Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/07/2022

Điểm báo Pháp – Macron cải tổ chính phủ trong khung cửa hẹp

RFI tiếng Việt

Pháp : Cải tổ chính phủ không mở rộng ra ngoài đa số cầm quyền

Thời sự chính trị nội bộ nước Pháp chiếm phần chính các trang báo ra ngày 05/07/2022. Đó là sự kiện cải tổ nội các liên minh cầm quyền của tổng thống Emmanuel Macron, Ensemble ! không giành được đa số tuyệt đối trong kỳ bầu cử Quốc Hội hồi giữa tháng 6.


caito1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) và thủ tướng Pháp Elisabeth Borne tại Suresnes, Pháp ngày 18/06/2022.  © Gonzalo Fuentes, AP

Sau những thương lượng, mặc cả thậm chí cả mời chào các phe phái đối lập nhưng không thành, cuối cùng chiều hôm qua, thủ tướng Elisabeth Borne đã thông báo thành phần nội các mới với một vài thay đổi trong phạm vi của đa số cầm quyền. Không có mở rộng, không có liên minh nào, sự thay đổi không vượt ra ngoài "biên giới" của đa số cầm quyền, đó là nét chính của cuộc cải tổ nội các nhằm đáp ứng với bối cảnh chính trị mới ở Pháp.

Không có gì bất ngờ với báo chí đã theo dõi sát những biến động chính trị ở Pháp từ kỳ bầu cử lập pháp hồi giữa tháng 6. Tổng thống Macron và thủ tướng Elisabeth Borne đã cố gắng thương lượng với các đảng phái đối lập nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc nhưng cũng không thành.

Tựa chính của Le Figaro : "Macron buộc phải cải tổ nội các ở mức tối thiểu". Tờ báo dành nhiều trang bài để giới thiệu các thành phần mới vào chính phủ, nhưng vẫn là những gương mặt trong liên minh cầm quyền gồm đảng của tổng thống Renaissance và cánh trung MoDem, và đảng Horizons, do cựu thủ tướng Édouard Philippe trong nhiệm kỳ cũ của ông Macron lập ra. Tờ báo ghi nhận cuộc "cải tổ nội các lần này chỉ là sự điều chỉnh để tạo sự cân bằng trong liên minh cầm quyền, không giải quyết được các vấn đề chính của Quốc Hội," vì không có sự tham gia nào của các đảng phái đối lập. Tại Hạ Viện đảng cầm quyền vẫn chỉ giữ đa số tương đối. Đây sẽ là thách thức lớn cho chính phủ của ông Macron trong những ngày tới, khi mà một loạt chủ trương chính sách sẽ phải đưa ra thông qua tại Quốc Hội.

Ngày mai (06/07) ; thủ tướng Elisabeth Borne sẽ có bài diễn văn trình bày phương hướng hành động và chính sách tổng thể của chính phủ trước Quốc Hội mới. Thông thường sau sự kiện như vậy, chính phủ phải đề nghị Quốc Hội bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng bà Borne sẽ không làm việc này tại nghị trường, phản ánh những khó khăn đầu tiên của chính phủ như tựa một bài của Le Figaro "Bà thủ tướng chuẩn bị đối mặt với lửa nghị viện". Giờ đây bà Elisabeth Borne phải chứng minh năng lực của nhóm lãnh đạo và bắt tay vào hành động.

PUBLICITÉ

Les Echos chạy tựa trang nhất : "Macron cải tổ nội các mà không mở rộng đa số". Nhật báo thiên tả Libération chạy tựa chính : "Cải tổ nội các, nhóm B" cùng với nhận xét : Chính phủ mới cho thấy những khó khăn của hành pháp để mở rộng cơ sở chính trị sau thất bại ở cuộc bầu cử lập pháp. Trong khi đó Le Monde ghi nhận đơn giản : "Cải tổ để cố gắng khởi động nhiệm kỳ 5 năm".

Ukraine mất dần miền đông, các nước Baltic xóa dấu tích Liên Xô 

Nhật báo Le Monde ghi nhận : "Nga hoàn tất chinh phục phía bắc Donbass". Tờ báo cho hay, hôm qua Moskva thông báo quân đội Ukraine đã rút khỏi thành phố Lysychansk. Mặc dù quân Nga còn phải tấn công chiếm một số ngôi làng nữa, nhưng trên thực tế Ukraine đã mất quyền kiểm soát toàn bộ vùng Luhansk.

Trong một chủ đề liên quan gián tiếp đến cuộc chiến tranh tại Ukraine, Le Monde có bài : "Những tượng đài Xô Viết trên đường bị tháo dỡ tại Latvia".

Le Monde cho biết, hôm 16/06 vừa qua, Quốc Hội nước này đã thông qua quyết định, theo đó từ nay đến ngày 15/11 những tượng đài tôn vinh chế độ Xô Viết sẽ phải được dỡ bỏ, di dời. Những tác phẩm có tính nghệ thuật cao sẽ được giao cho Bảo tàng ở Riga. Theo Le Monde, không có nghi ngờ gì, chính di sản thời Xô Viết có mặt rất rộng rãi trên đất nước này đang bị nhắm tới. 

Theo thông báo hôm 30/06 của ông trưởng thanh tra Nhà nước về di sản quốc gia Latvia, Juris Dambis, thì hiện có khoảng 69 công trình tượng đài và các bức phù điêu tôn vinh chế độ Xô Viết sẽ phải dỡ bỏ hoặc di dời. Công trình chính là tượng đài Chiến thắng đặt tại thủ đô Riga. Từ nhiều ngày qua, công trình này đã bị cấm tiếp cận và đặt dưới sự bảo vệ ngày đêm của cảnh sát.

Hiện tượng trên cũng đang diễn ra ở những nước láng giềng của Latvia. Tại Estonia, hiện có 132 di sản như vậy đang được chính quyền xem xét để tháo dỡ. Còn tại Litva người ta thống kê có khoảng 160 nghĩa trang và tượng đài liên quan đến quân đội Liên Xô cũ, cũng nằm trong danh sách cần dẹp bỏ.

Tuy nhiên, theo Le Monde, quyết định của Quốc Hội Latvia đang gây nhiều tranh cãi và phản ứng, đặc biệt trong cộng đồng những người nói tiếng Nga. Nhiều người lo ngại những quyết định trên sẽ gây thù hận và tâm lý chống Nga vào lúc này là không có lợi. Nhưng đó là hệ quả của việc Nga xâm lược Ukraine.

Covid-19 : Làn sóng dịch thứ 7, Châu Âu không muốn lập lại hạn chế

Tờ báo kinh tế Les Echos có bài đáng chú ý : Covid : Trước làn sóng thứ 7, Châu Âu tuy khó chịu nhưng vẫn không muốn tái lập các hạn chế phòng dịch.

Tờ báo cho biết, từ một tháng nay số ca nhiễm mới Covid tăng đều tại đa số các nước trên lục địa Âu. Theo Les Echos, từ một tháng qua, tại các nước như, Pháp, Ý, Hy Lạp, Đức, Áo và Tây Ban Nha, biểu đồ lây nhiễm Covid 19 đã tăng không cưỡng lại được. Đây là đợt thứ bảy dịch bùng lên tại Châu Âu. Tuy nhiên không thấy có dấu hiệu nào các nước muốn tái lập các hạn chế phòng dịch như đã làm ở những đợt trước.

Có nhiều yếu tố lý giải cho đợt bùng phát lần này trong đó có việc các biện pháp vệ sinh phòng dịch bị buông lỏng, hiệu quả của vac-xin đã suy giảm theo thời gian và đặc biệt là do sự xuất hiện của biến thể virus mới BA.4 và BA.5. Những biến thể này có khả năng nhiễm đối với những người đã tiêm chủng hoặc đã mắc Covid, nhưng có cái may là không gây ra thể nặng. Số tử vong hiện ổn định.

Tổ chức Y tế Thế giới đã lên tiếng báo động hồi giữa tuần trước đồng thời khuyến cáo các nước Châu Âu tiếp tục các biện pháp cách ly các trường hợp có triệu chứng nhiễm virus, tiêm phòng nhắc lại và đeo khẩu trang nơi đông người.

Theo tờ báo, Pháp hiện là nước có tỷ lệ lây nhiễm trong vòng một tuần cao nhất thế giới, chỉ đứng sau Đài Loan. Hiện tại Pháp có 16 nghìn bệnh nhân Covid nhập viện, con số này tương đương với kỳ Noel vừa qua. Tỷ lệ nhập viện tăng 31% mỗi tuần. Theo các chuyên gia dịch tễ Pháp, đợt dịch này sẽ vân còn lây lan mạnh cho đến hết tháng 7. Tuy nhiên đến giờ chính phủ Pháp chưa đặt vấn đề tái lập các biện pháp phòng dịch. Tại Đức tỷ lệ lây nhiễm trong 1 tuần tăng 60%. Các nước khác như Anh, Tây Ban Nha tỷ lệ này cũng tăng mạnh. Nhưng không có một nước nào tính đến chuyện trở lại các biện pháp phòng dịch. Ngay cả trường Hợp Bồ Đào Nha, nước bị làn sóng biến thể BA.5 tấn công đầu tiên và có tới 87% số người đã tiêm chủng bị nhiễm. Cơ quan Y Tế của nước này cũng chỉ dừng lại ở mức khuyến cáo nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng và bên trong không gian khép kín.

Vẫn liên quan đến dịch Covid-19, trang khoa học của Le Figaro cho biết "Những vac-xin ngừa covid 19 sẽ có hiệu quả chống lại biến chủng Omicron". Tờ báo cho biết, các hãng bào chế Pfizer/BioNTech và Moderna đã thử nghiệm thành công các sản phẩm vac-xin mới có khả năng bảo vệ trước hai biến chủng của virus Sars-CoV-2. Đây là một thông tin làm mọi người yên tâm hơn trong khi mà làn sóng dịch mới với biến chủng của Omicron đang trỗi dậy ở nhiều nước Châu Âu. Các thử nghiệm chưa kết thúc nhưng hứa hẹn sẽ có kết quả tốt. Hoa Kỳ đang kêu gọi các hãng dược tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm mới có khả năng thích ứng được với các biến chủng BA.4 và BA.5.

Bóng đá nữ : Sự cuồng nhiệt của người Anh

Nhật báo Libération dành nói về bóng đá nữ, nhân ngày mai, 06/07, giải vô địch bóng đá nữ Châu Âu sẽ khai cuộc tại nước Anh. Sự kiện này đang gây phấn khích lớn chưa từng thấy tại đất nước mà bóng đá nữ đã nhanh chóng được chuyên nghiệp hóa.

Libération cho hay, ngày 31/07 tới trận chung kết Cúp bóng đá nữ Châu Âu UEFA, sẽ diễn ra trên sân vộng động huyền thoại Wembley, tại thủ đô Luân Đôn. Điều bất ngờ là 87200 vé vào sân đã bán hết trong vòng 13 phút trên mạng từ hồi tháng Ba vừa qua. Kỷ lục số khán giả xem bóng đá nữ vẫn là tại Anh, đó là trận chung kết giữa tuyển Mỹ và Nhật Bản tại Thế vận hội mùa hè Luân Đôn 2012, với 80 nghìn người đến sân.

Ở giải Châu Âu tới đây, tất cả những trận đấu có đội tuyển Anh thi đấu ở vòng bảng đều đã kín chỗ. Nên biết là các sân vận động ở Anh, ít nhất có sức chứa từ 35 nghìn người. Tuần trước, UEFA, nhà tổ chức giải đấu, thông báo đã bán hết 500 nghìn vé, trong đó khán giả Anh chiếm 80%. Bên cạnh đó số lượng khán giả theo dõi qua màn ảnh nhỏ trên khắp thế giới sẽ là khoảng 250 triệu người.

Có được sự cuồng nhiệt với các nữ cầu thủ như vậy là do bóng đá nữ ở Anh Quốc đã được chuyên nghiệp hóa rất nhanh, từ năm 2017. Anh Quốc cũng đã có giải chuyên nghiệp cho bóng đá nữ, Women’s Super League từ khi đó. Giải đấu đã nhanh chóng thu hút được các nhà tài trợ lớn sẵn sàng đổ hàng chục triệu đô la vào quảng cáo.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 293 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)