Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/06/2022

Điểm báo Pháp - Bầu cử Quốc hội Pháp : Tỷ lệ đi bầu thấp

RFI tiếng Việt

Vòng một bầu cử Quốc hội Pháp : Tỷ lệ đi bầu thấp đáng ngại

Vòng một bầu cử quốc hội Pháp là chủ đề được tất cả các nhật báo quan tâm ngày 13/06/2022. Trong vòng một hôm 12/06/2022, phe tổng thống Macron về đầu với tỷ lệ rất sát sao so với liên minh cánh tả.

baucu1

Áp phích của các chính đảng trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vòng một. Ảnh chụp tại Paris ngày 11/06/2022. © AP

Nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa trang nhất "Macron có nguy cơ không giành được đa số ghế". Mặc dù vậy, xã luận tờ báo nhận định rằng, tổng thống tái đắc cử vẫn có nhiều khả năng giành được đa số sít sao vào Chủ nhật 19/06/2022, bởi ông sẽ nhận được sự ủng hộ của các đồng minh như Edouard Philippe hay François Bayrou. Nhưng không ai biết là đa số này sẽ tuyệt đối hay tương đối, vì rõ ràng là hai giả thuyết này không giống nhau.

Trong giả thuyết thứ hai, tổng thống và chính phủ mỗi lần muốn thông qua các đạo luật sẽ buộc phải "cầu xin" một vài phiếu bầu bổ sung của cánh hữu hoặc cánh tả, hoặc sử dụng điều 49-3 cho phép chính phủ tự thông qua đạo luật, nhưng vẫn có thể bị Quốc hội bác trong 24 giờ. Do vậy, nhiệm kỳ 5 năm tới của tổng thống Macron có thể sẽ rất đầy bất trắc. Trong mọi trường hợp, đây thực sự là một vố đau đối với ông Macron. Bằng cách cố gắng cải thiện toàn bộ chiến dịch với những tính toán mang tính chiến thuật hoặc do dự chiến lược, ông Macron đã "thành công" trong việc làm tăng mạnh tỷ lệ cử tri không bỏ phiếu. Kết quả là ông Jean-Luc Mélenchon đã lợi dụng bối cảnh hỗn loạn này và mang về cho Liên minh NUPES (Nouvelle union populaire ecologiste et sociale - Liên hiệp nhân dân, sinh thái và xã hội mới) tỷ lệ phiếu bầu xấp xỉ với phe của tổng thống.

Đối với Le Figaro, đây là "Chủ nhật đáng buồn". Với thành công của NUPES, khoảng một trăm ứng cử viên của đảng Nước Pháp Bất Khuất (La France insoumise-LFI) sẽ được bầu vào Quốc hội. Có thể nói là tổng thống Macron đã thất bại trong việc ngăn chặn đà tiến của ông Mélenchon.

Về phần mình, nhật báo thiên tả Libération tỏ ra phấn khởi với kết quả này, khi chạy tựa trang nhất "Sự trở lại mạnh mẽ của cánh tả". Xã luận tờ báo dành sự quan tâm cho chiến thắng về mặt chiến lược của Mélenchon với những phát biểu như kêu gọi người dân "bầu mình làm thủ tướng". Ngược lại, tổng thống Macron dường như đã quá thụ động sau khi cảm thấy "ổn định" kể từ khi tái đắc cử tổng thống.

Đối với Libération, đây đã là một thắng lợi đối với NUPES và ông Mélenchon, bởi viễn cảnh ông Mélenchon buộc tổng thống phải sống chung có vẻ ngoài tầm với. NUPES có rất ít phiếu dự trữ, không giống như phe của ông Macron. Phe của tổng thống chắc chắn sẽ nhận được ủng hộ từ các cử tri của đảng Những Người Cộng Hòa (Les Républicains-LR). Giờ đây, NUPES và ông Mélenchon sẽ chỉ có thể trông chờ vào những người bỏ phiếu trắng hoặc không đi bỏ phiếu vào hôm qua. Jean-Luc Mélenchon hiểu rõ điều này, nên ông đã kêu gọi người dân đi bỏ phiếu ồ ạt vào Chủ nhật tới.

Xã luận tờ Les Echos quan tâm đến cử tri đã không chịu đi bầu. Không cần phải đợi đến Chủ nhật tới để có đa số tuyệt đối với "nhóm dẫn đầu" là những người đã từ chối đi bầu. Họ đại diện cho hơn 52% cử tri, một tỷ lệ kỷ lục nói lên rất nhiều về sự thờ ơ của người dân Pháp đối với các vị dân biểu. Những người đòi hỏi rất nhiều từ Nhà nước, những người sẵn sàng xuống đường biểu tình và chặn các bùng binh, những người thể hiện sự bất mãn và kêu gào trên mạng xã hội, vậy mà lại "im lặng" một cách kỳ lạ vào ngày họ được nói lên suy nghĩ của mình.

Nhưng họ có thực sự đáng trách không ? Bởi nghị viện Pháp dường như có tầm ảnh hưởng chính trị rất thấp đến mức mà người dân không còn quan tâm đến chuyện người nào vào hay ra. Nghị viện ngày nay không còn đề xuất được đạo luật nào mà khiến người dân quan tâm. Nhưng nếu nhìn về quá khứ thì vẫn có hy vọng. Đạo luật năm 1905 về sự tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước đã được Nghị viện khởi xướng và chính phủ chỉ đóng góp một phần rất nhỏ, một viễn cảnh không tồn tại vào thời điểm này.

Để dễ vận động cử tri đi bầu, dường như phải thông qua việc kéo dài thời gian giữa hai cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội. Cách đây 20 năm, kể từ khi nhiệm kỳ tổng thống giảm xuống còn 5 năm thay vì 7, các cuộc bầu cử Quốc hội luôn xác nhận một cách có hệ thống kết quả cuộc bầu cử tổng thống, do hai cuộc bầu cử diễn ra quá sát nhau. Để cuộc bầu cử Quốc hội nhận được sự quan tâm của cử tri, hai cuộc bầu cử sẽ phải tách xa nhau ra. Emmanuel Macron đề xuất các cuộc bầu cử giữa kỳ như ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn một nguy cơ nghiêm trọng, đó là những cải cách vốn đã được tiến hành một cách quá chậm, nay có thể bị gián đoạn thêm trước mỗi cuộc bầu cử.

Trẻ mồ côi ở Mariupol sau 100 ngày chiến tranh

Về tình hình tại Ukraine, nhật báo Le Monde có bài phóng sự về số phận của những trẻ mồ côi sau khi Nga tiến hành xâm lăng Ukraine. Tại trường Cao đẳng Bách khoa, những đứa trẻ ở nội trú nghe thấy tiếng pháo kích vào sáng sớm ngày 24/02. Các em tưởng rằng đây chỉ là tập trận. Tuy nhiên, trước đó vài ngày người dân đã nghe thấy các tiếng nổ ở Mariupol, đông nam Ukraine. Sau khi đọc thông tin trên mạng xã hội, Ivan Matkovsky, 16 tuổi, nói với các bạn học : "Lần này, chúng ta sẽ chứng kiến chiến tranh thật".

Khoảng hai mươi đứa trẻ lên Mariupol học và ở nội trú hầu hết đều đã về quê. Còn Ivan cùng với hai học sinh khác thì không có người thân. Trong một thế giới đang thay đổi, cuộc hành trình của những đứa trẻ mồ côi chỉ mới bắt đầu.

Ở Mariupol, đầu tiên là điện bị cắt, sau đó là nước và cuối cùng là mọi kết nối với thế giới bên ngoài. Ở một số cơ sở, các nhân viên bỏ trốn và bỏ mặc học sinh. Hiệu trưởng Anton Bilay, 41 tuổi, phải nấu các bữa ăn tại nhà và mang đồ ăn đến nơi các học sinh ở. Trường không có một nơi trú ẩn an toàn nào. Cuối cùng, Anton yêu cầu cảnh sát sơ tán những đứa trẻ mồ côi. Vào ngày 05/03, họ được chuyển đến trường Đại học Kỹ thuật, tập hợp những người yếu nhất : phụ nữ, trẻ em, trẻ sơ sinh. Ở đây không có đàn ông, ngoại trừ một vài ông già. Ở ngoài đường nhiệt độ đã xuống -12°C, còn ở trong nhà thì cũng chả ấm gì hơn.

Sau hai tuần, binh lính Ukraine đến khuyên họ nên chạy trốn, thành phố dự kiến sẽ bị bắn phá dữ dội. Những thiếu niên phải ra khỏi nơi trú ẩn vào rạng sáng ngày 19/03. Hầu hết đã không nhìn thấy ánh sáng trong nhiều ngày. Tất cả đều ốm nặng, nhưng vẫn phải sơ tán.

Chỗ trú ẩn của các em nằm ở ven sông, nơi bị quân đội Nga đổ bộ đầu tiên. Kể từ khi những cây cầu bị phá hủy, không còn bất kỳ lối thoát nào cho phần còn lại của Ukraine. Cơ hội sống sót duy nhất của họ là đến được trạm kiểm soát của Nga. Họ đi lên bến tàu dọc theo biển Azov. "Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác". Maxim Boyko, 15 tuổi, một trong ba đứa trẻ mồ côi ở trường nội trú thuật lại. "Chúng tôi đã được đưa lên một chiếc xe buýt".

Họ đi về hướng Donetsk, lãnh thổ Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của quân ly khai thân Nga và quân đội Nga từ năm 2014. Những đứa trẻ mồ côi cuối cùng được đưa vào bệnh viện nhi khoa số 5. Hàng chục người khác đã ở đó, tất cả đều đến từ Mariupol. Ở đây bé nhỏ nhất mới có 8 tuổi. Phần lớn, cha mẹ của chúng đã một ngày mạo hiểm ra khỏi nơi ẩn náu để đi tìm lương thực và không bao giờ quay trở lại.

Từ khi tới Donetsk, một trong ba thiếu niên chạy trốn khỏi Mariupol đã được một gia đình nhận nuôi. Còn Ivan và Maxim đã được hiệu tưởng Anton đón và đưa đến Kiev.

Theo phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk, tổng cộng có 2.162 trẻ mồ côi Ukraine đã được chuyển đến Nga hoặc các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Donbass kể từ khi chiến tranh nổ ra.

Căng thẳng Mỹ và Trung Quốc về hồ sơ Đài Loan

Nhìn sang Châu Á và Đối thoại an ninh Shangri-La đang diễn ra ở Singapore, nhật báo công giáo La Croix có bài viết nói về cuộc đấu khẩu chưa từng có giữa hai siêu cường Trung Quốc và Mỹ. "Những người theo đuổi nền độc lập của Đài Loan với mục đích chia rẽ Trung Quốc chắc chắn sẽ không đạt được mục tiêu", bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tuyên bố như trên hôm Chủ nhật 12/06 trong diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La, quy tụ hàng năm tất cả các bộ trưởng quốc phòng của Châu Á và các cường quốc trên thế giới. "Không ai được đánh giá thấp quyết tâm và khả năng của các lực lượng vũ trang Trung Quốc trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình", ông Ngụy Phượng Hoàng nói thêm với giọng điệu rất cứng rắn.

Tuyên bố rất hung hăng này giống như một phản ứng gay gắt đối với những bình luận của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đưa ra hôm thứ Bảy, 11/06, tố cáo hoạt động quân sự với mục đích "khiêu khích và gây bất ổn" của Bắc Kinh gần Đài Loan. Hàng trăm cuộc tấn công chưa từng có của máy bay quân sự Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan đã gia tăng trong những tháng gần đây.

Trung Quốc coi hòn đảo 24 triệu dân này là một trong những tỉnh lịch sử của mình và họ có ý định lấy lại bằng vũ lực nếu cần thiết. Theo phát ngôn viên của bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Ngụy Phượng Hòa đã nói trong cuộc gặp với ông Lloyd Austin bên lề diễn đàn này : "Nếu có kẻ nào dám tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc, quân đội nước này sẽ không chần chừ mà phát động chiến tranh với kẻ đó".

Đối với Valérie Niquet, chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), có mặt tại Singapore, "thông điệp của Trung Quốc không thể rõ ràng hơn". Không gì có thể ngăn cản Trung Quốc trong việc "thu hồi" Đài Loan.

Những nhận xét này có thể được giải thích một phần bởi tuyên bố của tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng trước tại Tokyo, tái khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ không ngần ngại can thiệp quân sự nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan. Bắc Kinh cũng nhận thấy rằng các liên minh khu vực mới như Bộ tứ (QUAD) gồm Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ đang cố gắng kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương và đang ngày càng nổi bật trên chính trường thế giới. Và việc Nga xâm lược Ukraine đã củng cố các liên minh giữa Châu Âu và Châu Á-Thái Bình Dương.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 257 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)