Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/08/2022

Điểm báo Pháp - Tái chiếm Kherson ?

RFI tiếng Việt

Tái chiếm Kherson ? Với ưu thế đang lên, Ukraine không cần vội vã

The Economist cho rằng Ukraine không cần vội vã tìm cách tái chiếm toàn bộ Kherson, mà nên bao vây, tiêu hủy dần nguồn lực của Nga. Hiện thời đôi bên dường như đều trong ngõ cụt, nhưng Ukraine sẽ thoát khỏi bế tắc vào đầu năm tới, khi được bổ sung nhiều tân binh đang được Anh huấn luyện và có thêm vũ khí. Những cuộc chiến tranh tiêu hao không thể kết thúc trong một sớm một chiều.

kherson1

Một chiến sĩ Ukraine tại chiến hào ở Kherson, ngày 12/06/2022  © Genya Savilov/AFP

Chiến sự Ukraine, vụ ám sát hụt nhà văn Salman Rushdie, vị thế thống trị trong đảng Cộng hòa của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, tham vọng xâm lăng Đài Loan của Trung Quốc là những vấn đề được đề cập nhiều nhất trên các tuần báo kỳ này.

Dục tốc bất đạt

The Economist trong bài"Hãy bình tĩnh ở Kherson" lý giải vì sao Ukraine không nên vội vã tìm cách tái chiếm toàn bộ tỉnh này. Theo tuần báo Anh, trong những năm tới, các lực lượng vũ trang NATO sẽ phải xếp hàng trước Bộ tổng tham mưu Ukraine để học hỏi làm cách nào ngăn chận được quân Nga ở Kiev và Odessa và loại khỏi vòng chiến 60.000 địch quân trong sáu tháng chiến tranh. Nhưng một trắc nghiệm quan trọng vẫn còn ở phía trước : Ukraine muốn thu hồi lãnh thổ của mình.

Người ta đang nói nhiều về việc quân đội Ukraine đang chuẩn bị phản công bên trong và xung quanh thành phố Kherson ở miền nam. Họ đã phá hư hầu hết những cây cầu nối Kherson với các lãnh thổ khác đang do Nga kiểm soát, cô lập quân Nga ở phía tây sông Dniepr, oanh kích các kho đạn và sở chỉ huy. Một tướng lãnh Ukraine nói rằng có thể giải phóng thành phố vào cuối năm nay.

Tuy nhiên thực tế phức tạp hơn nhiều. Nga đã đổ quân vào Kherson và đào nhiều công sự ở đây, chiến tranh đô thị thì chậm chạp và tốn kém. Nga đã chiếm Mariupol, Severodonetsk cũng như một số các thành phố khác của Ukraine và không ngần ngại san bằng thành bình địa, còn Kiev mong giữ cho Kherson được nguyên vẹn. Một cuộc phản công hiệu quả rất có thể là chiến dịch bao vây, dùng chiến lược tiêu hao kéo dài thay vì tấn công chớp nhoáng.

Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng phải cân nhắc. Các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Châu Âu đang phải chịu đựng giá khí đốt tăng cao, thiếu thốn nguồn cung. Ông cần chứng tỏ một ít tiến triển, và muốn phá vỡ kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu dân ý giả tạo của Nga nhằm sáp nhập Kherson. Zelensky hứa sẽ giải phóng tất cả, nhưng thực tế Ukraine cần có thêm thời gian để huấn luyện binh sĩ, nhận thêm nhiều vũ khí và làm yếu đi trận địa phòng thủ của Nga.

Ưu thế đang dần nghiêng về Ukraine 

Hiện thời cuộc chiến dường như trong ngõ cụt. Đà tiến của quân Nga ở Donbass thuộc miền đông chậm lại, những động thái thăm dò của Ukraine ở bắc Kherson cũng không mang lại kết quả. Đôi bên đều cần gầy dựng lại lực lượng sau sáu tháng chiến đấu. Trong những tháng tới, Moskva sẽ tăng cường phòng thủ, tiếp tế cho binh lính và tăng viện bằng quân tình nguyện được trả lương cao.

Nhưng theo chiều hướng hiện nay, Ukraine đang ở thế thượng phong để thoát khỏi bế tắc vào đầu năm tới. Khoảng 10.000 tân binh đang được Anh giúp huấn luyện sẽ bổ sung vào lực lượng, và mỗi tuần đều có thêm vũ khí được chuyển giao. Hôm 08/08, Mỹ loan báo đợt viện trợ lớn nhất trong đó có thêm đạn dược cho các giàn rốc-kết Himars đang gây kinh hoàng cho quân Nga.

Đồng minh của Ukraine cần kiên nhẫn, những cuộc chiến tranh tiêu hao không thể kết thúc trong một sớm một chiều. Các chính phủ phương Tây có thể vất vả trong việc duy trì sự ủng hộ của công chúng đối với Ukraine khi hóa đơn khí đốt tăng vọt trong mùa đông, Vladimir Putin đang trông cậy vào sự mệt mỏi này. Nhưng giành lại Kherson không phải là giải pháp duy nhất. Những cuộc tấn công đầy ấn tượng vào Crimea trong tháng này, mới nhất là vụ tiêu diệt một kho đạn lớn hôm 16/08 ở xa hơn hẳn tầm bắn của những vũ khí đang có, chứng tỏ sự quyết tâm và giàu sáng kiến của Kiev. Việc phá hủy có phương pháp sức mạnh quân sự của Nga rốt cuộc sẽ mở ra con đường tái chiếm các lãnh thổ như Ukraine mong ước.

Phản công tái chiếm Kherson hay không ?

Cũng theo The Economist, những trận chiến lớn trong thế kỷ 20 đều xoay quanh những cuộc phản công. Chẳng hạn sự kiện phe đồng minh đổ bộ vào Normandie, vụ tấn công bất ngờ của tướng Douglas MacArthur vào Inchon trong chiến tranh Triều Tiên, cú đánh thọc sườn từ bên trái của tướng Norman Schwarzkopf để cắt đứt lực lượng Iraq, giúp giải phóng Kuwait.

Ngày nay Ukraine với 1/5 lãnh thổ đang bị Nga chiếm đóng, hy vọng tiếp nối danh sách này. Các vụ tấn công của Himars làm yếu đi pháo binh Nga, hôm 13/08 một chiếc cầu trên đập Nova Kakhovka, siết thêm gọng kềm xung quanh Kherson. Nhưng chỉ có bộ binh mới tái chiếm được lãnh thổ.

Những tuần lễ gần đây Nga đã rút lực lượng ở Izyum đến tăng cường cho Kherson, từ 13 cụm tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG) đã tăng lên 25 đến 30. Lực lượng tấn công phải đông gấp ba quân phòng thủ, mà lợi thế này của Ukraine không còn nữa, năm lữ đoàn thiện chiến nhất đã bị thương vong rất nhiều, đạn dược cũng phía tấn công cũng tiêu tốn nhiều hơn phòng vệ.

L’Express dẫn lời một tình nguyện quân nước ngoài cho biết, lính Nga hết sức tệ hại khi chiến đấu trong thành phố, nhưng vấn đề là họ quá đông. Theo chuyên gia Chris Dougherty, tốt nhất Ukraine nên cô lập Kherson, ngăn chặn đường tiếp tế của quân Nga.

Tuy nhiên những tuyên bố sẽ nhanh chóng phản công cũng có mặt lợi là nâng cao tinh thần người dân ở Kherson và khiến quân Nga luôn bị căng thẳng, Moskva phải điều quân từ Donbass sang khiến áp lực lên Sloviansk giảm đi. Phóng đại về cuộc phản công rồi không thực hiện rốt cuộc có thể gây thất vọng, nhưng nếu tấn công và thất bại thì còn tệ hơn. Một chiến dịch vì mục đích chính trị, bất chấp thực tế quân sự sẽ rất tai hại.

Cuộc sống khắc nghiệt trong thành phố bị Nga tạm chiếm

Riêng về cuộc sống ở thành phố Kherson bị chiếm đóng vô cùng nghiệt ngã, theo lời kể của những người tị nạn được The Economist ghi lại. Lính Nga, mật vụ và những cảnh sát trung thành với quân xâm lược buộc tập trung những cựu quân nhân Ukraine và những người bị nghi ngờ là phá hoại. Ở vùng quê, còn bị khám từng nhà để truy lùng các cựu binh. Theo Human Rights Watch, ít nhất 600 người dân Kherson đã mất tích, số khác bị tra tấn và người ta nghi ngờ cùng chung số phận với Bucha.

Những tờ truyền đơn ghi tên người mất tích được người dân treo lên những cành cây trong thành phố, trung tâm thương mại lớn nhất chỉ còn là đống gạch vụn. Các công ty bắt đầu trả lương bằng đồng rúp, người Ukraine có thể mở tài khoản ở hai ngân hàng mới mở của Nga, nhưng chỉ khi họ có hộ chiếu Nga. Các số điện thoại di động của Ukraine không còn hoạt động, nên những ai có internet tại nhà thường đặt bộ tiếp sóng gần cửa sổ để người qua đường kết nối được.

Trường học chuẩn bị dạy theo chương trình Nga, những ai chống đối đã bị sa thải. Các pa-nô ghi dòng chữ "Nga sẽ ở lại đây vĩnh viễn", một blogger ngậm ngùi "Chúng tôi đã bị thụt lùi 30 năm". Người Nga dọn vào cư ngụ tại các căn hộ mà chủ nhân đã di tản. Một chiến binh Ukraine đóng gần Kherson cho biết cư dân vẫn hỗ trợ quân đội bằng cách cung cấp thông tin về các vị trí Nga, nhưng đôi khi những người dân yêu nước phải trả cái giá rất đắt.

Nhiều lãnh vực của Nga khốn đốn vì cấm vận

Về phía Nga trên khía cạnh kinh tế, L’Express cho biết "Hàng không, xe hơi, công nghệ… Nga đang lao đao". Dù trước mắt cú sốc cấm vận có được giảm nhẹ nhờ những biện pháp chống đỡ của Moskva, nhưng viễn cảnh rất u ám. Hy vọng tránh được suy thoái lùi xa, sức mua sụt hẳn, dự trữ của doanh nghiệp giảm dần, chảy máu chất xám. Trên 30% máy bay không thể hoạt động vì thiếu phụ tùng, lượng xe hơi bán ra sụt 70% và trang bị nghèo nàn, sản xuất hàng điện tử tiêu dùng giảm phân nửa… Về lâu về dài, tình trạng này sẽ còn nặng nề thêm.

Tập Cận Bình luôn nung nấu dã tâm xâm lược Đài Loan

Nhìn sang Châu Á, Courrier International nhận định "Bắc Kinh quyết tâm chiếm Đài Loan hơn bao giờ hết". Cuốn Sách Trắng về Đài Loan đầu tiên kể từ 22 năm qua nói rõ ý định sử dụng vũ lực để "thống nhất" hai nước, cho dù vẫn ưu tiên cho giải pháp hòa bình. Bạch Thư được công bố hôm 10/08 tái khẳng định "Đài Loan thuộc về Trung Quốc, đó là thực tế". Văn bản đổ lỗi cho chính quyền Đài Bắc và đặc biệt là đảng Dân Tiến "hủy hoại hòa bình và ổn định" ở eo biển, cho rằng đảng này là"chướng ngại vật cần loại bỏ" trong tiến trình thống nhất theo chính sách "nhất quốc, lưỡng chế" như Hồng Kông.

Theo Hoàn cầu Thời báo, đây là Sách Trắng "cứng rắn nhất từ trước tới nay" về Đài Loan. Trong hai Bạch Thư năm 1993 và 2000, chữ "Đài Loan độc lập" được nhắc đến 5 lần, còn lần này đến 36 lần và giọng điệu cũng nghiêm trọng hơn. Nhưng tờ Liên hiệp Tảo báo (Lianhe Zaobao) của Singapore cho rằng cho dù căng thẳng xảy ra từ chuyến thăm của bà Nancy Pelosi, Đảng cộng sản Trung Quốc không thay đổi chính sách đối ngoại do sắp đến Đại hội Đảng lần thứ 20.

Cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd, nói rành tiếng quan thoại và là chuyên gia về văn hóa Trung Quốc, khi trả lời L’Express đã phán đoán Tập Cận Bình tự ra cho mình kỳ hạn 15 năm để chiếm được đảo quốc, tức trong lúc tại vị. Ông Tập có tham vọng nắm giữ quyền lực đến tận năm 2037, tức là thêm ba Đại hội Đảng nữa, khi đó ông ta đã 84 tuổi. Tập tuyên bố công cuộc "đại phục hưng Trung Quốc" - sẽ đạt đỉnh vào 2049 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước - không thể thiếu việc "thống nhất" Đài Loan.

Salman Rushdie, 33 năm trong hành lang tử thần Hồi giáo

Về mối đe dọa Hồi giáo cực đoan, sự kiện nhà văn Salman Rushdie bị ám sát được tất cả các tuần báo quan tâm. L’Express chạy tựa trang nhất "Hồi giáo chống lại tự do", Courrier International nhận xét "Salman Rushdie, nỗi xúc động trên toàn thế giới". Le Point đăng chân dung nhà văn trên trang bìa với chú thích "Salman Rushdie, 33 năm trong hành lang tử thần Hồi giáo" và chạy tựa lớn"Lời cảnh báo" về "một cuộc chiến tranh đang chờ đợi chúng ta".

Tờ báo cho rằng những nhát dao đâm vào Rushdie ở New York là cảnh báo cho mọi người : hành lang tử thần của Hồi giáo chưa hề bị lãng quên. Ba mươi ba năm sau lệnh trừng phạt "fatwa" của giáo chủ Khomeyni, một tín đồ mê muội thậm chí chưa sinh ra vào thời đó, đã thực thi. Tại Hoa Kỳ cũng như Châu Âu đang có xu hướng thu mình lại như đà điểu. Sau vụ khủng bố Charlie Hebdo năm 2015, Hội Văn Bút danh giá đã tặng giải thưởng can đảm cho tuần báo này, nhưng bị phản đối bởi… trên 200 hội viên !

Ở Pháp, một số nhân vật cánh tả trước đây ủng hộ nhà văn nay không dám đề cập đến chủ đề này, chẳng hạn thủ lãnh cực tả Jean-Luc Mélenchon hoàn toàn im lặng, số khác thậm chí có thái độ đồng lõa để kiếm phiếu. Có những dân biểu thuộc đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) lên tiếng bảo vệ tu sĩ Hồi giáo Hassan Iquioussen khi ông này có nguy cơ bị trục xuất vì tuyên truyền bài Do Thái, phụ nữ phải chịu khuất phục… thay vì bênh vực Salman Rushdie.

Nhà văn Kamel Daoud cho biết : "Khi là một người Algérie sống sót trước Hồi giáo cực đoan vũ trang, người ta hiểu được tính chất toàn trị của họ : Nếu chịu thua trước một luật lệ tưởng tượng, một ngày nào đó bạn không còn được quyền viết, đọc…". Nhà báo kiêm nhà văn gốc Maroc Leila Slimani viết : "Tôi mới 8 tuổi khi lệnh fatwa được đưa với Salman Rushdie, và đáng buồn thay, từ đó đến nay Hồi giáo cực đoan đã thắng trong cuộc chiến văn hóa tại nhiều nước. Bảo thủ, cố chấp, thù ghét thân thể, những đức hạnh giả tạo làm băng hoại xã hội chúng ta và bóp nghẹt ý hướng tự do". Giải Nobel văn chương người Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk cho biết riêng việc phát biểu ý kiến trên Le Point không phải là không rủi ro. Vài người bạn đã khuyến cáo nên cẩn thận, dù biết rằng ông có vệ sĩ bảo vệ. Bài học về vụ này thật cay đắng : Rushdie vẫn còn sống, nhưng phe sát nhân không hoàn toàn thất bại mà thậm chí còn có đôi chút thắng lợi.

Bị FBI khám nhà, Donald Trump càng được ủng hộ

Liên quan đến Hoa Kỳ, The Economist đăng ảnh bìa là cựu tổng thống Trump đang cầm sợi dây dẫn một chú voi con đội chiếc nón đỏ và đặt câu hỏi ở trang trong "Liệu Donald Trump có tái tranh cử ?".Nếu vậy, đảng Cộng Hòa có đề cử ông hay không ? Le Point nhận định việc FBI khám nhà ông ở Florida, đã phản tác dụng, giúp sức thêm cho Donald Trump.

Đây là sự kiện chưa từng thấy đối với một cựu tổng thống Mỹ, bị đối xử như một tên trộm, nhất là tiến hành bất ngờ và không hề tôn trọng sự riêng tư. Đành rằng từ khi rời Nhà Trắng hôm 20/01/2021, ông Trump luôn từ chối yêu cầu của cơ quan lưu trữ quốc gia đòi chuyển giao mọi tài liệu chính thức, theo như luật pháp quy định. Có thể ông đã đem về nhà, nhưng nhiều nhân chứng khẳng định Trump có thói quen xé bỏ giấy tờ. Tuần báo cánh hữu cho rằng ở đây không đơn thuần là nhu cầu lưu trữ, mà còn nhằm tìm kiếm những bằng cớ về quan hệ được cho là giữa Donald Trump và những người thân cận với những người chiếm điện Capitol hôm 06/01/2021.

Cuộc tập kích của FBI khiến cựu tổng thống phẫn nộ trước hành động "săn lùng phù thủy", và đảng Cộng hòa kịch liệt phản đối. Le Point dẫn nguồn Fox News nhận định mỗi lần FBI hay bộ Tư pháp tấn công ông Trump, lại củng cố thêm niềm tin của cử tri ông là giới tinh hoa muốn hạ bệ Donald Trump bằng mọi cách. Tương tự, Courrier International trích dẫn trang Politico cho rằng Trump sẽ nhân vụ này để tập hợp các đồng minh. "Nếu khả năng Donald Trump sẽ tái tranh cử năm 2024 là 99%, thì giờ đây đã thành 100 %".

Chó mèo lên hương trong thời buổi con người dễ bị trầm cảm

Chuyển sang lãnh vực xã hội, tuần báo L’Obs dành trang bìa và hồ sơ cho"Liệu pháp thú nuôi", những người bạn trung thành đã giúp cho đời sống con người thêm dễ chịu. Từ đầu cuộc xâm lược, vô số hình ảnh người tị nạn Ukraine lê bước trên đường, tay ôm chú chó berger Đức hay vuốt ve con mèo đang run rẩy trong hầm trú ẩn, đã được truyền đi khắp thế giới. Nhiều người di tản còn từ chối ra đi nếu không được mang theo người bạn bốn chân của mình. Chưa bao giờ một cuộc chạy loạn lại in đậm hình ảnh chó mèo đến thế, chứng tỏ vị trí của vật nuôi đã khác hẳn.

Sau nhiều thế kỷ được nuôi để giữ nhà, bắt chuột, chó mèo nay được coi như thành viên của gia đình. Theo viện Statista, hơn phân nửa người Pháp sở hữu thú cưng, và trong thời kỳ phong tỏa vì Covid, không ít người nhờ chúng mà vượt được nỗi cô đơn. SPA (cơ quan bảo vệ súc vật) ghi nhận số lượng chó mèo được nhận nuôi trong năm 2020 đạt mức kỷ lục, đến nỗi Vatican còn lo sợ thú cưng sẽ thế chỗ cho trẻ em.

Chó mèo nay ngủ trên giường, được cho mặc quần áo nhiều khi là hàng hiệu, không còn ăn đồ thừa mà là bánh khô bio (sinh thái), uống nước suối. Hàng loạt dịch vụ dành cho chúng như khách sạn, massage, hồ bơi…, thị trường thực phẩm, chăm sóc thú cưng tại Pháp có doanh số vượt quá 5 tỉ euro. Có người vay mượn để mua chó mèo thuần chủng, cắt bớt ngân quỹ nghỉ mát để chữa bệnh cho thú nuôi, cho chó đi học.

Và nhân vật nhiều ảnh hưởng năm 2022 là một… chú mèo. Stepan, một chàng mèo Ukraine hiện có 2,4 triệu người theo dõi trên TikTok và Instagram. Mèo Stepan nổi tiếng cách đây hai năm sau khi cô chủ đăng tấm hình đang đường hoàng ngồi gác tay lên bàn bên cạnh một ly rượu vang và dĩa bánh blini. Mùa đông vừa qua khi chiến tranh nổ ra, cuộc chạy trốn khỏi Kharkov của chú mèo được đưa tin liên tục trên mạng xã hội, và đến tháng Năm, Stepan được trao tận… chân giải thưởng nhân vật trong năm, bên lề Đại hội Điện ảnh Cannes.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 335 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)