Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/11/2022

Điểm báo Pháp - Thỏa thuận ngũ cốc Ukraine

RFI tiếng Việt

Thỏa thuận ngũ cốc Ukraine : Vì sao Nga đảo ngược quyết định ?

Người Nga dọa dẫm, người Ukraine và đồng minh "đường ta ta cứ đi". Dù Moskva hàm ý sẽ tấn công những tàu nào dám rời các cảng Ukraine, vận chuyển giữa Odessa và Istanbul chỉ ngưng có 24 tiếng đồng hồ, các tàu hàng vẫn tiếp tục đi qua. Hôm qua Moskva thông báo quay lại thỏa thuận.

ngucoc1

Một tàu chở ngũ cốc Ukraine trên Hắc Hải, ở ngoài khơi Kilyos gần Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 02/11/2022. Reuters - UMIT BEKTAS

Tranh cãi về việc Bộ Nội vụ Pháp dự định cấp giấy phép cư trú cho người nước ngoài làm những công việc đang thiếu nhân công, nạn bạo hành phụ nữ, hội nghị các giám mục Pháp tại Lộ Đức (Lourdes), những dấu hiệu sụt giảm tiêu thụ đầu tiên là những vấn đề trong nước chiếm trang nhất các nhật báo Pháp hôm nay. Về thời sự quốc tế, căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên, Moskva nối lại thỏa thuận ngũ cốc, dấu ấn cựu tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ ở Mỹ được đề cập nhiều nhất.

Nga dọa không được, đành buông vì lực bất tòng tâm

Liên quan đến Ukraine, Libération giải thích "Phong tỏa giao thông trên Hắc Hải : Vì sao Moskva đảo ngược quyết định". Sau khi rút khỏi thỏa thuận cho phép các tàu buôn chở ngũ cốc Ukraine xuất khẩu đi qua hôm thứ Bảy, Nga lại tham gia từ hôm qua, thứ Tư. Trên thực tế, các tàu hàng vẫn tiếp tục sử dụng hành lang hàng hải này, bất chấp các đe dọa của Kremlin.

Người Nga dọa dẫm, người Ukraine và đồng minh "đường ta ta cứ đi". Dù Moskva hàm ý sẽ tấn công những tàu nào dám rời các cảng Ukraine, vận chuyển giữa Odessa và Istanbul chỉ ngưng có 24 tiếng đồng hồ. Hôm thứ Hai 31/10, có 12 tàu hàng đã đi qua hành lang hàng hải từ duyên hải Ukraine đến các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, và thứ Ba thêm 3 chiếc khác. Sáng thứ Tư 02/11, Moskva quay lại với thỏa thuận, nói rằng "đã có đủ những bảo đảm" về phi quân sự hóa đường vận chuyển trên.

Theo Libération, việc quay 180 độ một cách nhục nhã này là do thực tế áp đặt : Nga không có khả năng phong tỏa đường biển Ukraine như hồi đầu cuộc xâm lược. Trên lý thuyết, năng lực hải quân Nga hùng hậu hơn Ukraine, và còn có thể trông cậy vào lực lượng tàu ngầm. Nhưng theo nhà phân tích Jonathan Bentham của Viện Nghiên cứu Chiến lược (International Institute for Strategic Studies-IISS), đánh đắm một chiếc tàu là một chuyện, còn duy trì phong tỏa lại là chuyện khác. Việc phong tỏa cũng dựa vào phương diện tâm lý, và về mặt này thì Kiev làm chủ.

Hải quân Nga không còn dám mon men đến duyên hải Ukraine

Từ khi Ukraine nhận chìm soái hạm Moskva xuống đáy biển hồi tháng Tư, hải quân Nga chịu đựng một loạt thất bại nặng nề. Nhiều tàu chiến bị trúng hỏa tiễn chống hạm Neptune do Ukraine chế tạo, hoặc hỏa tiễn Harpoon được phương Tây cung cấp. Bên cạnh đó còn bị các drone tấn công, như soái hạm thay thế chiếc Moskva tuần rồi đã là nạn nhân, dù đậu tận cảng Sevastopol ở Crimea. Dần dần hạm đội Hắc Hải đã phải lùi dần về và án binh bất động.

Nhà phân tích quốc phòng H.I Sutton nhận định "Các chiến hạm Nga dường như không còn dám đến gần vùng duyên hải Ukraine. Có vẻ Moskva không đủ phương tiện để lấn lướt trên biển, dù hải quân mạnh hơn Ukraine rất nhiều về số lượng tàu chiến". Yếu hơn và gần như trở thành con số không vào đầu cuộc xâm lăng, hải quân Ukraine nay bắt đầu vươn dậy chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của phương Tây. Sáu tàu tuần tra vừa được Mỹ chuyển giao đang hoạt động tích cực ở Hắc Hải.

Từ tháng Sáu, lính Nga cũng phải rút khỏi đảo Rắn, một hòn đảo nhỏ rộng 17 hecta, ở vị trí rất thuận lợi để giám sát vùng duyên hải Ukraine. Bị Ukraine tấn công kịch liệt để tái chiếm, nhất là bằng drone, quân Nga nay chỉ có thể trông cậy vào các chiến hạm của mình mà không có pháo binh yểm trợ. Theo ông Jonathan Bentham, việc mất đảo Rắn tuy không thay đổi hẳn tương quan lực lượng, nhưng gây nhiều khó khăn cho hải quân Nga.

Moskva không thể tự bắn vào chân mình

Tất cả những yếu tố trên khiến Kiev, Istanbul và Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai quyết định cứ để các tàu chở ngũ cốc rời cảng Ukraine. Bị đặt trước việc đã rồi, Nga đành phải tỏ ra nhân nhượng. Nếu tấn công vào một trong số các tàu, Moskva sẽ gánh lấy rủi ro ngoại giao rất cao. Thỏa thuận ngũ cốc được coi là tin vui cho các nước phương nam, và lâu nay Nga vẫn đổ trách nhiệm giá cả gia tăng cho các trừng phạt của phương Tây. Đánh vào một chiếc tàu chở lúa mì hay bắp cho Algeria hoặc vùng sừng Châu Phi, dưới sự quan sát của một phi cơ US Air Force, chẳng khác nào tự bắn vào chân mình.

Là nước dàn xếp thỏa thuận này, Ankara cũng hoàn toàn có lợi. Thổ Nhĩ Kỳ nhận được 13% lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine từ mùa hè, chỉ đứng sau Tây Ban Nha (15%). Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã báo trước với Nga là các tàu mang cờ Thổ vẫn tiếp tục đến các cảng Ukraine, nêu ra khả năng cho hải quân nước mình hộ vệ. Thêm một lần nữa, vai trò của tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người đã điện đàm với Vladimir Putin hôm thứ Ba, có vẻ là chủ chốt.

Lần đầu hỏa tiễn Bắc Triều Tiên vượt qua giới tuyến với Hàn Quốc

Một điểm nóng khác nằm tại Châu Á : tất cả các báo đều chú ý đến tình hình đang căng thẳng trở lại giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Hôm nay Bình Nhưỡng cho bắn tiếp ba tên lửa trong đó có một hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM), sau khi đã bắn một loạt khác hôm qua, tiến gần một cách nguy hiểm lãnh hải của kẻ thù phương nam. Một quả rơi xuống biển ở cách 57 km ngoài khơi cảng Sokcho, lần đầu tiên vượt qua đường giới tuyến (NLL) vạch ra sau cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1953. Đường bay của hỏa tiễn làm đảo Ulleungdo phải nổi còi báo động, những cư dân hiếm hoi được yêu cầu xuống hầm trú ẩn.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol mạnh mẽ tố cáo "sự khiêu khích của Bắc Triều Tiên" như "một cuộc xâm lăng lãnh thổ trên thực tế". Seoul trả đũa bằng ba hỏa tiễn địa-không do các oanh tạc cơ F-15 bắn đi, tổng tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc coi việc vi phạm đường giới tuyến là "hành động hiếm thấy và không thể dung thứ".

Theo Le Figaro, tuy không có ai bị thương tích, nhưng sự kiện này đánh dấu một ngưỡng mới. Chế độ Kim Jong-un nói rằng nhằm đáp trả cuộc tập trận Vigilant Storm (Bão táp Cảnh giác) với sự tham gia của 240 phi cơ đồng minh. Năm nay Bắc Triều Tiên đã bắn đi khoảng 40 hỏa tiễn và đe dọa sẽ mạnh tay hơn bao giờ hết nếu Hoa Kỳ "tiếp tục khiêu khích". Seoul và Washington đều lo ngại Bình Nhưỡng lại thử nguyên tử lần thứ bảy.

Có Trung Quốc và Nga chống lưng, Bình Nhưỡng sẽ thử nguyên tử ?

Địa điểm hạt nhân Punggye-ri, nơi tiến hành sáu vụ thử trước, đã được tu sửa trong những tháng gần đây, và theo tình báo Hàn Quốc thì vụ thử có thể diễn ra "bất kỳ lúc nào". Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều hứa hẹn sẽ đáp trả mạnh tay nếu Kim Jong-un dám thử tiếp vũ khí hạt nhân ; nhưng nhà độc tài dựa vào Trung Quốc và nay có thêm nước Nga của Vladimir Putin, để tránh bị Hội đồng Bảo an trừng phạt.

Nhà nghiên cứu độc lập Théo Clément khi trả lời phỏng vấn Libération cũng cho rằng tiếp theo đợt bắn hỏa tiễn này có thể là một vụ thử nguyên tử mới. Theo ông, Bắc Triều Tiên cảm thấy "được chắp cánh" với cuộc chiến tranh Ukraine. Quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, và ít đáng kể hơn với Bắc Triều Tiên, đã tiến triển đến nỗi Bình Nhưỡng không còn sợ bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt thêm, có thể chắc chắn rằng Bắc Kinh và Moskva sẽ phủ quyết tất cả.

Trong thời Kim Jong-un, các vụ bắn thử hỏa tiễn đạn đạo nhiều hơn cả số lượng thời Kim Il-sung và Kim Jong-il cộng lại. Trước bối cảnh thuận lợi hiện nay, có nguy cơ Bình Nhưỡng dấn thêm bằng một hay nhiều vụ thử vũ khí nguyên tử, với nhiều model và cường độ khác nhau, bất chấp cấm vận.

Biển Hoa Đông : Pháp theo dõi tàu Bắc Triều Tiên, Trung Quốc cản mũi

Về vấn đề này, Le Figaro có bài phóng sự thú vị "Khi Pháp giám sát Bình Nhưỡng trên biển Hoa Đông". Quân đội Pháp trong khuôn khổ chiến dịch quốc tế, phụ trách thu thập tài liệu về những vụ vi phạm lệnh trừng phạt của Bắc Triều Tiên. Bị giới hạn lượng dầu lửa, than đá và thép nhập khẩu, Bình Nhưỡng tìm cách tránh né bằng cách sang mạn ngoài khơi. Bộ phận điều phối chống gian lận (ECC) của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phối hợp các cuộc tuần tra trên không và trên biển của 9 quân đội đồng minh trong đó có Nhật, Mỹ, Pháp.

Đặc phái viên tờ báo mô tả bảy quân nhân trên chiếc Falcon xuất phát từ Tahiti của quân đội Pháp chăm chú theo dõi một chiếc tàu lớn không bật tín hiệu nhận dạng (AIS). Sau khi liên lạc nhưng tàu này không trả lời, phi công cho máy bay sà xuống một cách điệu nghệ, trong khi hai người ngồi hai bên chụp những tấm ảnh và ghi nhận những dấu hiệu cần thiết : tên tàu, hàng chở theo…

Các phi vụ ECC thường xuyên gặp phải sự ngăn trở của Trung Quốc. Lần này chiếc Falcon bị hai chiến đấu cơ Shenyang J-16 của Trung Quốc kèm sát, ra lệnh "Phi cơ Pháp, quý vị đang tiến gần vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc. Hãy quay lại ngay lập tức, nếu không sẽ bị ngăn chặn". Phía Pháp thản nhiên trước lời đe dọa, đáp trả : "Chúng tôi đang tuần tra trên vùng biển quốc tế, hoàn toàn hợp pháp".

Sau khoảng một tiếng đồng hồ quấy rối, các tiêm kích Trung Quốc rốt cuộc bay đi. Giáo sư John Bradford, đại học Nanyang cho biết Bắc Kinh đơn phương quy định vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ăn rất sâu vào ADIZ của Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc ; thế nên sự cố một ngày nào đó có thể xảy ra.

Cánh tay nối dài của công an Trung Quốc ở quận 13 Paris

Trong lãnh vực an ninh, Le Monde cho biết công an Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến Trung Quốc có chi nhánh tại ngay một tòa nhà khu dân cư trên đại lộ Choisy quận 13, và một trụ sở khác ở khu thương mại dọc theo xa lộ A4 Noisy-le-Grand (ngoại ô Paris). Tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders vào tháng Chín đã phát hiện những "đồn công an" bất hợp pháp này ở khắp Châu Âu – một thông tin gây chấn động. Cảnh sát Hà Lan, Canada, Bồ Đào Nha, Đức đã bắt tay vào điều tra. Được Le Monde liên lạc, Bộ Nội vụ Pháp không muốn "đi vào chi tiết một vụ đã được cơ quan phản gián lưu tâm". Theo tờ báo, những vòi bạch tuộc này có nhiệm vụ ép buộc các quan chức, doanh nhân trốn được ra ngoại quốc phải về nước, gây sức ép lên các cộng đồng "nhạy cảm" như người Duy Ngô Nhĩ lưu vong, giúp mạng lưới an ninh Trung Quốc giăng ra khắp nơi trên thế giới qua việc lôi kéo cộng đồng người Hoa.

Đức tự trói mình chặt hơn vào Bắc Kinh

Về quan hệ giữa Đức và Trung Quốc, chuyến công du ngày mai của thủ tướng Olaf Scholz tiếp tục bị phản đối, ngay cả các bộ trưởng trong chính phủ của ông và cơ quan tình báo cũng đả kích dữ dội. Libération đặt câu hỏi "Olaf Scholz ở Bắc Kinh : Ngây thơ hay độc ác ?". Cũng như bà Angela Merkel vẫn tiếp tục dự án Nord Stream 2 sau khi Nga chiếm Crimea, ông Scholz là nhà lãnh đạo Châu Âu đầu tiên đến thăm Tập Cận Bình, chỉ hơn một tuần sau khi nhà độc tài ở Bắc Kinh ngồi lại ngôi cửu ngũ thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Món quà "triều cống" là phần vốn trong cảng Hamburg được bán cho tập đoàn nhà nước Cosco Trung Quốc. Marcel Fratzscher, Viện Nghiên cứu Kinh tế ở Berlin lấy làm tiếc là thủ tướng Đức đã từ chối đề nghị đi cùng với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, để có thêm trọng lượng Châu Âu cho chuyến thăm.

Les Echos nhận thấy "Nền kinh tế Đức ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc". Đáng ngạc nhiên là chưa bao giờ các công ty Đức đầu tư vào Hoa lục nhiều như trong năm 2022, chỉ trong 6 tháng đã lên đến 10 tỉ euro, đặc biệt là ngành xe hơi. Họ không quan tâm đến việc Nga xâm lăng Ukraine, Trung Quốc đe dọa Đài Loan, mà nhật báo kinh tế cho rằng hoàn toàn mù quáng. Ủy Ban Châu Âu và chính phủ Đức một ngày nào đó phải có phản ứng. Bởi vì sự lệ thuộc của Đức vào Trung Quốc cũng là của Châu Âu, GDP Đức chiếm đến 1/3 khu vực đồng euro. Nếu Tập Cận Bình quyết định xua quân chiếm Đài Loan, chắc chắn Hoa Kỳ sẽ cứng rắn hơn với Berlin. Năm ngoái, chú Sam, nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đức, cũng là khách hàng lớn nhất của kỹ nghệ Đức, mua đến 122 tỉ đô la hàng hóa. Chọn lựa giữa Washington và Bắc Kinh sẽ rất khó khăn cho anh bạn láng giềng của Pháp.

Covid : Dân Hoa lục quá mệt mỏi trước nạn phong tỏa liên miên

Trên lãnh vực dịch tễ, thông tín viên Le Monde thuật lại cuộc chạy trốn của hàng ngàn công nhân Foxconn tại Trịnh Châu (Zhengzhou) tỉnh Hà Nam vào cuối tuần qua. Foxconn, nhà thầu chính của Apple và nhiều tập đoàn điện tử, có 200.000 đến 300.000 công nhân tại đây tùy theo mùa để lắp ráp phân nửa số lượng iPhone bán ra trên thế giới. Những người này quyết định đi bộ về quê, có khi ở cách xa hàng mấy trăm cây số, băng qua những cánh đồng để né trạm kiểm soát. Họ tố cáo việc bị phong tỏa trong điều kiện vô nhân đạo, thiếu thốn thực phẩm. Sự tháo chạy của công nhân ở Trịnh Châu có thể làm giảm 10% sản lượng iPhone trong khi mặt hàng này sẽ bán rất chạy trong mùa Noel tới.

Cảnh "chạy loạn" nay trở nên phổ biến tại Hoa lục, nơi Tập Cận Bình vẫn khăng khăng zero Covid. Theo ngân hàng Nhật Nomura, vào ngày 27/10 có 232 triệu dân Trung Quốc bị phong tỏa ngặt nghèo, tại 31 thành phố chiếm 24,5% GDP cả nước. Tại Tân Cương, Tây Tạng, Quảng Đông, Hắc Long Giang, Vũ Hán, một số thành phố còn bị phong tỏa suốt hơn ba tháng qua. Ở tất cả đô thị Trung Quốc, cư dân bị buộc phải xét nghiệm PCR ba ngày một lần nếu muốn sử dụng giao thông hay ra những nơi công cộng. Người dân đã quá chán ngán : không ai nói cho họ biết phong tỏa sẽ kéo dài bao lâu, và tất cả những lời than van đăng lên mạng đều bị kiếm duyệt ngay lập tức !

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 216 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)