Biến thể Omicron : Nước Pháp có nguy cơ bị tê liệt
Báo chí Pháp hôm 24/12/2021 dành một phần lớn cho chủ đề Giáng sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ trầm trọng thêm trong những ngày tới, với biến thể Omicron đang trên đường lây lan nhanh chóng.
Tại một điểm tiêm chủng ở Marseille, miền nam nước Pháp, ngày 01/12/2021. AP - Daniel Cole
Le Monde chạy tựa trang nhất : "Biến thể Omicron : Điều đáng sợ, điều gây hy vọng". Le Monde cho biết cụ thể là biến thể mới này chỉ trong vài ngày nữa sẽ trở thành chủng chiếm đa số các ca nhiễm mới tại Pháp, và theo Hội đồng Khoa học, sẽ làm đảo lộn đời sống xã hội. Một số dữ liệu ban đầu cho thấy là Omicron ít nguy hiểm hơn Delta, nhưng cần theo dõi sát tình hình tại Anh trong tuần tới để có thể điều chỉnh lại đánh giá. Các kết quả nghiên cứu đầu tiên cho thấy biến thể này dễ dàng lọt lưới hàng rào phòng vệ vac-xin và dược phẩm, do vậy gây tái nhiễm nhiều hơn.
Quy định hiện hành : Có thể phải cách ly đến 10 triệu người/ngày
Theo Le Monde, các chuyên gia lo ngại là nước Pháp sẽ bị tê liệt nếu số ca nhiễm tăng vọt. Lo ngại về hai phương diện : thứ nhất là bệnh viện quá tải, và thứ hai là các dịch vụ cơ bản bị đe dọa, như cung ứng thực phẩm, an ninh, năng lượng, vận tải, truyền thông. Hiện tại, nếu một người bị nghi nhiễm virus thì phải cách ly trong vòng 7 ngày. Nếu tiếp xúc gần với người sống cùng bị nhiễm, sẽ phải cách ly trong 17 ngày, cho dù đã được chích ngừa. Theo nhà dịch tễ học Antoine Flahault, giám đốc viện y tế toàn diện (đại học Genève), trên Twitter hôm 23/12, biện pháp này có thể khiến nước Pháp "tê liệt", bởi vì, với biến thể mới, ước tính một người có thể lây cho 10 người. Như vậy, nếu có 100.000 ca nhiễm/ngày, thì sẽ có 1 triệu người nghi nhiễm phải cách ly, tương đương với 10 triệu người nghỉ lao động/ngày. Nhà dịch tễ học đề xuất chỉ nên cách ly người nhiễm trong vòng 5 ngày, và việc cách ly người nghi nhiễm là "vô ích".
Về phần mình, nhật báo kinh tế Les Echos đặc biệt chú ý đến việc chính phủ điều chỉnh chiến lược để đối phó với dịch bệnh, hiện đã lên tới khoảng 88 nghìn ca nhiễm/ngày (hôm 22/12), mức kỷ lục. Dự kiến số ca nhiễm sẽ lên đến hàng trăm nghìn vào tháng Giêng tới. Theo Les Echos, chính phủ "muốn thay đổi quy định về cách ly, để tránh để đất nước bị tê liệt".
Anh : Tỉ lệ ca nhiễm nhập viện thấp hơn 70% so với Delta
Tình hình tại Anh, nơi dịch bệnh "đi trước khoảng mươi ngày" được theo dõi chặt ở Pháp. Theo một phân tích từ Cơ quan An toàn Y tế Anh, công bố tối qua, tỉ lệ người nhiễm Omicron phải nhập viện thấp hơn 70% so với Delta.
Bộ Lao động và bộ Y tế Pháp đảm bảo là sẽ điều chỉnh kịp thời quy định cách ly, để tránh tê liệt đất nước. Tổng thống Macron trong một thông điệp trên mạng xã hội, nhấn mạnh : tiêm chủng, xét nghiệm, các biện pháp đề phòng (khẩu trang, rửa tay, thông khí, giảm tiếp xúc) là những biện pháp căn bản giúp hãm lại dịch bệnh.
Trở lại với Le Monde. Hiện tại, còn rất nhiều ẩn số xung quanh biến thể Omicron. Tuy nhiên giới khoa học cũng dần dần có thêm thông tin cụ thể hơn. Theo ông Olivier Schwartz, Viện Pasteur, cơ thể con người cần đến từ 5 đến 31 lần kháng thể nhiều hơn để có thể vô hiệu hóa Omicron so với Delta.
Giới chuyên gia Pháp cũng theo dõi sát tình hình tại Nam Phi. Trái ngược với tình hình tại Anh, dịch bệnh có chiều hướng thoái lùi nhanh chóng. Đây là điều khá gây ngạc nhiên. Nhưng lý do có thể dễ giải thích, đó là do Nam Phi đang vào tiết hè, tại Pháp vào mùa hè vừa qua, làn sóng dịch thứ tư cũng đã được vượt qua không mấy khó khăn.
Theo Le Monde, tình hình dịch bệnh bất định tại Pháp có thể làm đảo lộn cuộc tranh cử tổng thống, về hình thức cũng nội dung. Các đảng phái tranh cử khó tổ chức các cuộc mít tinh đông người.
"Bất chấp dịch bệnh, dân Pháp vẫn ăn mừng Noel"
"Bất chấp dịch bệnh", theo Le Figaro, "dân Pháp vẫn ăn mừng Noel" (tựa trang nhất). Nhật báo thiên hữu cho biết dân Pháp ồ ạt mua xét nghiệm trong dịp này. Một thăm dò dư luận của Odoxa-Bakhbone Consulting cho biết đại đa số dân Pháp "cương quyết" duy trì bữa ăn gia đình nhiều thế hệ, cho dù vấn đề ủng hộ hay chống vac-xin có thể là đầu mối gây bất hòa trong một số gia đình.
Bài xã luận của Le Figaro, nhan đề "Thận trọng và hy vọng", lên án trực diện thái độ của chính phủ mà nhật báo thiên hữu khẳng định là "mang tính bề trên, lên lớp dạy dỗ". Theo Le Figaro, chính phủ can thiệp quá sâu vào đời sống gia đình, khi đưa ra "những lời huấn thị", chẳng hạn về việc phải cách ly như thế nào khi có triệu chứng. Le Figaro khẳng định chính quyền nên đối xử bình đẳng, tin tưởng vào các công dân, bởi "ai lại là người muốn gây nguy hiểm cho thân nhân của mình". Sẽ là vô ích nếu làm công việc kiểm tra giấy chứng nhận y tế bên cây thông Noel, nhật báo thiên hữu giễu cợt.
"Kỳ Giáng sinh bị đảo lộn"
Cũng về dịp lễ Noel trong bối cảnh dịch bệnh, La Croix có bài xã luận "Kỳ Giáng sinh bị đảo lộn". Nhật báo công giáo thừa nhận là kỳ Noel này bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch. Nhiều nhân chứng cho La Croix biết nhiều gia đình phải đón Noel trực tuyến, nhiều người buộc phải ở nhà không thể đi dự thánh lễ. Nhiều gia đình tổ chức hai bữa sum họp Noel tách biệt, một bên là những người khỏe, bên kia là người nhiễm bệnh. Dù sao, nhật báo công giáo cũng khuyến nghị, chừng nào tổ chức được các cuộc đoàn tụ gia đình thì đừng nên bỏ lỡ.
Trang nhất nhật báo công giáo La Croix dành để tri ân "những người trực đêm" tại các bệnh viện, trên nền hình ảnh em bé sơ sinh tên Victoire, ra đời ngày 28/03/2021, khi người mẹ phải nhập viện để điều trị Covid, và "sinh con trong tình trạng hôn mê". Trong vòng một tháng trời, hai nữ y tá, bộ phận hồi sức sản phụ vừa sinh Porte-Royal, Paris, đã thay nhau túc trực ngày đêm để bảo vệ sinh mạng của bé sơ sinh non tháng : chỉ nặng 1,3 kg với chiều cao 40 cm (sinh sáu tháng rưỡi).
Dịch bệnh có thể kích động xu thế bài ngoại
Vẫn về dịch bệnh, nhưng Libération có tiếp cận khác. Nhật báo thiên tả không tập trung vào kỳ Noel, mà nhìn rộng hơn. "Năm 2021 là năm trở lại với tình huống bất thường" là hồ sơ chính của Libération.
Tờ báo nhấn mạnh là, "hy vọng cái khó khăn nhất đã thuộc về quá khứ" đã không trở thành hiện thực, giờ đây Covid tiếp tục ở lại lâu dài, làm đảo lộn một cách lâu dài các chuẩn mực mà chúng ta tin tưởng lâu nay.
Libération đặc biệt lo ngại về tình hình dịch bệnh như vậy có thể khuyến khích "xu hướng co cụm về trú ẩn trong các yêu sách về bản sắc". Một ví dụ tiêu biểu được Libération nhắc đến là sự trỗi dậy mạnh mẽ của ứng cử viên Eric Zemmour, một người có tư tưởng bài ngoại, bị ám ảnh bởi Hồi giáo, được coi là "biểu tượng đáng khinh bỉ nhất của việc từ chối những pha trộn về văn hóa, sắc tộc, từ chối việc tiếp nhận những người thuộc các văn hóa khác".
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn nữa, theo Libération, là việc từ chối những pha trộn về văn hóa, sắc tộc có thể thấy ở khắp nơi, "thậm chí trong cả hàng ngũ những người cực tả".
Libération cũng cảnh báo tính chất nguy hiểm của thế giới Facebook trong thời gian dịch bệnh, khi mạng xã hội này, trong năm 2021, "đã tạo ra một vũ trụ khép kín" để làm nơi ẩn náu của rất nhiều người muốn lẩn trốn vào đó để tránh phải đối mặt với thực tại tàn nhẫn, sợ hãi trước những đe dọa ngày càng nhãn tiền từ các hậu quả của biến đổi khí hậu.
Sự mập mờ của Putin trong hồ sơ Ukraine
Cùng với nỗi lo dịch bệnh, một ám ảnh lớn đối với nước Pháp, với Châu Âu, là đe dọa từ mặt trận phía đông, ở vùng biên giới Ukraine, đe dọa từ nước Nga. "Putin mập mờ trong hồ sơ Ukraine" là tựa của Le Figaro. Theo tờ báo, trong bài phát biểu thường niên, tổng thống Nga hôm qua khẳng định sẽ mở thương thuyết với Hoa Kỳ vào tháng tới tại Genève. Chủ đề Ukraine chỉ có một vị trí bên lề với ba câu hỏi, trong cuộc trả lời phỏng vấn dài bốn giờ của nguyên thủ Nga trước 500 nhà báo. Le Figaro ghi nhận thái độ "mềm mỏng hơn" của tổng thống Nga so với những ngày trước đó.
Bất chấp các phản ứng tiêu cực của các nước phương Tây về các đòi hỏi của Nga, yêu cầu xem lại hoàn toàn hồ sơ an ninh liên quan đến sườn phía tây nước Nga, ông Putin vẫn khẳng định thái độ của phía Mỹ là tích cực. Tổng thống Nga khắng định đang "trái bóng bên sân" phương Tây.
Tương tự với Le Figaro, Le Monde ghi nhận việc tổng thống Nga đột ngột thay đổi giọng điệu, và khen ngợi phản ứng từ phía Mỹ, liên quan đến việc đàm phán về sự hiện diện của khối NATO tại vùng ven biên giới phía tây nước Nga. Về đe dọa của tổng thống Nga, Libération đặt câu hỏi, đây là đe dọa thực sự hay một đòn nghi binh ? Dù đe dọa thực sự hay nghi binh, theo Libération, việc chính quyền Nga giương oai giễu võ cũng khiến việc trở lui là rất khó.
Châu Âu : Gia tăng giã từ hạt nhân, nguy cơ khủng hoảng năng lượng
Năng lượng hạt nhân sụt giảm mạnh gây khó khăn cho Châu Âu là tựa chính của Les Echos. Nước Bỉ quyết định từ bỏ điện hạt nhân hạt nhân trong bốn năm tới. Đây là quyết định nằm trong kế hoạch, nhưng vẫn khiến giới năng lượng đau đầu. Vào năm 2023, điện hạt nhân của Châu Âu dự kiến giảm 23%, điện than giảm 78% cùng kỳ.
Tình hình rất đáng lo ngại bởi các năng lượng tái tạo chưa đủ sức vọt lên lấp đầy chỗ trống. Theo dự báo của McKinsey, tỉ lệ điện dựa vào các nguồn năng lượng không ổn định (gió, mặt trời…) sẽ tăng từ 35% hiện nay lên 60%, khiến giá năng lượng có thể tăng vọt.
Đài thiên văn đi tìm dấu vết vũ trụ : "Món quà Noel tuyệt vời cho nhân loại"
Libération, hôm nay ra số kép cuối tuần, dành một chủ đề chính khác cho chuyến bay lịch sử, mà tờ báo này gọi là "Món quà Noel tuyệt vời cho nhân loại" trong bài xã luận tựa đề "Ngày hội".
"Món quà tuyệt vời cho nhân loại". Nhật báo Libération không nói quá. Tên lửa Ariane 5 của Pháp sẽ phóng lên không gian "một cỗ máy chưa từng có trong lịch sử". Một đài thiên văn khổng lồ, trị giá 10 tỉ đô la, sản phẩm do Mỹ, các nước Châu Âu và Canada hợp tác chế tạo trong vòng 30 năm.
Đài thiên văn mang tên JWST sẽ được đưa lên vị trí cách Trái đất khoảng 1,5 triệu km. JWST sẽ thay thế cho kính viễn vọng không gian Hubble, với tầm quan sát gấp ba lần. Kính viễn vọng mới có mục tiêu phát hiện những dấu vết của thời kỳ vũ trụ sinh thành cách nay gần 14 tỉ năm, và những mầm mống của sự sống. Nếu mọi việc suôn sẻ, JWST sẽ gửi về những hình ảnh đầu tiên trong 6 tháng nữa.
Trọng Thành