Chiến tranh Ukraine : Vì sao Nga rốt cuộc sẽ bại trận ?
Điện Kremlin dường như không còn có thể theo đuổi lâu dài cuộc chiến tranh ở Ukraine, do trừng phạt kinh tế của phương Tây và sức công phá của các loại vũ khí được đồng minh cung cấp cho Kiev. Trận đánh Kherson lần này sẽ mang tính quyết định.
111111111111111111111111
Ảnh minh họa : Các chiến binh Ukraine chuẩn bị tấn công các vị trí Nga bằng lựu pháo M777 của Mỹ tại Kharkov, ngày 14/07/2022. AP - Evgeniy Maloletka
Một mùa hè nóng chưa từng thấy, mùa khai trường thiếu giáo viên, vật giá gia tăng, nguy cơ thiếu điện, khí đốt trong mùa đông tới, đó là những ưu tư trên mặt báo Pháp hôm nay, bên cạnh chủ đề luôn được nhắc đến nhiều nhất là cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc đều có nguy cơ suy thoái
Le Monde đưa tin trang nhất "Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc : Cảnh báo suy thoái toàn cầu". Ba cột trụ kinh tế thế giới đều có vẻ dễ tổn thương như nhau, khác hẳn với cuộc đại khủng hoảng năm 2008.
Cú sốc khí đốt tại Châu Âu, lạm phát ở Hoa Kỳ, những vụ phong tỏa liên miên và khủng hoảng địa ốc ở Trung Quốc… Những đầu tàu kinh tế thế giới lần lượt nhấp nháy đèn đỏ. Ngân hàng Morgan Stanley cảnh báo, bóng ma suy thoái đang đe dọa khắp nơi trên thế giới, và một chuyên gia nói thêm, "Đối với người tiêu thụ, một mùa đông lạnh giá kéo dài đang hiển hiện". Nhiều nhà kinh tế bắt đầu dự báo khu vực đồng euro sẽ rơi vào suy thoái từ nay đến cuối năm, Hoa Kỳ có thể tránh được nhưng bị khựng lại, còn Trung Quốc vốn là động cơ của kinh tế thế giới từ một phần tư thế kỷ, chưa bao giờ gặp khó khăn đến thế.
Thêm vào danh sách là Anh quốc – dường như suy thoái đã bắt đầu, Trung Âu bị ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc xâm lăng Ukraine, hay các nước đang phát triển đang bị khủng hoảng trầm trọng : Lebanon, Sri Lanka, Pakistan hầu như phá sản, Thổ Nhĩ Kỳ lạm phát phi mã. Tuy nhiên đây không phải là kịch bản thảm họa như năm 2008, suy thoái toàn cầu lần này không quá nghiêm trọng.
Năm 2022 khởi đầu đầy màu hồng vì Covid có vẻ sắp kết thúc, người dân được chính phủ trợ giúp. Nhưng rồi lạm phát xảy ra do hậu quả đại dịch – hệ thống logistic rối loạn, thiếu nhân công – rồi đến cuộc chiến tranh ở Ukraine. Trung Quốc thì tiếp tục ngoan cố với chính sách zero Covid. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm ngoái ước tính tăng trưởng năm 2022 là 4,9%, nay hạ xuống 3,2% mà vẫn bị cho là quá lạc quan.
Trận đánh tái chiếm Kherson : Lần đầu Ukraine không còn ở thế thủ
Liên quan đến tình hình Ukraine, cuộc phản công nhằm tái chiếm Kherson được tất cả các báo chú ý. Le Figaro nhận định, lần đầu tiên kể khi khi khởi đầu cuộc chiến, Ukraine không còn ở thế thủ trước Moskva. Tờ báo nhận thấy cuộc phản công được chuẩn bị rất có phương pháp. Trước đó Ukraine liên tục bắn pháo vào hậu cứ Nga, nhắm chủ yếu vào cơ sở hạ tầng và kho đạn, đến tận Crimea.
Nếu Kiev loan báo từ tháng Bảy nhưng bây giờ mới thực sự tấn công, đó là để khẩn cấp ngăn Nga tổ chức "trưng cầu dân ý" ở các vùng chiếm đóng rồi hợp thức hóa. Bên cạnh đó còn nhằm nâng cao tinh thần dân chúng và những người ủng hộ phương Tây. Việc tái chiếm Kherson sẽ giúp cho Mikolaiv và cả miền nam Ukraine được an toàn, đồng thời đe dọa Crimea. Tóm lại, là đẩy cuộc chiến sang phía kẻ địch.
Theo cựu sĩ quan thủy quân lục chiến và nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Michel Goya, Ukraine đã tập trung tấn công vào những chiếc cầu ở Kherson và Nova Kakhovka, các trận địa pháo ở hai bên sông Dniepr. Những đợt pháo dồn dập nhất kể từ đầu cuộc chiến hội đủ mọi điều kiện cần thiết cho trận tấn công lớn, thông qua việc tìm cách vô hiệu hóa phòng thủ của địch.
Kiev vẫn rất kiệm lời, phát ngôn viên tập đoàn quân phía nam chỉ khẳng định một điều duy nhất là tất cả những cây cầu nối Kherson với các lãnh thổ Nga đều đã bị phá hủy. Mục tiêu dường như không chỉ nhằm cô lập quân Nga, mà còn ngăn đường rút lui của họ. Nhưng cũng theo ông Goya, dù vậy lính Nga vẫn có thể làm cầu phao hay dùng phà như hiện nay.
Hậu trường chiến tranh mạng giữa Moskva và Kiev
Tuy nhiên những cuộc giao tranh không chỉ diễn ra ngoài mặt trận mà cả trên thế giới ảo. Le Figaro viết về "Ukraine-Nga : Hậu trường của chiến tranh mạng". Từ hôm 24/02, Nga đã tấn công trên 800 vụ vào Ukraine. Một giờ trước cuộc xâm lăng, tin tặc Nga đã ồ ạt đánh vào mạng vệ tinh của Ukraine, gây hậu quả sang tận nước Pháp : 70.000 thuê bao bị mất kết nối. Hôm 17/08, cơ quan nguyên tử lực EnergAtome của Ukraine bị tấn công DDoS với 7,25 triệu máy chủ. Không chỉ tấn công tin học, Nga còn trực tiếp thả bom vào các trung tâm lưu trữ dữ liệu của Ukraine.
Kiev không khoanh tay chịu trận, mà kêu gọi thế giới ủng hộ công cuộc kháng chiến chính nghĩa. Một số hacker của quân đội Mỹ đã giúp một tay, sau đó là IT Army, đội quân gồm 230.000 người tình nguyện được phối hợp qua Telegram. Cũng có những nhóm hacker tham gia bênh vực Ukraine như Anonymous, một số chuyên gia an ninh mạng của F-Secure hay Vectra tình nguyện giúp đỡ vô vị lợi, Starlink của tỉ phú Elon Musk tặng hàng ngàn thiết bị kết nối internet. Và hiện nay dữ liệu của 16 cơ quan cấp bộ Ukraine đã được chuyển sang cloud Azur của Microsoft để tránh bị tin tặc Nga tấn công.
EU đồng thuận về huấn luyện cho Ukraine, tranh cãi về visa cho người Nga
Về phía Liên Hiệp Châu Âu, các bộ trưởng quốc phòng hôm qua tại Praha đã nhất trí bật đèn xanh cho việc lập một phái bộ chung để hỗ trợ lực lượng Ukraine. Les Echos dẫn lời lãnh đạo ngoại giao EU, ông Josep Borrell nhấn mạnh đến sự đồng thuận này, vì một số thành viên có phần nào e ngại trước nhiệm vụ mới mẻ. Ngoài huấn luyện sử dụng thiết bị, quân đội Ukraine còn cần trợ giúp về cách tổ chức, hậu cần. Một số nước đã huấn luyện cho binh sĩ Ukraine sử dụng những vũ khí do họ cung cấp, riêng Anh nhận đào tạo cấp tốc 10.000 tân binh trong ba tuần lễ, có sự hỗ trợ một phần của bốn nước Bắc Âu.
Cũng tại Praha, đề nghị cấm công dân Nga nhập cảnh được ngoại trưởng 27 nước EU thảo luận gay go. Ý tưởng này được nhiều nước ủng hộ, nhất là các nước Baltic, Phần Lan, Ba Lan ; ngược lại Đức, Pháp phản đối. Hôm nay, EU quyết định ngưng áp dụng thỏa thuận dành ưu tiên cho công dân Nga ký năm 2017. Le Figaro giải thích, các chiếu khán mới vẫn có thể được cấp nhưng tốn kém và phức tạp hơn, mỗi quốc gia có thể siết chặt hoặc nới lỏng tùy ý. Một hậu quả khác là những visa hiện tại chỉ có giá trị nhập cảnh vào nước đã cấp nhưng không phải toàn bộ không gian Schengen. Trên thực tế, công dân Nga không còn có thể nhập cảnh vào Đông Âu, cả sáu nước giáp giới đều muốn đóng cửa với người Nga.
Putin đã thua về địa chính trị, và có thể cả quân sự
Nhìn chung, Les Echos phân tích "Tại sao Nga rốt cuộc sẽ thua". Điện Kremlin dường như không còn có thể theo đuổi cuộc chiến tranh ở Ukraine lâu dài, do trừng phạt kinh tế của phương Tây và sức công phá của các loại vũ khí được đồng minh cung cấp cho Kiev. Trận đánh Kherson lần này sẽ mang tính quyết định.
Theo tác giả bài viết, Nga có thể sẽ thất bại trong cuộc chiến tranh khởi đầu cách đây hơn nửa năm. Trên thực tế, Moskva đã thua về địa chính trị. Mục tiêu đưa Ukraine trở vào vòng ảnh hưởng của mình đã tan thành bọt nước : Kiev nay nghiêng hẳn về phương Tây. Nga đã đẩy Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO. Điểm tựa chính tại Châu Âu là Đức không còn ngây thơ, và 27 nước Liên Hiệp Châu Âu (EU) sẽ làm mọi cách để không phải mua dầu khí của Nga nữa. Như vậy Nga còn lại đồng minh và khách hàng quan trọng nào, ngoài Trung Quốc ? Với nguy cơ trở thành chư hầu của Bắc Kinh.
Nhưng điều quan trọng đối với công luận cũng như các bên tham chiến là chiến tranh kết thúc như thế nào ? Dự báo có thể gây bàng hoàng, vì quân đội thứ nhì thế giới - trên giấy tờ - đối đầu với một quốc gia chỉ có được vài sư đoàn hoạt động được hồi năm 2014. Tuy nhiên về lâu về dài, rất có thể quân đội Nga sẽ bị bại trận, hay ít nhất là mất đi những lãnh thổ chiếm được vào đầu cuộc xâm lăng.
Cấm vận của phương Tây gây tác hại lâu dài
Các lý do vừa về kinh tế vừa về quân sự. Trên thực tế, trừng phạt của phương Tây gây khó khăn lớn cho nỗ lực chiến tranh của Putin. Tuy không hạ gục nền kinh tế Nga - như một số người đã đắc chí nhấn mạnh - nhưng các lãnh vực chủ chốt đã bị bóp nghẹt vì không còn nhập khẩu được từ phương Tây. Sản xuất xe hơi chỉ còn 1/10 trong tháng Sáu, các máy bay lần lượt nằm chết dí trên phi đạo vì không được bảo trì, và sức mạnh của đồng rúp chỉ là giả tạo.
Moskva trông đợi vào sự "mệt mỏi" của công chúng Châu Âu, nhất là khi cúp khí đốt để thúc đẩy kỹ nghệ Đức phải nài nỉ bỏ cấm vận, nhưng như vậy Nga "mất toi" một phần ba nguồn thu nhập. Phải bán rẻ dầu khí, một khi thanh toán xong hàng hóa thiết yếu cần nhập, Moskva chỉ còn lại 300 triệu đô la một ngày để chi cho chiến tranh, tương đương khoảng 50 hỏa tiễn Kalibr. Một con số khác cho thấy cuộc so găng mất cân đối như thế nào : GDP Nga là 1.700 tỉ đô la, thấp hơn các đồng minh của Kiev đến... 28 lần.
Ukraine còn có được tiếp tế không ngơi nghỉ với luồng vũ khí phương Tây hết sức tối tân : đại bác Caesar của Pháp, giàn phóng hỏa tiễn di động M270 của Anh, và nhất là 16 giàn Himars của Mỹ - có thể phá hủy khoảng 100 kho đạn, giàn radar hay hỏa tiễn mỗi ngày. Kiev sở hữu số lượng xe tăng cao hơn hẳn trước chiến tranh, nhờ tịch thu của Nga và được đồng minh viện trợ, trong khi kẻ địch bị diệt mất 1.300 xe tăng, tương đương 1/3 số xe hoạt động được.
Nga đã tận dụng hết 80% số hỏa tiễn hành trình trong kho, ước tính khoảng 3.000 chiếc, và không thể sản xuất tiếp vì thiếu thiết bị điện tử phương Tây, trừ phi mua được một ít từ chợ đen. Với nhịp độ tiêu thụ những quả đạn có tầm bắn gần và kém chính xác hiện nay - thuộc loại cao nhất trong lịch sử - giới chuyên gia ước tính chỉ 6 đến 8 tháng nữa, pháo binh Nga sẽ phải im tiếng.
Quân Nga rồi sẽ rơi vào tuyệt lộ ?
Moskva cũng không có nổi sáng kiến chiến lược nào. Các toán đặc nhiệm và nhảy dù hầu như không còn hoạt động, chiến binh Chechenya chỉ thấy xuất hiện trên TikTok và hạm đội đã lâu không được huy động. Máy bay Nga dè dặt khi bay vào không phận Ukraine, chỉ thực hiện khoảng 15 phi vụ một ngày, và mùa thu này có thể bị vô hiệu hóa bởi hỏa tiễn Nasams của Mỹ. Thực tế chỉ còn pháo binh, "món võ" truyền thống của Nga là thực sự chiến đấu.
Tình báo Mỹ ước lượng khoảng 1/3 lực lượng xâm lược của Nga đã bị loại ra khỏi vòng chiến, tức khoảng 80.000 quân bị tử thương hoặc bị thương. Nay Moskva phải tuyển thêm lính không kinh nghiệm, đến tận 60 tuổi. Tinh thần binh sĩ xuống rất thấp, theo như các tin tức về những vụ đào ngũ, trả lương trễ, nhậu nhẹt.
Đã hẳn Ukraine cũng bị mất 20 đến 30.000 quân, và cuộc phản công vào Kherson chưa có kết quả. Nhưng Kiev sẽ còn tiếp tục phá hủy một cách có phương pháp những đường tiếp vận của quân Nga - tất cả hiện đang trong tầm bắn hỏa tiễn Ukraine, và các kho đạn tại Crimea tưởng chừng bất khả xâm phạm, mỗi ngày đều bị nhắm đến. Cho đến khi nào quân Nga, bị cô lập, khủng hoảng, hết đạn, không còn cách nào khác là rút lui hoặc đầu hàng.
Thụy My