Cựu viên chức ngoại giao Nga : Cuộc chiến ở Ukraine sẽ khiến Nga hỗn loạn
Reuters, VOA, 17/10/2022
Cuộc xâm lăng Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin đã đưa Nga vào con đường đi đến hỗn loạn, có thể khiến ông bị lật đổ, gây ra nội chiến hoặc thậm chí làm đất nước đổ vỡ, một nhà ngoại giao Nga đã từ chức vì bất đồng với cuộc chiến đưa ra nhận định.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói ông không hối tiếc về cuộc chiến ở Ukraine
Ông Boris Bondarev, một tham tán thuộc phái bộ Nga tại Liên Hợp Quốc ở Geneva, đã từ chức hồi tháng 5 vì ông cảm thấy cuộc chiến cho thấy đất nước của ông đã trở nên đàn áp và méo mó như thế nào.
Trong một bài viết chỉ trích dài 6.500 từ về nước Nga của Putin, ông Bondarev nói rằng đất nước hiện giờ đầy rẫy những kẻ nịnh hót chỉ biết vâng lời, những người lặp lại đường lối của Điện Kremlin, cho phép ông Putin đưa ra các quyết định quan trọng vốn hưởng ứng sự tuyên truyền của chính ông ấy.
Tương lai có thể sẽ đối mặt với hỗn loạn, ông nói.
"Nếu ông Putin bị hất khỏi chức vụ, tương lai của Nga sẽ vô cùng bấp bênh", ông Bondarev, người từng làm việc tại Bộ Ngoại giao từ năm 2002 đến 2022, viết trên tạp chí Foreign Affairs.
"Hoàn toàn có khả năng là người kế nhiệm ông ấy sẽ cố tiếp tục cuộc chiến, nhất là khi các cố vấn chủ chốt của ông Putin đến từ các cơ quan an ninh. Nhưng không ai ở Nga có được tầm vóc như ông ấy, vì vậy đất nước này có thể sẽ bước vào thời kỳ rối ren chính trị. Nó thậm chí có thể rơi vào hỗn loạn".
Tổng thống Putin nói hôm 14/10 rằng ông không hối tiếc về ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’, mà ông coi là một trận chiến sống còn với phương Tây hung hăng và kiêu ngạo bị ông xem là muốn hủy diệt và chia cắt nước Nga.
Nhưng sau gần 8 tháng chiến sự, được xem là cuộc đối đầu lớn nhất giữa Nga với phương Tây kể từ cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, ngay cả những mục tiêu cơ bản nhất nước Nga còn lâu mới đạt được.
Ông Bondarev, vốn tự mô tả là ‘nhà ngoại giao lưu vong’ đã bước ra khỏi ‘con tàu điên rồ’, là con trai của một kinh tế gia tại Bộ Ngoại thương và là giáo viên tiếng Anh tại Học viện Quan hệ Đối ngoại Nhà nước danh giá của Moscow.
Ông cảnh báo rằng bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng chỉ đơn giản là cho Putin thêm thời gian.
"Bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng sẽ chỉ cho Nga cơ hội tái vũ trang trước khi tấn công lần nữa", ông nói. "Chỉ có một điều thực sự có thể ngừng cuộc chiến của ông Putin, đó là quân của ông Putin bị đánh cho tan nát".
Tuy nhiên, ông Bondarev nói rằng những người mơ ước về sụp đổ trong lòng nước Nga cần cân nhắc hậu quả.
"Người dân Nga có thể đoàn kết sau lưng một nhà lãnh đạo thậm chí còn hiếu chiến hơn ông Putin, kích động một cuộc nội chiến, gây hấn bên ngoài nhiều hơn hoặc cả hai", ông cảnh báo.
"Nếu Ukraine thắng và ông Putin rớt đài, điều tốt nhất mà phương Tây có thể làm là đừng có sỉ nhục".
Ông Bondarev chỉ ra sự sỉ nhục mà người Nga phải hứng chịu sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 nên là một bài học cho phương Tây.
"Cung cấp viện trợ cũng sẽ giúp phương Tây tránh lặp lại sai lầm của họ từ những năm 1990, khi người Nga cảm thấy bị Mỹ lừa gạt, và sẽ giúp người dân Nga cuối cùng cũng chấp nhận dễ dàng là đế chế của họ không còn nữa".
Reuters
************************
Giới lãnh đạo tình báo Đức lưu ý Trung Quốc là mối họa lớn hơn Nga nhiều lần
Reuters, VOA, 17/10/2022
Các lãnh đạo tình báo Đức hôm 17/10 cảnh báo Trung Quốc có thể dùng cổ phần của họ trong các cơ sở hạ tầng trọng yếu làm đòn bẩy để theo đuổi các mục tiêu chính trị trong bối cảnh chính quyền Berlin đang tranh luận liệu có nên để công ty vận tải Cosco của Trung Quốc đầu tư vào cảng Hamburg hay không.
Cảng Hamburg được Đức xem là cơ sở hạ tầng trọng yếu
Bộ kinh tế Đức do Đảng Xanh điều hành muốn phủ quyết kế hoạch của Cosco mua cổ phần tại một trong ba bến tàu ở cảng quan trọng nhất của Đức, trong khi thủ tướng thuộc Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) có khuynh hướng tán thành, theo các nguồn tin chính phủ.
Tranh cãi này cho thấy cuộc tranh luận rộng lớn hơn, gay gắt hơn ở Đức về làm sao giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của nước này, sau khi Nga xâm lược Ukraine đã cho thấy sự nguy hiểm của việc phụ thuộc vào một nhà nước ngày càng quả quyết và độc đoán.
Trung Quốc đã kêu gọi Đức không chính trị hóa quan hệ kinh tế của các nước hay đi theo chủ nghĩa bảo hộ ‘với danh nghĩa an ninh quốc gia’.
Trong một phiên điều trần tại quốc hội về một loạt các vấn đề an ninh, lãnh đạo các cơ quan tình báo trong nước và hải ngoại của Đức cho biết họ không thể đưa ra đánh giá công khai về kế hoạch của Cosco nhưng nói chung họ kêu gọi hãy thận trọng.
"Chúng tôi rất, rất bất bình việc Trung Quốc tham gia vào cơ sở hạ tầng quan trọng", lãnh đạo cơ quan tình báo hải ngoại (BND), Bruno Kahl, nói tại phiên điều trần, và lưu ý rằng hải cảng nên được coi là cơ sở hạ tầng trọng yếu, vì vậy bất kỳ khoản đầu tư nào cũng phải được xem xét rất cẩn thận.
Đức nên nghĩ rằng Trung Quốc sẽ sử dụng công nghệ, bao gồm cơ sở hạ tầng 5G, hoặc sức mạnh kinh tế để thực hiện các ý tưởng của họ, ông nói thêm. "Trong trường hợp có bất đồng chính trị giữa Trung Quốc và Đức, những công cụ này sẽ được sử dụng", ông nói.
Người đứng đầu cơ quan tình báo trong nước của Đức, Thomas Haldenwang, cho biết cổ phần trong cơ sở hạ tầng quan trọng của Đức cũng dẫn đến phá hoại và gây ảnh hưởng dư luận.
"Khi tôi nói chuyện với các đối tác nước ngoài về Trung Quốc, họ luôn nói : Nga chỉ là cơn bão, Trung Quốc mới là biến đổi khí hậu", ông nói.
"Vì vậy, chúng ta sẽ phải chuẩn bị cho sự biến đổi khí hậu này trong những năm tới".
Reuters