Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/02/2022

EU : Điện hạt nhân và khí đốt là năng lượng "xanh" chống biến đổi khí hậu

RFI tiếng Việt

Bất chấp những ý kiến phản đối, ngày 02/02/2022, Ủy Ban Châu Âu công nhận nguyên tử và khí đốt là năng lượng "xanh", kèm theo một số điều kiện, góp phần vào việc chống biến đổi khí hậu.

nangluong1

Nhà máy điện hạt nhân ở Doel, Bỉ. Ảnh chụp ngày 01/02/2022.  Reuters – Johanna Geron

Tại cuộc họp hàng tuần vào sáng 02/02, các ủy viên Châu Âu thông qua danh sách các tiêu chí cho phép xếp loại "bền vững" các khoản đầu tư vào nhà máy điện hạt nhân hoặc khí đốt để sản xuất điện. Văn bản này sẽ giúp huy động nguồn vốn tư nhân vào các hoạt động giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính để đạt đến mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050 của Liên Hiệp Châu Âu.

Văn bản, được giới thiệu đến báo chí vào chiều cùng ngày, quy định nhiều điều kiện nghiêm ngặt đối với việc đánh giá hạt nhân và khí đốt là năng lượng "xanh", trong đó có hạn chế về thời gian, cũng như bắt buộc sử dụng những công nghệ mới nhất.

Ví dụ, để xây dựng những nhà máy điện hạt nhân mới, các dự án phải nhận được giấy phép xây dựng trước năm 2045. Việc cải tiến giúp kéo dài tuổi thọ các nhà máy điện hạt nhân đang tồn tại phải được cấp phép trước năm 2040.

Liên quan đến khí đốt, Ủy Ban Châu Âu quy định mức tối đa khí thải CO2 : dưới 100 gram đối với mỗi kWh. Theo giới chuyên gia, đây là ngưỡng khó đạt được với những công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển đổi, các nhà máy sử dụng khí đốt để sản xuất điện nhận được giấy phép xây dựng trước ngày 31/12/2030 sẽ được phép vượt ngưỡng quy định trên, lên thành 270 gram khí thải CO2 đối với mỗi kWh, với điều kiện phải thay thế những cơ sở hạ tầng gây ô nhiễm nhất.

AFP nhắc lại đây là những chủ đề gây chia rẽ 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, khiến nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền bất bình và gây nghi ngờ trong giới tài chính. Pháp, Ba Lan và Cộng Hòa Séc ủng hộ dự án vì Paris muốn tái khởi động ngành năng lượng hạt nhân, trong khi hai nước Trung Âu muốn thay thế các nhà máy nhiệt điện.

Một nhóm nhỏ gồm Áo, Luxembourg và Đức thì muốn loại điện hạt nhân và tập trung vào năng lượng tái tạo. Bốn nước khác, Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển thì phản đối nhãn hiệu "xanh" đối với khí đốt.

Trong thời hạn bốn tháng kể từ ngày 02/02, Nghị Viện Châu Âu có thể bác văn bản này chỉ cần với đa số phiếu. Về lý thuyết, Hội Đồng Châu Âu cũng có quyền phản đối với điều kiện phải được 20 nước thành viên bỏ phiếu chống.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 361 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)