Viện Châu Âu, chủ tịch Ủy ban von der Leyen đã chất vấn các nghị sĩ Châu Âu : "Quý vị có thể sở hữu các sức mạnh tân tiến nhất thế giới, nhưng nếu quý vị không bao giờ sẵn sàng sử dụng chúng, thì các sức mạnh đó dùng để làm gì ?".

Liên Âu đang đứng trước "một bước ngoặt lịch sử". Tự khẳng định như một thế lực mà các cường quốc không thể qua mặt, hay tiếp tục ứng xử như "một con gấu bông" đối mặt với "những con gấu thật" (hay "những gấu Bắc Cực" - theo diễn đạt của Jean Louis-Bourlanges).

Úc theo Mỹ-Anh, hợp đồng "lịch sử" với Pháp bất ngờ bị hủy

"Hợp đồng tầu ngầm thế kỷ" của Pháp với Úc đột ngột bị Canberra hủy bỏ là hồ sơ trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos. Hợp đồng được ký kết cách nay 6 năm đột ngột bị báo tử, vào lúc Úc quyết định tham gia vào một liên minh quân sự mới với Hoa Kỳ và Anh Quốc. Theo Les Echos, cho đến nay nước Úc vẫn không có công nghiệp về hạt nhân, và luôn từ chối trang bị các tầu ngầm nguyên tử, để duy trì một chính sách tương đối trung lập tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Giờ đây, trong bối cảnh thế đối đầu Mỹ - Trung dâng cao, Canberra quyết định đứng hẳn về phía liên minh với Mỹ và Anh, sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc.

Các căng thẳng tại vùng Biển Đông và việc Bắc Kinh liên tục đưa ra các cấm vận với than đá của Úc (để trả đũa việc Úc đòi hỏi điều tra về nguồn gốc virus corona tại Trung Quốc) đã khiến Canberra "thay đổi quan điểm".

Tuy nhiên, việc Úc bất ngờ ngả theo liên minh bộ ba trực diện chống Trung Quốc, cùng Mỹ và Anh, với hậu quả là các tàu ngầm chạy diesel đặt mua của Pháp bị hủy hợp đồng, gây sốc với nước Pháp. Đối với tập đoàn đóng tàu Naval Group đây là một "đòn khủng khiếp". Về thiệt hại tài chính trước mặt thì không có vấn đề lớn, nhưng định hướng tương lai của tập đoàn "bị đảo lộn".

"Đối thủ của Tập Cận Bình không lập được liên minh"

Các báo Pháp hôm nay có nhiều bài về chính trị Trung Quốc. Le Monde có bài phỏng vấn đáng chú ý với nhà Trung Quốc học Willy Lam (tức Lâm Hòa Lập) về chủ đề "Các đối thủ của ông Tập Cận Bình đã thất bại trong việc lập liên minh". Lãnh đạo tối cao chế độ cộng sản Trung Quốc đang thâu tóm ngày càng nhiều quyền lực để thống trị gần như mọi mặt của đời sống xã hội Trung Quốc. Nhưng vấn đề mà nhiều người đặt ra là, các đối thủ của ông Tập trong nội bộ phản ứng ra sao ?

Theo nhà Trung Quốc học, làm việc tại Đại học Trung Hoa ở Hồng Kông, thì đối thủ trong đảng của ông Tập có nhiều nhưng hoàn toàn bất lực trong hiện tại, vì lãnh đạo tối cao Trung Quốc thâu tóm quân đội và ngành công an. Các đối thủ của ông ta chỉ chờ Tập Cận Bình mắc một "sai lầm lớn", như tấn công Đài Loan chẳng hạn, và cuộc tấn công thất bại do sự can thiệp của Mỹ, Nhật. Việc thu hồi Đài Loan đã được ông Tập đặt ra như một mục tiêu.

Theo nhà chính trị học Willy Lam, điều khiến lãnh đạo Trung Quốc lo sợ chính là mối đe dọa từ bên trong, với sự trỗi dậy của các tập đoàn kinh tế tư nhân của Trung Quốc, như Alibaba, hay Tencent, đã trở nên hùng mạnh, thách thức độc quyền của bộ máy chính trị của chế độ. Bắc Kinh hiểu rằng không có vốn nước ngoài, không có các tập đoàn tư nhân trong nước thì "nền kinh tế Trung Quốc có thể sụp đổ", nhưng Bắc Kinh lo sợ trọng lượng đầu tư lớn của tài chính Hoa Kỳ trong các tập đoàn này khiến Trung Quốc bị phụ thuộc vào các thị trường tài chính Mỹ.

Rút cục, theo nhà chính trị học Hồng Kông, với ông Tập Cận Bình, "quyền lực tuyệt đối của đảng (và của cá nhân ông ta) vẫn quan trọng hơn là các chỉ số kinh tế và mức sống của người dân". "Tất cả những gì thách thức đối với quyền kiểm soát của Đảng và của lãnh đạo tối cao đối với toàn bộ các mặt khác nhau của đời sống xã hội Trung Quốc sẽ bị nghi ngờ, đặc biệt nếu như điều đó làm cho chế độ tin rằng Hoa Kỳ đang âm mưu thúc đẩy "một cuộc cách mạng màu" tại Trung Quốc".

Sách mới : "Trong lòng thùng thuốc súng Trung Hoa"

Le Figaro có bài "Trong lòng thùng thuốc súng Trung Hoa", giới thiệu cuốn sách mới của nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, có nhan đề "Trung Quốc ngày mai : chiến tranh hay hòa bình ?" (Demain La Chine : guerre ou paix). Châu Á rõ ràng đã trở thành "thùng thuốc súng" của thế giới của thế kỉ 21, tương tự như vùng Balkan đối với Châu Âu cách nay một thế kỷ, nơi châm ngòi cho Thế chiến thứ nhất. Thái Bình Dương giờ đây thay chỗ cho Địa Trung Hải. 

Nhưng nhìn chung, tác giả cuốn sách tỏ ra không tin tưởng chiến tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ sớm nổ ra. Theo tác giả, Bắc Kinh sẵn sàng đè bẹp nền dân chủ Hồng Kông, nhưng sẽ thận trọng trước việc dùng vũ lực tấn công Đài Loan. Bất chấp các tuyên bố đầy vẻ hiếu chiến, nỗi sợ thất bại của Bắc Kinh tại Đài Loan là một nhân tố không thể coi thường.

Tiêm chủng Pháp : Từ 60% lưỡng lự đến chích ngừa gần đủ

Trở lại thời sự nước Pháp, thành công của chiến dịch tiêm chủng tại Pháp là chủ đề chính của Libération. 50 triệu (hoặc gần như vậy) là tựa đề trang nhất của nhật báo thiên tả. Libération giải thích : Trong lúc có đến 60% dân Pháp lưỡng lự với vac-xin cuối năm ngoái, thì giờ đây đã có đến 50 triệu người đã được tiêm chủng ít nhất một liều, tỉ lệ thuộc hàng cao nhất thế giới. Điện Elysée hài lòng, cho dù tình trạng bất bình đẳng lớn trong tiêm chủng vẫn là vấn đề.

Libération có bài xã luận "Cú bứt phá thực sự" ghi nhận : bài phát biểu ngày 12/07 của tổng thống Macron đã góp phần đáng kể thúc đẩy người dân còn lưỡng lự đi tiêm chủng. Khi đưa ra tuyên bố hối thúc này, chính phủ Pháp đã chọn một con đường mạo hiểm, với các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ, và một mùa ra hè báo động sẽ căng thẳng, gây ảnh hưởng xấu đến thời điểm khởi đầu cuộc tranh cử tổng thống.

Giám sát ngành cảnh sát ở Pháp : Tranh luận về đề xuất của tổng thống

Xã luận Le Monde chú ý đến chính sách cải tổ ngành cảnh sát, vừa được tổng thống Macron công bố, vừa tăng cường đầu tư tài chính cho cảnh sát, tăng cường lực lượng cảnh sát tại chỗ, nhưng cũng vừa gia tăng kiểm soát các hoạt động của cảnh sát. Tổng thống Macron đề xuất lập "cơ quan kiểm soát của Quốc hội đối với ngành cảnh sát". Mục tiêu là "tái lập niềm tin" của người dân vào định chế này, với việc tăng cường chống các hành động lạm quyền của cảnh sát.

Cơ quan Tổng thanh tra Cảnh sát Quốc gia (IGPN), vốn có trách nhiệm giám sát các hoạt động của cảnh sát, bị nhiều chỉ trích vì thái độ nhiều khi thiên vị, nương nhẹ các hành động phạm pháp, lạm quyền của cảnh sát. Tuy nhiên, theo Le Monde, mô hình mà tổng thống Macron đề ra, đưa Quốc hội vào cuộc, không đủ để khắc phục tình trạng này, nước Pháp cần phải có một cơ quan giám sát độc lập và đủ thẩm quyền, như kiểu cơ quan Anh Quốc Independent Office for Police Conduct, do một người ngoài ngành cảnh sát lãnh đạo.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 384 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)