GIEC : Đối phó hâm nóng khí hậu, cần hành động "ngay bây giờ", nếu không quá muộn
Các chuyên gia khí hậu Liên Hiệp Quốc (GIEC) trong báo cáo công bố hôm 04/04/2022 cảnh báo, khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ đạt đỉnh điểm trong ba năm nữa. Đầu tư hàng năm trong lĩnh vực khí hậu tại Châu Âu cần phải tăng từ 2 đến 4 lần, để có thể đạt mục tiêu khí hậu chỉ tăng thêm 1,5°C.
Một sông băng ở Greenland, ngày 08/03/2017. AP - David Goldman
Đây là đợt công bố cuối bản báo cáo nhiều ngàn trang của nhóm chuyên gia gồm 278 nhà khoa học và hàng trăm cộng sự thuộc 65 nước tham gia, đã tổng hợp 18.000 công trình nghiên cứu với khoảng vài chục ngàn khuyến cáo.
Theo trang mạng Goodplanet, báo cáo ghi nhận nhiều lý do để hy vọng. Trước hết, tuy khí thải gây hiệu ứng nhà kính có tăng nhưng tốc độ tăng đã giảm từ 2,1% còn 1,3% từ 2010 đến 2019, nhờ đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng. Giá thành năng lượng mặt trời, điện gió và pin lithium-ion giảm mạnh, tuy nhiên năng lượng tái tạo vẫn chỉ chiếm 8% sản lượng điện toàn cầu, và những tiến bộ không đồng đều tại các khu vực.
Theo GIEC, cần phải giảm khí thải 43% từ nay đến 2030 để đạt mục tiêu chỉ tăng 1,5°C. Nếu không, nhiệt độ sẽ tăng đến 3,2°C vào năm 2100 – một cơn ác mộng. Ông Jim Skea, đồng chủ trì việc soạn thảo báo cáo cảnh báo cần phải hành động "bây giờ hoặc không bao giờ".
Bên cạnh đó, dù đầu tư vào khí hậu đã tăng 60% từ 2013 đến 2020, tốc độ đã chậm lại từ 2018. Tài trợ công và tư cho việc sản xuất năng lượng hóa thạch vẫn cao hơn đầu tư giảm thải. Ông Franck Lecocq, một trong các tác giả khẳng định "đầu tư hôm nay sẽ mang tính quyết định cho những năm sắp tới".
Để duy trì mức 1,5°C, cần chấm dứt hoàn toàn việc dùng than đá, và giảm sử dụng dầu khí từ 60 đến 70% từ nay đến 2050. Hầu như toàn bộ việc sản xuất điện phải dựa vào các nguồn tạo khí thải thấp hoặc bằng không. Tất cả các lãnh vực phải đóng góp vào công cuộc giảm hâm nóng khí hậu : cung cấp năng lượng, kỹ nghệ, nông nghiệp, giao thông, xây dựng…
Thụy My