Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

09/08/2022

Điểm báo Pháp - Kenya : Nguy cơ xảy ra bạo loạn

RFI tiếng Việt

Bầu cử tổng thống Kenya : Nguy cơ xảy ra bạo loạn

Cuộc bầu cử tổng thống ở Kenya diễn ra trong bối cảnh đất nước kiệt quệ, tham nhũng, lạm phát tăng cao và khủng hoảng nợ nước ngoài thu hút sự quan tâm của nhiều báo Pháp số ra ngày 09/08/2022.

kenya1

Ảnh hai ứng viên tổng thống Kenya : Ông Raila Odinga (T), lãnh đạo phe đối lập Kenya thuộc liên minh Azimio la Umoja (Tuyên bố Đoàn kết) và ông William Ruto, phó tổng thống Kenya (P), thuộc đảng Liên minh Dân chủ Thống nhất (UDA), tại Nairobi, Kenya, ngày 04/08/2022. Reuters – Baz Ratner

Với tựa đề "Cuộc bầu cử tổng thống đầy rủi ro cao ở Kenya",Le Monde phân tích hồ sơ hai ứng cử viên tranh cử mà người dân Kenya phải chọn ra vị tân tổng thống ngày 09/08. Một bên là Raila Odinga, xuất thân từ một trong 3 gia tộc lớn ở Kenya, "thống trị nền chính trị Kenya" từ năm 1963. Cha của Raila Odinga là vị tổng thống đầu tiên từ khi Kenya trở thành nền dân chủ. Bên kia là phó tổng thống William Ruto. Le Monde miêu tả ông giống như "người bốc mộ các triều đại" hay con tắc kè hoa chính trị, một người giảo hoạt và đã cọ sát với giới chính trị ngay từ khi còn trên ghế giảng đường đại học. Để khiến các cử tri quên đi số tài sản kếch xù của mình, ông cố gắng nhấn mạnh bản thân xuất thân nông dân, đi chân đất bán gà.

Người dân Kenya sẽ quyết định vận mệnh của đất nước như thế nào ?

Le Figaro thì dành một bài viết riêng để lột tả chân dung của William Ruto, một người muốn lật đổ những người được thừa kế số tài sản khổng lồ và lãnh đạo đất nước, mà ví dụ điển hình là đối thủ của ông, Raila Odinga. Sự thăng tiến của ông khiến giới tinh hoa lo ngại và khó trao phiếu bầu cho Ruto. Hiểu được điều này, ông nhắm đến đối tượng cử tri là những người nông dân, tiểu thương hay những người nghèo. Nhật báo thiên hữu kết luận rằng nếu Ruto thắng cử thì đây là một chiến thắng mang tính biểu tượng : "Người Kenya có thể nắm lấy vận mệnh của mình và thoát khỏi trướng của giới tinh hoa đã cai trị họ từ hơn 60 năm qua".

Theo thăm dò, cả hai ứng viên có tỷ lệ thắng cử xấp xỉ, ngang nhau. Điều này dấy lên mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn đối với đất nước mà một phần ba dân số sống dưới ngưỡng nghèo đói (theo Ngân hàng Thế giới). Đại dịch Covid-19 khiến các bất ổn xã hội gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 10%, lạm phát tăng hơn 8 %, thêm vào đó là tình trạng khan hiếm lương thực, nhiên liệu do chiến tranh Ukraine, hay hạn hán.

Tình trạng này khiến giới quan sát lo ngại tình trạng bạo lực và bạo loạn sẽ xảy ra sau cuộc bầu cử. Le Monde nhắc lại cuộc khủng hoảng hậu bầu cử năm 2007 đã khiến khoảng 1.100 người chết và hơn nửa triệu người Kenya phải rời khỏi đất nước do bên thua không chấp nhận kết quả bầu cử. Tòa án Hình sự Quốc tế đã truy tố tổng thống mãn nhiệm Uhuru Kenyatta và phó tổng thống William Ruto vì "tội ác chống loài người" do chính quyền tiến hành các cuộc đàn áp bạo lực.

Nếu như Libération quan tâm đến những ứng cử viên tổng thống là phụ nữ tại một đất nước mà bình đẳng giới chưa được quan tâm, nhất là trong giới chính trị, thì La Croix chỉ ra sự thờ ơ của giới trẻ Kenya đối với cuộc bầu cử mà đa số tin rằng không thay đổi được tình trạng của đất nước. Với một nước có dân số trẻ, 40% trong số hơn 50 triệu dân trong độ tuổi từ 18-35, lá phiếu của cử tri trẻ rất quan trọng. Điều này khiến hai ứng viên tích cực đổi mới hình thức vận động tranh cử, qua các kênh mạng xã hội phổ biến như Tiktok.

Một số chính trị gia phát tiền, phát lương thực hay phát quà để thuyết phục mọi người đi đến các buổi mít tinh của các ứng viên. Đến nỗi mà nhiều người thay vì đi kiếm việc làm, họ đến dự các buổi mít tinh của các ứng viên. Khi bầu cử kết thúc thì chẳng ai biết tương lai của họ ra sao, theo La Croix. Một số người từ chối đi bầu vì tin rằng các lời hứa hẹn trước bầu cử chỉ là hứa hão và đất nước lại rơi vào tình trạng tham nhũng, nợ nần, 60% doanh thu của nhà nước phải dùng để trả nợ.

Mỹ tìm cách lôi kéo Châu Phi

Vẫn về thời sự Châu Phi, Les Echos quan tâm đến chuyến thăm của ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại Nam Phi với bài đăng : "Hoa Kỳ muốn vượt mặt Nga và Trung Quốc ở Châu Phi". Ông Blinken nêu ra tầm quan trọng Nam Phi và bày tỏ mong muốn hợp tác giữa hai bên dù chỉ là khởi đầu. Ông cũng nêu ra 4 ưu tiên của chính phủ Hoa Kỳ trong chuyến thăm, đó là mở cửa, tăng cường ngoại giao, phục hồi sau đại dịch Covid-19 hay vấn đề về biến đổi khí hậu. Les Echos cho biết hiện Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nam Phi, nhưng du khách Mỹ và Đức là hai nguồn thu du lịch quốc tế lớn nhất của nước này.

Thế nhưng về mặt ngoại giao, Hoa Kỳ và Nam Phi không đứng cùng một phe, đặc biệt là về khủng hoảng Ukraine. Quốc gia giàu nhất Châu Phi vẫn giữ mối quan hệ với Nga được tạo dựng từ thời chống phân biệt chủng tộc. Nam Phi cũng từ chối lên án Nga xâm lược Ukraine mà giữ quan điểm trung lập.

Lạm phát bao trùm nhiều nền kinh tế thế giới

Một chủ đề khác được báo chí Pháp số ra hôm nay quan tâm đó là lạm phát. Tại Mỹ, sau nhiều tuần thương lượng, Thượng Viện thông qua kế hoạch với tên gọi "Inflation Reduction Act" - Đạo luật giảm lạm phát, trị giá 433 tỷ đô la. Theo Libération, đạo luật được tất cả các nghị sĩ đảng Dân chủ nhất trí tán thành và cho rằng kế hoạch này sẽ giải quyết vấn đề kinh tế, tài chính trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Những vấn đề chính mà văn bản luật này quan tâm đó về khí hậu và chuyển đổi năng lượng, giảm giá thuốc kê đơn và đưa ra chính sách thuế công bằng hơn. Nhật báo thiên tả nhấn mạnh rằng đây là một trong những chiến thắng vẻ vang đầu tiên của Biden, nhất là trong bối cảnh chưa đầy 100 ngày nữa là đến kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Còn tại Pháp, về vấn đề lạm phát, Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất "Những người đi nghỉ hè phải thích ứng với giá cả tăng cao". Lạm phát tăng 6,1% trong vòng một năm, đây là điều chưa từng xảy ra tại Pháp từ năm 1985. Một số người dân Pháp chọn việc thuê vườn hay bể bơi riêng trong khu vực không quá xa nơi sinh sống thay vì đi du lịch. Có những người vẫn chọn đi du lịch nhưng có thể đi ngắn ngày hơn, gần nhà và những địa điểm bớt tốn kém. Thay vì những chuyến đi du lịch nước ngoài, thì nhiều người chọn du lịch tại Pháp, khám phá các thắng cảnh trong nước. Một số địa phương quyết định phát "séc lạm phát" cho người dân. Nhiều cơ sở kinh doanh du lịch cũng đưa ra ưu đãi về giá để thích ứng với việc các gia đình cẩn thận, thắt chặt chi tiêu.

Xứ lạnh Bắc Âu phải học thích ứng với nắng nóng

Về thời sự Châu Âu, tình trạng nắng nóng khô hạn, cháy rừng xảy ra ở nhiều nơi. Les Echos có tựa "Bắc Âu đứng trước thách thức phải thích ứng với mùa hè nắng nóng". Các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến các quốc gia vốn quen với thời tiết ôn hoà như Anh Quốc, Đức hay Hà Lan, phải chịu các hậu quả không nhỏ, đến tình trạng sức khỏe của người dân cũng như các sơ sở hạ tầng vật chất. Nhật báo kinh tế nêu ra ví dụ ở sân bay Luân Đôn hôm 19/07, nhiều chuyến bay bị hủy vì thời tiết quá nóng làm cho đường băng có hiện tượng không ổn định. Trong khi Châu Âu vốn đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến tranh Ukraine, thì mùa hè năm nay, lượng gió không đủ khiến việc sản xuất điện gió bị suy giảm. Nhiệt độ của các con sông tăng cao, gây khó dễ cho việc làm mát các lò phản ứng điện hạt nhân.

Tại Đức, nước sông Rhin cạn khiến tàu bè chở hàng không thể qua lại làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Tại Pháp, về vấn đề khô hạn, nhật báo công giáo La Croix nêu ra tranh luận về việc đưa luật về nước vào trong Hiến pháp. Theo luật sư và chuyên gia về luật môi trường, ông Arnaud Gossement, đề xuất này hoàn toàn hợp lý nhưng lại không hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. Thay vào đó, Pháp nên quan tâm đến việc cải cách chính sách thuế, đánh vào những người lãng phí nước.

Liệu Ukraine có quyết tâm giành lại những vùng đã mất ?

Về chiến tranh Ukraine, bước sang ngày thứ 167, trang nhất báo La Croix đăng hình ảnh tình nguyện viên Ukraine mặc áo lính, tập luyện sử dụng vũ khí : "Xã hội dân sự Ukraine được huy động trên mọi mặt trận". Nhật báo công giáo cho biết, nhiều tình nguyện viên là luật gia, chủ doanh nghiệp hay nhà báo đã quyết định gia nhập quân đội Ukraine. Đối với họ, việc cầm súng bảo vệ lãnh thổ là một cam kết, là cái giá phải trả để bảo vệ những lời hứa từ Phong trào Maidan năm 2014.

Cùng chủ đề này, trong khi Le Monde nói về số phận của khoảng 100.000 người ở Kharkiv, vẫn sống tạm bợ dưới lòng đất, trú ẩn tại các trạm tàu điện ngầm từ nhiều tháng qua thì Le Figaro La Croix đề cập đến tình hình trên chiến tuyến miền nam Ukraine. Hôm 24/07, bộ trưởng quốc phòng Ukraine thông báo mục tiêu giành lại Kherson từ nay đến tháng 9. Tuy nhiên, theo La Croix, giới chức Ukraine lại cùng lúc cho thấy ý định này đầy mơ hồ. Thay vì những đợt phản công "chớp nhoáng", từ nhiều tuần qua, lực lượng Ukraine lại di chuyển "chậm chạp" đến Kherson.

Cách Kherson 40 km về phía nam, tại Mykolaiv, Le Figaro cho biết thành phố vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine nhưng nhiều nơi đã bị phá hủy do các trận pháo kích của Nga. Theo lời lãnh đạo một tiểu đoàn đóng quân ở Mykolaiv, ông Roman Kostenko cho biết : "Ukraine sẽ không thể phản công ngay vì Nga đâu có tấn công và hơn nữa ở đây cũng không có đủ vũ khí hay nhân lực cần thiết để tiến hành phản công". Theo ông Kostenko, Ukraine sẽ không thể bỏ rơi Kherson vì thành phố có vị trí chiến lược.

Trung Quốc tập trận khiêu khích Đài Loan để nâng cao kinh nghiệm chiến đấu

Vấn đề Đài Loan, một tâm điểm công luận khi Bắc Kinh có hành động đe dọa, tập trận quy mô lớn, bao vây Đài Loan, do chuyến thăm của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi vào tuần trước. Le Monde chạy tựa "Trung Quốc đe dọa Đài Loan bằng quân sự nhưng không thay đổi nguyên trạng". Tờ báo phân tích hành động khiêu khích, tập trận bắn đạn thật, bao vây Đài Loan, nhằm mục đích gì ? Đầu tiên đó là mục đích truyền thông, để phô trương sức mạnh lực lượng quân sự của Trung Quốc, chứng minh cho Đài Loan và cộng đồng quốc tế thấy, Bắc Kinh có thể tấn công Đài Loan bất cứ lúc nào và cũng để khẳng định chủ quyền trên toàn bộ eo biển Đài Loan. 

Cuộc thao dượt cũng là dịp để hải quân Trung Quốc tập luyện. Le Monde cho biết hải quân Trung Quốc hiện có nhiều tàu hơn cả hải quân Mỹ, nhưng lại thiếu kinh nghiệm chiến đấu.

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 247 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)