Moskva đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc sau khi hạm đội Hắc Hải bị tấn công
Thùy Dương, RFI, 30/10/2022
Các chuyến tàu xuất khẩu ngũ cốc Ukraine hôm 30/10/2022 đã bị Nga chặn lại ở Biển Đen. Vụ việc xảy ra do Moskva vào thứ Bảy 29/10/2022 thông báo đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, chỉ ít giờ sau khi soái hạm của Hạm đội Hắc Hải của Nga ở vịnh Sevastopol, bán đảo Crimea, bị tấn công bằng drone.
Một tàu chở ngũ cốc xuất khẩu từ cảng Odessa của Ukraine chờ bốc hàng hôm 29/07/2022. AP - David Goldman
Tuy nhiên, Kiev hôm qua khẳng định đó chỉ là cái cớ, bởi đây không phải lần đầu tiên Nga cản trở hoạt động xuất khẩu ngũ cốc Ukraine kể từ khi có thỏa thuận "Sáng kiến Hắc Hải", được Ukraine và Nga ký kết hồi cuối tháng 07/2022 với sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc.
Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan cho biết thêm chi tiết :
"Điện Kremlin thông báo quyết định rút khỏi thỏa thuận Istanbul vài giờ sau khi một drone, chắc chắn của Ukraine, vào thứ Bảy (29/10) đã bắn trúng một soái hạm trong Hạm đội Hắc Hải của Nga ở Vịnh Sevastopol. Moskva tố cáo đây là một hành động khủng bố của chính quyền Kiev, với sự tiếp tay của Anh quốc, nhắm vào các tàu góp phần bảo đảm an ninh cho hành lang vận chuyển ngũ cốc.
Dĩ nhiên là các phát biểu của Kiev khác hẳn. Các nhà quan sát của Ukraine coi hành động quân sự của Kiev là chính đáng khi nhằm vào chiến hạm Nga tấn công các thành phố của Ukraine bằng tên lửa hành trình chết người. Ngoại trưởng Dmytro Kuleba tố cáo Moskva viện cớ để ngăn chặn hoạt động xuất khẩu ngũ cốc nuôi sống hàng triệu người.
Phủ tổng thống Ukraine nhắc lại rằng Ukraine đã không ký thỏa thuận ngũ cốc với Nga, mà chỉ ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc, bởi vì Nga, xin trích, "hầu như không bao giờ tôn trọng các cam kết của họ".
Tối hôm qua (thứ Bảy), tổng thống Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga một lần nữa làm trầm trọng nguy cơ xảy ra nạn đói ở Châu Phi và Châu Á. Ông Zelensky nhắc lại rằng đây không phải là vấn đề mới, mà kể từ tháng 9 vừa qua, Hải quân Nga đã chặn 176 tàu và ngăn cản việc xuất khẩu hơn 2 triệu tấn ngũ cốc".
Thùy Dương
***************************
Mỹ tố cáo Nga biến cung cấp lương thực thực phẩm thành vũ khí
Thùy Dương, RFI, 30/10/2022
Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu cũng như Mỹ đều có phản ứng sau thông báo đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc mà Moskva đưa ra hôm 29/10/2022.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ (ngồi bên phải) và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres chứng kiên lễ ký thỏa thuận giữa bộ trưởng quốc phòng Nga - Thổ Nhĩ Kỳ về việc bảo đảm an toàn cho xuất khẩu ngũ cốc Ukraine, ngày 22/07/2022, Istanbul. AP - Khalil Hamra
Theo AFP, tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua xem quyết định của Moskva là "quá đáng" và không có lý gì để Nga làm vậy. Phát ngôn viên của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ tố cáo Moskva biến hoạt động cung cấp lương thực thực phẩm thành vũ khí.
Trong khi đó, phát ngôn viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Stéphan Dujarric, kêu gọi các bên làm mọi việc để duy trì thỏa thuận. Ông lưu ý điều quan trọng sống còn là các bên phải loại trừ mọi hành động có thể gây nguy hiểm cho việc duy trì "Sáng kiến Hắc Hải".
Lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu, Josep Borrell, hôm nay 30/10 kêu gọi Moskva thay đổi quyết định và duy trì thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraine từ các cảng của nước này nhìn ra Biển Đen để tránh làm hại đến "trục đường chính xuất khẩu ngũ cốc và phân bón" mà thế giới rất cần để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực do tác động từ chiến tranh Ukraine.
Sức ép đối với Thổ Nhĩ Kỳ
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, nước cùng với Liên Hiệp Quốc làm trung gian để Nga và Ukraine ký kết tại Istanbul hôm 22/07 thỏa thuận liên quan đến xuất khẩu ngũ cốc và phân bón qua ngả Biển Đen, hôm qua 29/10, cho biết Ankara không nhận được thông báo chính thức của Moskva về việc rút khỏi thỏa thuận. Tuy nhiên, thông báo của Nga đang đặt chính quyền của tổng thống Erdogan trước áp lực và thậm chí có thể khiến quan hệ Nga - Thổ căng thẳng.
Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer cho biết thêm chi tiết :
"Quyết định của tổng thống Nga Vladimir Putin, điều mà các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại trong thời gian qua, đang đặt đất nước của Recep Tayyip Erdogan vào thế khó xử và có nguy cơ tạo căng thẳng giữa Ankara và Moskva.
Trong những tuần qua, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã có một số lời chỉ trích đối với người đồng nhiệm Nga, nhất là về việc Moskva duy trì việc cản trở xuất khẩu phân bón và ngũ cốc. Nhưng ở hậu trường, ngành ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực để bảo đảm thỏa thuận sẽ được kéo dài sau khi hết hạn vào ngày 19/11. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã thảo luận với ông Vladimir Putin, đặc biệt đề xuất việc xuất khẩu nông phẩm Nga qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Với tư cách là người đồng bảo trợ để thỏa thuận được ký kết và giám sát việc thực hiện từ một trung tâm điều phối chung (JCC) ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu nhiều áp lực. Cứu vãn thỏa thuận, Ankara không chỉ có lợi về kinh tế, mà trên hết là đạt được lợi ích về mặt ngoại giao. Đó là sự tín nhiệm về vai trò hòa giải và về sự hiện diện hiện nay, như phát ngôn viên của tổng thống Erdogan mới đây đã nhấn mạnh, theo đó thổ Nhĩ Kỳ là "nước duy nhất có thể nói chuyện được với Putin (…) và có kết quả".
Thùy Dương
***************************
Nga nói xác định được máy bay không người lái đã tấn công hạm đội Biển Đen ở Crimea
Reuters, VOA, 30/10/2022
Bộ Quốc phòng Nga hôm hủ nhật cho biết họđã thu hồi và phân tích xác của chiếc máy bay không người lái được sử dụng để tấn công các tàu của Hạm đội Biển Đen của họở Crimea một ngày trước đó, phát hiện ra rằng máy bay không người lái được trang bị hệ thống định vị do Canada sản xuất.
Tàu của Hạm đội Biển Đen của Nga neo đậu tại vịnh Sevastopol, thuộc Crimea bị Nga sáp nhập, ngày 31/03/2014. Vào ngày 29/10/2022, ít nhất hai tàu Nga tại cảng Sevastopol đã bị hư hại. (Ảnh tư liệu)
Bộ này cho biết Ukraine đã tấn công Hạm đội Biển Đen gần Sevastopol bằng 16 máy bay không người lái vào đầu ngày thứ Bảy 29/10 và rằng các "chuyên gia" của hải quân Anh đã giúp điều phối cái mà Moscow gọi là một cuộc tấn công khủng bố, một tuyên bố mà Anh bác bỏ.
Nga cho biết họđãđẩy lùi cuộc tấn công nhưng các tàu bị nhắm mục tiêu có liên quan đến việc đảm bảo hành lang xuất khẩu ngũ cốc ra khỏi các cảng Biển Đen của Ukraine.
Các quan chức Ukraine cho rằng chính Nga có thể phải chịu trách nhiệm về các vụ nổ, mà nước này lấy cớđể rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc do Liên hợp quốc làm trung gian, một động thái làm suy yếu nỗ lực xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Reuters đã không thể xác minh ngay lập tức tuyên bố của bên nào.
Bộ cho biết trong một tuyên bố : "Theo kết quả thu hồi thông tin từ bộ nhớ của máy thu điều hướng, việc phóng máy bay không người lái được thực hiện từ bờ biển gần thành phố Odesa".
Tuyên bố cho biết các máy bay không người lái đã di chuyển dọc theo khu vực an ninh "hành lang ngũ cốc", trước khi đổi hướng để hướng đến căn cứ hải quân của Nga ở Sevastopol, thành phố lớn nhất trên bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.
Bộ cho biết một trong những máy bay không người lái dường nhưđã xuất phát từ trong khu vực an ninh của hành lang ngũ cốc.
Bộ Quốc phòng nói : "Điều này có thể cho thấy thiết bị bay này được phóng đi từ một trong những tàu dân sự do Kiev hoặc các khách hàng phương Tây thuêđể xuất khẩu nông sản từ các cảng biển của Ukraine".
(Theo Reuters)