Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/10/2022

Điểm báo Pháp - "Tướng quân Mùa Đông" đứng về phía nào ?

RFI tiếng Việt

"Tướng quân Mùa Đông" có đứng về phía Putin ?

Đang gặp khó khăn trên chiến trường, điện Kremlin cố gắng "câu giờ". Moskva nghĩ rằng mùa đông sẽ làm tê liệt các cuộc tấn công của Ukraine, và dư luận Châu Âu sẽ bỏ rơi Kiev. Liệu tính toán này có đúng ?

muadong1

Các quân nhân Ukraine tuần tra tại khu vực tiền tuyến ở Donetsk, nơi họ phải chiến đấu với quân ly khai thân Nga. Ảnh chụp ngày 27/12/2021. AP - Andriy Andriyenko

Oanh kích ồ ạt vào Ukraine : Nga thay đổi chiến lược

Le Figaro nhận thấy việc bổ nhiệm tướng Surovikin chỉ huy "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine đi kèm với một sự thay đổi chiến lược. Từ một tuần qua, Nga oanh kích dữ dội vào thường dân và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

Phương Tây tỏ ra nghi hoặc trước khả năng Moskva oanh tạc lâu dài vì số lượng hỏa tiễn có hạn, số bắn đi nhiều hơn số sản xuất được. Nhưng từ nay cho đến mùa đông, quân Nga vẫn có thể gây ra thiệt hại lớn. Theo tổng thống Volodymyr Zelensky, kể từ ngày 10/10 đã có 30% nhà máy điện bị phá hủy, gây mất điện tại nhiều nơi trên toàn quốc. Một viên chức cảnh báo sẽ còn những vụ cúp điện, nước, hệ thống sưởi trong khi ban đêm nhiệt độ xuống dưới 10°C. Chỉ riêng hôm qua đã có hơn 100 vụ tấn công bằng hỏa tiễn và drone tự sát Iran, NATO hứa sẽ gởi các hệ thống chống drone trong những ngày tới.

Kiev, Kharkiv, Dnipro, Kryvyï Rih hay Jytomyr đều bị nhắm đến, không khí khủng hoảng bao trùm, hai cán bộ quản lý nhà máy điện nguyên tử Zaporijia bị quân Nga bắt giữ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tố cáo Nga đánh vào các cơ sở cần thiết trong đời sống thường nhật của cư dân, không phải là mục tiêu quân sự, khẳng định "Đây là dấu hiệu tuyệt vọng của Nga" và có thể là tội ác chiến tranh.

Cuộc tấn công không che giấu được những chia rẽ trong nội bộ Moskva. Chủ công ty lính đánh thuê Wagner, Evgueni Prigogin, công khai chỉ trích các định chế quân sự truyền thống là không hiệu quả. Phát ngôn viên điện Kremlin tuyên bố các vùng đất bị sáp nhập nay là lãnh thổ của Nga và sẽ được bảo vệ cùng một mức độ như các vùng khác, hàm ý bằng vũ khí nguyên tử.

Putin khiến thế giới bước vào kỷ nguyên hạt nhân thứ ba

Theo nhận xét của ông Louis Gautier ở Viện Thẩm Kế trong một hội nghị chuyên đề, "Với đe dọa của Putin, thế giới bước vào kỷ nguyên hạt nhân thứ ba". Kỷ nguyên thứ nhất là sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, thứ hai là cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Và nay việc Vladimir Putin mưu toan dùng vũ khí hạt nhân để thay đổi nguyên trạng lãnh thổ trong một cuộc chiến tranh quy ước, liệu có thể dọn đường cho Trung Quốc vốn luôn lăm le muốn chiếm Đài Loan ?

Rõ ràng vũ khí nguyên tử là bảo đảm tốt nhất để tránh một cuộc tấn công quân sự. Trước Ukraine, Iraq của Saddam Hussein và Libya của Kadhafi đã phải trả giá khi từ bỏ chương trình hạt nhân. Cuộc xâm lăng Ukraine khiến Tehran một lần nữa hoãn việc quay lại với JCPOA, hiệp ước nguyên tử năm 2015 ; tạo điều kiện cho Bắc Triều Tiên tha hồ phóng đi các hỏa tiễn đạn đạo và thử vũ khí nguyên tử chiến thuật mà ít ai để ý. Iran không phải là nước duy nhất muốn vượt qua lằn ranh, mà ở Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có những tiếng nói đòi hỏi phát triển vũ khí hạt nhân.

Nếu Nga không phải là một cường quốc nguyên tử, phương Tây đã can thiệp để bảo vệ Ukraine. Lời đe dọa của Putin đã có ít nhiều hiệu quả, các nước dân chủ phải cố kềm chế. Nhà phân tích Mélanie Rosselet tỏ ý tiếc là đã không lắng nghe các nước Đông Âu vốn hiểu rõ chế độ Moskva. Trước thành công của đợt phản công từ phía Kiev, nỗi lo càng tăng lên. Theo bà Rosselet, "chỉ có một thất bại chiến lược của Nga mới khiến săng-ta nguyên tử của Kremlin vô tác dụng". Dưới bóng đen nguyên tử, con đường dẫn đến chiến thắng của Ukraine đồng thời răn đe Vladimir Putin không dùng đến vũ khí hạt nhân có vẻ đầy mìn bẫy. Những ai đang dấn bước trên con đường này cần phải chứng tỏ máu lạnh như thời kỳ khủng hoảng hỏa tiễn ở Cuba.

NATO thử nghiệm năng lực răn đe nguyên tử

Trong bối cảnh đó, NATO từ hôm thứ Hai bắt đầu cuộc tập trận "Steadfast Noon", kéo dài đến cuối tháng. Việc Moskva thường xuyên đe dọa, tuy chỉ bằng ngôn từ, nhưng cũng đủ để gợi lên nguy cơ biến cuộc chiến tranh ở Ukraine thành một cuộc khủng hoảng nguyên tử. Và NATO tập dợt để đối phó với mối nguy này, tuy đây là cuộc tập trận thường lệ. "Vũ khí nguyên tử còn hiện diện thì NATO vẫn là một liên minh hạt nhân" - hồi tháng 6 NATO đã nhắc lại nguyên tắc chiến lược này, trên tinh thần răn đe "chắc chắn, an toàn, hiệu quả".

Tuy vậy không phải toàn bộ năng lực hạt nhân đều được huy động trong "Steadfast Noon". Trung tâm của cuộc tập trận diễn ra cách biên giới Nga đến 1.000 km, Không quân diễn tập trên bầu trời nước Bỉ, Anh và biển Bắc. Le Figaro và Le Monde cho biết có 14 nước đồng minh tham gia với khoảng 60 chiến đấu cơ đủ loại : tiêm kích thế hệ thứ tư và thứ năm, phi cơ tiếp liệu, thám sát, oanh tạc cơ B-52 Mỹ. Về phía Nga có thể tổ chức một cuộc tập trận tương tự mang tên "Grom" (Sấm sét), huy động các tàu ngầm, các cơ sở hỏa tiễn liên lục địa, thường diễn ra hàng năm vào tháng Mười.

"Tướng quân Mùa Đông" đứng về phía Kremlin ?

Trong bài "Putin trông cậy vào "Tướng quân Mùa Đông", Les Echos nhận định đang gặp khó khăn trên chiến trường, điện Kremlin cố gắng câu giờ. Moskva nghĩ rằng mùa đông sẽ làm tê liệt các cuộc tấn công của Ukraine, và dư luận Châu Âu sẽ bỏ rơi Kiev. Liệu tính toán này có đúng ?

"Tướng quân Mùa Đông" vốn là từ ngữ để chỉ thời tiết giá băng đã khiến đội quân của Napoléon phải thất bại tại Nga năm 1812. Một số nhà phân tích và những người ủng hộ Nga cho rằng vị tướng này sẽ cứu được Vladimir Putin khi đóng băng các chiến tuyến. Tuyết và thời tiết giá buốt có thể đến -30°C trong tháng 12 ngăn cản mọi cuộc tiến công.

Sự năng động của người Ukraine sẽ cạn kiệt trong khi Vladimir Putin có những tháng quý giá trước mùa xuân để tái tổ chức và bổ sung cho quân đội. Từ nay đến tháng Giêng, sẽ có thêm 300.000 lính nghĩa vụ được huấn luyện và trang bị. Ông ta có thể đàm phán trên thế mạnh, còn người dân phương Tây, run rẩy trong những căn nhà không có khí đốt Nga, sẽ làm áp lực lên các nhà lãnh đạo để bỏ rơi Ukraine. Tóm lại, thời gian đứng về phía Nga nên Kremlin cố "câu giờ" : quân Nga đào hào đắp lũy ở Kherson và mở chiến dịch oanh tạc mang tính hủy diệt.

Những trận chiến mùa đông trong lịch sử

Có điều mọi chuyện không đơn thuần như thế.

Trước hết về quân sự. Đã đành bùn lầy do mưa thu, "rasputisa", sẽ khiến xe bọc thép khó di chuyển trong tháng 11, nhưng sau đó mặt đất đóng băng thì vẫn chạy được. Thời tiết gây trở ngại cho máy bay, các vũ khí nhẹ có thể bị tuyết bám, nhưng người Nga cũng như Ukraine đều quen với cái lạnh. Hơn nữa, cựu đại tá nay là nhà sử học Michel Goya nhấn mạnh, vẫn có thể tấn công trong mùa đông.

Cuộc xâm lăng của Nga bắt đầu vào cuối tháng Hai, Đức và Liên Xô từng đụng độ nhiều trận trong các mùa đông 1941-1945 trong đó có trận Stalingrad. Liên Xô năm 1939 tiến hành "trận chiến mùa đông" với Phần Lan, những tay súng bắn tỉa vẫn rất cơ động. Trận hồ Trường Tân (Chosin) ở Triều Tiên năm 1950 còn diễn ra dưới cái lạnh kỷ lục -36°C. Xe tăng khó di chuyển cũng không ảnh hưởng nhiều cho Ukraine vì không cần tiến công sâu : tiền tuyến chỉ cách biên giới Nga khoảng 100 cây số đường chim bay ở Donbass, và 130 cây số ở Crimea, nơi có thời tiết Địa Trung Hải.

Chiến đấu ở -30°C thật vất vả, nhưng chỉ với những người lính kém trang bị, và rất nhiều bộ quân phục mùa đông của quân đội Nga chưa bao giờ được giao, hay đã bị đánh cắp. Moskva cũng khó thể đào tạo, cung cấp vũ khí, quân nhu cho 300.000 tân binh trong hai tháng tới, đội ngũ hạ sĩ quan thì đã thiệt hại khá nhiều.

Quân Nga phải rút hay đầu hàng ở Kherson : Nỗi lo cho Putin

Về dư luận Châu Âu, 27 nước EU đã lấp đầy 90% dự trữ khí đốt. Một số còn ước tính ngay cả nếu Gazprom cắt luôn ống dẫn khí cuối cùng là Turkstream, vẫn không ảnh hưởng mấy. Đặc biệt nhân tố chính trị quan trọng nhất kiêm nhà cung cấp vũ khí chính cho Ukraine lại là Washington, vốn không cần một giọt dầu nào của Nga nhờ có khí đá phiến. Khó có việc Kiev bị Hoa Kỳ bỏ rơi vì đến 73% người Mỹ cho biết quyết tâm ủng hộ Ukraine.

Cuối cùng, quân đội Nga vẫn chưa thể lấy lại được sức mạnh trong mùa đông này vì trừng phạt của phương Tây làm kỹ nghệ vũ khí khó hoạt động. Cấm vận là thứ thuốc độc ngấm từ từ vào chuỗi cung ứng, Moskva khó thể thay thế lượng xe tăng đã bị phá hủy đến phân nửa, và hỏa tiễn thì hai phần ba số bộ phận không được sản xuất tại Nga. Kremlin hiện có chưa đến 1.000 hỏa tiễn hành trình, phải dùng loại Tockha có cách đây nửa thế kỷ để tiết kiệm số Islander hiện đại (theo Kiev, Nga chỉ còn 210 quả) và Kalibr (còn 120 quả, có giá 6 triệu đô/quả).

Tóm lại, thời gian không mang lại lợi thế cho Putin như đã hy vọng. Ông ta có nhận ra điều này ? Có thể vì vậy mà Nga đột ngột đẩy nhanh nhịp độ oanh kích và triển khai quân ở Belarus trong những ngày gần đây. Mùa đông năm nay, đúng hơn là dành cho việc rút lui hay đầu hàng của quân Nga ở Kherson hay một phần Donbass, mà Vladimir Putin phải đối mặt. Người mà hồi năm 2008 đã từng nói với tổng thống George W. Bush : "Hình như ông không thấy rằng Ukraine gần như không phải là một quốc gia !".

Câu chuyện anh thanh niên họ Tập thời Cách mạng văn hóa

Liên quan đến Trung Quốc, nhân đại hội đảng cộng sản, các báo tiếp tục đề cập đến nhiều khía cạnh. Về kinh tế, Bắc Kinh khoe rằng đã đuổi kịp phương Tây trong ngành hàng không, vũ trụ, nguyên tử, thương mại điện tử và đang trở thành cường quốc xe hơi. Tuy nhiên Les Echos nhấn mạnh, lần đầu tiên kể từ ba thập niên, tăng trưởng của Trung Quốc thấp hơn phần còn lại của Châu Á, thế nên hôm qua Bắc Kinh tránh né không công bố vào dịp đảng đang họp đại hội. Cách biệt giàu nghèo giữa các vùng vô cùng lớn : GDP tính trên đầu người ở khu vực Bắc Kinh tương đương Bồ Đào Nha, nhưng ở tỉnh Thanh Hải còn thấp hơn… Namibia ở Châu Phi.

Về chính trị, La Croix tiếp tục loạt bài "Hành trình của một hoàng đế đỏ", hôm nay nói về Tập Cận Bình "Trong vòng xoáy của Cách mạng văn hóa". Theo các nhà sử học, ông Tập vào đầu năm 1969 mới ở tuổi 15 đã xung phong đi về miền quê để được "quần chúng nông dân cải tạo". Thực ra do người cha, ông Tập Trọng Huân bị kết tội "phe nhóm chống đảng" và bị bỏ tù, con cái bị coi là "phản động", "lý lịch xấu" nên Tập Cận Bình phải tỏ ra "đỏ" hơn cả Hồng vệ binh, thậm chí còn công khai phê phán cha mình. Khi Tập Trọng Huân được phục hồi, người con trở thành thái tử đỏ và nhờ sự vận động khôn khéo của cha, một người có trình độ văn hóa thấp như Tập Cận Bình mới có thể ngoi dần lên ngôi cao.

Anh : Lãnh sự Trung Quốc "côn đồ" với người biểu tình Hồng Kông

Riêng về vụ lãnh sự Trung Quốc ở Anh hành hung người biểu tình, các báo đều tỏ ra bàng hoàng. "Người biểu tình bị đánh đập ở Manchester : Lãnh sự Trung Quốc côn đồ khiến nước Anh phẫn nộ", tựa của Le Figaro ; "Tại Manchester, một người Hồng Kông là nạn nhân của ‘chiến binh sói’ ở lãnh sự quán Trung Quốc", tựa của Libération.

Vào lúc 15 giờ chiều Chủ nhật 16/10, khoảng 50 người Hồng Kông biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc tại Manchester (miền bắc Anh quốc), với biếm họa "hoàng đế cởi truồng", các biểu ngữ "Trời tru đất diệt Đảng cộng sản Trung Quốc", "Giải phóng Hồng Kông, cách mạng thời đại". Cuộc biểu tình đã được xin phép trước, diễn ra trong không khí ôn hòa, cảnh sát Manchester chỉ gởi hai cảnh binh đến bảo vệ.

Bỗng dưng một nhóm người che mặt từ lãnh sự quán xông ra, trong đó có hai người mặc trang phục chống bạo động, xé biểu ngữ, tấn công người biểu tình. Trong những video do các nhân chứng ghi lại, thấy rõ một người đàn ông ăn mặc lịch sự, đội nón bê-rê, được xác định là tổng lãnh sự Trịnh Hy Nguyên (Zheng Xiyuan) - hung hăng đá đổ pa-nô và nắm tóc một thanh niên Hồng Kông. Anh này bị lôi vào bên trong khuôn viên lãnh sự, bị năm người đánh "hội đồng" cho đến khi một cảnh sát Anh vào được trong vài giây để giải cứu. Nhà đấu tranh trẻ tuổi định cư ở Anh từ tháng 3/2021 phải nhập viện.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng những "phần tử gây rối" đã "xâm nhập bất hợp pháp", "gây nguy hiểm cho an ninh của cơ quan ngoại giao", nhưng từ chối xác nhận việc chính ông tổng lãnh sự đã tham gia vụ hành hung. Theo Libération, văn phòng thủ tướng Anh nói rằng "vô cùng quan ngại" và loan báo mở điều tra. Tuy có quyền đặc miễn theo Công ước Vienna, nhưng các nhà ngoại giao và nhân viên phải tuân theo luật pháp nước sở tại. Le Figaro cho biết vấn đề đã được khẩn cấp đặt ra tại Nghị Viện hôm qua, các nghị sĩ Anh đòi hỏi trục xuất tổng lãnh sự Trịnh Hy Nguyên. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Alicia Kearns nhấn mạnh không thể chấp nhận việc "đàn áp tự do ngôn luận ngay trên đất Anh".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 299 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)