Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/12/2021

G7 còn trọng lượng nào trước Nga và Trung Quốc ?

Tổng hợp

Biển Đông : Tại hội nghị G7, Nhật Bản yêu cầu Trung Quốc hành xử "có trách nhiệm"

Trọng Nghĩa, RFI, 12/12/2021

Nhân ngày họp đầu tiên của hội nghị ngoại trưởng nhóm G7 tại Liverpool (Anh Quốc) hôm 11/12/2021, lãnh đạo ngành ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa một lần nữa lên tiếng phản đối những nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông và yêu cầu Bắc Kinh "hành xử có trách nhiệm".

g71

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đến dự hội nghị G7 ở Liverpool (Anh) ngày 12/12/2021.  AP - Jon Super

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, bên cạnh vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông, ngoại trưởng Nhật còn bày tỏ thái độ hết sức quan ngại của Tokyo về tình hình nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình và ổn định tại khu vực eo biển Đài Loan.

Một thông cáo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã trích lời ngoại trưởng Hayashi tuyên bố rằng : "Nhật Bản hướng tới việc xây dựng một mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc, theo đó Tokyo sẽ khẳng định khi cần thiết và thúc đẩy Bắc Kinh hành xử có trách nhiệm, trong khi vẫn tiếp tục đối thoại và hợp tác (với Trung Quốc) để đối phó với các thách thức chung".

Theo Kyodo, các thành viên G7 khác - bao gồm Anh, Canada, Đức, Hoa Kỳ, Pháp, Ý - cùng với Liên Hiệp Châu Âu cũng phát biểu tại hội nghị, trong đó có những tuyên bố quan ngại về Trung Quốc.

Nhật Bản và Hoa Kỳ cam kết tăng cường hợp tác đối phó với Trung Quốc

Về phần Nhật Bản, bên lề hội nghị G7, ngoại trưởng Hayashi cũng đã có một cuộc họp song phương với đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken.

Theo Kyodo, hai bên đã nhất trí thức đẩy thêm hợp tác và tăng cường khả năng răn đe và phản ứng của liên minh Mỹ-Nhật nhằm chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng như các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.

Một cách cụ thể, hai ngoại trưởng Mỹ-Nhật đã nhắc lại quan diểm phản đối mạnh mẽ các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở các vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông. Cả hai ông Hayashi và Blinken đều nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác với khối Đông Nam Á ASEAN cũng như các quốc gia cùng chí hướng như Úc và Ấn Độ.

G7 họp với ASEAN

Vào hôm nay, 12/12, lần đầu tiên các ngoại trưởng nhóm G7 sẽ có cuộc họp với các đồng nhiệm ASEAN đã được mời đến Liverpool dự hội nghị G7.

Theo Kyodo, G7 và ASEAN dự kiến tìm cách phối hợp để đối phó với hai vấn đề : Trung Quốc gia tăng tiềm lực quân sự cũng như các hành vi ngày càng quyết đoán hơn trong việc áp đặt yêu sách chủ quyền ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Trọng Nghĩa

******************

G7 muốn "đoàn kết đối phó với những kẻ xâm lược thế giới"

Thu Hằng, RFI, 11/12/2021

Anh là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng nhóm G7 diễn ra trong hai ngày 11 và 12/12/2021 ở Liverpool để thể hiện đoàn kết trước "những kẻ xâm lược thế giới". Nga, Trung Quốc, Iran là những chủ đề chính trong chương trình nghị sự. Các nước ASEAN cũng được mời họp để tìm giải pháp về Miến Điện.

g72

Ngoại trưởng Anh Liz Truss (trái) đón đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken tham dự hội nghị ngoại trưởng G7 tại Liverpool, Anh, ngày 11/12/2021.  AP - Olivier Douliery

Theo Bộ Ngoại giao Anh, ngoại trưởng Liz Truss kêu gọi các đồng nhiệm G7 "thể hiện một mặt trận thống nhất chống lại những hành vi độc hại, kể cả lập trường của Nga về Ukraine, và cam kết về mặt an ninh, hỗ trợ kinh tế để bảo vệ những biên giới tự do trên thế giới"

Căng thẳng với Nga về tình hình Ukraine là hồ sơ lớn đầu tiên. Phương Tây cáo buộc Matxcơva âm mưu xâm chiếm Ukraine, trong khi điện Kremlin kịch liệt bác bỏ. Trong cuộc điện đàm ngày 07/12, tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu đồng nhiệm Mỹ đưa ra "các bảo đảm pháp lý" loại khả năng kết nạp Ukraine vào NATO.

Yêu cầu trên của tổng thống Nga bị tổng thư ký Jens Stoltenberg lên án hôm 10/12 là có ý đồ chiếm "một vùng ảnh hưởng" bất chấp "quyền của mỗi quốc gia được tự chọn vận mệnh". Theo ông, chỉ Ukraine và 30 nước thành viên NATO mới có quyền quyết định thiết lập quan hệ song phương như nào. Trước đó, ngoại trưởng Anh Liz Truss cũng cảnh báo Nga phạm "một sai lầm chiến lược" nếu xâm lược Ukraine. Tương tự, Liên Hiệp Châu Âu cũng dọa Nga phải "trả giá đắt".

Chủ đề thứ hai là cuộc khủng hoảng ở Miến Điện và an ninh trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Lần đầu tiên, ngoại trưởng các nước ASEAN được mời họp chung với G7 trong ngày 12/12. Phiên họp toàn thể do ngoại trưởng Anh chủ trì sẽ bàn về tình hình an toàn dịch tễ thế giới và ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Theo AFP, việc các nước ASEAN được mời họp với G7 cho thấy tầm quan trọng ngày càng lớn của vùng Đông Nam Á. 

Ngoại trưởng các nước G7 cũng đề cập đến hồ sơ hạt nhân Iran, kêu gọi chính quyền Tehran ngừng chạy đua vũ khí hạt nhân và trở lại bàn đàm phán Vienna đang bị bế tắc. 

Phát biểu trước hội nghị ngoại trưởng G7, bà Liz Truss kỳ vọng "Cuối tuần này, các nền dân chủ có sức ảnh hưởng nhất thế giới sẽ đưa ra lập trường chống lại những kẻ xâm lược tìm cách vi phạm các quyền tự do và sẽ gửi thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi là một mặt trận thống nhất".

Thu Hằng

*********************

G7 họp cảnh báo gắt Nga về Ukraine, bàn cùng nhau hành động đối phó Trung Quốc

Khôi Chương, Pháp Luật online, 12/12/2021

Nga và Trung Quốc trở thành hai vấn đề chính được các quốc gia nhóm G7 bàn thảo trong cuộc họp ở thành phố Liverpool, Anh hôm 12/12.

g70

Ngoại trưởng các nước thành viên nhóm G7 tham dự cuộc họp tại Thành phố Liverpool, Anh, ngày 12/12. Ảnh : Reuters

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng như các chính sách quyết liệt của Trung Quốc đã trở thành các chủ đề trọng tâm được bàn thảo trong cuộc họp của nhóm các nước G7 ở Thành phố Liverpool, Anh hôm 12/12.

Hãng tin Reuters cho biết nhóm G7 cảnh báo Moscow sẽ phải đối mặt với hậu quả to lớn và tổn thất nặng nề nếu quyết định tấn công Ukraine, đồng thời bày tỏ lo ngại về sự trỗi dậy của Bắc Kinh trong nhiều vấn đề.

G7 ủng hộ Ukraine, kêu gọi Nga giảm căng thẳng

Các nước G7 tuyên bố họ thống nhất trong việc lên án hành động tăng cường lực lượng quân đội của Nga gần biên giới với Ukraine và kêu gọi Moscow giảm leo thang căng thẳng.

"Nga nên hiểu rõ rằng việc tấn công nhằm vào Ukraine sẽ gây ra những hậu quả lớn và phải trả giá đắt. Chúng tôi kêu gọi Nga tránh căng thẳng leo thang, theo đuổi các kênh ngoại giao và tuân thủ các cam kết quốc tế về tính minh bạch của hoạt động quân sự" - nhóm G7 cho hay.

Nhóm bảy quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới đồng thời "tái khẳng định cam kết kiên định" của họ đối với "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như quyền của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào được xác định tương lai của chính mình".

Đại diện các nước G7 còn thể hiện sự ủng hộ đối với nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm hỗ trợ Ukraine và răn đe Moscow bằng những cảnh báo về các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc có thể được áp dụng.

Trước đó, Đại sứ quán Nga tại London vào tối ngày 11/12 đã nói rằng việc Anh thường xuyên sử dụng cụm từ "sự gây hấn của Nga" trong cuộc họp tại Liverpool là gây hiểu lầm và là cái cớ để tập hợp nhóm G7.

"Nga đã đưa ra nhiều đề nghị với NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) về cách giảm căng thẳng. Diễn đàn G7 có thể là cơ hội để thảo luận về chúng, nhưng cho đến nay chúng tôi không nghe thấy gì ngoài những lời gây hấn" - theo tuyên bố của Đại sứ quán Nga.

G7 : Cùng nhau hành động đối phó Trung Quốc

Bên cạnh vấn đề về Nga và Ukraine, các chính sách của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Bắc Kinh cũng trở thành vấn đề trọng tâm được nhóm G7 bàn thảo trong cuộc họp hôm 12/12.

Theo đó, Mỹ và các đồng minh G7 khác đang hướng đến một phản ứng nhất quán đối với sự quyết đoán ngày càng tăng của ông Tập Cận Bình sau sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của nước này trong 40 năm qua.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết ngoại trưởng các nước G7 đã thảo luận về tình hình ở Hong Kong, khu vực Tân Cương, vấn đề hỗ trợ cho Litva và tầm quan trọng của nền hòa bình ở eo biển Đài Loan.

"Chúng tôi đã nói rõ tại cuộc họp cuối tuần này rằng chúng tôi lo ngại về các chính sách kinh tế mang tính cưỡng chế của Trung Quốc" - Ngoại trưởng Anh nói với các phóng viên.

Bà Truss nhấn mạnh G7 muốn cùng nhau hành động vì Bắc Kinh nhưng không phải là thành lập "một câu lạc bộ chống Trung Quốc".

Trước đó, hôm 8/12, sau Úc, Anh và Mỹ, Canada trở thành quốc gia tiếp theo tẩy chay Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh. Trung Quốc cho biết các quốc gia này sẽ phải trả giá cho hành động khinh suất của họ, Reuters đưa tin.

Khôi Chương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Thu Hằng, Khôi Chương
Read 364 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)