Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/09/2022

Biển Baltic : Ống dẫn khí đốt Nord Stream 1&2 bị phá hoại

RFI tổng hợp

Ai là thủ phạm vụ phá hoại 2 đường ống Nord Stream ở biển Baltic ?

Trọng Nghĩa, RFI, 29/09/2022

Hai hôm sau các vụ rò rỉ đầu tiên từ hai đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 dưới biển Baltic, với thông tin về một vụ rò rỉ thứ tư vừa được loan báo hôm 29/09/2022, các chính phủ cũng như giới chuyên gia hầu như nhất trí cho rằng đây là một vụ phá hoại. Tuy nhiên, vấn đề thủ phạm là ai vẫn chưa được làm sáng tỏ, nhất là khi giới điều tra chưa thể tiếp cận được hiện trường vụ phá hoại.

nordstream1

Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde, thủ tướng Magdalena Andersson và bộ trưởng quốc phòng Peter Hultqvist họp báo về vụ rò rỉ khí đốt ở biển Baltic tại Stockholm, Thụy Điển, ngày 27/09/2022, via Reuters

Cho đến lúc này, các nước có liên quan hầu như đều dùng đến từ ngữ "nước ngoài" để gọi thủ phạm vụ phá hoại, nhưng không xác định rõ đó là nước nào. Hôm nay Nga cho biết họ nghi ngờ có bàn tay nước ngoài trong vụ phá hoại 2 đường ống Nord Stream. Theo hãng tin Pháp AFP, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhận định như sau : "Rất khó mà tưởng tượng ra rằng một hành động khủng bố như vậy có thể diễn ra mà không có sự tham gia của một nhà nước".

Trước Nga, hôm 28/9, Thụy Điển và Phần Lan cũng nghi có sự dính líu của một thế lực ngoại quốc vào vụ phá hoại. Trong lúc cơ quan tình báo Thụy Điển Sapo "không loại trừ việc một cường quốc nước ngoài" liên can đến vụ việc, thì ngoại trưởng Phần Lan cũng nhận định : "Quy mô của hành động quan trọng đến mức chắc chắn phải có một tác nhân chính phủ đứng phía sau".

Nhật báo Pháp Le Figaro ngày 28/09 đã nêu lên một số giả thuyết về cách thức các thủ phạm thực hiện vụ phá hoại, từ việc cho người nhái xuống đặt chất nổ, cho thả mìn từ một chiếc tàu trên mặt nước, cho đến việc dùng các phương tiện tối tân hơn, như tàu lặn tự hành hay loại thiết bị ROV điều khiển từ xa.

Riêng đối với Le Monde ngày 29/09, nơi tiến hành vụ phá hoại có độ sâu 70 mét dưới mặt biển, dù không phải là vấn đề ngoài tầm với của một quân đội chuyên nghiệp, nhưng đó là một công việc phức tạp, không dễ thực hiện. Ông Lion Hirth, giáo sư tại Trường Hertie ở Berlin, được AFP dẫn lời xác nhận : "Làm hỏng hai đường ống dẫn khí đốt dưới đáy biển là một công việc nặng nề, vì vậy rất có thể có sự can dự của một tác nhân nhà nước".

Câu hỏi đặt ra là tác nhân nhà nước nào có đủ năng lực kỹ thuật để tiến hành vụ phá hoại ?

Theo nhận định của Le Monde, nghi phạm đầu tiên được mọi người nghĩ tới chính là Nga, nước đã dùng khí đốt làm vũ khi bắt chẹt Châu Âu từ khi nổ ra cuộc chiến Ukraine. Quốc gia nhanh chóng lên tiếng vạch tội Nga chính là Ukraine, nhưng Kiev chỉ cáo buộc suông mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.

Còn đối với chuyên gia phân tích hải quân độc lập HI Sutton, "Hải Quân Nga hiện có hạm đội tàu ngầm do thám lớn nhất thế giới, đặt bản doanh tại Bắc Cực. Tàu ngầm Nga hoàn toàn có thể phá hỏng một đường ống dẫn khí dưới biển Baltic".

Dù không nêu tên Nga trong vụ này, bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Morten Bodskov vào hôm qua cũng nói đến việc "Nga có sự hiện diện quân sự quan trọng ở Biển Baltic".

Bị tình nghi, Moskva đã nhắc lại rằng chính khí đốt của Nga đã bị thất thoát ra khỏi đường ống bị rò rỉ, trong lúc tập đoàn Nga Gazprom có liên quan chặt chẽ đến các đường ống.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng đây rất có thể là một đòn cảnh cáo khác của tổng thống Nga Putin nhắm vào Liên Âu, muốn cho thấy rằng Moskva hoàn toàn có khả năng tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng nhất của Châu Âu.

Trọng Nghĩa

***********************

Đường ống Nord Stream : Xác định thêm vụ rò rỉ thứ tư dưới biển Baltic

Trọng Nghĩa, RFI, 29/09/2022

Sau ba vụ rò rỉ được loan báo trong những ngày qua, bị tình nghi là do phá hoại, hôm 29/09/2022 nhà chức trách Thụy Điển xác nhận thêm một vụ rò rỉ thứ tư trên các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream dưới biển Baltic.

nordstream02

Bản đồ lộ trình hai đường ống khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2. AFP/File

Một quan chức của lực lượng tuần duyên Thụy Điển đã xác nhận với hãng tin Pháp AFP : "Có hai điểm rò rỉ bên phía Thụy Điển và hai điểm rò rỉ bên phía Đan Mạch". 

Cho đến nay, giới hữu trách của cả hai nước chỉ nói đến một vụ rò rỉ phía Thụy Điển, trên đường ống Nord Stream 1, và hai vụ rò rỉ phía Đan Mạch, trên cả Nord Stream 1 lẫn Nord Stream 2.

Tuần duyên Thụy Điển trước mắt không nói rõ vì sao việc xác định vụ rò rỉ thứ tư lại muộn như vậy, mà chỉ cho biết thêm rằng hai điểm rò rỉ bên phía Thụy Điển nằm trong cùng một khu vực, và rất "gần nhau".

Truyền thông Thụy Điển cũng tiết lộ rằng điểm rò rỉ mới nằm trên đường ống dẫn khí Nord Stream 2 chưa được chính quyền xác nhận.

Xin nhắc lại, các vụ rò rỉ đã xẩy ra sau hai vụ nổ đáng ngờ vào buổi sáng và buổi tối thứ Hai, 26/09, ở vùng biển quốc tế ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch, nhưng trong vùng đặc quyền kinh tế tương ứng của Đan Mạch và Thụy Điển. Lượng khí lớn thoát ra từ những điểm rò rỉ đã làm mặt biển sủi bọt trên một chiều rộng hàng trăm mét, khiến cho việc kiểm tra chưa thể được thực hiện ngay lập tức.

Về nguyên nhân vụ rò rỉ, khả năng sự cố ngẫu nhiên xẩy ra đồng thời đã bị loại bỏ, trong lúc giả thuyết về hành động phá hoại ngày càng được chú trọng. Cơ quan tình báo Thụy Điển đã được lệnh điều tra về một vụ "phá hoại có tầm mức nghiêm trọng", trong lúc Phần Lan cũng nói đến một "tác nhân chính phủ" dính líu đến hành vi phá hoại này.

Là đối tượng bị tình nghi nhiều nhất, Nga vào hôm qua, 28/09 đã phản công, gián tiếp cáo buộc Mỹ là thủ phạm vụ phá hoại, đồng thời tuyên bố cho mở cuộc điều tra về hành vi "khủng bố quốc tế", và yêu cầu triệu tập ngay một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về vấn đề này. Yêu cầu họp của Nga đã được đáp ứng. Pháp, nước hiện là chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an, hôm qua cho biết là định chế này sẽ họp lại vào ngày mai 30/09, theo yêu cầu của Moskva.

Về phần mình, sau khi bị Nga cáo buộc là thủ phạm vụ phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream, Hoa Kỳ vào hôm qua đã phản bác, cho rằng ám chỉ Mỹ là thủ phạm là một điều "lố bịch", nhất là khi Nga nổi tiếng là hay phao tin thất thiệt.

Trọng Nghĩa

****************************

Đường ống Nord Stream : Liên Âu cảnh cáo mọi tấn công nhắm vào cơ sở hạ tầng

Thu Hằng, RFI, 28/09/2022

Liên Hiệp Châu Âu ra thông cáo ngày 28/09/2022 cảnh cáo mọi cuộc tấn công nhắm vào những cơ sở hạ tầng năng lượng và sẽ đưa ra "biện pháp đáp trả nghiêm khắc và đoàn kết". Theo Bruxelles, "tất cả những thông tin có được đều cho thấy các vụ rò rỉ là kết quả của một hành động có chủ đích".

nordstream3

Cảnh mặt biển sủi bọt ở ngoài khơi bờ biển đảo Bornholm (Đan Mạch), ghi nhận ngày 27/09/2022, sau nhiều vụ rò rỉ bất thường trên hai đường ống dưới Biển Baltic dẫn khí từ Nga sang Đức. © Danish Defence Command via AP

Trước đó, sau buổi thảo luận vào tối 27/09, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đều nhắc đến "một hành động phá hoại", "nhiều vụ nổ đã xảy ra". Theo một số đoạn video, có thể nhìn thấy nước biển sủi bọt trong đường kính từ 200 m đến 1 km quanh ba khu vực rò rỉ được xác định từ thứ Hai 26/09 ở ngoài khơi đảo Dornholm của Đan Mạch, nằm ở phía nam Thụy Điển và Ba Lan.

Còn theo người đứng đầu ngành ngoại giao Châu Âu Josep Borrell, "những sự cố đó không phải là trùng hợp ngẫu nhiên và tác động đến tất cả chúng ta". Liên Hiệp Châu Âu "hỗ trợ mọi cuộc điều tra để đưa ra ánh sáng chuyện xảy ra và tại sao".

Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định Mỹ ủng hộ nỗ lực điều tra của Liên Hiệp Châu Âu. Phát biểu với báo chí ngày 27/09, ông trấn an rằng "những vụ rò rỉ này sẽ không tác động đáng kể đến năng lượng" ở Châu Âu. Thực vậy, cả hai đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 đều không hoạt động do phương Tây trừng phạt Nga xâm chiếm Ukraine, nhưng chứa đầy khí.

Về phần NATO, tổng thư ký Jens Stoltenberg cũng thể hiện quan ngại về các vụ rò rỉ từ hai đường ống dẫn khí nối Nga với Đức đi qua biển Baltic. Theo AFP, ông gặp bộ trưởng quốc phòng Đan Mạch ngày 28/09 để nắm bắt tình hình.

Thu Hằng

*************************

Căng thẳng NATO - Nga leo thang nghiêm trọng nếu Moskva "giấu mặt" tự phá Nord Stream

Chi Phương, RFI, 01/10/2022

Vụ nổ gây rò rỉ hai đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1, Nord Stream 2 và những cáo buộc nhắm vào Nga. Lần đầu tiên kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, đảng cực hữu lên nắm quyền ở Ý. Doanh nghiệp Đức di dời sang Mỹ phát triển vì khủng hoảng năng lượng. Tranh cãi về quốc tang cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Trên đây là những chủ đề của tạp chí thế giới đó đây tuần này.

nordstream4

Hình ảnh vệ tinh về các vị trí rò rỉ đường ống Nord Stream ở biển Baltic, 29/09/2022 via Reuters - Roscosmos

Trong tuần này, một sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận đó là vụ rò rỉ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2, chạy qua biển Baltic, hôm 26/09/2022. Hai đường ống này là công trình do tập đoàn Gazprom của Nga khai thác, vận chuyển khí đốt từ Nga vào Đức. Đường ống Nord Stream 1 đã ngừng hoạt động từ đầu tháng 9 do cuộc khủng hoảng Ukraine, còn Nord Stream 2 vẫn chưa đi vào hoạt động. Vụ nổ gây rò rỉ đường ống xảy ra tại vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch và Thụy Điển.

Nhiều nước ngay lập tức tố cáo đây là hành động phá hoại, chứ không phải sự cố. Phương Tây và Nga đang cáo buộc nhau chịu trách nhiệm. Hiện tại, lượng khí còn sót lại trong đường ống Nord Stream thoát ra, khiến mặt nước sủi bọt từ nhiều ngày qua và chưa cho phép tiếp cận điều tra vì lý do an toàn. Nhiều giả thuyết được đưa ra để tìm ra "thủ phạm giấu mặt". Đầu tiên, nếu Nga là bên đứng sau vụ nổ Nord Stream 1-2, thì đây sẽ là một vấn đề "cực kỳ nghiêm trọng", theo giáo sư phụ trách chương trình về Nga tại Chatham House, được Reuters trích dẫn :

"Có vẻ như thật khó tin rằng Nga muốn phá hủy chính đường ống của mình theo cách này. Đặc biệt là Putin đã đề cập đến việc đường ống Nord Stream 2 đã sẵn sàng hoạt động và việc tại sao Đức không bỏ lệnh cấm Nord Stream 2 và chấp nhận khí đốt của Nga, vì Đức đang cạn kiệt nguồn năng lượng. Lý giải ban đầu của tôi đó là có khả năng hành động này nhằm cảnh báo cho các nước NATO và đồng minh của Ukraine rằng Nga có khả năng làm được điều đó.

Vụ việc xảy ra trùng hợp với việc Na Uy khánh thành đường ống khí đốt dẫn tới Ba Lan. Đây là một sự trùng hợp đáng lưu ý. Nếu Nga có khả năng làm điều như vậy thì hậu quả là sẽ động chạm đến Điều 5 của Hiệp Ước NATO. Ngay cả khi chỉ là đe dọa rằng Nga ‘có thể làm được như vậy’, thì căng thẳng có thể leo thang một cách nghiêm trọng. Còn có một lý giải khác. Tôi phải nói là khá thuyết phục và đó cũng là lý giải của giám đốc điều hành công ty dầu khí quốc gia Ukraine Naftogaz, cho rằng Nga đã thực hiện hành động này để tránh phải đáp ứng bất kỳ yêu sách nào. Đó là các khiếu nại về pháp lý của các công ty Đức đã ký hợp đồng với Gazprom và các bên khác".

Các giả thuyết khác cũng được giới chuyên gia đưa ra với RFI Pháp ngữ, trong trường hợp nếu như không phải là Nga thì có thể là ai khác ? Nếu như là hành động phá hoại mang tính chất cá nhân thì hơi khó tin và có lẽ cần sức mạnh siêu nhiên. Bởi vì để tạo ra vụ nổ phá hủy đường ống, thì cần ít nhất 700 kg thuốc nổ và phải đi xuống độ sâu 70 m. Giả thuyết sự cố tự nhiên đã nhanh chóng bị gạt bỏ, vì cấu trúc và thiết kế xây dựng của đường ống rất kiên cố. Biển Baltic trong thời gian này không ghi nhận bất kỳ hiện tượng tự nhiên bất thường nào. Một giả thuyết khác cho Mỹ là thủ phạm. Washington là bên phản đối gay gắt nhất dự án Nord Stream 1 và Nord Stream 2. Nếu xét lại thì đường ống dẫn khí của Gazprom bị nổ không có lợi gì cho Nga, Châu Âu cũng không được gì, vì vốn là bên cần nguồn cung năng lượng. Bên có lợi nhất có lẽ là các nhà cung cấp, xuất khẩu dầu khí lớn như Hoa Kỳ, Qatar hay Úc. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng Ukraine có liên can hoặc một cơ quan mật nào đó của Nga hay Mỹ hành động độc lập.

Vụ nổ đường ống khí đốt khiến Na Uy, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Châu Âu, đặc biệt quan ngại. Hôm 28/09, Na Uy thông báo tăng cường an ninh, điều quân đội đến bảo vệ cơ sở hạ tầng dầu khí ngoài khơi. Trước khi vụ nổ đường ống Nord Stream xảy ra vào thứ Hai, giới chức nước này đã phát hiện một drone không xác định được danh tính. Oslo đã đề nghị đồng minh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO trợ giúp tuần tra cơ sở hạ tầng dầu khí của nước này, với 9000 km đường ống dẫn khí đốt. Nếu hoạt động bị gián đoạn vì xảy ra "sự cố tương tự", hậu quả sẽ khó lường, không chỉ đối với môi trường mà còn khiến cuộc khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu trầm trọng hơn.

Lần đầu tiên kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, đảng cực hữu lên nắm quyền ở Ý

Vẫn về thời sự Châu Âu, theo kết quả bầu cử Quốc Hội Ý hôm 25/09, chiến thắng thuộc về liên minh đảng cánh trung-hữu, trong đó có đảng Huynh Đệ Ý, được cho là có tư tưởng " hậu phát xít". Dưới sự lãnh đạo của bà Giorgia Meloni, đảng này đã giành được khoảng 26% phiếu bầu, theo AFP. Như vậy Giorgia Meloni sẽ là nữ chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (thủ tướng) đầu tiên trong lịch sử Ý. Những ưu tiên của bà, đó là "Chúa, tổ quốc và gia đình" ; đóng cửa nước Ý để ngăn chặn Hồi giáo xâm nhập ; đàm phán lại các hiệp ước Châu Âu để Ý có thể tự định đoạt số phận.

Khi mới chân ướt chân ráo bước vào hoạt động chính trị ở tuổi 15, bà đã không ngần ngại bảy tỏ lập trường "ngưỡng mộ" nhà độc tài phát xít Mussolini, người đã từng đưa Ý "sát cánh" với Đức Quốc Xã trong Đệ Nhị Thế Chiến. Theo AFP, cho đến nay, dường như đảng của bà đã "tẩy trắng" thành công hình ảnh "hậu phát xít" và lên nắm quyền lãnh đạo. Bà Giorgia Meloni đã sử dụng nỗi sợ hãi, sự tức giận của người dân Ý trước lạm phát, thất nghiệp, và nguy cơ suy thoái kinh tế, để thu hút những người ủng hộ mình. Thành công của bà và đảng Huynh Đệ Ý là nhờ vào những lời hứa hão của các đảng đối lập cũng như sức hút trong các bài phát biểu, hùng biện của bà trước truyền thông.

Hoa Kỳ lôi kéo doanh nghiệp Đức đến đầu tư

Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine, tình trạng lạm phát và giá năng lượng tăng cao, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Đức tính đến việc dời một phần cơ sở sản xuất đến nơi khác. Hoa Kỳ hy vọng có thể hưởng lợi từ những doanh nghiệp Đức "đi tìm miền đất mới". Một số chính trị gia Hoa Kỳ tích cực hoạt động ở Đức, tìm kiếm các doanh nghiệp công nghiệp, "bị vỡ mộng" và và sẵn sàng vượt Đại Tây Dương đến Hoa Kỳ. Từ Berlin, thông tín viên RFI Nathalie Versieux giải thích thêm :

"Chi phí nhiên liệu đặc biệt thấp, nhân công rẻ hơn 40% so với bang California. Thống đốc Oklahoma, một bang ở phía nam Hoa Kỳ, liệt kê lần lượt tất cả các ưu điểm của bang này nhằm thu hút các nhà đầu tư trong một cuộc phỏng vấn của nhật báo kinh tế Đức Handelsblatt.

60 doanh nghiệp Đức, trong đó có Lufthansa, Aldi, Fresenius, và Siemens đã tính toán xong việc phát triển cơ sở ở Oklahoma. Khoảng 300 triệu đô la được đầu tư vào bang. Phong trào này có thể phát triển hơn nữa với cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến tranh Ukraine. Bộ trưởng Kinh tế Đức lo ngại rằng ‘Đức có nguy cơ mất đi toàn bộ nền công nghiệp’, từ ngành công nghiệp thủy tinh, hóa học, xi măng, thép cho đến các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng… những ngành mà nếu sản xuất ở Đức thì có thể không còn thu lãi được nữa. Các doanh nghiệp này có thể bị thuyết phục trước sức hấp dẫn của miền nam Hoa Kỳ. Đối với liên đoàn giới chủ Đức, hàng trăm triệu việc làm có nguy cơ bị xóa sổ, nếu Berlin không áp giá trần đối với khí đốt và điện sớm nhất".

Quốc tang của cựu thủ tướng Nhật : Thành kính hay giả tạo ?

Tại Châu Á, trong tuần này, lễ quốc tang dành cho cựu thủ tướng Nhật Shizo Abe đã diễn ra vào ngày 27/09, bất chấp những ý kiến trái chiều từ công chúng. Giới học thuật, nhất là các nhà sử học Nhật Bản, đã bày tỏ thái độ dè dặt, thậm chí là hoàn toàn phản đối quyết định của chính phủ yêu cầu cả nước tưởng nhớ người đã từng lãnh đạo Nhật Bản trong vòng 8 năm. Từ Tokyo, thông tín viên RFI Bruno Duval tường trình :

"Giống như nhiều nhân vật trong xã hội dân sự Nhật Bản, nhà sử học Kyoji Miyama không tán đồng việc tổ chức lễ quốc tang cho ông Shinzo Abe. Ông nói :

‘Hơn 50% người dân phản đối tang lễ được gọi quốc tang. Đó hoàn toàn là một sự tôn kính đầy giả tạo. Đó là một quyết định độc đoán. Quốc tang chỉ làm gợi lại hình ảnh nước Nhật trong những năm 40, vào thời mà nước Nhật sử dụng và lạm dụng những tang lễ như thế này để bịt miệng tất cả các ý kiến đối lập. Ví dụ, vào năm 1943, một anh hùng trong chiến tranh Thái Bình Dương, đô đốc Yamamoto, đã được "hưởng" quốc tang. Vào lúc đó, dĩ nhiên là không hề có chuyện phát biểu ủng hộ chủ hòa, dù ở mức tối thiểu. Thông điệp Nhà nước Nhật, thông qua đám đám tang này, đó là : Hãy ủng hộ nỗ lực chiến tranh. Chỉ thế thôi.

Sự tôn vinh long trọng dành cho Shinzo Abe thậm chí là một sự suy thoái về dân chủ. Ông Miyama nói thêm : ‘Chúng ta quay trở lại chế độ đế quốc thời xưa. Sẽ rất đáng lo ngại nếu điều này tạo ra tiền lệ. Không nên bắt người dân Nhật Bản sống theo nhịp điệu cảm xúc quốc gia được áp đặt từ trên xuống, thuần túy vì mục đích chính trị. 

Tuy nhiên, đảng cầm quyền bác bỏ lập luận như vậy. Một trong những người có vai trò chủ chốt trong đảng thậm chí đã phát biểu : ‘ Những người Nhật Bản thực sự thì sẽ ủng hộ quốc tang’. Điều này ám chỉ rằng những ai chỉ trích lễ tang là thiếu tinh thần công dân, thậm chí là không yêu nước. Sinh thời, chính Shinzo Abe cũng thường cáo buộc những nhân vật đối lập chính trị là những người bài Nhật Bản".

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Thu Hằng, Chi Phương, RFI tiếng Việt
Read 217 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)