Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/10/2022

Cái gì sẽ xảy ra sau khi Nga sát nhập 4 vùng đất của Ukraine ?

RFI tổng hợp

Ít khả năng Nga dùng vũ khí nguyên tử bảo vệ các vùng lãnh thổ mới chiếm đoạt của Ukraine

Thanh Hà, RFI, 02/10/2022

Tổng thống Putin có sử dụng bom nguyên tử, huy động "vũ khí hạt nhân chiến thuật" để bảo vệ "dân tộc Nga" đang sống tại Kherson, Zaporijjia hay Donetsk và Lugansk sau khi sáp nhập 4 vùng lãnh thổ này vào với nước Nga ? Tối thiểu có ba yếu tố để hy vọng điện Kremlin không quá liều lĩnh.

caigi1

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại lễ sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine vào Nga tại điện Kremlin, Moskva, ngày 30/09/2022. AP - Gavriil Grigorov

Cùng lúc loan báo lệnh "động viên" lính dự bị hôm 21/09/2022 chủ nhân điện Kremlin đã nhấn mạnh sẽ "huy động mọi phương tiện" để bảo vệ quyền lợi của nước Nga, hàm ý kể cả những phương tiện quân sự mà từ sau Thế Chiến Thứ Hai đến nay chưa ai dám nghĩ đến. Kiev và phương Tây lập tức cân nhân nhắc khả năng Moskva giải quyết chiến tranh Ukraine bằng "vũ khí nguyên tử chiến thuật".

Thư ký Hội Đồng quốc phòng và An Ninh của Ukraine, Oleksy Danilov hôm 29/09 cho biết đang chuẩn bị một "kế hoạch chi tiết hướng dẫn các công dân Ukraine phải làm những gì" trong kịch bản Nga liều lĩnh dùng vũ khí hạt nhân. 

Với Vladimir Putin ở điện Kremlin, "điều gì cũng có thể xảy ra". Mọi người đã tưởng rằng Moskva chỉ hù dọa nhưng sẽ không xâm lược Ukraine. Giờ đây không ai dám quả quyết là tổng thống Nga sẽ dừng lại đúng lúc. Nhưng câu hỏi quan trọng nhất là về mặt quân sự và chiến lược, vũ khí nguyên tử, đặc biệt là các loại vũ khí "nguyên tử chiến thuật" có giúp Moskva đảo ngược tình huống trên trận địa Ukraine hay không ? Câu trả lời là không. 

Theo Xavier Tytelman, một cựu phi công và cố vấn trong ngành quốc phòng, một quả bom nguyên tử "chiến thuật tai hại bằng hàng trăm tên lửa HIMARS" nhưng phương tiện này không cho phép quân đội Nga vô hiệu hóa lực lượng quân sự của Ukraine.

Bruno Tertrais, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp, giải thích, một quả bom nguyên tử "chiến thuật" chỉ rơi vào một chỗ, với những tác động tàn khốc đối với con người, với môi trường, nhưng quân đội của Ukraine không tập trung ở một chỗ mà đang hiện diện ở rải khác khắp nơi. Đó là chưa kể một khi mà Nga đã liều lĩnh dùng vũ khí hạt nhân, chắc chắn là phương Tây sẽ đáp trả và cái giá phải trả đối với nước Nga là sẽ "rất đắt" về mặt quân sự. 

Câu hỏi kế tiếp, nếu tính đến giải pháp hạt nhân thì Nga theo đuổi những mục đích gì ? Chuyên gia về vũ khí nguyên tử Benjamin Hautecouverture, cũng thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp lưu ý : học thuyết quân sự của Nga quy định rõ bốn trường hợp "tự vệ" cho phép chính quyền sử dụng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này. Nhưng "may mắn thay" ba kịch bản trong số đó nói rõ "ngay cả trong trường hợp một số hành động thù nghịch nhắm vào nước Nga, cũng không nhất thiết phải dùng đến vũ khí nguyên tử". 

Lý do thứ nhì cho phép các nhà quan sát thiên về giả thuyết Moskva, chỉ đem lá bài hạt nhân ra để "khủng bố tinh thần" những người yếu bóng vía, bởi một khi Nga thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống lãnh thổ Ukraine hay bắn chệch sang bất kỳ một quốc gia Châu Âu nào khác, thì "Vladimir Putin đẩy nước Nga vào tình thế còn tệ hại hơn cả so với Bắc Triều Tiên".

Bruno Tertrais nói rõ hơn : Moskva sẽ "đánh mất tất cả, mất các điểm tựa về ngoại giao, kể cả Trung Quốc". Theo cựu đại sứ Pháp tại Moskva Jean de Gliniasty, đây là lằn ranh đỏ mà Bắc Kinh không bao giờ cho phép Nga vượt qua. Ông Tytelman thẩm định, không có Trung Quốc, "chỉ nội 3 tuần lễ, kinh tế Nga hoàn toàn sụp đổ".

Cuối cùng, liên quan đến "vũ khí nguyên tử chiến lược", trước khi bấm vào nút hạt nhân, tổng thống Vladimir Putin sẽ phải vượt qua được hai cửa ải quan trọng. Một là phải thuyết phục được hai nhân vật chủ chốt là bộ trưởng quốc phòng Serguei Choigu và tổng tư lệnh quân đội Nga, tướng Valery Vasilyevich Gerasimov rằng để mất các vùng lãnh thổ mới sáp nhập ở miền đông và miền nam Ukraine "đe dọa trực tiếp đến quyền lợi cốt lõi của nước Nga". Mặt khác, tổng thống Vladimir Putin cũng ít nhiều phải có sự đồng lòng của công luận Nga vào lúc mà dân tình đã rất bất mãn vì lệnh động viên bán phần.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là mọi người có thể hoàn toàn gạt bỏ rủi ro "vũ khí hạt nhân" vì lẽ, tới nay các khái niệm và định nghĩa về "vũ khí hạt nhân chiến thuật" của Nga còn rất mơ hồ và "đầy rẫy những vùng xám". Isabelle Facon, chuyên gia về quốc phòng của Nga tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến lược giải thích, Moskva đã trang bị một số "vũ khí hiện đại" mà ở đó đường biên giới giữa "thế nào là vũ khí quy ước" với "vũ khí nguyên tử không còn được phân định rõ ràng".

Hơn nữa, ngay cả "học thuyết quốc phòng" của Nga cũng mập mờ về định nghĩa thế nào là "mối đe dọa đối với quyền lợi cốt lõi" và sự "sống còn" của nước Nga để cho phép sử dụng vũ khí nguyên tử. Chính những "khoảng trống đó" mở đường cho các kiểu diễn giải khác nhau, mà đấy mới chính là mối "nguy hiểm" đáng sợ nhất trong cách tổng thống Putin tiếp cận vấn đề Ukraine.

Thanh Hà

**********************

Biden : "Mỹ và đồng minh sẽ bảo vệ từng tấc đất của các nước NATO"

Thanh Phương, RFI, 01/10/2022

Đáp lại bài phát biểu của ông Vladimir Putin hôm 30/09/2022, tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ không sợ những lời hù dọa của tổng thống Nga và "sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất của các nước thành viên khối NATO".

caigi00

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 30/09/2022. AP - Susan Walsh

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :

"Đôi mắt nhìn thẳng vào ống kính, ngón tay trỏ chỉ về phía trước, tổng thống Joe Biden ngỏ lời trực tiếp với Vladimir Putin. Tổng thống Hoa Kỳ nhấn mạnh : "Chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất của khối NATO. Ông nói Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ không sợ những lời hù dọa của tổng thống Nga".

Phản ứng của Mỹ rất cứng rắn, bắt đầu bằng các biện pháp trừng phạt mới đối với mọi nhân vật hay thực thể nào tạo điều kiện thuận lợi cho việc Nga sáp nhập các lãnh thổ của Ukraine. Các trừng phạt hiện có sẽ được mở rộng để áp dụng đối với các dân biểu Nga hay lãnh đạo ngân hàng trung ương Nga. Washington cũng tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với những công ty tham gia cung ứng cho cỗ máy chiến tranh Nga.

Và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine về tài chính. Quốc Hội Mỹ sẽ thông qua khoản viện trợ bổ sung gần 13 tỷ đô la. Trước đó trong tuần, chính quyền Biden đã thông báo viện trợ thêm cho Kiev hơn 1 tỷ đô la viện trợ, nâng tổng viện trợ của Mỹ từ đầu chiến tranh cho đến nay lên tới hơn 16 tỷ đô la. 

Nhưng chưa hết : Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan dự báo chính quyền Mỹ sẽ có những thông báo mới vào tuần tới".

Thanh Phương

***********************

Nga ngăn chặn nghị quyết Hội đồng Bảo an lên án việc sáp nhập các lãnh thổ Ukraine

Thanh Phương, RFI, 01/10/2022

Không có gì bất ngờ, hôm 30/09/2022, Nga đã sử dụng quyền phủ quyết để ngăn cản việc thông qua một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án việc Moskva sáp nhập 4 vùng của Ukraine.

caigi2

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya giơ tay phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an lên án việc Nga sáp nhập 4 vùng của Ukraine. Trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 30/09/2022. AP - Bebeto Matthews

Theo hãng tin AFP, ngoài lá phiếu phủ quyết của Nga, nghị quyết đã nhận được 10 phiếu thuận và 4 nước đã không bỏ phiếu (Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Gabon). Đối với phương Tây, đây là bằng chứng cho thấy Nga bị cô lập. 

Bản dự thảo nghị quyết, được soạn thảo trước khi tổng thống Vladimir Putin ký các văn kiện sáp nhập vào Nga bốn vùng của Ukraine là Donetsk, Luhansk, Zaporijjia và Kherson, lên án các cuộc trưng cầu dân ý "bất hợp pháp", "không có một chút giá trị nào" và cũng "không thể được dùng làm cơ sở để thay đổi quy chế của những vùng đó".

Dự thảo, do Mỹ và Albania soạn thảo, kêu gọi toàn bộ các quốc gia và các tổ chức khác không công nhận việc sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine, đồng thời đòi quân Nga triệt thoái "ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện" khỏi Ukraine. 

Theo AFP, nếu như lá phiếu phủ quyết của Nga là không có gì bất ngờ, mọi con mắt đã đổ dồn về phía Trung Quốc, quốc gia mà về mặt chính thức vẫn giữ lập trường trung lập, nhưng bị xem là dung túng Moskva quá nhiều. Giống như vào tháng 2, sau khi Nga xua quân xâm lăng Ukraine, hôm qua, tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đại diện của Trung Quốc đã không bỏ phiếu. Đại sứ Trung Quốc đã nhắc lại lập trường của Bắc Kinh là phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia. Đối với đại sứ Pháp, "Nga bị cô lập hơn bao giờ hết".

Sau khi bị bác ở Hội đồng Bảo an, dự thảo nghị quyết sẽ được đưa ra biểu quyết ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nơi mà không một quốc gia nào trong số 193 nước thành viên có quyền phủ quyết. Cuộc biểu quyết này sẽ phản ánh mức độ bị cô lập của Nga trên trường quốc tế.

Thanh Phương

***********************

Nga tuyên bố sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine

Trọng Thành, RFI, 30/09/2022

Bất chấp các phản đối quốc tế, chính quyền Nga hôm 30/09/2022, chính thức ký kết một hiệp định về việc "gia nhập Liên Bang Nga của các vùng lãnh thổ mới". "Các vùng lãnh thổ mới" nói trên bao gồm bốn khu vực do Nga kiểm soát tại Ukraine, thuộc Luhansk và Donetsk ở miền đông, cùng Kherson và Zaporijjia ở miền nam.

caigi3

Quảng trường Đỏ ở Moskva, Nga, ngày 28/09/2022 được bảo vệ nghiêm ngặt cho buổi lễ sáp nhập bốn vùng lãnh thổ chiếm từ Ukraine : Donetsk, Luhansk, Zaporijjia, Kherson. Reuters – Evgenia Novozhenina

điện Kremlin, Moskva, vào lúc 12 giờ, giờ địa phương, tức 15 giờ, giờ quốc tế. Ngay trước buổi lễ ký kết hiệp định sáp nhập hôm nay, tối hôm qua, 29/09, chính quyền Putin đã ra sắc lệnh công nhận "chủ quyền quốc gia và nền độc lập" đối với hai khu vực Nga kiểm soát ở Kherson và Zaporijjia. Chính quyền Moskva đã công nhận hai nước Cộng hòa tự phong Luhansk và Donetsk hồi tháng 2/2022, ngay trước khi tiến hành cuộc xâm lăng Ukraine.

Việc "tiếp nhận" các vùng lãnh thổ của Ukraine, hay nói cách khác quyết định sáp nhập nói trên đã được chính quyền Nga tiến hành cấp tốc, chỉ ba ngày sau "các cuộc trưng cầu dân ý", bị quốc tế lên án là "giả hiệu". Việc coi các khu vực nói trên của Ukraine thuộc chủ quyền của Liên Bang Nga cho phép Moskva quyết định "sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết", tuyên bố mà một số quan chức cao cấp Nga liên tục nhắc lại trong những ngày qua.

Hội hè không che lấp được không khí căng thẳng

Cùng với lễ ký kết nói trên, chính quyền Nga tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ rầm rộ tại Quảng trường Đỏ. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, không khí hội hè nói trên không che lấp được bầu không khí căng thẳng, cùng những lo âu, bất bình tăng vọt trong xã hội Nga, kể cả trong nội bộ chính quyền, kể từ khi điện Kremlin ban bố lệnh động viên một phần ngày 21/09, để huy động thêm quân cho cuộc chiến tại Ukraine.

Từ Moskva, thông tín viên Anissa el Jabri cho biết cụ thể : 

"Các bộ khung dàn để chuẩn bị sân khấu cho buổi hòa nhạc tối nay tại Quảng trường Đỏ đã được chuẩn bị từ nhiều ngày qua. Các lối vào Quảng trường Đỏ bị chặn lại kể từ hôm qua. Các điểm kiểm soát người vào đã được bố trí từ sáng nay. Đường phố trung tâm thủ đô Moskva cấm xe cộ đi lại.

Từ vài ngày nay, không khí trong thành phố đã thay đổi triệt để. Chính quyền chỉ thị cho truyền thông không được nói nhiều về các hoạt động giải trí. Về các buổi biểu diễn sân khấu hay chiếu bóng, truyền thông chỉ được phép thông báo về thời điểm diễn ra các hoạt động này.

Giá cả quân phục tăng gấp ba lần. Quân đội bảo đảm là có đủ trang bị cho quân nhân, nhưng điều này không đủ để trấn an dân chúng.

Các văn phòng công chứng, văn phòng dịch thuật trong tình trạng quá tải, buộc rất đông khách hàng phải xếp hàng mới đến lượt. Nhiều người muốn hoàn chỉnh mọi giấy tờ, thủ tục, trước khi quyết định rời khỏi Nga, quyết định có thể sẽ phải sớm được đưa ra trong những giờ tới. Bởi nếu không sẽ là quá muộn. Trong các biện pháp mà tổng thống Nga có thể đưa ra, có lệnh thiết quân luật đi kèm hoặc không đi kèm với quyết định đóng cửa biên giới".

Dự thảo nghị quyết lên án các cuộc trưng cầu dân ý Nga tổ chức

Hôm nay, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết lên án "các cuộc trưng cầu dân ý" do Nga tổ chức tại các vùng lãnh thổ của Ukraine. Dự thảo nghị quyết - chắc chắn sẽ không được thông qua tại Hội đồng Bảo an do Nga có quyền phủ quyết - sẽ được chuyển qua Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc xem xét sau đó.

Ngày hôm qua, Hoa Kỳ một lần nữa tuyên bố bác bỏ các cuộc trưng cầu dân ý nói trên. Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh nước Mỹ "sẽ không bao giờ" chấp nhận kết quả các cuộc trưng cầu giả hiệu mà "Nga đạo diễn" tại Ukraine.

Chi Phương

**********************

Trưng cầu dân ý gia nhập Nga : Bắc Kinh kêu gọi tôn trọng "toàn vẹn lãnh thổ"

Anh Vũ, RFI, 28/09/2022

"Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước phải được tôn trọng", đó là lập trường được đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc cũng như phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh nhắc lại hôm 27/09/2022, khi đề cập đến việc Moskva tổ chức các cuộc "trưng cầu dân ý" nhằm sáp nhập các vùng đất ly khai mà họ đang kiểm soát tại Ukraine và Nga. 

caigi5

   Ảnh minh họa : Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc tham dự phiên họp của Hội đồng Nhân quyền ở Genève, Thụy Sĩ, ngày 12/09/2022. Reuters – Denis Balibouse

Tuyên bố trên thể hiện sự khó xử của Trung Quốc trước những động thái phiêu lưu liều lĩnh của Nga tại Ukraine.

Thông tín viên Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh cho biết thêm thông tin :

Tính cách ngông nghênh của Vladimir Putin đặt chính quyền Trung Quốc vào thế khó xử và thái độ khó chịu này được thể hiện qua các phát ngôn lặp đi lặp lại của ngoại giao Trung Quốc về vấn đề chủ quyền của các quốc gia. Thông điệp này đã được chủ tịch Trung Quốc đưa ra với người đồng cấp Nga bên lề hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cách đây 10 ngày.

Vẫn là điều như vậy đã được nhắc lại tại New York cuối tuần qua, trong cuộc gặp giữa ngoại trưởng Trung Quốc và đồng nhiệm Ukraine nhưng Moskva tiếp tục phớt lờ. Thông điệp trên đã được báo chí nhấn mạnh từ hôm thứ Tư tuần trước và hôm qua tại Bắc Kinh được phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc nhắc lại.

Đó là cách để nói rằng Trung Quốc sẽ không công nhận kết quả các cuộc trưng cầu dân ý, như đã từng không công nhận vụ sáp nhập Crimea hồi năm 2014, hay nền độc lập của các nước Cộng hòa ly khai tuyên bố cách đây 7 tháng.

Với Bắc Kinh, nguyên tắc về chủ quyền này là bất di bất dịch. Cần biết rằng Trung Quốc tự nhận đang đấu tranh với chủ trương ly khai ở nhiều nơi như Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông. Chính quyền Trung Quốc cũng thấy đáng sợ đe dọa hạt nhân của Kremlin. Vấn đề đang gây lúng túng cho "Nhà nước đảng" Trung Quốc khi chỉ còn 3 tuần nữa sẽ có sự thay đổi trong ban lãnh đạo tại Đại hội lần thứ 20 của đảng Cộng sản vào tháng tới. 

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Thanh Phương, Trọng Thành, Anh Vũ
Read 185 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)