Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/11/2022

Điểm báo Pháp - Mùa đông sẽ mang lại lợi thế cho Nga ?

RFI tiếng Việt

Chiến tranh Ukraine : Mùa đông sẽ mang lại lợi thế cho Nga ?

Thời sự bầu cử tại Mỹ và Brazil là hai chủ đề được báo chí Pháp ra ngày 02/11/2022 quan tâm nhiều nhất, đặc biệt là những thách thức đang đón chờ tổng thống Lula vừa đắc cử tại Brazil, và những nguy cơ mất đa số đang rình rập đảng Dân chủ Mỹ nhân cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ mở ra ngày 08/11 tới đây.

muadong1

Quân đội Ukraine đang tiến hành huấn luyện với xe tăng T-72 thu được từ quân Nga, tại vùng biên giới với Belarus, ngày 28/10/2022. AP - Aleksandr Shulman

Một chủ đề khác cũng tiếp tục thu hút sự chú ý là cuộc chiến tranh Ukraine, nhất là khi tình hình có khả năng biến đổi với mùa đông vừa đến. 

Ngay trên trang nhất của mình, nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy hàng tựa lớn "Ukraine : Mùa đông sẽ làm cuộc chiến khốc liệt hơn như thế nào", kèm theo lời giải thích : "Thời tiết cực lạnh và băng giá làm thay đổi điều kiện các trận đánh, làm phức tạp thêm công tác hậu cần và làm chậm các cuộc tấn công. Cả Nga lẫn Ukraine đang chuẩn bị đối phó". 

Mùa Đông Ukraine khắc nghiệt ra sao

Trong bài phân tích trang trong : "Ukraine : Mùa đông sẽ thay đổi các quy luật của chiến tranh", Le Figaro đã nêu bật tính chất cực kỳ khắc nghiệt của mùa đông tại Ukraine. 

Theo tờ báo, thông thường vào khoảng giữa tháng 12 và tháng 2, nhiệt kế sẽ ở mức trung bình dưới 0°C tại khu vực Kiev, trong lúc ở phía bắc, nhiệt độ có thể giảm xuống thấp hơn nữa. Vào giữa mùa đông năm 2006 chẳng hạn, ở Luhansk, nhiệt kế từng hạ xuống mức kỷ lục là âm 30°C. Miền nam có khí hậu ôn hòa hơn nhưng mùa đông vẫn ẩm ướt và khắc nghiệt, có mưa và tuyết thường xuyên. Đó là hiện tượng gọi là "rasputitsa", những cơn mưa rào biến mặt đất thành bùn. Sau đó, các vùng đất và con sông bắt đầu đóng băng. 

Vào tháng 10 vừa qua, khi được hỏi về sự xuất hiện của thời tiết lạnh giá ở mặt trận Ukraine, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, chuẩn tướng Không quân Pat Ryder nhận xét : "Khí hậu là một yếu tố quan trọng trong bất kỳ hoạt động quân sự nào… Tác động của mưa, tuyết, bùn, trên mặt đất sẽ làm tăng thêm mức độ phức tạp cho một chiến trường vốn đã rất năng động". Vấn đề là không ai có thể biết được là các điều kiện khắc nghiệt đó xuất hiện khi nào và kéo dài trong bao lâu. 

Theo Le Figaro, lực lượng Ukraine đang rốt ráo chuẩn bị đối phó với các khó khăn được dự báo trước này, trong lúc các nước phương Tây cũng cấp tốc viện trợ cho đồng minh các loại quần áo ấm cũng như giầy, mũ, găng tay, lều trại phù hợp với mùa đông. Các khoản viện trợ rất lớn, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu có đủ hay không cho một đạo quân hơn 150.000 người.

Nga lợi dụng mùa đông để củng cố lực lượng

Quân đội Nga, theo Le Figaro, cũng chuẩn bị, nhưng đồng thời đang cố tình đánh phá màng lưới năng lượng của Ukraine, tựa như muốn sử dụng khí hậu một cách tàn nhẫn để triệt hạ cả binh lính lẫn dân thường Ukraine.

Về ý đồ của Nga, Le Figaro ghi nhận : "Moskva đang đặt cược vào giai đoạn này (tức là mùa đông) để xây dựng lại lực lượng của mình", cụ thể là triển khai trên chiến trường số "tân binh" vừa được gọi nhập ngũ và chuẩn bị cho những chiến dịch tấn công khi mùa xuân trở lại vào năm 2023. 

Đối với tờ báo, từ chiến dịch của Napoléon năm 1812, cho đến Đệ Nhị Thế Chiến, nước Nga thường lợi dụng được mùa đông để đả bại quân địch. Thế nhưng, trên chiến trường Ukraine, thách thức đặt ra cho cả hai bên. 

Tướng Mùa Đông chưa hẳn có lợi cho Nga

Trong bài xã luận mang tựa đề bí hiểm : "Thử thách của tất vớ", Le Figaro không mấy bi quan cho Ukraine. 

Theo tờ báo, bị một kẻ thù mà ông từng cho rằng có thể dễ dàng nuốt chửng gây khó khăn, Vladimir Putin hiện đang đặt cược vào thời tiết xấu đi để làm chậm đà tiến của lực lượng Ukraine, câu giờ để tìm cách giành ưu thế vào mùa xuân tới với một đạo quân hùng mạnh trở lại. 

Vị "Tướng Mùa Đông" trong truyền thuyết, được cho là đã cứu nước Nga khỏi tay Napoléon và Hitler, đương nhiên sẽ đứng về phía ông. Không chỉ có cái lạnh cực độ từ tháng 12 đến tháng 2, thách thức cả binh lính lẫn trang thiết bị, mà còn là mùa rasputitsa từ tháng 11, khiến cho pháo binh mắc kẹt trong đất bùn. 

"Cuộc chiến khí đốt" đã được tuyên bố với Châu Âu và việc pháo kích vào các cơ sở hạ tầng năng lượng ở Ukraine cũng diễn ra theo cùng một tính toán : Lôi kéo mùa đông về phía mình bằng cách khiến cho đối thủ không thể chịu đựng được càng nhiều càng tốt.

Theo Le Figaro, chiến lược kể trên chỉ có thể thành công nếu đối thủ mất cảnh giác, thế nhưng, người Ukraine đang ở trong nhà của họ và khả năng kháng cự của họ không có gì phải ghen tị trước những người lính Nga bị động viên để làm bia đỡ đạn. Nếu cái lạnh và băng giá có thể gây thương vong, và đặt thêm thách thức cho quân đội, đặc biệt là khi phát động các cuộc tấn công quy mô lớn, thực tế vẫn là trong trò chơi này, người chuẩn bị tốt nhất là người chiến thắng. 

Như một sĩ quan Ukraine trên mặt trận đã tóm tắt một cách bình dân, chiến tranh vào mùa đông "trước hết là vấn đề ủng và tất bị ướt". Có một cặp dự phòng khô ráo sẽ tạo nên khác biệt, nâng cao sức cơ động cũng như tinh thần của người lính. Thêm vào đó là găng tay, mũ, quần áo ấm mà quân đội NATO hiện đang cung cấp cho người Ukraine. 

Tóm lại, theo Le Figaro, lợi thế được cho là của Nga cần phải được chứng minh trong thực tế, và phụ thuộc phần lớn vào khả năng của Nga giành được chiến thắng trong "thử thách tất vớ". 

Lula, niềm hy vọng của Brazil

Ngoài Ukraine, chiến thắng khít khao của cựu tổng thống Brazil Lula da Silva trước tổng thống mãn nhiệm Jair Bolsonaro tiếp tục được quan tâm. Nhật báo công giáo La Croix đã dành trọn trang nhất cho chủ đề này với hàng tựa lớn : "Lula, hy vọng mong manh" 

Nhận định chung của tờ báo là sau chiến thắng trong gang tấc của ông Lula trong cuộc bầu cử tổng thống Brazil, thái độ im lặng của Bolsonaro có nguy cơ gây bất ổn cho đất nước. 

Trong bài "Phục hồi nền kinh tế và hòa giải xã hội, những thách thức của Lula", La Croix nhấn mạnh rằng 12 năm sau khi rời bỏ quyền lực, Lula đã trở lại. Nhưng bối cảnh kinh tế và chính trị không còn thuận lợi như đầu những năm 2000. Chiến thắng không dứt khoát vừa qua sẽ buộc nhà lãnh đạo Brazil phải chấp nhận những thỏa hiệp để hòa giải một xã hội Brazil bị rạn nứt sau 4 năm dưới nhiệm kỳ của tổng thống Bolsonaro. 

Phản ứng im lặng cho đến cuối ngày hôm qua của tổng thống mãn nhiệm, không chịu công nhận kết quả bầu cử đã bị tờ báo phê phán trong bài "Jair Bolsonaro chơi trò kích động". 

La Croix ghi nhận tình trạng những người ủng hộ Bolsonaro vào hôm qua đã ngăn chặn nhiều trục lộ giao thông trên khắp đất nước Brazil, vào lúc mà tổng thống mãn nhiệm vẫn im hơi lặng tiếng. 

Trong bài xã luận mang tựa đề ngắn gọn : "Tin tốt", La Croix cho rằng phần khó khăn nhất mới chỉ bắt đầu đối với ông Lula.

Trước hết, đối thủ của ông, tổng thống mãn nhiệm, đã cho thấy là ông ta khó chấp nhận thất bại. Vẫn tại vị cho đến ngày bàn giao quyền lực dự kiến vào mùng 1 tháng Giêng 2023, Bolsonaro có thể sử dụng 2 tháng tới đây để gây bất ổn cho các thể chế và toàn bộ đất nước. 

Lula cũng sẽ phải đối phó với một Nghị Viện bất lợi cho ông, nơi các đảng cực hữu đã củng cố vị trí của họ. Nếu không có đa số, ông sẽ phải tìm kiếm hậu thuẫn nơi "đầm lầy" cánh trung, vốn đã quen với việc đổi chác phiếu bầu của mình để lấy trợ cấp và các vị trí tốt trong chính quyền, một logic đổi chác mà dư luận không còn chấp nhận nữa.

Được bầu lên với hy vọng đẩy mạnh thêm cuộc chiến chống đói nghèo cũng như tăng cường các chính sách xã hội, Lula sẽ phải đối phó với các đồng minh trong cánh tự do đã ủng hộ ông trong việc tái tranh cử. 

Cho dù vậy, La Croix vẫn tin tưởng : "Bất chấp những kềm hãm đó, Brazil sẽ nối lại với một chính sách quan tâm nhiều hơn đến các cộng đồng thiểu số, sinh thái, dân chủ, sau những thái quá trong nhiệm kỳ Bolsonaro. Chiến thắng của Lula do đó là một tin tốt. Một lời hy vọng và đoàn kết chiếm ưu thế hơn một lời nói hận thù và co cụm. Brazil này xứng đáng được ủng hộ. 

Lula trước nhiều thách thức

Libération cũng dành một phần trang nhất cho diễn biến tại Brazil. Tờ báo chạy tựa : "Những thách thức của Lula, mùa thứ 3", mô phỏng cách đặt tên theo từng mùa các bộ phim truyền hình nhiều tập mà người Brazil rất ưa chuộng. Mùa thứ 3 ở đây phải hiểu là nhiệm kỳ thứ ba.

Tờ báo cho rằng sau 4 năm bị suy sụp, cuộc chiến chống đói nghèo và bảo vệ môi trường, đặc biệt là ở vùng Amazon, sẽ là những vấn đề ưu tiên của tổng thống đắc cử, người sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 1 tháng 1 sắp tới. 

Cú tát giữa kỳ cho Biden ?

Thời sự Brazil tuy nhiên chỉ chiếm vị trí thứ hai trên trang nhất Libération vào hôm nay, còn tựa đầu tiên được dành cho cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ sẽ được tổ chức vào ngày 08/11 tới đây. 

Dưới hàng tựa "Midterms : Joe Biden sắp bi cú tát giữa kỳ",tờ báo ghi nhận nỗi lo ngại ngày càng tăng trong đảng Dân chủ Mỹ khi còn chưa đầy một tuần là đến ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ. Theo tờ báo, với cuộc bầu lại toàn bộ Hạ Viện và một phần ba Thượng Viện, các cuộc thăm dò cho thấy một bước lùi cho đảng Dân chủ. 

Tâm lý lo âu đã bao trùm đảng Dân chủ từ nhiều tuần lễ nay, sau một thoáng lạc quan vào cuối mùa hè khi thấy thăm dò khả quan một chút. Mối quan ngại thâm chí còn tăng cao ngay tại các cứ địa lịch sử của đảng Dân chủ, từng được cho là bất khả xâm phạm đối với đảng Cộng hòa, ở bang New York, bang Washington hoặc Oregon chẳng hạn.

Trong lúc đó thì theo ghi nhận của Libération, các thành phần theo chủ nghĩa dân túy-dân tộc đi theo cựu tổng thống Trump một cách cuồng tín nhất giờ đây dường như có khả năng giành được các vị trí quan trọng khác nhau ở Arizona hoặc Nevada.

Pháp vẫn đứng đầu vùng euro về mức áp thuế nặng

Riêng nhật báo kinh tế Les Echos đã chú ý đến tình hình Pháp và thông báo trong hàng tựa lớn trang nhất : "Thuế : Pháp thu hẹp khoảng cách với các nước láng giềng" 

Theo tờ báo, từ năm năm nay, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã xem vấn đề cắt giảm thuế một trong những hành động chính trị tiêu biểu của ông, giải thích rằng điều đó sẽ đưa nước Pháp xích lại gần hơn với những gì đang được thực hiện ở những nơi khác ở Châu Âu.

Ông đã bước đầu thành công khi chênh lệch về mức độ gọi là áp lực thuế khóa giữa Pháp và các nước khác trong khu vực đồng euro đã được thu hẹp thêm trong năm 2021, đặc biệt là nhờ chủ trương giảm thuế sản xuất.

Tuy nhiên, Pháp vẫn là quốc gia dẫn đầu trong về áp lực thuế khóa trên người dân trong khối dùng đồng euro, và đứng thứ hai toàn Châu Âu, đằng sau Đan Mạch

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 271 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)