Sáp nhập lãnh thổ Ukraine : Một nước cờ hiểm của ông Putin ?
Minh Anh, RFI, 03/10/2022
Thứ Sáu ngày 30/09/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức tuyên bố sáp nhập bốn vùng chiếm đóng và ly khai của Ukraine vào lãnh thổ Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin thật sự tính gì khi đặt cược leo thang xung đột qua việc sáp nhập một phần lãnh thổ phía đông và nam của Ukraine ?
Dân chúng Moskva theo dõi qua đài truyền hình phát biểu của tổng thống V.Putin tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine vào với nước Nga. Ảnh ngày 30/09/2022. Reuters – Alexander Ermochenko
Để hiểu được nước cờ của ông Putin, chỉ cần nghe theo những giải thích của hai chính khách Nga, Konstantin Zatulin – quan chức cao cấp tại Nghị Viện Duma, thuộc đảng cầm quyền Nước Nga Thống Nhất – và Andranik Migranyan, giáo sư Viện Quan hệ Quốc tế Moskva, cựu cố vấn tổng thống Nga, khi trả lời trang mạng thông tin Aljazeera của Qatar, đăng ngày 29/09/2022.
Cả hai nhân vật này khẳng định, quyết định huy động binh sĩ dự bị và trưng cầu dân ý sáp nhập lãnh thổ của tổng thống Putin nhằm chứng tỏ với phương Tây rằng Nga không có ý định từ bỏ các mục tiêu chính trị và quân sự tại Ukraine bất chấp các thất bại gần đây. Do vậy, sẽ không có chuyện lùi bước hay có những nhượng bộ nào. Đối với ông Putin, đây là một cuộc chiến của nước Nga để bảo vệ sự sinh tồn và vị thế của Nga trên trường thế giới, chống lại các nỗ lực gây chia rẽ hay giáng những thiệt hại không gì bù đắp được cho Nga.
Sự việc cũng cho thấy, Nga quyết tâm thay đổi triệt để tình thế và đặt phương Tây cũng như là Ukraine trong một thế bất lợi. Quyết định này xem như khép lại mọi cánh cửa đàm phán và mở ra khả năng "thủ tiêu hoàn toàn" Ukraine với tư cách là một quốc gia độc lập. Bởi vì, kể từ giờ, bất kỳ một vùng lãnh thổ nào mà Nga chiếm được từ Ukraine đều có thể bị sáp nhập vào Nga.
Đối với nhà nghiên cứu về Nga, bà Tatiana Kastouéva-Jean, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, khi trả lời phỏng vấn tuần báo L’Express của Pháp, đây còn là một cam kết của ông Putin đối với phe "diều hâu" mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc tại Nga. Chủ nhân điện Kremlin muốn chứng tỏ rằng ông sẵn sàng đi đến cùng và ông đã đặt sự việc trong thế không thể đảo ngược. Nhà nghiên cứu này lưu ý, "điều số 67 trong Hiến pháp mới của Nga quy định, không ai có thể chuyển nhượng lãnh thổ Nga. Điều đó cũng liên quan đến người kế nhiệm, sẽ bị trói buộc vì điều khoản này".
Hơn nữa, chiến lược sáp nhập lãnh thổ của Nga còn có một mục tiêu khác : Làm cho Ukraine và nhất là phương Tây, hiện đang chịu áp lực kép là khí đốt và an ninh, phải sợ hãi. Hai chính khách Nga khẳng định Moskva muốn phương Tây ngừng vũ trang cho Ukraine và gây sức ép với Kiev, buộc nước này phải chấp nhận các điều kiện chấm dứt chiến tranh của Nga.
Chỉ có điều như quan sát của nhà địa chính trị học Anatol Lieven, Viện Quincy của Mỹ, trong cuộc xung đột này, chính quyền Biden đã đáp trả hành động gây hấn của Nga bằng cách tăng cường hỗ trợ Ukraine. Và mỗi lần như thế, Moskva đã phản ứng không phải bằng cách lùi bước mà là leo thang quân sự.
Và hành động này của Nga đang làm cho việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cuối cùng thêm phần phức tạp, dập tắt hy vọng một cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Moskva và Kiev. Trong hoàn cảnh bế tắc này và trước hành động ngày càng quyết liệt của Nga, nhà địa chính trị học Anatol Lieven, cho rằng chính quyền Biden phải có trách nhiệm lớn hơn trong các nỗ lực ngoại giao nhằm kềm hãm và hạn chế xung đột.
Nếu chu kỳ leo thang này tiếp tục không được kiểm soát, thì viễn cảnh xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Nga có nhiều xác suất nổ ra. Theo chuyên gia Anatol Lieven, tình hình hiện nay đặc biệt nguy hiểm, những bài học từ thời Chiến Tranh Lạnh, như việc chính quyền Eisenhower từ bỏ dùng quân sự để đẩy lùi Liên Xô ở Đông Âu, hay cuộc khủng hoảng "Vịnh Con Lợn" ở Cuba là những kinh nghiệm quý giá mà Mỹ cùng với phương Tây cần phải nhớ đến.
Minh Anh
**************************
Tòa Bảo Hiến Nga chấp thuận hiệp ước sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine
Minh Anh, RFI, 03/10/2022
Trước những khó khăn vấp phải trên chiến trường do các cuộc phản công của Kiev từ đầu tháng Chín, Nga cấp tốc xúc tiến quy trình hợp thức hóa việc sáp nhập bốn vùng lãnh thổ chiếm đóng của Ukraine.
Ngày 03/10/2022, Quốc hội Nga xem xét và thông qua dự thảo luật phê chuẩn các hiệp ước.
Ngày 03/10/2022, đến lượt Hạ Viện Duma xem xét và thông qua dự luật sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine vào Liên Bang Nga. AFP
Sau lễ ký kết các văn bản sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine được tổ chức hoành tráng tại điện Kremlin hôm thứ Sáu 30/9 giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo bốn vùng ly khai và chiếm đóng, Tòa Bảo Hiến Nga hôm Chủ Nhật 02/10 cho rằng những hiệp ước trên là "phù hợp với Hiến pháp".
Ông Viatcheslav Volodine, chủ tịch Hạ Viện Duma cho biết các nghị sĩ hôm nay sẽ xem xét và thông qua trong ngày một dự thảo luật trước khi đệ trình lên Hội đồng Liên bang Nga (Thượng Viện).
Tuy nhiên, việc Nga quyết định sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine đã bị cộng đồng quốc tế phản đối. Giáo hoàng Francis đã "cầu khẩn" tổng thống Nga "ngưng vòng xoáy bạo lực và chết chóc" tại Ukraine và lấy làm tiếc rằng hành động này của Nga đi ngược với "luật lệ quốc tế". Về phần mình, lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu Josep Borrell nhận định tuyên bố sáp nhập lãnh thổ của Nga còn làm "cho việc chấm dứt chiến tranh thêm phần khó khăn, và gần như bất khả".
Hôm qua, chín vị tổng thống của các nước Đông – Trung Âu, thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO tuyên bố "không bao giờ công nhận các mưu toan sáp nhập một vùng lãnh thổ Ukraine của Nga".
Trên trang mạng của phủ tổng thống Ba Lan, thông cáo chung của 9 nước (Cộng hòa Czech, Estonia, Latvia, Litva, Bắc Macedonia, Montenegro, Ba Lan, Romania và Slovakia) khẳng định "không thể giữ mãi im lặng trước hành động vi phạm trắng trợn luật quốc tế từ Liên bang Nga".
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, ngày 30/9, tổng thống Nga tuyên bố sáp nhập bốn vùng của Ukraine là Donetsk, Lugansk, Zaporijjia và Kherson vào lãnh thổ Nga.
Minh Anh