Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

07/05/2022

Điểm tuần báo Pháp - Hiểm họa Thế Chiến III

RFI tiếng Việt

Hiểm họa Thế Chiến III : Mỹ và Nga sẽ đụng độ trực tiếp ?

Nguy cơ Chiến Tranh Thế Giới thứ ba ám ảnh đa số các tuần báo Pháp đầu tháng 5/2022. Courrier International, L’Obs L’Express đều dành hồ sơ chính cho chủ đề này. Giải mã cục diện chính trị nước Pháp sau cuộc bầu cử tổng thống, và những biến động lớn, đặc biệt với việc đông đảo cánh tả Pháp lập liên minh tranh cử Quốc hội là một trọng tâm khác.

thechien1

Trang bìa Courrier International, đầu tháng 5/2022.  © ảnh chụp màn hình

"Mỹ, Nga có nguy cơ đụng độ trực tiếp không" là chủ đề trang nhất của tuần san Courrier International, trên nền hình ảnh Biden và Putin, mặt giáp mặt, ở giữa hai lãnh đạo Mỹ, Nga là phi cơ, thiết giáp, xa tăng, tên lửa. Tuần san Courrier International đặc biệt chú ý đến phản ứng của tổng thống Nga, hứa hẹn sẽ đáp lại "các đe dọa không thể chấp nhận được về an ninh chiến lược" với các đòn trả đũa "nhanh chóng và kinh hoàng", "phản ứng của Nga sẽ là ngay lập tức và sẽ dẫn đến những hậu quả mà các vị chưa bao giờ phải hứng chịu trong lịch sử". Tuyên bố của lãnh đạo Nga Vladimir Putin hôm 27/04 trước Quốc hội Nga "làm lạnh sống lưng".

Tuyên bố lạnh sống lưng của Putin

Về đe dọa hạt nhân của Nga, Courrier International đặt câu hỏi : "đây chỉ đơn giản là một sự hù dọa, một đe dọa thực sự hay một dấu hiệu yếu thế ?". Tuần san Pháp nhận định : "chắc chắn có là cả ba, mỗi thứ một phần, căn cứ theo các bài viết tràn ngập trên báo chí nước ngoài về nguy cơ của một cuộc Thế chiến ba". Courrier International giới thiệu một bài viết trên báo Mỹ The New York Times, nhấn mạnh : tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thay đổi triệt để lập trường, từ chỗ không muốn đối đầu trực tiếp với Nga, hồi đầu chiến tranh, đến chỗ nước Mỹ giờ đây "trên tuyến đầu" hỗ trợ Ukraine trong một "cuộc chiến trường kỳ" chống xâm lược Nga. Cho đến nay, Mỹ đã chi 3,7 tỉ đô la viện trợ quân sự giúp Ukraine, nhưng kể từ ngày 28/04, ông Biden đã yêu cầu Quốc hội quyết định chi thêm 20 tỉ đô viện trợ quân sự nữa, một con số kỉ lục.

Mức độ hậu thuẫn gia tăng của Mỹ lôi cuốn các nước Châu Âu đi theo, trước hết là Đức. Tuy nhiên, tại Châu Âu, phản ứng là không thống nhất. Nếu như nhật báo Đức Frankfurter Allegmeine Zeitung – một trong ba tờ báo có nhiều độc giả nhất tại Đức - hoan nghênh việc Berlin cấp xe tăng phòng không cho Ukraine, thì tuần báo thiên tả Ý The Post Internazionale lên án cuộc chạy đua tái vũ trang mà Hoa Kỳ buộc Châu Âu phải đi theo.

Courrier International dẫn báo chí Nhà nước Trung Quốc. Tờ Nhân Dân Nhật Báo – cơ quan phát ngôn của Đảng cộng sản Trung Quốc – tố cáo Hoa Kỳ "đổ dầu vào lửa, tìm cách kéo dài xung đột Nga – Ukraine". Courrier International chú ý đến việc Bắc Kinh cố ý tránh chỉ trích Châu Âu. Về phần nước Nga, tuần san Pháp dẫn lại quan điểm của hai nhà chính trị học trên Nezavissimaia Gazeta, lên án Mỹ coi chiến tranh tại Ukraine "là dịp để giáng cho Nga một đòn thất bại chiến lược".

Cũng trong hồ sơ này, Courrier International dẫn thêm một bài viết khác trên báo Mỹ Los Angeles Times, nhấn mạnh đến xu thế phân cắt thế giới thành hai cực, một bên "dưới sự chỉ đạo" của Mỹ, một bên theo Nga và Trung Quốc. Báo Hà Lan De Groene Amsterdammer lưu ý là trong bối cảnh này : "các giới chức chính trị và quân sự cần học lại các bài học thời chiến tranh lạnh, nhưng điều quan trọng hơn là cần học lại : làm thế nào để duy trì Chiến tranh lạnh".

Putin giương hạt nhân chủ yếu để "gây hoảng sợ"

Tuần báo L’Express có bài nói về nguy cơ chiến tranh hạt nhân, nhưng tỏ ra không quá lo ngại. Theo nhà địa chính trị học Frédéric Encel, đe dọa hạt nhân của chính quyền Putin trước hết có mục tiêu "gây hoảng sợ". Trang nhất L’Epxress chạy tựa : "Biden – Putin. Phải chăng chiến tranh thế giới là có thể ?", trên nền hình ảnh hai cánh tay giao chéo, ngón tay mỗi bên đều trực chờ ấn nút. Hai cánh tay mang màu khác nhau, một bên xanh, một bên đỏ, nhưng động tác giao chéo tạo cảm giác như hai cánh tay của chỉ một người. Một bên tay mang biểu tượng búa liềm, bên kia biểu tượng quân đội Mỹ.

Về phần mình, tuần báo L’Obs nhấn mạnh nhiều hơn đến thất bại của tổng thống Nga. "Putin bị dồn vào chân tường" là tựa trang nhất của L’Obs. Ông chủ điện Kremlin - từng mơ tái lập đế chế Nga, và ăn mừng đánh bại Kiev vào ngày 09/05 - giờ đây đang bị dồn vào chân tường, trong lúc phương Tây tăng cường cấp vũ khí cho Ukraine.

Theo L’Obs, hơn hai tháng kể từ đầu cuộc xâm lăng, chính quyền Putin đã không đạt được "một chiến thắng đáng kể" nào. Cuộc chiến tranh của Putin tại Ukraine đã là "một thất bại chiến lược", theo nhiều chuyên gia, trong đó có nhà địa chính trị học Frédéric Encel. Tổng thống Nga đã tìm mọi cách "che giấu thất bại với dân chúng và phần còn lại của thế giới những thất bại" trên thực địa.

Bị đẩy vào chân tường : Putin túng thế làm càn ?

Vào lúc dịp Kỷ niệm Chiến thắng phát xít mùng 9 tháng 5, được coi là "ngày lễ thiêng liêng nhất của nước Nga Putin", đang đến gần, theo chuyên gia Mark Galeotti, chủ nhân điện Kremlin chỉ có thể cố gắng thông báo về một số "thành tích mang tính biểu tượng", cụ thể là việc chiếm được thành phố cảng Mariupol của Ukraine, với cái giá là 28.000 thường dân thiệt mạng, theo chính quyền thành phố. Bên cạnh đó, Moskva có thể an ủi với "thành công nửa vời về ngoại giao", nhiều nước lớn, như Trung Quốc, vẫn không tham gia mặt trận trừng phạt kinh tế Nga. Tuy nhiên, một số thành công đó không che được thực tế của một quân đội Nga, giờ đây được ví như "Gấu bằng giấy", như một ví von của một nhà quan sát.

Tình hình nghiêm trọng hơn với Nga, khi quân đội Ukraine nhận được nhiều hơn vũ khí từ phương Tây, và đặc biệt là sự hợp tác của tình báo Mỹ, luồn sâu trong bộ máy chính quyền Nga đến cấp thượng đỉnh, khiến tổng thống Nga Putin có cảm giác đang bị vây hãm, bị dồn đến chân tường.

L’Obs cũng đặt vấn đề "để tìm lối thoát, liệu Putin có sử dụng vũ khí hạt nhân hay không ?". Trong giai đoạn đầu tiên của chiến tranh tại Ukraine, cả ba cường quốc hạt nhân đều khẳng định Moskva đánh võ mồm là chính. Phương Tây quyết định cung cấp thêm nhiều vũ khí hạng nặng để giúp Ukraine tự vệ. Theo L’Obs, "trong những tuần tới, cuộc đối đầu Mỹ - Nga sẽ gia tăng đáng kể, và có thể đặt Châu Âu bên bờ nguy cơ thảm họa hạt nhân". Bất chấp trấn an của tổng thống Mỹ về đe dọa hạt nhân của Nga chỉ "cho thấy sự tuyệt vọng của chính quyền Nga trước thất bại thê thảm", hiểm họa hạt nhân Nga là có thật.

L’Obs nhấn mạnh đến tình trạng đầy bất trắc của việc "Một lãnh đạo độc tài bị dồn vào chân tường", nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân cũng là điều mà Bill Burns, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA, nêu ra cách nay ít tuần. Ông Putin rất có thể sẵn sàng cho một quyết định liều lĩnh vào ngày 09/05 tới.

Quyền phủ quyết Hội đồng Bảo an : Cơ chế nền móng của Liên Hiệp Quốc

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bất lực trong cuộc chiến tại Ukraine. Hội đồng Bảo an cần thay đổi theo hướng nào. Đây là chủ đề một bài viết đáng chú ý trên L’Obs của nhà báo Anne-Cécile Robert, nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt của nước Pháp. Nhà báo tờ Le Monde diplomatique – đồng tác giả cuốn "Ai muốn cái chết của Liên Hiệp Quốc ?" (Nhà xuất bản Eyrolles, 2018) thừa nhận sự bất lực của Hội đồng Bảo an khi quyền phủ quyết của các thành viên thường trực làm tê liệt việc ban hành các nghị quyết mang tính cưỡng chế. Tuy nhiên, nhà báo Anne-Cécile Robert cũng chỉ trích mạnh mẽ ý tưởng hủy bỏ quyền phủ quyết. Nhà báo Monde diplomatique nhấn mạnh : "nếu không có quyền phủ quyết, đã không thể có Liên Hiệp Quốc, bởi các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an không bao giờ chấp nhận quyền lực cưỡng chế của Hội đồng Bảo an. Xóa bỏ quyền này cũng có nguy cơ đe dọa sự tồn tại của chính Liên Hiệp Quốc".

Cải cách Hội đồng Bảo an : Vấn đề trước hết là "chính trị"

Theo nhà báo Pháp, điều cần phải nói rõ là "quyền phủ quyết chỉ là biểu hiện ra bên ngoài của một vấn đề sâu xa hơn, và nghiêm trọng hơn : sự vắng mặt của các đối thoại giữa 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an". Việc cải cách Hội đồng Bảo an trước hết là liên quan đến "chính trị", chứ không chỉ là chuyện cải cách về định chế, về cách tổ chức.

Nhà báo Le Monde diplomatique đề xuất nâng cao vai trò "cường quốc trung gian" của nước Pháp. Pháp có thể phối hợp với Liên Hiệp Châu Phi chẳng hạn, tổ chức một hội nghị đặc biệt với sự tham gia của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an tại một địa điểm mang tính trung lập, để các bên có thể đối chọi quan điểm một cách thẳng thừng, để từ đó tìm ra một khởi đầu mới. Nước Pháp đã từng có một sáng kiến tương tự thời chính quyền Chirac năm 2003.

Nước Nga "luôn là một đế quốc" 

Trong các bài viết về xung đột Nga – Ukraine, không thể bỏ qua bài "Cho đến nay người Nga vẫn chưa thoát ra khỏi coi nước Nga như một đế quốc", trên L’Obs, giải mã lý do sâu xa vì sao ý thức hệ độc tài luôn áp đảo ở Nga. Chuyên gia về lịch sử Liên Xô và hậu Xô Viết Françoise Thom giải thích chế độ Putin hiện nay bắt rễ trong "bản chất đế quốc của Nhà nước Nga và của chủ thuyết cứu thế của đạo Chính Thống Nga". Khác hẳn với các cường quốc như Anh, hay Pháp, trở thành dân tộc hiện đại trước khi trở thành các đế chế toàn cầu. Nước Nga xuất phát điểm là một đế chế. Trước kia, cũng như hiện nay, chính quyền Nga hành xử như chính quyền của một đế quốc chứ không phải của một dân tộc.

Đông đảo giới tinh hoa Nga – bao gồm cả đại văn hào Dostoievski, coi nước Nga có một sứ mạng tôn giáo. Moskva là một thủ đô tôn giáo, như Roma. Lãnh đạo Nga Vladimir Putin hoàn toàn hành xử phù hợp với những cội rễ chính trị và tôn giáo này. Xung đột giữa Nga và Ukraine có nhiều lý do, nhưng một điều mà Putin không hiểu, đó là những con người bình thường cũng có khát vọng tự do. Đây là điều xa lạ với truyền thống chính trị - tôn giáo Nga.

"Kế hoạch hóa sinh thái" : Đồng thuận lớn tại Pháp

Về chính trị nước Pháp trước bầu cử Quốc hội, L’Obs đặc biệt chú ý đến sự việc hiếm có. "Gần như có một đồng thuận về chính trị". Đó là : để thành công trong công cuộc chuyển sang xã hội thân thiện với môi trường, nhất thiết cần đến "kế hoạch hóa". Hiện tại cử tri đứng trước lựa chọn : Kế hoạch của tổng thống tái cử Emmnuel Macron hay của liên đảng cánh tả do Jean-Luc Mélenchon đứng đầu ?

Theo L’Obs, "kế hoạch hóa" là một khái niệm mà một số chính trị gia theo quan điểm tự do không chấp nhận, khi điều này nhắc gợi đến nguy cơ trở lại của chế độ toàn trị Xô Viết, tuy nhiên, đối diện với "các thách thức của cuộc chiến chống hâm nóng khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh thái", cần phải có một "kế hoạch". Bài "Kế hoạch chọi với kế hoạch" của L’Obs điểm qua một số nét liên quan đến hai bên. Trên thực tế, không phải đến giữa hai vòng tranh cử tổng thống, ông Macron mới đưa ra chủ trương "kế hoạch hóa sinh thái", coi đây là trọng tâm trong nhiệm kỳ tới. Tổng thống Macron đã từng nhắc đến khả năng này vào thời điểm đầu 2020, khi nước Pháp bắt đầu phong tỏa Covid, nhưng đề xuất không thực nổi rõ. Jean-Luc Mélenchon hơn hẳn khi đã đề cập đến chủ trương này ngay từ năm 2009, và trên giấy trắng mực đen, dự án "kế hoạch hóa sinh thái" của Mélenchon đã được xây dựng công phu. 

"Kế hoạch hóa sinh thái" : Mélenchon hay Macron ?

Trong hiện tại, dự án "kế hoạch hóa sinh thái" của Mélenchon – lãnh đạo liên minh cánh tả - rõ ràng hơn hẳn tổng thống tái cử. Dự án của ông Mélenchon bao gồm các việc như : tổng hợp các sáng kiến từ các tranh luận dân chủ của công dân, tại các ủy ban doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, đảng phái chính trị, nghiệp đoàn, hiệp hội… Lãnh đạo cực tả không chủ trương cắt đứt với "chủ nghĩa tư bản", nhưng ngược lại, đặt chủ nghĩa tư bản trong khuôn khổ luật pháp. Các quảng cáo cho những nhu cầu "phi lý" sẽ bị cấm. Sợi chỉ xuyên suốt kế hoạch hóa sinh thái là "quy tắc xanh" : trên cấp độ của nước Pháp, cấm lấy đi từ thiên nhiên nhiều nguồn lực tái tạo hơn khả năng của thiên nhiên.

Chủ trương "kế hoạch hóa sinh thái" cũng là một chủ đề chính được Le Point tuần này bàn tới. Le Point phỏng vấn ông Jean Pisani-Ferry, kinh tế gia trưởng của ông Macron trong lần tranh cử đầu tiên năm 2017. Kinh tế gia này chỉ trích kế hoạch của lãnh đạo cực tả Mélenchon là tốn kém phi lý, với "250 tỉ euro/năm", tương đương 10% GDP nước Pháp, nhưng cũng hoàn toàn ủng hộ chủ trương "kế hoạch hóa sinh thái".

Kêu gọi Macron thoát ảnh hưởng của Mélenchon

Tuần báo Le Point trong số ra đầu tháng 5 tập trung lên án chủ trương chi tiêu bị tố là "quá đà" của tổng thống tái cử Macron. Theo Le Point, "không có gì đe dọa tương lai của đồng tiền chung Châu Âu hơn là chính sách thả cửa ngân sách của nước Pháp". Nói đến tổng thống Macron, nhưng đích ngắm của Le Point thực ra là lãnh đạo cực tả Mélenchon, hiện là thủ lĩnh của liên đảng cánh tả vừa thành lập. Trang nhất Le Point chạy tựa : "Mélenchon hãy rời khỏi cơ thể này (tức cơ thể tổng thống Macron) !" trên nền hình ảnh tổng thống Macron trong động tác như đang phủi áo. Le Point chỉ trích việc tổng thống Macron có xu hướng ngả theo lập trường của lãnh đạo đảng cực tả, với các chi phí quy mô khiến nước Pháp lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Pháp : Nội bộ xã hội phân hóa sâu sắc, dân chủ khuyết tật trầm trọng

Với các độc giả quan tâm sâu hơn về chính trị nước Pháp, hai bài viết có lẽ khó lòng bỏ qua. Thứ nhất là bài "Một bản đồ và hai nước Pháp" trên L’Express, phân tích của nhà chính trị học Jérôme Fouquet về sự phân hóa sâu sắc của xã hội Pháp. Theo nhà chính trị học, cuộc bầu cử tổng thống vừa qua xác nhận xu thế đã được ghi nhận trong cuộc bầu cử năm 2017 : Nước Pháp đang phân hóa rõ rệt thành hai "xã hội". Một bên là nước Pháp của những người khá giả, sống ở ven bờ biển, các khu du lịch, mà nhà báo Jean-Laurent Cassely gọi là "nước Pháp 3 A", bầu nhiều hơn cho ông Macron và một bên là "nước Pháp trong bóng tối", với đa số cư dân thuộc các thị trấn nhỏ, các vùng ven cách xa đô thị, các cư dân vùng nông thông, các trung tâm công nghiệp cũ đang lâm vào khủng hoảng….

Bài đáng chú ý thứ hai cuộc phỏng vấn nhà sử học về chính trị Pháp, Pierre Rosanvallon, trên L’Obs, về những khuyết tật trầm trọng chủ yếu trong hiện tại của nền dân chủ Pháp. Nhà sử học Pierre Rosanvallon (tác giả nhiều khảo cứu nền dân chủ Pháp, về Cách mạng Pháp, về nền Cộng hòa Pháp) nhấn mạnh đến sự suy yếu của các định chế truyền thống như Quốc hội, chì còn là "loa phát ngôn của hành pháp". Sử gia Pháp đặc biệt thất vọng về tổng thống tái cử, với các ứng xử mang tính bề trên. Theo sử gia Pierre Rosanvallon, thách thức lớn với nền dân chủ Pháp là phải phát triển được các "yếu tố mang tính chức năng căn bản của nền dân chủ", như các tiến trình "thẩm định", "ra quyết định", "theo dõi" và "kiểm soát", đặc biệt thông qua các định chế độc lập, như Cơ quan Cấp cao về Khí hậu (HAC), hay Cơ quan Cao cấp phụ trách Minh bạch của lĩnh vực công, hay các sáng kiến khác với sự tham gia của công dân. Sử gia Pierre Rosanvallon chốt lại với nhận định : "không thể tiếp tục lãnh đạo xã hội từ trên xuống, và nghĩ rằng người lãnh đạo hiểu rõ các lợi ích của xã hội hơn chính xã hội. Lãnh đạo như vậy sẽ dẫn đến thảm họa".

"Những nhịp đập của Biển Hồ" : Trái tim của Cam Bốt dần nghẽn nhịp

Để khép lại mục điểm tuần báo Pháp, chúng tôi xin giới thiệu thêm với quý vị hai viết đáng chú ý khác về sinh thái trên Courrier International. Trước hết là bài "Những nhịp đập của Biển Hồ Tongle Sap" nói đến đe dọa ngày càng lớn đối với khu vực, thường được mệnh danh là "Trái tim" của Cam Bốt. Bài viết về Biển Hồ - Trái tim của Cam Bốt giới thiệu những bức ảnh của nhà nhiếp ảnh Calvin Chow, sinh năm 1993 tại Singapore. Chủ đề trung tâm trong các tìm kiếm của Calvin Chow là nước.

Trên một chiếc thuyền nhỏ, cùng với người lái và phiên dịch, nhà nhiếp ảnh đã đến với khoảng 170 ngôi làng nổi trên Biển Hồ, nơi sinh sống của các cộng đồng người Khmer, người gốc Việt và người Chăm. Khắp nơi đều chung một ám ảnh : hồ nước ngọt lớn nhất Châu Á đang ngày càng khô kiệt. Nguyên nhân chính là các đập thủy điện trên dòng chính. Ủy Hội Mêkông, gồm 4 quốc gia ven sông (Thái Lan, Việt Nam, Lào và Cam Bốt) bị chỉ trích vì đã làm lơ trước việc xây đập, khiến nước và thủy sản trên Mêkông sụt giảm mạnh. Calvin Chow cảnh báo, nếu không có nỗ lực, thì chỉ mươi năm nữa thôi, ở đây sẽ không còn cá.

Ở xứ sở của hạnh phúc : Phim Sống với bò thiêng trong lớp học 

Bài viết thứ hai xin được giới thiệu với quý vị là về bộ phim Bhutan, "Lunana : A Yak in the Classroom" ("Làng Lunana : Một con bò thiêng trong lớp học"), phim đầu tiên của Bhutan tranh giải Oscar trong hạng mục phim nước ngoài hay nhất. Bhutan - quốc gia nhỏ bé nằm cheo leo trên dãy Himalaya nổi tiếng với Chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới – rất ít được biết đến.

"Ngôi trường học ở tận cùng thế giới" - tên bộ phim dịch qua tiếng Pháp – nói về một đoạn đời của người giáo viên Ugyen, được chính phủ điều đến dạy học một năm tại ngôi làng hẻo lánh Lunana, nằm lọt thỏm giữa những đỉnh núi tuyết. Ugyen cũng như hàng nghìn thanh niên Bhutan làm nghề giáo, mơ du học ở một nước phương Tây. Bộ phim của đạo diễn Pawo Choyning Dorji đưa khán giả đến với cuộc du hành nội tâm của người thầy giáo Ugyen, cuộc truy tìm hạnh phúc.

Người giáo viên Ugyen mời một con bò Yak đến sống trong lớp học. Yak là giống bò thiêng của Tây Tạng, sống nửa gần người, nửa hoang dã. Bò Yack là biểu tượng của sự "thuần khiết, sức chịu đựng, đức tính dũng cảm, ngoan cường, lòng độ lượng và sự minh triết" của văn hóa truyền thống địa phương, những phẩm tính mang lại nhiều cảm hứng cho người thầy giáo trẻ.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 279 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)