Ukraine giành lại đô thị chiến lược Lyman ngay sau tuyên bố sáp nhập của Nga
Trọng Thành, RFI, 02/10/2022
Chiều ngày 01/10/2022, Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo các lực lượng Ukraine đã tiến vào thành phố chiến lược Lyman, miền đông Ukraine. Theo nhiều nhà quan sát, đây là chiến thắng quan trọng nhất của quân đội Ukraine kể từ đợt phản công tháng 9 tại các vùng miền đông và đông bắc. Thông tin về chiến thắng được đưa ra đúng vào lúc điện Kremlin vừa tuyên bố sáp nhập bốn vùng đất của Ukraine vào Nga, bao gồm thành phố Lyman.
Quân đội Ukraine tiến vào thành phố Lyman, đông bắc Ukraine ngày 01/10/2022. AP - Evgeniy Maloletka
Trên trang mạng Twitter, Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo : "các đơn vị đổ bộ đường không của Ukraine đã vào Lyman, vào được Donetsk". Thông tin đi kèm đoạn video cho thấy hai người lính đang treo lá quốc kỳ hai màu vàng – xanh da trời trên một lối vào thành phố. Cùng lúc Bộ Quốc phòng Nga cũng ra thông báo cho biết các lực lượng Nga "rút khỏi Lyman về các vị trí thuận lợi hơn, để tránh nguy cơ bị bao vây".
Theo hãng tin Ukraine Interfax, trước đó, người phát ngôn của các lực lượng vũ trang miền đông Ukraine, Serguiï Tcherevatiï, thông báo có "khoảng từ 5.000 đến 5.000 quân Nga" đang bị bao vây tại thành phố Lyman và các vùng ngoại vi trong những ngày gần đây. Thống đốc tỉnh Lugansk của chính quyền Ukraine, ông Serguiï Gaïdaï, khẳng định : quân Nga bị vây hãm tại chảo lửa Lyman, chỉ có ba lựa chọn : "tháo chạy, tử chiến tại chỗ hoặc đầu hàng".
Vì sao việc Lyman thất thủ là một đòn nặng nề đối với quân đội Nga, trả lời RFI, tướng Jérôme Pellistrandi, tổng biên tập tạp chí Défense Nationale (Quốc phòng) giải thích : "thành phố này nắm tại một tụ điểm hậu cần quan trọng, nơi giao cắt của nhiều tuyến đường bộ và đường sắt", cho phép Nga cung cấp đạn dược, khí tài và nhu yếu phẩm cho các đơn vị trên tuyến đầu, đặc biệt tại tỉnh Lugansk. Quân Nga đã chiếm được Lyman từ tháng 5/2022.
Đối với quân đội Ukraine, việc chiếm lại được thành phố tạo một bàn đạp cho đà tiến tiếp theo của cuộc phản công với đích ngắm chủ yếu là tỉnh Lugansk, nơi quân Nga hiện kiểm soát gần như toàn bộ. Thành phố chiến lược Izyum, thuộc quyền kiểm soát của Nga kể từ tháng 5, nằm ở đông nam tỉnh Kharkiv, sát với vùng cực bắc tỉnh Donestk. Izyum cách biên giới Nga khoảng 100 km, và nằm cách thành phố Sevrodonetsk (tỉnh Lugansk) khoảng 30 km.
Tổng thống Zelensky : Ukraine sẽ giành lại nhiều thành phố ở Donetsk "trong tuần tới"
Ngay sau thắng lợi tại Lyman, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm qua báo trước các lực lượng vũ trang Ukraine sẽ tiếp tục giành thêm nhiều thành phố khác thuộc tỉnh Donetsk "trong tuần tới". Tổng thống Ukraine khẳng định nội bộ chính quyền Nga đang bối rối sau thất bại ở Lyman, "bắt đầu đổ lỗi cho nhau, tìm kiếm thủ phạm, và quy tội cho các tướng lĩnh… Đây là dấu hiệu đáng báo động đầu tiên có thể thấy ở mọi cấp chính quyền Nga".
Nguyên thủ Ukraine cảnh báo : "Chừng nào các vị không giải quyết được vấn đề gốc rễ, tức quyết định khởi động cuộc chiến tranh điên rồ chống Ukraine này, các vị sẽ trở thành những con dê tế thần. Và hết kẻ này đến kẻ khác sẽ bị loại trừ, bởi các vị không chấp nhận rằng cuộc chiến này là một sai lầm lịch sử của nước Nga".
Trọng Thành
************************
Nga thất bại ở Lyman, lãnh đạo Chechnya kêu gọi Kremlin sử dụng "vũ khí hạt nhân hạng nhẹ"
RFI, 02/10/2022
Quân đội Ukraine tiếp tục giành thắng lợi trên mặt trận miền Đông. Mới nhất là tại thành phố Lyman, quân Nga đã phải rút lui, ngày 01/10/2022, giữa lúc tổng thống Putin tổ chức rầm rộ lễ sáp nhập 4 vùng đất của Ukraine. Chưa rõ Moskva sẽ phản ứng ra sao, Ramzan Kydarov, lãnh đạo Cộng hòa Chechnya, thuộc Liên Bang Nga, một nhân vật hiếu chiến, đã lên tiếng kêu gọi Kremlin ra lệnh thiết quân luật ở biên giới để chặn người trốn chạy lệnh động viên và thậm chí sử dụng "vũ khí hạt nhân có độ công phá thấp".
Lãnh đạo Chechnya, Ramzan Kedyrov (hàng đầu), trong buổi lễ ký hiệp định sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine vào nga tại Kremlin, Moskva, ngày 30/09/2022. AP - Mikhail Metzel
Thông tín viên RFI Jean-Didier Revoin cho biết thêm thông tin :
Vẫn như thói quen, Ramzan Kedyrov không hề giữ miệng. Lãnh đạo Cộng hòa Chechnya yêu cầu ra lệnh thiết quân luật trong vùng biên giới và sử dụng "vũ khí hạt nhân có sức công phá nhỏ".
Theo ông ta, mất thành phố Lyman bắt nguồn từ những yếu kém về hậu cần, truyền tin. Ông tỏ phẫn nộ với tình trạng độc tôn quyền hành đang lan tràn trong quân đội, đồng thời ông thắc mắc về cách thức chỉ huy quân đội báo cáo với Vladimir Putin.
Những tuyên bố hùng hổ của ông này được đưa ra sau thông báo rút quân đội Nga ra khỏi thành phố Lyman, một đầu mối vận tải đường sắt chiến lược ở phía đông bắc Ukraine.
Từ nhiều ngày qua, người ta đã biết quân đội Nga gặp nhiều khó khăn, bị quân đội Ukraine trong khí thế phản công thắng lợi, bao vây chặt.
Bộ chỉ huy Nga đã biện minh cho quyết định rút quân là do cần phải triển khai lại quân tại các vị trí thuận lợi hơn, tức là duy trì quân chiến đấu và lập lại các tuyến phòng thủ mới.
Một số nguồn tin dự báo các cuộc chiến đấu sẽ tăng cao cường độ hơn sau ngày 05/10, khi phần lãnh thổ này chính thực nhập vào Liên Bang Nga.
RFI tiếng Việt, 02/20/2022
************************
Pháp chuẩn bị giao thêm đại bác Caesar cho Ukraine
Thu Hằng, RFI, 02/10/2022
Sau những thông báo của Mỹ viện trợ và giao thêm vũ khí cho Ukraine, đến lượt Pháp cho biết có thể chuyển thêm cho chính quyền Kiev từ 6 đến 12 khẩu đại bác Caesar. Đây là đợt giao vũ khí chưa từng có trong khi Paris thường xuyên bị chỉ trích chưa làm đủ trách nhiệm.
Quân đội Ukraine sử dụng đại bác Caesar của Pháp tấn công các vị trí của Nga trong vùng Donetsk, Ukraine, ngày 08/06/2022. Reuters - Stringer
Theo thông tin được báo Le Monde đăng ngày 02/10/2022, số pháo trên được trích từ hợp đồng 15 khẩu Caesar giao cho Đan Mạch đang trong quá trình phê chuẩn kỹ thuật, thậm chí không phù hợp với những tiêu chí mà Đan Mạch yêu cầu, và có thể đã bị Copenhagen loại bỏ một phần. Sau một thời gian do dự, Ukraine sẵn sàng tiếp nhận những thiết bị này theo nguyên trạng.
Pháo tự hành Caesar giao cho Đan Mạch, do công ty Nexter sản xuất, nặng hơn so với loại hình được quân đội Pháp sử dụng (32 tấn so với 18 tấn) và mạnh hơn : được đặt trên xe 8 bánh thay vì 6, pháo Caesar của Đan Mạch có thể mang tới 36 quả thay vì 18 và được trang bị một cabin bọc thép chắc chắn hơn. Theo một nguồn tin quân sự, "pháo Caesar là công cụ hoàn hảo để phản kích, xác định vị trí và phá hủy pháo binh kẻ thù trước khi bị phát hiện".
Vẫn theo nhật báo Pháp, đây có lẽ là kết quả của một quá trình đàm phán dài trong những tuần gần đây giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky và thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen. Hiện cả điện Elysée và bộ Quân lực Pháp không bình luận về thông tin trên.
Pháp đã giao cho Ukraine 18 pháo Caesar vào mùa Xuân và đầu mùa Hè. Tổng thống Macron không muốn trích từ số pháo Caesar mới được bổ sung vào kho vũ khí của Pháp để viện trợ cho Ukraine.
Bộ trưởng quốc phòng Đức thăm Odessa
Phía Đức tiếp tục thể hiện đoàn kết với Ukraine. Ngày 01/10, bộ trưởng quốc phòng Christine Lambrecht bất ngờ đến thăm thành phố cảng Odessa và làm việc với đồng nhiệm Oleksi Reznikov.
Theo AFP, từ nhiều tuần nay, chính quyền Kiev kêu gọi chính phủ Đức cung cấp xe tăng để có thể thay đổi cục diện chiến trường. Tuy nhiên, chưa một nước thành viên NATO nào cung cấp xe tăng của phương Tây cho Kiev, trừ xe tăng do Liên Xô sản xuất. Tại Odessa, bộ trưởng quốc phòng Đức nhắc lại phát biểu của thủ tướng Olaf Scholz là không muốn đơn phương hành động về việc giao vũ khí và chỉ đưa ra quyết định có phối hợp với các đồng minh phương Tây.
Thu Hằng
*********************
Chiến tranh Ukraine : Vladimir Putin hứa hẹn giành chiến thắng
Minh Anh, RFI, 01/10/2022
Hôm 30/09/2022, tại điện Kremlin, tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức thông báo sáp nhập bốn vùng chiếm đóng của Ukraine, đồng thời hứa hẹn sẽ giành chiến thắng. Ngoài việc yêu cầu Kiev "ngưng mọi hành động thù nghịch và quay trở lại đàm phán", chủ nhân điện Kremlin còn mạnh mẽ tố cáo Mỹ và phương Tây tàn phá nước Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh sáp nhập 4 vùng của Ukraine tại điện Kremlin, Moskva, Nga, ngày 30/09/2022. AP - Grigory Sysoyev
Từ Moskva, thông tín viên đài RFI, Anissa El Jabri nhắc lại những điểm chính trong bài diễn văn của nguyên thủ Nga :
"Trong tầm ngắm của Vladimir Putin là Hoa Kỳ và rộng hơn nữa là phương Tây, bị tố cáo trong suốt 50 năm lịch sử đã tìm cách, xin trích, "ăn bám, cướp bóc toàn thế giới, và nhất là muốn biến nước Nga thành thuộc địa".
Đặc biệt, tổng thống Nga còn nhắc lại sự kiện Hiroshima và Nagasaki. Đối với ông, chính Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân, và theo ông, điều đó đã tạo ra "một tiền lệ". Vladimir Putin còn nói rõ : "Nga sẽ sử dụng mọi phương tiện có trong tay" để bảo vệ những gì mà nước này kể từ giờ xem như là những vùng lãnh thổ của mình.
Chủ nhân điện Kremlin tuy không đề cập một cách công khai vũ khí hạt nhân mà nước này đang có, nhưng lời dọa dẫm này là quá rõ ràng và được nêu ra. Giờ thì không thể trở về như trước, với việc sáp nhập những vùng lãnh thổ này, nhưng vẫn còn một điều chưa rõ ràng : Đâu sẽ là những đường biên giới mới của Nga ? Ở những nơi mà binh sĩ Nga hiện đang có mặt hay là rộng hơn nữa ?
Vào lúc Vladimir Putin có bài diễn văn này, tình hình tại Lyman, một chốt chặn chiến lược quan trọng của vùng Lugansk, là vô cùng bấp bênh đối với quân Nga".
Minh Anh
************************
Tổng thống Ukraine khẳng định không đàm phán với Nga, chính thức xin gia nhập NATO
Phan Minh, RFI, 01/10/2022
Ngay sau khi điện Kremlin chính thức sáp nhập 4 vùng Ukraine, hôm 30/09/2022, tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ không đàm phán với Nga chừng nào tổng thống Vladimir Putin còn nắm quyền.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một buổi lễ tưởng niệm ở ngoại ô Kiev, Ukraine, ngày 29/09/2022. AFP - STR
Ông Zelensky nói trong một video trực tuyến : "Ukraine sẽ không đàm phán với Nga chừng nào Putin còn là tổng thống Liên Bang Nga. Chúng tôi sẽ đàm phán với tổng thống mới".
Tổng thống Zelensky cũng tuyên bố rằng Ukraine đang chính thức nộp đơn xin nhanh chóng trở thành thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Về phần mình, Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm qua cũng lên án việc sáp nhập này và tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự Ukraine để Kiev giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của mình.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet cho biết thêm chi tiết :
Tuyên bố chính thức trong thông cáo chung được đưa ra hôm qua sau khi Liên Hiệp Châu Âu lên án những "cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu" cùng với những "kết quả bị làm sai lệch". Lần này, các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu "bác bỏ mạnh mẽ và lên án dứt khoát" việc Nga sáp nhập "bất hợp pháp" 4 vùng của Ukraine. Theo Liên Âu, Nga gây nguy hiểm cho an ninh toàn cầu vì họ phá hoại trật tự quốc tế và xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ, độc lập và chủ quyền của Ukraine, tức là các quyền cơ bản của nước này.
Ukraine sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ kinh tế và quân sự từ Liên Âu để bảo đảm khả năng tự vệ và giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của mình.
Về phần chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, ông nhắc lại rằng Liên Âu sẽ không bao giờ công nhận việc sáp nhập này, cũng như không công nhận việc sáp nhập Crimea hồi năm 2014.
Đồng thời, tại Bruxelles, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng lên án việc sáp nhập "bất hợp pháp" này.