Chưa vào NATO, Phần Lan từ lâu đã chuẩn bị đối phó xâm lược
Nếu cuộc chiến ở Ukraine lan sang, Phần Lan đã sẵn sàng. Xăng dầu, ngũ cốc dự trữ đủ dùng tối thiểu sáu tháng, tất cả các tòa nhà lớn đều có hầm trú bom và nơi sơ tán cho người dân. Số người tình nguyện học những lớp huấn luyện quân sự tăng vọt, các môn được đăng ký nhiều nhất là cận chiến đô thị, bắn tỉa và sử dụng hỏa tiễn chống tăng.
Quân dự bị Phần Lan tập bắn đạn thật trong cuộc tập trận địa phương ở Taipalsaari ngày 09/03/2022. Quốc gia Bắc Âu có 1.300 kilomet đường biên giới với Nga luôn phải cảnh giác : tuy chỉ 5,5 triệu dân nhưng có đến 900.000 quân dự bị via Reuters - Lehtikuva
Với hàng xóm là nước Nga của Putin, luôn phải sẵn sàng
"Ukraine, các láng giềng trước ngưỡng cửa chiến tranh" là hồ sơ của Courrier International tuần này. Viễn cảnh một hành lang của Nga tại Transnistria ở sát bên Ukraine và ý đồ của Moskva tại khu vực chiến lược Suwalki giữa Lithuania (Litva) và Ba Lan gây lo ngại. Ở phía bắc, NATO sắp đón nhận Thụy Điển và nhất là Phần Lan - chính quyền nước này từ nhiều năm qua đã chuẩn bị cho giả thiết bị Nga xâm lược.
Tuần báo Pháp trích dịch Financial Times, cho biết nếu cuộc chiến ở Ukraine lan sang, Phần Lan đã sẵn sàng. Trong các kho dự trữ chiến lược hiện có xăng dầu và ngũ cốc đủ dùng tối thiểu sáu tháng, còn các công ty dược phẩm bị buộc phải trữ từ 3 đến 10 tháng mọi các loại thuốc nhập khẩu. Tất cả các tòa nhà ở một quy mô nào đó đều phải xây dựng các hầm trú bom, tầng hầm để xe, sân trượt patin, hồ bơi đều có thể biến thành nơi sơ tán cho người dân.
Sau 80 năm sống dưới cái bóng của Liên Xô và nay là Nga, Helsinki không bất ngờ trước mối đe dọa chiến tranh. Nếu chiến lược "quốc phòng toàn dân" và sự chiến đấu kiên cường của Ukraine gây ngưỡng mộ cho toàn thế giới - từ những cặp vợ chồng mới cưới đến nhà buôn đều cầm súng bảo vệ đất nước - thì Phần Lan từ lâu cũng đã có chiến lược tương tự. Đang trong thời bình, quân đội Phần Lan có 280.000 binh sĩ và 900.000 quân dự bị, chiếm một phần ba số người trưởng thành của quốc gia Bắc Âu này. Quân dịch là bắt buộc, quốc phòng chiếm phần quan trọng trong ngân sách dù các nước Châu Âu khác đều giảm.
Jarmo Lindberg, cựu chỉ huy trưởng lực lượng phòng vệ cho biết thủ đô Helsinki giống như một thỏi "phô mai gruyère" lỗ chỗ với vài chục cây số đường hầm và "một số nơi trông như phim James Bond". Tất cả trung tâm chỉ huy quân sự đều là những "hầm bằng đá hoa cương ở độ sâu 30 đến 40 mét". Ông nói, một số người cho rằng Phần Lan đã đánh nhau 32 trận với người Nga, với số khác là 42. Nhưng Nga vẫn luôn là hàng xóm, "và chúng tôi biết rằng phải sẵn sàng".
Kỷ niệm không quên về cuộc xâm lăng của Stalin
Le Point trong bài "Người Phần Lan, hãy cầm vũ khí" dẫn lời nữ thủ tướng 36 tuổi của nước này, Sanna Marin : "Nga không phải là nước láng giềng mà chúng tôi mong muốn". Số người Phần Lan muốn gia nhập NATO từ 20% đã vọt lên 70% và tiếp tục tăng, chính sách không liên kết không còn chỗ đứng. Dân biểu đảng cánh trung Joonas Kontta thổ lộ : "Chúng tôi đã quá ngây thơ, muốn duy trì mối quan hệ tốt với Nga. Nhưng làm thế nào không tự đặt mình vào vị trí của Ukraine ngày nay ?".
Phần Lan đã từng bị Hồng quân xâm lăng trong cuộc chiến tranh mùa đông 1939, mà Stalin lúc đó cũng gọi là chiến dịch. Trong 105 ngày, quân Phần Lan trong binh phục ngụy trang màu tuyết trắng đã chiến đấu kịch liệt, chế ra bom xăng để đối phó với xe tăng địch - tên gọi cocktail Molotov xuất phát từ đây. Quân của Stalin thiệt hại nặng với 390.000 binh sĩ tử trận, phía Helsinki chỉ mất 29.000 quân, nhưng với hiệp định đình chiến năm 1940 Phần Lan phải nhường 10% lãnh thổ. Những người già không quên kỷ niệm đau buồn về cuộc chiến, nhất là ở vùng biên giới mà nhà cửa, mồ mả cha ông nay đã thuộc về phía Nga.
Trụ sở MPK, một tổ chức tình nguyện chuyên huấn luyện quân sự cho những người trên 18 tuổi, nay tràn ngập ứng viên. Có gần 2.000 nội dung được dạy vào mỗi cuối tuần, trong đó được đăng ký nhiều nhất là chiến đấu trong đô thị, bắn tỉa và sử dụng hỏa tiễn chống tăng.
Moskva không ngừng cảnh cáo hai nước Bắc Âu không nên gia nhập NATO. Nhưng theo nhà phân tích độc lập Abbas Galliamov, Nga có thể đe dọa trực tiếp, cho tập trận dọc theo biên giới hoặc đưa di dân đến để quấy rối, nhưng sẽ không đưa quân tấn công Phần Lan, Thụy Điển. Những vụ xâm nhập không phận sẽ tăng lên, và thêm trừng phạt kinh tế, chỉ có vậy. Chuyên gia Pavel Felgenhauer cũng có cùng nhận định, vì một lý do đơn giản : Nga không đủ người, quân chủ lực đều đang ở Ukraine. Hơn nữa Putin không còn tin tưởng vào tình báo và các tướng lãnh, nên theo Galliamov, khó có khả năng những người này tâu với ông chủ điện Kremlin là Nga có đủ phương tiện để tiến đánh hai nước Bắc Âu.
Nga chặn lối ra biển, gây khó khăn lớn cho hàng xuất khẩu Ukraine
Về phía quốc gia đang là nạn nhân cuộc xâm lăng của Putin, The Economist lo lắng nhận định, nền kinh tế Ukraine khó thể chịu đựng được một cuộc chiến tranh kéo dài. Ukraine bước vào cuộc chiến lúc đang có tỉ lệ tăng trưởng gần 7%, ngũ cốc, sắt thép xuất khẩu được giá cao, lãnh vực ngân hàng lành mạnh, thâm hụt kinh tế dưới 3% GDP. Nợ công chiếm chưa đến 50% GDP, một con số mà nhiều nước mơ ước.
Hiện nay nhờ hệ thống tài chính được số hóa, trợ cấp và lương bổng vẫn được trả đều ngay cả ở những vùng bị Nga chiếm đóng. Tuy nhiên nguồn thu thuế quan giảm đi một phần tư, mỗi tháng chiến tranh, Ukraine bị thâm thủng đến 5 tỉ đô la Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Ukraine có thể sụt mất 45% trong năm 2022. Làm thế nào để bù đắp ?
Hoa Kỳ vừa hào hiệp thông qua khoản viện trợ 40 tỉ đô la, chủ yếu dành cho vũ khí, nhưng cũng có ít nhất 8,5 tỉ để hỗ trợ nền kinh tế. Chừng nào số tiền này mới đến tay thì chưa rõ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng kêu gọi quốc tế giúp đỡ và đã huy động được 4,5 tỉ đô la, trong khi thâm hụt ngân sách đã lên đến 15 tỉ đô la.
Về sản xuất, đáng ngạc nhiên là những người nông dân Ukraine can đảm mặc áo giáp ra đồng, vẫn gieo trồng được 80% vụ mùa lúa mì, lúa mạch, hướng dương. Nhưng để xuất khẩu thì bế tắc : hải cảng chính Odessa hoàn toàn đóng cửa vì sự hiện diện của hải quân Nga ở Hắc Hải và mìn bảo vệ cảng của Ukraine. Tương tự đối với hai cảng lớn thứ nhì và ba ở bên cạnh, còn Berdiansk và Mariupol, cảng thứ tư và thứ năm đang bị quân Nga kiểm soát. Kiev có thể chuyển sang dùng đường bộ và xe lửa thông qua Ba Lan, Romania và Hungary, nhưng năng lực vận chuyển rất hạn chế so với đường biển. Một khó khăn khác là nạn bàn giấy, vì Ukraine không phải là thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) nên số xe đi vào bị hạn chế.
Thiếu sót lớn nhất trong "Ngày chiến thắng" ở Moskva : Một chiến thắng !
Nhắc lại buổi lễ mừng Ngày chiến thắng 9 tháng Năm tại Moskva, tuần báo Anh cho rằng mang đầy đủ tính chất dối trá, bạo lực và quân phiệt của triều đại Vladimir Putin. Từ lâu ông Putin vẫn khoác một chiếc áo thiêng liêng cho chiến thắng trước Đức quốc xã để phục vụ cho chế độ của mình, và nay lợi dụng để tuyên truyền cho cuộc xâm lăng Ukraine. Nhưng điều đáng chú ý không phải là những bộ quân phục đẹp đẽ, những chiếc huy chương lấp lánh, mà là những gì vắng mặt.
Không có màn trình diễn của không quân, lý do chính thức là thời tiết, nhưng nguồn tin tình báo nói rằng vì an ninh. Một phi cơ quân sự bay thấp bị hỏa tiễn Stinger bắn hạ trên quảng trường Đỏ chẳng phải là màn quảng cáo tốt đẹp cho chế độ. Tổng tham mưu trưởng, tướng Valery Gerasimov không thấy xuất hiện, theo Ukraine là do bị thương ở gần Izyum. Nhưng sự thiếu vắng lớn lao nhất trong cuộc duyệt binh Ngày chiến thắng, chính là một chiến thắng ! Ngay cả Mariupol, thành phố cảng đã bị oanh kích bằng tất cả các loại vũ khí quy ước có thể hình dung ra được, vẫn không hoàn toàn lọt vào tay Nga.
Nhà văn kiêm triết gia Bernard-Henri Lévy trên Le Point cho rằng việc Putin tự cho là thừa kế của cuộc chiến chống phát-xít rất đáng phẫn nộ. Vladimir Putin muốn nói rằng Châu Âu đang mắc nợ Nga đã hy sinh hàng triệu người trong cuộc chiến tranh được gọi là "Vệ quốc Vĩ đại". Nhưng Hồng quân là Liên Xô, và Liên Xô gồm cả Ukraine và Nga. Đông đảo binh sĩ Ukraine đã chiến đấu trên tuyến đầu trong những trận đánh ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Đức từ 1944-1945.
Chẳng lẽ có quyền quên rằng một trong ba chiến sĩ đã gỡ đi lá cờ chữ vạn ở Reichstag là người Ukraine, và thiếu tá xe tăng Ukraine, Anatoly Shapiro là người đầu tiên tiến vào trại tập trung Auschwitz giải phóng những người sống sót ? Theo tác giả, việc diệt phát-xít khẩn cấp duy nhất là tại một "nước Nga bệnh hoạn, đã quên đi tất cả, không học được điều gì, và nay là thủ đô của tội phạm ở Châu Âu".
Pháp : Khi liên minh cấp tiến nghiêng về cực tả
Trang nhất của Le Point và L'Obs tuần này được dành cho lãnh tụ đảng cực tả Pháp Jean-Luc Mélenchon. Trong bài xã luận, L’Obs nhận xét, bị loại khỏi vòng đầu kỳ bầu cử tổng thống đến lần thứ ba, ông Mélenchon đã thành công trong việc tập hợp được liên minh cánh tả. Các đảng sinh thái, xã hội, cộng sản đành chấp nhận để còn được hiện diện trong Quốc Hội và không phá sản về tài chính. Lần đầu tiên trong lịch sử Pháp, trục của liên minh cấp tiến nghiêng về phía cực tả, cử tri ôn hòa sẽ phản ứng thế nào ?
Tuần báo cánh hữu Le Pointtố cáo "Sự thật về ông Mélenchon" : chống Châu Âu, dân tộc chủ nghĩa, độc đoán… và nêu ra một chi tiết - tuy nhỏ trong trận bão đang dấy lên nơi cánh tả Pháp, nhưng nói được nhiều điều. Khi đảng Xã Hội (PS) đồng ý liên kết với đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) của Mélenchon trong kỳ bầu cử Quốc hội tháng Sáu, văn bản thỏa thuận được Ủy ban toàn quốc của đảng PS gồm 292 thành viên thông qua. Còn phía LFI chỉ có một mình Jean-Luc Mélenchon ký. Đảng Nước Pháp Bất Khuất không hứa hẹn dân chủ trong nội bộ, và người ta không quên ông từng lớn tiếng khẳng định "Nước Cộng hòa, là tôi đây !".
Chống đối EU, nhưng Mélenchon chưa bao giờ nghiên cứu hiệp ước Châu Âu một cách nghiêm túc. Ông coi nhà độc tài Fidel Castro của Cuba, Hugo Chavez của Venezuela là thần tượng, bênh vực nhà cầm quyền Bắc Kinh và đả kích Đạt Lai Lạt Ma, ủng hộ Vladimir Putin - cho đến khi xe tăng Nga tiến vào Ukraine thì mới quay ngược. Tờ báo cho biết blog của Jean-Luc Mélenchon rất phong phú với 180 chủ đề được xếp theo từ khóa, nhưng không hề có từ "Dân chủ".
Hồi kết của toàn cầu hóa : "Không bỏ tất cả trứng vào rổ" Trung Quốc
Nhìn ra thế giới, Courrier International trong hồ sơ về toàn cầu hóa đã trích dịch bài "Tạm biệt Trung Quốc, chào tái ngộ Châu Âu" của tờ El Mundo ở Tây Ban Nha. Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng liên quan đến sự tê liệt của vận chuyển hàng hải vào Noel năm ngoái và nay là chiến tranh ở Ukraine : đó là những nhân tố đẩy nhanh thay đổi mô hình sản xuất mà Châu Âu xây dựng trong những thập niên qua. Trung Quốc, đại công xưởng thế giới không còn rẻ nữa, các doanh nghiệp đủ mọi lãnh vực bắt đầu chuyển bớt đi nơi khác để giảm lệ thuộc vào Bắc Kinh.
Covid là cú sốc dẫn đến đóng cửa nhà máy, nhưng trước đó còn là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, và khi Nga xâm lăng Ukraine, Trung Quốc lại bênh vực Moskva càng khiến các nhà đầu tư muốn ra đi. Dịch chuyển sản xuất rõ rệt nhất trong lãnh vực dệt may, tất cả những thương hiệu lớn đều dời bớt về Châu Âu, dù Trung Quốc vẫn chiếm trọng lượng đáng kể. Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện cũng được ưa thích.
Le Pointphân tích "Toàn cầu hóa, câu chuyện một cái chết được báo trước", không chỉ về khía cạnh thương mại, tài chánh. Có nhiều nguyên nhân. Đó là sự phân cực Mỹ-Trung, khởi đầu từ tổng thống Donald Trump do lo ngại trước một Trung Quốc đảng trị không hề tôn trọng các quy định thương mại quốc tế. Tiếp theo là đại dịch từ Vũ Hán, khiến người ta ý thức được tính dễ tổn thương liên quan đến các chuỗi cung ứng. Các nước bắt đầu chuyển dịch sản xuất về những nơi gần hơn và thân thiện hơn. Nhưng nhất là cuộc chiến tranh của Putin đánh vào Ukraine, dẫn đến phương Tây trừng phạt, đang đẩy nhanh việc phá vỡ toàn cầu hóa.
EU là vec-tơ chính của toàn cầu hóa thời hậu chiến tranh lạnh, nhưng chỉ chú tâm đến kinh tế, nghĩ rằng thương mại sẽ giúp gắn bó các dân tộc, làm hài hòa các nền văn hóa. Châu Âu bỏ quên những thứ còn lại : bản sắc, tự hào dân tộc, mong muốn trả thù - đó là những gì mà Nga và Trung Quốc đang xoáy vào. Một phương Tây gắn kết với những giá trị được cho là phổ quát : phẩm giá con người, dân chủ... xa dần với phần còn lại của thế giới. "Toàn cầu hóa rạn vỡ" diễn ra trong bối cảnh an ninh quốc gia nay buộc phải đặt lên trên các trao đổi văn hóa và thương mại.
Covid : Bắc Triều Tiên đứng trước thảm họa
Trên lãnh vực y tế, The Economist chú ý đến việc "Bắc Triều Tiên nhìn nhận đại dịch Covid đã lan đến". Dân chúng nước này chưa hề được chích ngừa và hệ thống y tế thiếu thốn, đồng nghĩa với thảm họa. Trong hơn hai năm qua, Bắc Triều Tiên luôn nhấn mạnh nhờ kiểm soát biên giới nên đã ngăn được đại dịch, trong lúc Covid càn quét thế giới. Thế nhưng ngày 12/05 báo chí nhà nước cho biết đã có những ca Omicron đầu tiên, và Bình Nhưỡng bị phong tỏa từ 10/05. Điều này thật tệ hại, ngay cả với một đất nước đã quen thuộc với những tin xấu. Biến thể Omicron không đặc biệt nguy hiểm ở những cộng đồng đã được tiêm chủng, nhưng vẫn là sát thủ đối với những ai chưa hề biết miễn dịch là gì. Hồng Kông, nơi tỉ lệ chích ngừa nơi người lớn tuổi khá thấp, chỉ trong hai tháng số tử vong vì biến thể này từ 205 đã vọt lên 8.000 là một ví dụ.
Ở Bắc Triều Tiên có thể sẽ còn tệ hại hơn. Chế độ độc tài đã bần cùng hóa đất nước, không có cơ sở hạ tầng đủ để xét nghiệm, truy vết như những quốc gia khác. Hệ thống y tế thảm hại : thiếu trang thiết bị và nhân viên, bệnh viện không thường xuyên có điện nước. Hai năm đóng chặt biên giới khiến số thuốc dự trữ gần cạn, đa số là thuốc nhập khẩu. Cũng chẳng biết nước này có được bao nhiêu bình oxy và máy thở. Bệnh lao và tình trạng suy dinh dưỡng khiến người dân dễ dàng làm mồi cho con virus.
Bình Nhưỡng có thể nhờ vả Trung Quốc, nhưng ông chủ Bắc Kinh cũng đang phải tự lo cho mình với chính sách zero Covid. L’Express mỉa mai : Là nơi đầu tiên phát xuất đại dịch, Trung Quốc cũng là nước cuối cùng ra khỏi Covid - hoàng đế đỏ đã rêu rao chiến thắng hơi sớm. Có khả năng Bắc Triều Tiên chịu nhận sự trợ giúp của tân tổng thống Hàn Quốc Yook Suk-yeol, để mở chiến dịch chích ngừa hàng loạt. Điều mỉa mai là nếu đã bị Covid từ đầu đại dịch thì hậu quả sẽ ít thảm khốc hơn. Lần đầu tiên người dân Bắc Triều Tiên cần hy vọng là những người lãnh đạo đã nói dối họ.
Thụy My