Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

25/12/2021

Điểm tuần báo Pháp – Châu Mỹ Latinh đang bị lấn chiếm

RFI tiếng Việt

Châu Mỹ Latinh : "Sân sau của Mỹ" đang trở thành "đất săn riêng" của Trung Quốc

Vào dịp cuối năm 2021 này, như thông lệ, các tuần báo đều ra ấn bản đặc biệt, với những chủ đề khác lạ so với ngày thường, nhưng cũng tiếp tục quan tâm đến tình hình thời sự thường nhật. Rất đáng chú ý là một bài điều tra dài trên tạp chí Pháp L’Express về ý đồ thống trị thế giới ngày càng rõ nét của Trung Quốc.

lo1

Tầu cá mang cờ Trung Quốc Lu Rong Yuan Yu 609 chuẩn bị đánh bắt gần quần đảo Galapagos thuộc Ecuador, ngày 19/07/2021. AP - Joshua Goodman

Bài viết mang tựa đề "Cách thức Trung Quốc thâu tóm Châu Mỹ Latinh" ghi nhận là khu vực từng được mệnh danh là "sân sau của Washington" giờ đây đã trở thành "đất săn riêng" của Bắc Kinh. 

Ecuador : Tàu cá Trung Quốc tàn phá khu bảo tồn sinh thái Galapagos

Bài viết mở đầu bằng một ghi nhận đáng ngại : "Khi quý vị đang đọc những dòng chữ này, khoảng 300 tàu đánh cá Trung Quốc đang bao quanh 19 đảo thuộc quần đảo Galapagos… liên tục đánh bắt suốt ngày đêm, gây ra thiệt hại không thể khắc phục được đối với đa dạng sinh học. Cá và mực được đông lạnh ngay lập tức trên tàu và đóng gói để đem về bán tại thị trường Trung Quốc, nơi có 1,4 tỷ người tiêu dùng". 

Galapagos là một vùng lãnh thổ của quốc gia Nam Mỹ Ecuador được UNESCO công nhận là Di Sản Thế Giới, cách bờ biển 1.000 km. 

Theo nhà địa lý và chuyên gia về Trung Quốc đương đại Emmanuel Véron : "Sau khi vơ vét hải sản tại Ecuador, đội tàu này thường hướng đến Đảo Phục Sinh (Isla de Pascua), ngoài khơi Chile, để gây ra thiệt hại tương tự ở đó". Sau đó họ hướng về Trung Quốc, tạm nghỉ chờ đến chiến dịch đánh bắt xa bờ sau đó, một chiến dịch kéo dài năm tháng. 

Quito bất lực vì mắc nợ Trung Quốc quá nhiều

Câu hỏi đặt ra là vì sao Ecuador lại chấp nhận việc tài nguyên của mình bị cướp bóc ? Theo một cựu thành viên chính quyền Hoa Kỳ, câu trả lời rất đơn giản. Chính quyền Ecuador đã vay mượn quá nhiều của Trung Quốc. Với giá dầu hỏa, nguồn lợi tức chính của quốc gia sản xuất dầu này, bị sụt giảm đáng kể từ năm 2010, Quito không còn khả năng trả nợ, nên đành phải để cho Bắc Kinh muốn làm gì thì làm. 

Đối với L’Express, ví dụ điển hình của Ecuador minh họa cho một thay đổi địa chính trị lớn : Sự phụ thuộc của Châu Mỹ Latinh vào Trung Quốc từ khoảng 15 năm nay, bắt đầu từ sau khi Bắc Kinh gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vào năm 2001.

Sau Châu Phi, Châu Mỹ Latinh thành vùng đất khai thác béo bở

Theo kinh tế gia Emmanuel Hache, chuyên nghiên cứu các nền kinh tế Châu Á thì sau khi đã "đô hộ", Trung Quốc coi lục địa Latinh như một vùng đất khai thác béo bở khác.

Bà Sylvie Bermann, đại sứ Pháp tại Bắc Kinh (từ năm 2011 đến năm 2014), tóm tắt trong một hội nghị gần đây tại Quỹ France-Amériques ở Paris : "Đối với an ninh lương thực của Trung Quốc, Châu Mỹ Latinh trở nên thiết yếu"

Trung Quốc đang đặt mục tiêu vào các nguyên liệu thô mà họ thiếu : nông sản (đậu nành), nhiên liệu hóa thạch (dầu hỏa), quặng mỏ (sắt). Kể từ năm 2005, họ cũng đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường bộ, cảng và thủy điện.

40 hải cảng nhìn ra hai đại dương trong tay Trung Quốc

Kết quả là đế chế Trung Hoa kiểm soát hoặc sở hữu cổ phần tại bốn mươi cảng trên bờ biển của cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, và ở lối vào Kênh đào Panama. Một trong những cảng này nằm trong một phần của dự án lớn của Trung Quốc ở El Salvador, sẽ chiếm 1/10 diện tích của đất nước nhỏ bé này. 

Trên khắp vùng Châu Mỹ Latinh, Trung Quốc còn có cơ sở hạ tầng khác, chẳng hạn như mười lăm cơ sở thủy điện lớn. Ở Chile, họ kiểm soát 57% việc phân phối điện.

Tài nguyên dưới lòng đất cũng bị Bắc Kinh nhòm ngó. Ngoài sắt ở Brazil, Trung Quốc còn nhắm đến loại khoáng sản "chuyển đổi năng lượng" : Lithium và đồng từ Bolivia, Chile và Argentina, những thứ cần thiết cho việc sản xuất pin. 

Nguy cơ dùng cơ sở dân sự cho mục tiêu quân sự

Sự hiện diện của Trung Quốc tại Châu Mỹ Latinh dĩ nhiên đã khiến Hoa Kỳ lo ngại, đặc biệt là dưới góc độ chiến lược. Mối quan tâm đặc biệt của Lầu Năm Góc là viễn cảnh Bắc Kinh dễ dàng sử dụng các cảng thương mại và sân bay dân sự vào mục tiêu quân sự. 

Một vấn đề khác đáng quan ngại là công trình xây dựng một trạm liên lạc với vệ tinh của Trung Quốc vào năm 2017 ở tỉnh Neuquén, thuộc vùng Patagonia ở Argentina, do bộ Quốc phòng Trung Quốc trực tiếp quản lý, mà không có quyền giám sát của Argentina.

Washington cũng nghi ngờ Bắc Kinh đứng sau dự án xây dựng căn cứ hải quân ở vùng Tierra del Fuego của Argentina.

Ngoài ra cũng có thể kể đến tuyến cáp Internet ngầm duy nhất kết nối Châu Phi với Nam Mỹ do tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi triển khai vào năm 2018, nối Cameroon với Brazil. Phương Tây, đi đầu là Mỹ, coi đó là mối nguy hiểm đối với hệ thống liên lạc thông tin của họ.

Brazil đã bị Trung Quốc "mua đứt" ? 

Không ở đâu dấu ấn của Trung Quốc lại đậm nét như ở Brazil. Tổng thống Bolsonaro từng tuyên bố : "Người Trung Quốc không mua sắm ở Brazil mà họ đang mua cả Brazil".

Kể từ đầu thế kỷ, khối lượng thương mại giữa hai bên đã tăng lên 75 lần : Từ 1,5 tỷ đô la năm 1999, trị giá giao dịch thương mại Brazil-Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 115 tỷ trong năm nay. 

Không bằng lòng với việc mua sắm tại "siêu thị Latinh", Trung Quốc còn đang tung hàng tràn ngập khắp lục địa với các mặt hàng "made in China", từ đồ gia dụng cho đến các sản phẩm công nghệ.

Các loại camera giám sát (Hikvision) hoặc camera nhận dạng khuôn mặt (SenseTime) có mặt ở nhiều cảng và sân bay. Đây là một thị trường đầy hứa hẹn : Vùng Châu Mỹ Latinh là nơi sinh sống của 8% dân số thế giới nhưng lại tập trung 1/3 số vụ sát nhân trên hành tinh. Do đó, ngành kinh doanh an ninh và giám sát có một tương lai tươi sáng phía trước. 

Lợi thế của Trung Quốc : Không cần quan tâm đến nhân quyền

Theo L’Express, ở Châu Mỹ Latinh, phương Tây bị thất thế so với Trung Quốc vì nguyên tắc tôn trọng quyền con người.

Bà Geneviève des Rivières, một nhà ngoại giao Canada từng làm đại sứ tại Peru, Colombia và Bolivia, nhớ lại : "Khi các công ty khai thác mỏ của phương Tây đầu tư ra nước ngoài, họ đều cam kết có một thái độ có trách nhiệm, phù hợp với các tiêu chuẩn xã hội của Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc thì đặt mình bên trên" luật lệ quốc tế. 

Nợ nần chồng chất, một số quốc gia như Ecuador và Argentina có rất ít cơ hội để đối phó với chủ nợ Trung Quốc. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, vùng Châu Mỹ Latinh còn bị Bắc Kinh gây áp lực thông qua ngoại giao vac-xin, dùng việc cung cấp thuốc chủng để bắt bí các đối tác

Khoa học không hề chứng minh là Chúa tồn tại 

Sau Courrier International tuần trước với chủ đề "Mai đây chúng ta sẽ ăn những thức gì ?", Le Point với hồ sơ đặc biêt "Trung Quốc và phương Tây" và The Economist với chủ đề đơn giản "Christmas - Giáng Sinh", tuần này đến lượt L’Obs L’Express ra số vừa tất niên, vừa tân niên. 

Trên trang bìa, tuần báo Pháp L’Express nêu bật hồ sơ đặc biệt cuối năm của mình trong hàng tựa lớn "Chúa và khoa học", phản bác lập luận được nêu lên trong quyển biên khảo "Chúa, khoa học, bằng chứng", của hai tác giả Michel-Yves Bolloré và Olivier Bonnassies, một quyển sách đột nhiên được bán rất chạy tại Pháp trong những ngày gần đây. 

Theo L’Express, các tác giả quyển sách, vốn là người công giáo rất ngoan đạo, đã cố gắng nêu bật "những bằng chứng hiện đại về sự tồn tại của Chúa", dựa trên những phát hiện khoa học, đặc biệt là những khám phá mới về không gian vũ trụ. 

Có điều, theo tạp chí Pháp, các lập luận nêu ra không vững chắc, và các "nhà khoa học rất lớn" mà theo hai tác giả, đã cộng tác với họ trong quá trình biên khảo, chủ yếu là những người "công giáo đấu tranh", chủ trương gắn liền thần học với khoa học.

L’Express không ngần ngại tiết lộ rằng nhà vật lý học Mỹ Robert Woodrow Wilson, người được trao giải Nobel Vật Lý năm 1978 đã thừa nhận với tạp chí Pháp rằng ông đã "sai lầm" khi ký lời tựa cho quyển sách, và theo ông, "cần duy trì tách biệt giữa khoa học và tôn giáo"

Trích dẫn nhiều nhà khoa học khác, L’Express cho rằng từ một thế kỷ nay, kiến thức về sự tiến hóa của Vũ Trụ đã có bước tiến nhảy vọt, nhưng các phát hiện không hề chứng minh sự tồn tại của một "Thượng đế tạo nên vạn vật" như lời khẳng định của các tác giả quyển "Tượng đế, khoa học, bằng chứng"

Trong hồ sơ đặc biệt của mình, L'Express cũng đi sâu vào tìm hiểu quan niệm về "Thượng đế" - ít được chú ý - của bốn nhà khoa học vĩ đại Newton, Darwin, Einstein và Hawking mà những đóng góp cực lớn cho nhân loại hầu như đều được mọi người biết đến. 

Nhìn lại lịch sử Pháp bằng con mắt mới 

Về phần mình, tuần báo L’Obs nhìn lại nước Pháp, với một tựa lớn khá bí hiểm ngay trên trang bìa : "Một lịch sử nước Pháp mới". Tuy nhiên tờ báo đã giải thích ngay bằng môt tiểu tựa bên dưới : "30 mốc lịch sử để phủi bụi trên câu chuyện dài về nước Pháp", tức là để có một cái nhìn mới về lịch sử nước Pháp. 

Trong bài xã luận mang tựa đề "Lịch sử nào cho nước Pháp ?"L’Obs ghi nhận các lập luận dân tộc chủ nghĩa đang nở rộ tại Pháp nhân cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2022 đã bắt đầu diễn ra, với cả cánh hữu truyền thống lẫn cánh hữu cực đoan đều viện dẫn lịch sử để tranh thủ cử tri bằng cách kích động tinh thần dân tộc. 

Theo tạp chí Pháp, động thái này không có gì là mới : Cách nay 5 năm, cựu tổng thống Nicolas Sarkozy đã từng hô hào "Tổ tiên của chúng ta là người ‘Gaulois’", ứng cử viên cánh hữu François Fillon từng tán thưởng mô hình giáo dục Trung Quốc để bày tỏ thái độ phẫn nộ trước điều mà ông cho là "giới trẻ Pháp chi biết cảm thấy xấu hổ" về lịch sử nước mình, và Marine Le Pen thuộc phe cực hữu đã tôn vinh một "Nước Pháp vĩnh cửu", cho dù đây là một thực thể chưa bao giờ ngừng chuyển hóa. 

Điều đáng nói, theo L’Obs, là những lập luận kiểu như trên trong những ngày gần đây đã bị Eric Zemmour, một ứng cử viên cực hữu khác bỏ xa đằng sau. Tạp chí Pháp đã nêu bật một ví dụ : Đối với Zemmour, thống chế Pétain, người đã áp dụng chặt chẽ chính sách bài Do Thái tàn bạo của Đức Quốc Xã tại Pháp thời Thế Chiến Thứ II, lại là người "bảo vệ dân Do Thái ở Pháp"

Pháp đã có chính sách phát triển bền vững từ thế kỷ 14 ?

Đối với tạp chí Pháp, lịch sử của một nước là điều đáng tự hào, cần được mỗi người nhập tâm, nhưng không phải một cách mù quáng, thiển cận. Ở mỗi giai đoạn, cái nhìn về lịch sử mỗi khác, và trong thế kỷ 21 này, các vấn đề đã đổi khác so với những gì được giảng dạy trong những quyển sách giáo khoa cũ kỹ thời tiểu học.

Chính vì thế mà trong số tất niên, L’Obs muốn cung cấp cho độc giả những cái mốc lịch sử khác, mà theo tạp chí, để mọi người hiểu rõ hơn về một di sản "phong phú phi thường" đáng tự hào do tính chất tiên phong. Trang bìa của L’Obs đăng hình vẽ bà Olympe de Gouges, một nhà văn kiêm chính khách Pháp vào nửa cuối thế kỷ 18, người đã viết ra bản "Tuyên ngôn về quyền của phụ nữ và công dân" vào năm 1791 và kêu gọi xóa bỏ chế độ nô lệ. 

Một cột mốc khác được L’Obs nêu bật trong hồ sơ là Bộ Luật Lâm Nghiệp đầu tiên chống nạn khai thác rừng quá mức, được ban hành từ năm 1346, tức là từ thế kỷ thứ 14. Tạp chí tự hỏi : Phải chăng đây là xuất phát điểm của xu hướng phát triển bền vững đang được tôn sùng hiện nay. 

Ý là quốc gia tiêu biểu năm 2021

Tổng kết cuối năm, một sự kiện khác được mọi người chờ đợi là danh tánh quốc gia tiến bộ nhất trong năm theo đánh giá của tuần báo Anh The Economist

Trong số đặc biệt Giáng Sinh ra từ tuần trước, The Economist đã chọn Ý là "Quốc gia trong năm - Country of the year" vì đã thay đổi theo chiều hướng đúng đắn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành. 

Tuần báo Anh nhấn mạnh rằng cuộc bình chọn của họ không dựa trên tiêu chí quốc gia lớn nhất, giàu nhất hoặc hạnh phúc nhất mà là "quốc gia nơi tình hình được cải thiện nhiều nhất" trong năm 2021. Trong quá khứ, danh hiệu này từng được trao cho Uzbekistan (vì đã xóa bỏ chế độ nô lệ), cho Colombia (vì nỗ lực kết thúc nội chiến) hoặc Tunisia (vì đã tiến bước trên con đường dân chủ).

Còn đối với Ý năm nay, thành tích đáng khen không liên quan đến chiến thắng của đội bóng quốc gia tại Cúp Bóng đá Châu Âu EURO 2020 hay việc giành được giải Ca khúc Truyền hình Châu Âu Eurovision 2021, mà là "các chính sách" của nước này, bao gồm chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 với tỷ lệ "cao nhất ở Châu Âu", một thành công có được nhờ sự điều hành tốt của tân thủ tướng Mario Draghi 

Tuần báo Anh công nhận rằng trong quá khứ họ đã từng nhiều lần đả kích Ý về việc chọn lãnh đạo, như trong trường hợp ông Silvio Berlusconi trước đây. Nhưng lần này, "với Mario Draghi, nước Ý đã có được một vị thủ tướng tài ba và được cả thế giới kính trọng. Lần này, đại đa số các chính trị gia đất nước đã dẹp đi sự bất đồng để ủng hộ một chương trình cải cách sâu rộng… giúp cho nền kinh tế khởi sắc nhanh hơn cả Pháp và Đức". 

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 348 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)