Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

22/10/2021

Hết tuần trăng mật, NATO và Nga bước vào giai đoạn đối đầu

RFI tổng hợp

NATO soạn thảo Khái niệm Chiến lược nhắm vào Nga

Trọng Nghĩa, RFI, 22/10/2021

Trong hai ngày 21 và 22/10/2021, các bộ trưởng quốc phòng của 30 quốc gia thành viên NATO đã họp tại tổng hành dinh của khối này ở Bruxelles (Bỉ). Ngoài việc rút kinh nghiệm về thất bại của chiến dịch tại Afghanistan, một nội dung quan trọng của hội nghị là hoàn thiện "Khái niệm Chiến lược" mới để đưa ra hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid (Tây Ban Nha) vào cuối tháng 6/2022.

nato1

Tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg (thứ ba từ bên trái) nói chuyện với bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III khi chụp hình với các bộ trưởng quốc phòng khối NAO tại Bruxelles ngày 21/10/2021.  AP - Virginia Mayo

Theo thông tín viên RFI Pierre Benazet tại Bruxelles, sau khi kết thúc không mấy vẻ vang chiến dịch dài 2 thập niên tại Afghanistan, NATO đang tìm kiếm một nhiệm vụ cụ thể mới và Nga đã trở lại thành tâm điểm chú ý của Liên Minh:

"Đây là cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên của NATO kể từ sau chiến dịch di tản trong hỗn loạn khỏi Kabul. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phải xoa dịu các đồng minh đã chỉ trích quyết định vội vàng của Mỹ khi rút khỏi Afghanistan.

Theo tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, cuộc thảo luận đã giúp tháo gỡ ngòi nổ của những mối căng thẳng tiềm tàng, và chuẩn bị cho tương lai, cụ thể là Khái niệm Chiến lược mới của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

Ông Stoltenberg khẳng định : "Đúng là đôi khi có những bất đồng song phương, bất đồng giữa các đồng minh với nhau, nhưng NATO vẫn có thể đoàn kết xung quanh nhiệm vụ cốt lõi của mình, tiếp tục làm việc cùng nhau, củng cố liên minh trong một thế giới ngày càng cạnh tranh hơn. Và những thách thức mà chúng ta thấy ở Châu Á-Thái Bình Dương, sự trỗi dậy của Trung Quốc, chỉ khiến cho việc châu Âu và Bắc Mỹ sát cánh cùng nhau trong NATO càng trở nên quan trọng".

Và hơn cả Trung Quốc, lý do tồn tại mới của NATO là Nga. Các bộ trưởng trong khối đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố ủng hộ việc răn đe, và các hành động cần thiết ở vùng Biển Đen và vùng Baltic, cũng như thông qua một kế hoạch tổng thể mới về phòng thủ.

Lập trường đối với Moskva được gọi là "cách tiếp cận kép" và cũng dựa trên đối thoại. Thế nhưng, đối thoại với Nga đã trở nên rất phức tạp kể từ khi NATO trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga bị cáo buộc hoạt động gián điệp, kéo theo quyết định của Moskva đóng cửa cơ quan ngoại giao Nga bên cạnh NATO để trả đũa".

Thông cáo báo chí của NATO

Trong một thông cáo báo chí công bố hôm qua, NATO xác nhận là các bộ trưởng quốc phòng thành viên của khối đã thảo luận về cách thức tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của Liên Minh, giúp NATO tiếp tục thích ứng với một thế giới phức tạp hơn và cạnh tranh hơn.

Thông cáo đã nêu bật việc các bộ trưởng đã đồng ý trên một kế hoạch phòng thủ toàn diện mới của Liên Minh trong thời kỳ khủng hoảng và xung đột, cũng như chấp thuận các mục tiêu tăng cường năng lực của NATO để duy trì được khả năng răn đe và phòng thủ đáng tin cậy.

Bản thông cáo cũng nói rõ là các thành viên NATO đã rà soát các bước tiến đạt được trong việc đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng đến từ các hệ thống tên lửa của Nga.

Trọng Nghĩa

*********************

NATO chuẩn bị thông qua kế hoạch tổng thể nhằm đối phó với đe dọa đến từ Nga

Trọng Nghĩa, RFI, 21/10/2021

Nhân cuộc họp mở ra hôm 21/10/2021 tại tổng hành dinh khối NATO ở Bruxelles, Bỉ, bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sẽ thông qua một kế hoạch tổng thể mới nhằm chống lại bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào của Nga trên nhiều mặt trận, qua đó khẳng định trở lại rằng đối tượng chủ chốt của NATO vẫn là Nga, cho dù Liên Minh đang ngày càng chú ý đến Trung Quốc. 

nato2

Tổng thư ký khối NATO trong cuộc họp bộ trưởng quốc phòng các nước liên minh, ngày 21/10/2021, tại Bruxelles, Bỉ.  Reuters – Pascal Rossignol

Theo hãng tin Anh Reuters, chiến lược mới của NATO có mục tiêu dự phòng cách chống lại mọi cuộc tấn công đồng thời ở vùng Baltic và Biển Đen, những cuộc tấn công có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, tấn công mạng và tấn công từ không gian.

Các nhà ngoại giao thuộc khối NATO cho rằng chiến lược mới mang tên chính thức là "Khái niệm răn đe và phòng thủ ở khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương" và kế hoạch triển khai chiến lược này đã trở thành cần thiết trong bối cảnh Nga đang phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến và triển khai quân đội cũng như thiết bị gần biên giới của các nước thuộc Liên Minh. 

Theo bộ trưởng quốc phòng Đức, bà Annegret Kramp-Karrenbauer thì kế hoạch tổng thể của NATO là "một cách để răn đe". Phát biểu trên một đài phát thanh Đức, vị bộ trưởng cho biết là kế hoạch đó cũng đã được điều chỉnh để thích ứng được với các hành vi gần đây của Nga như vi phạm không phận các nước Baltic và tăng cường các hoạt động thâm nhập vào Hắc Hải. 

Còn theo một quan chức Mỹ, sau khi kế hoạch tổng thể được thông qua, các kế hoạch khu vực sẽ được cụ thể hóa từ nay đến hết năm 2022, cho phép NATO quyết định bổ sung thêm loại vũ khí nào và bố trí lực lượng của mình ra sao. 

Trước mắt, theo Reuters, các quan chức NATO vẫn trấn an rằng không có dấu hiệu nào cho thấy là Nga sắp sửa tấn công. 

Về phần mình, Moskva phủ nhận mọi ý định gây hấn và ngược lại đã đổ lỗi cho NATO là phía có nguy cơ gây bất ổn định cho Châu Âu khi chuẩn bị các kịch bản chiến tranh.

Trọng Nghĩa

*******************

Nga "dàn trận" tại Afghanistan

Thanh Hà, RFI, 21/10/2021

Moskva năng động hơn bao giờ hết trên hồ sơ Afghanistan. Nga, Trung Quốc và trong một chừng mực nào đó là Iran phải chăng là những cửa ngõ để Afghanistan dưới chính quyền của Taliban được cộng đồng quốc tế công nhận ? Hội nghị tại Moskva với sự tham dự của một chục quốc gia, nhưng không có Mỹ, hôm 20/10/2021 cho phép trả lời một phần câu hỏi này. 

nato3

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu tại hội thảo quốc tế về Afghanistan tại Moskva, Nga , ngày 20.10/2021 via Reuters - Russian Foreign Ministry

Trong thông cáo chung kết thúc hội nghị, các bên nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần nhìn nhận một "thực tế mới, Taliban đã lên nắm quyền" tại Afghanistan. Một tuần lễ sau hội nghị của nhóm G20 huy động một 1 tỷ đô la cứu trợ nhân đạo Afghanistan và đối thoại đầu tiên giữa Taliban với đại diện của chính quyền Mỹ tại Doha, đến lượt Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia tại Trung Á cùng với đại diện của chính quyền Taliban, họp tại Moskva dưới sự chủ tọa của ngoại trưởng Nga, Serguei Lavrov. Nga đã chuẩn bị cho thời khắc này từ nhiều năm qua.

Nga, một bậc thầy về ngoại giao

Chuyên gia về địa chính trị Nga và khu vực từng thuộc vùng ảnh hưởng của Liên Xô cũ, bà Carole Grimaud Potter được báo Le Figaro trích dẫn nhắc lại từ khi quân đội Liên Xô phải rút khỏi Afghanistan năm 1989 điện Kremlin chưa bao giờ sao nhãng với "tầm mức quan trọng chiến lược của Afghanistan". Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Moskva luôn duy trì mục tiêu tăng cường ổn định trong khu vực. Giờ đây, Kremlin lo ngại các "tổ chức thánh chiến Hồi giáo làm khuynh đảo những quốc gia lân cận vẫn còn trong vòng ảnh hưởng của Nga".

Chính vì mục tiêu an ninh, Nga từ 2015 đã nối lại đối thoại với Taliban thậm chí, đã trao đổi cả thông tin tình báo với phong trào sinh viên Afghanistan này về Daech, tổ chức tự nhận là một Nhà Nước Hồi giáo. Carole Grimaud Potter lưu ý, điều đó không cấm cản chính quyền Putin cho đến thời điểm đó vẫn xem Taliban là một "tổ chức khủng bố".

Năm 2017 điện Kremlin tiến thêm một bước nữa trên hồ sơ Afghanistan qua việc lôi kéo nhiều nước trong vùng, nhất là những quốc gia có đường biên giới chung với Afghanistan như Trung Quốc, Iran, hay Pakistan, Ấn Độ vào sáng kiến mang tên "Công thức Moskva về Afghanistan".

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các phe phái ngay trong chính hàng ngũ Taliban vẫn còn quá nhiều bất đồng, kết quả không được như Moskva mong đợi. Hơn nữa 2017 cũng là thời điểm Taliban bắt đầu đàm phán với Mỹ cho nên tiếng nói của Nga có phần "nhẹ ký".

Igor Delanoë phó giám đốc viện quan sát về tình hình Pháp-Nga cho rằng, giờ đây Mỹ đã hoàn toàn rút khỏi Afghanistan, Nga nghiễm nhiên và dễ dàng "đặt mình vào vị trí trung tâm" trên hồ sơ này. Một lợi thế khác của Moskva là Nga đủ uy tín để "tập hợp những đối tác như Ấn Độ hay Pakistan vốn có quan hệ mật thiết với Afghanistan" nhưng bản thân New Delhi và Islamabad lại không thể san bằng những xung khắc.

Moskva khai thác nỗi ám ảnh về an ninh

Trên bàn cờ ngoại giao phức tạp đó, ngoại trưởng Lavrov chứng tỏ là người có tầm nhìn xa : Nga có thể vượt lên trên những hiềm khích lịch sử, mở rộng các đối tác và nhất là chứng minh về "ảnh hưởng và sự năng động của mình" trên một hồ sơ nhậy cảm như Afghanistan. Igor Delanoë giải thích thêm : Nga chỉ có thể đóng một vai trò tích cực về Afghanistan với điều kiện biết cách nói chuyện với Pakistan.

Tuy nhiên cũng không quá khó để ngoại trưởng Nga thuyết phục các nước tham dự hội nghị Moskva về tính chính đáng của chính quyền Taliban tại Afghanistan. Khác với hồi 2017 giờ đây các bên đồng ý về ít nhất là ba điểm trên hồ sơ Afghanistan. Một là không muốn trông thấy quốc gia Nam Á nay lại lâm vào nội chiến. Hai là bằng mọi giá tránh để Trung Á phải đối mặt với một "làn sóng người tị nạn Afghanistan" và sau cùng, là làm thế nào để "gạt Hoa Kỳ ra khỏi khu vực".

Igor Delanoë lưu ý, mục đích thứ ba này chủ yếu liên quan đến Nga và Trung Quốc. Moskva cũng như Bắc Kinh không muốn Washington mở căn cứ quân sự với lý do để "có thể can thiệp từ xa" vào tình hình Afghanistan. 

Chuyên gia về địa chính trị Nga Carole Grimaud Potter đưa ra thêm nhiều giải thích khác về vai trò trung tâm của điện Kremlin. Thứ nhất, 10 nước tham dự hội nghị quốc tế về Afghanistan tại Moskva lần này đều là những nước hữu hảo với điện Kremlin.

Trung Quốc, Iran hay Pakistan, Ấn Độ là thành viên Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải và "an ninh là yếu tố hạt nhân gắn kết các thành viên". Kế tới là "quyền lợi kinh tế" : phần lớn các khách mời đến Moskva hôm 20/10/2021 đều tham gia dự án "Vành Đai, Con Đường" của Bắc Kinh do vậy lợi ích của Trung Quốc là "nhanh chóng vãn hồi hòa bình và ổn định tại Afghanistan".

Trở lại câu hỏi Công thức Moskva phiên bản 2021 phải chăng là bước đầu để cộng đồng quốc tế từng bước công nhận chính quyền Taliban, bình thường hóa quan hệ với Afghanistan ? Giới phân tích cho rằng còn quá sớm để giải đáp nhưng có một điều chắc chắn đó là Nga, cũng như Trung Quốc hay Iran chẳng bao giờ "cho không" một cái gì. Phó giám đốc đài quan sát Pháp-Nga, Igor Delanoë đặc biệt chú ý vào tính toán của điện Kremlin : "Nga không công nhận một chế độ nếu như không được lại quả một cách xứng đáng".

Moskva công nhận chính quyền Taliban ở Kaboul để đổi lấy "an ninh, hay hợp đồng quân sự và các dự án cơ sở hạ tầng". Với bà Carole Grimaud Potter, còn quá sớm để cho rằng Nga đã công nhận tính chính đáng của chính quyền Taliban, nhưng chỉ nội việc mời đại diện của một chính quyền mới ở Kaboul đến Moskva cũng đủ là một "hình thức để công nhận chế độ" đó. 

Thanh Hà

********************

Đối thoại quốc tế đầu tiên với Taliban : Nga đặc biệt lưu ý đến ổn định khu vực

Thùy Dương, RFI, 20/10/2021

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 20/10/2021 công nhận Taliban đã có những "nỗ lực" trong công cuộc ổn định Afghanistan, nhưng lưu ý nguy cơ "khủng bố" đến từ Afghanistan đang đe dọa toàn bộ khu vực. Có khoảng 10 nước tham gia cuộc găp, trong đó có Trung Quốc, Pakistan và Iran. Phái đoàn Taliban do phó thủ tướng Abdul Salam Hanafi dẫn đầu.

nato4

Thành viên phái đoàn Taliban tham dự một hội nghị quốc tế về Afghanistan tại Moskva (Nga) ngày 20/10/2021.  AFP – Alexander Zemlianishenko

Hãng tin Pháp AFP cho biết, trong cuộc đối thoại quốc tế đầu tiên với phe Taliban cầm quyền ở Afghanistan và diễn ra ở Moskva vào hôm ngoại trưởng Nga Serge Lavrov phát biểu : "Chúng tôi ghi nhận những nỗ lực đã được thực hiện để ổn định tình hình chính trị -quân sự" ở Afghanistan. Tuy nhiên, Moskva lưu ý về "một mối nguy có thực" : "các hoạt động khủng bố và buôn bán ma túy (...) tràn sang lãnh thổ các nước láng giềng".

Mục tiêu chính của của Nga là bảo đảm sự ổn định ở sườn phía nam, sát với Afghanistan. Từ Moskva, thông tín viên Anissa El Jabri cho biết thêm chi tiết :

"Ngày 03/10, một vụ nổ xảy ra tại một đền thờ Hồi giáo ở Kabul làm khoảng 20 người chết và hơn 30 người bị thương. Nga là một trong những quốc gia đầu tiên ra thông cáo lên án vụ tấn công mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm. Ngày 15/10, chính tổng thống Nga Vladimir Putin công khai lo ngại về các tham vọng và sức mạnh của tổ chức Hồi giáo cực đoan Daech.

Hồi đầu tuần, theo chủ nhân điện Kremlin, có 2.000 chiến binh chuẩn bị mở rộng ảnh hưởng ra toàn vùng Trung Á và nhiều vùng của Nga, trong số đó có các phần tử thánh chiến Hồi giáo dạn dày kinh nghiệm ở Syria và Iraq.

Không có bước chuyển đột phá cụ thể nào được mong đợi sẽ diễn ra vào thứ Tư (hôm nay) tại thủ đô nước Nga. Dẫu sao thì cuộc gặp cũng không được dự kiến để đạt điều đó. Moskva muốn nhắc lại yêu cầu của Nga về sự ổn định, có câu trả lời cho những câu hỏi của Nga về các phương cách Taliban dùng để đạt được điều đó.

Nếu để làm việc này, phe lãnh đạo mới ở Kabul phải phối hợp với các lực lượng khác, thì Moskva muốn có vai trò và coi mình là lực lượng không thể thiếu sau khi Mỹ rút quân. Hoa Kỳ không có đặc sứ tham gia cuộc họp này".

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Thanh Hà, Thùy Dương
Read 410 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)