Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/11/2022

Điểm báo Pháp - COP27 và "công lý khí hậu"

RFI tiếng Việt

COP27 và "công lý khí hậu" cho các nước đang phát triển

Trên báo công giáo La Croix và báo kinh tế Les Echos, đề tài được quan tâm là biến đổi khí hậu, khi chỉ còn 2 ngày nữa là khai mạc COP27 tại Ai Cập. La Croix Les Echos lần lượt chạy tựa trang nhất : "Khí hậu : Các nước Nam bán cầu đòi công lý", "Khí hậu : Những điều COP27 còn có thể thay đổi".

cop1

Nước ngập tại phố cổ Hội An, miền trung Việt Nam, 16/11/2013 - Reuters/Ngoc Tuan

Trong bài viết "COP27 : Các thách thức khí hậu "va đập" vào các căng thẳng địa chính trị", báo kinh tế Pháp nhấn mạnh thượng đỉnh thế giới về khí hậu chuẩn bị mở ra trong bối cảnh đầy thử thách phức tạp : chiến tranh Ukraine, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực thực phẩm, khủng hoảng nợ... Chiến tranh Ukraine gây chia rẽ các quốc gia. Khủng hoảng năng lượng thúc đẩy nhiều nước từ bỏ thỏa thuận ngưng dùng than đá…

Trong bài viết "Biến đổi khí hậu, ai phải trả giá ?", báo công giáo La Croix cho biết câu hỏi về "công lý khí hậu" sẽ là trọng tâm hội nghị COP27. Các nước đang phát triển sẽ yêu cầu được cấp tài chính để giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, thích ứng và đối phó với các mất mát, thiệt hại không thể đảo ngược do nạn biến đổi khí hậu.

Ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt, các nước dễ chịu tác động nhất từ hiện tượng khí hậu cực đoan cũng thường là những nước đang phát triển, có thu nhập thấp. Năm 2009, các nước phát triển đã hứa cung cấp dưới nhiều hình thức 100 tỷ euro mỗi năm cho các nước đang phát triển để giúp các nước này giảm phát thải khí gay hiệu ứng nhà kính và triển khai các biện pháp thích ứng với các mối nguy. 100 tỷ đô la trên hết là con số một biểu tượng, bởi chỉ là số tiền rất nhỏ so với hàng tỷ tỷ đô la cho quá trình chuyển đổi.

Thế nhưng, La Croix khẳng định các nước phát triển đã không giữ lời hứa. Theo OCDE, trong năm 2020, số tiền tài trợ dường như đạt 83 tỷ euro, cả tài trợ từ giới tư nhân và của chính phủ các nước. Thế nhưng, con số này còn nhiều tranh cãi và bao gồm cả các dự án mà chống biến đổi khí hậu chỉ là một phần nhỏ. Các khoản tiền hảo tâm cũng chiếm tỉ lệ thấp : tổ chức phi chính phủ Oxfam ước tính khoảng 21 - 24,5 tỷ euro.

Trước sự thất hứa của các nước phát triển, các nước đang phát triển hiện giờ kiên quyết đòi thành lập một cơ chế bổ sung để tài trợ cho "tổn thất và thiệt hại", những thiệt hại không thể tránh khỏi bất kể mức giảm phát thải và các biện pháp thích ứng được triển khai. La Croix cho biết thêm là nhiều tổ chức xã hội dân sự nhấn mạnh là cần có "công lý khí hậu" để phục hồi niềm tin giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Hồi tháng 09/2022, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng đã đề nghị các nước phát triển đánh thuế siêu lợi nhuận vào các công ty và dùng một phần tiền đó tài trợ cho các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu.

Chiến tranh Ukraine : Có thật là Nga đã chấm dứt chiến dịch động viên quân dự bị ?

Phát hành từ chiều hôm qua, báo Le Monde quan tâm đến nhiều vấn đề thời sự quốc tế : Những ủng hộ viên của vị tổng thống thất cử Bolsonaro đòi quân đội can thiệp, làm dấy lên câu hỏi về nguy cơ đảo chính ; tổng thống Mỹ Joe Biden trực tiếp vận động cử tri cho cuộc bầu cử giữa kỳ trong bối cảnh nền dân chủ bị đe dọa ; những nỗ lực chưa đủ để thế giới kiềm chế nạn biến đổi khí hậu, chuyến công du Trung Quốc bị chỉ trích của thủ tướng Đức Olaf Scholz …

Liên quan đến chiến tranh Ukraine, Le Monde lưu ý đến chiến dịch tuyển quân dự bị động viên mới đây của Nga. Câu hỏi đặt ra là có thực sự là Nga đã hoàn thành chiến dịch huy động quân dự bị động viên mà tổng thống Putin đã cho khởi động hôm 21/09 ? Thông tín viên báo Le Monde tại Moskva cho biết mặc dù về mặt chính thức, từ hôm 28/10, Bộ Quốc phòng Nga đã 2 lần thông báo ngưng lệnh động viên một phần quân dự bị, nhưng có nhiều yếu tố cho thấy thực tế không phải như vậy.

Từ một tuần qua, theo lời kể của nhiều người, họ vẫn tiếp tục nhận được lệnh triệu tập của văn phòng tuyển quân dự bị. Hơn nữa, sắc lệnh động viên một phần quân dự bị của Putin không hề nêu rõ ngày chấm dứt việc tuyển quân. Theo một luật gia, sự mơ hồ cho phép chính quyền Nga có thể tiếp tục động viên quân dự bị bất kể lúc nào họ muốn. Chỉ tiêu quân dự bị cần tuyển cũng hoàn toàn được giữ bí mật. Chỉ tiêu 300.000 mà công chúng biết đến thực ra cũng chỉ là thông tin truyền miệng, chứ không có văn bản chính thức.

Về chất lượng quân dự bị, Le Monde cho biết hàng chục ngàn người không có kinh nghiệm chiến đấu hay không đủ sức khỏe cũng nhận được giấy triệu tập : có những người bị động viên vào quân đội mà không được huấn luyện, không được trang bị, thậm chí không có chỗ ngủ cố định. Theo Le Monde, những thông tin truyền về từ mặt trận còn đáng ngại hơn. Có những đơn vị tân binh bị bỏ rơi ngoài cánh đồng, chỉ có vài loại vũ khí tự động, không nhận được mệnh lệnh rõ ràng và cũng không được tiếp viện. Một số tân binh được điều ra thực địa chỉ sau từ vài ngày đến 2 tuần huấn luyện hoặc chỉ sau những bài tập bắn qua quýt, sơ sài.

Báo Novaia Gazea xác định từ ngày 21/09 đế nay đã có hàng trăm quân dự bị động viên mất mạng, trong đó có 23 người chết ngay tại Nga do nhiều lý do khác nhau, như ẩu đả, nghiện hút, uống rượu, tự vẫn, tai nạn, ốm đau đột ngột. Số phận của những người từ chối chiến đấu cũng còn mơ hồ. Le Monde kết luận đợt tuyển quân dự bị động viên vừa rồi đã làm dấy lên nỗi giận dữ trong xã hội Nga và làm đảo lộn nhiều lĩnh vực kinh tế Nga. Hàng trăm ngàn đàn ông Nga đã phải bỏ trốn khỏi đất nước.

Drone trên biển : Chưa mấy nước làm được như Ukraine ?

Nhân vụ cách nay vài ngày hạm đội Biển Đen của Nga tại Crimea bị tấn công bằng USV - tàu không người lái vận hành trên mặt nước (unmanned surface vehicle), Le Monde cho biết đây là lần đầu tiên Ukraine dùng drone trên biển để tấn công kẻ thù.

Léo Péria-Peigné, tác giả của một nghiên cứu gần đây cho Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) về tàu không người lái vận hành trên mặt nước, nhận định với Le Monde là mặc dù có thể lực lượng đặc nhiệm của một số nước đã từng bí mật tiến hành kiểu tác chiến này, nhưng đối với Ukraine, đây là lần đầu tiên một cuộc tấn công được thực hiện nhằm vào một tàu cỡ lớn, ở gần căn cứ hải quân rất quan trọng của đối thủ như vậy và hình ảnh được công bố rộng rãi. Cho dù hệ thống mà Ukraine sử dụng trông giống như một con tàu được điều khiển từ xa hơn là một thiết bị công nghệ cao nhưng dường như quân đội nhiều nước, kể cả Hải quân Pháp, vẫn đang thiếu loại thiết bị này.

Việc đổi mới các năng lực quân sự hải quân thường rất tốn kém và là gánh nặng cho ngân sách quốc phòng của các nước, nhưng drone thường được xem như giải pháp cho phép trang bị số lượng lớn, đồng thời giảm nguy cơ tổn thương trong trường hợp bị tấn công, đặc biệt là đối với các tàu có phương tiện chống tàu ngầm và phòng không. Tuy nhiên, hiện nay, drone trên biển mới chủ yếu được phát triển ở mức để thực hiện nhiệm vụ hậu cần hoặc trinh sát. Trường hợp của Ukraine là mới.

Những nước tiên tiến nhất về drone trên biển là Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc. Những nước này đang phát triển drone trên biển cỡ nhỏ (dài dưới 10 mét), phần nào dành cho xuất khẩu. Riêng Hoa Kỳ tiến xa hơn về drone trên biển cỡ lớn. Hồi tháng 05/2022, Hải quân Hoa Kỳ thậm chí còn thành lập một đơn vị đặc biệt về tàu không người lái vận hành trên mặt nước, với các con tàu đang trong giai đoạn thử nghiệm, trong đó có các tàu dài 40 mét đã được thử nghiệm về tác chiến chống mìn, chống tàu ngầm hoặc vận tải các thiết bị quan trọng, chẳng hạn như tên lửa phòng không.

Riêng ở Pháp, ngân sách được phân bổ để đạt được những năng lực đó vẫn còn rất ít. Chương trình duy nhất của Pháp hiện nay là thử nghiệm hệ thống chống mìn dưới biển trong tương lai, dự kiến đi vào hoạt động vào khoảng năm 2025.

"Một mình một ngựa" tại Trung Quốc, thủ tướng Olaf Scholz bị chỉ trích

Chuyến công du Trung Quốc của thủ tướng Olaf Scholz nhận được sự quan tâm của cả báo Le Monde Figaro. Le Monde tập trung đến những chỉ trích trong nước, kể cả ngay trong chính nội bộ đảng của ông Scholz về chuyến đi của thủ tướng Đức. Thông tín viên báo Le Monde tại Berlin cho biết tại Đức, thủ tướng Olaf Scholz bị xem là đã chọn thời điểm tệ nhất để công du Trung Quốc : 12 ngày sau khi ông Tập được tái đắc cử tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ 3 và 1 tuần sau khi thủ tướng Scholz bật đèn xanh cho phép tập đoàn vận tải biển Trung Quốc Cosco tham gia khai thác một cảng bốc dỡ hàng tại Hamburg, một quyết định vấp phải nhiều chỉ trích trong nội các Đức.

Một dân biểu đảng Xanh lấy làm tiếc là mặc dù các đảng tham gia liên minh cầm quyền tại Đức đã ký một thỏa thuận có điều khoản rõ ràng là Đức phải cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhưng dường như thủ tướng Olaf Scholz đã không tôn trọng cam kết đó. Và Trung Quốc đã thay đổi sâu sắc, nhưng thủ tướng Olaf Scholz vẫn duy trì quan hệ với Bắc Kinh như dưới thời người tiền nhiệm Merkel.

Tương tự Le Monde, Le Figaro lấy làm tiếc là thủ tướng Đức sang Trung Quốc không đúng thời điểm, không có tổng thống Pháp cùng đi, nhất là sau khi cuộc họp của Hội đồng bộ trưởng Pháp - Đức bị hủy vì các bất đồng đôi bên, cũng không có quan chức nào của Liên Âu trong phái đoàn, chỉ có phái đoàn thương nhân Đức tháp tùng. Vốn dĩ đã bị Liên Âu chỉ trích vì cứ "một mình một kiểu" trong quan hệ với Nga trong chiến tranh Ukraine, nay Olaf Scholz lại bị chỉ trích vì thái độ tương tự trong quan hệ với Trung Quốc.

Đường lối của Berlin có sự tương phản với đường lối của Châu Âu, vốn dĩ đã đề ra mục tiêu bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng và giảm sự lệ thuộc về chiến lược. Thái độ của Đức đã khiến các thành viên còn lại của Liên Âu khó chịu. Đối với Liên Hiệp, không thể trao tặng cho Tập Cận Bình cơ hội thấy các nước thành viên Liên Âu bị chia rẽ trong việc duy trì quan hệ với Trung Quốc.

Căng thẳng giữa "cặp đôi dầu thô" Mỹ - Saudi Arabia và trật tự thế giới mới

Khác với Le Monde Le Figaro, báo Libération hôm nay quan tâm đặc biệt, dành tựa trang nhất, bài xã luận và mục 'Sự kiện' cho dầu lửa và quan hệ giữa Mỹ - Saudi Arabia. Libération nhận định khi từ chối duy trì mức sản xuất dầu lửa, khiến giá dầu tăng, thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã khởi động một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa hai quốc gia vốn là đồng minh.

Nỗi giận của Washington bùng lên một ngày sau quyết định của các nước OPEP + (13 thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và 10 nước sản xuất khác) hôm 05/10 nhằm cắt giảm mạnh sản lượng. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa, đứng đầu là Saudi Arabia và 10 đối tác do Nga dẫn dắt, đã giảm sản xuất 2 triệu thùng dầu/ngày, mức giảm mạnh nhất trong 2 năm qua. Nhà Trắng giận dữ xem đó là hành động Saudi Arabia "hỗ trợ Nga về kinh tế, tinh thần và quân sự" trong bối cảnh chiến tranh Ukraine.

Trong khi các quan chức Mỹ cảnh báo rằng Saudi Arabia sẽ gánh "hậu quả" do chính sách "đáng thất vọng" và "thiển cận", các dân biểu đảng Dân chủ kêu gọi đình chỉ bán vũ khí cho Riyadh. Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng cho biết tổng thống Joe Biden dự định "xem xét lại quan hệ với Saudi Arabia vì nước này đứng về phía Nga chống lại lợi ích của Mỹ" và tổng thống Mỹ cũng "không có ý định gặp thái tử Saudi Arabia Mohamed bin Salman tại thượng đỉnh G20 sắp tới ở Indonesia".

Bộ trưởng quốc phòng Saudi Arabia Khaled bin Salman viết trên Twitter : "Chúng tôi sửng sốt trước những cáo buộc rằng Vương quốc chúng tôi sát cánh với Nga trong cuộc chiến chống Ukraine". Quan chức này lập luận quyết định của OPEP+ được đưa ra đơn thuần vì lý do kinh tế, lập luận được Các Tiểu vương quốc ả rập thống nhất và các nước sản xuất khác ở Vùng Vịnh ủng hộ. Để tự vệ trước cáo buộc thông đồng với Nga, Saudi Arabia đã thông báo viện trợ nhân đạo 400 triệu đô la cho Ukraine. Nhưng những điều đó không đủ làm Washington nguôi giận.

Giá dầu tăng vọt trong một năm đã mang lại hơn 1 tỷ đô la mỗi ngày cho Saudi Arabia, củng cố thêm mong muốn của thái tử Bin Salman về việc giải phóng mình khỏi đồng minh cũ là Mỹ, sau nhiều thập niên Saudi Arabia thuận theo ý muốn của Washington. Theo Libération, chỉ có rất ít nước trên thế giới không những không chịu thiệt hại mà còn hưởng lợi từ chiến tranh Ukraine : các nước sản xuất dầu lửa ở Vùng Vịnh trong năm qua đã đạt mức siêu lợi nhuận chưa từng có. Giờ đây, họ đang tìm cách khẳng định vị thế trên trường quốc tế, hướng tới lợi ích của chính họ thay vì chỉ ngả về một phía.

Libération nhận định thỏa thuận hôm 05/10 với Nga để giữ giá dầu tăng là hoàn toàn phù hợp với logic nói trên, nhưng trên hết là để thúc đẩy xích lại gần với Trung Quốc, khách hàng mua nhiều dầu nhất của Nga, Saudi Arabia và Iraq. Trung Quốc cũng là khách hàng lớn của tất cả các nước khác trong vùng. Libération trích dẫn Marco Carnelos, cựu đại sứ Ý tại một số nước Trung Đông cho biết : "Quyết định của OPEP+ dự báo một trật tự thế giới mới không phải do Hoa Kỳ chi phối".

Tuy nhiên, trước mối đe dọa từ Iran, Saudi Arabia vẫn rất cần sự bảo vệ quân sự của Mỹ. Thông tin tình báo theo đó Iran đang chuẩn bị tấn công Saudi Arabia và tuyên bố của một phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ "Chúng tôi sẽ không ngần ngại hành động để bảo vệ các lợi ích của chúng tôi và các lợi ích của các đối tác của chúng tôi trong vùng" dường như là một liều tiêm nhắc lại cho Saudi Arabia về các mối ưu tiên giữa hai đồng minh lịch sử.

Điểm tin văn hóa - xã hội Pháp

Về tình hình nước Pháp, ngoài hồ sơ chính trị trong nước, các báo, trừ Le Monde phát hành vào trưa qua, đều dành chỗ giới thiệu về nữ văn sĩ Pháp gốc Algeria, Brigitte Giraud, người vừa đoạt giải thưởng Văn học danh giá Goncourt của Pháp, với tiểu thuyết "Vivre vite" (Sống vội/Sống gấp), Nhà xuất bản Flamarion (2022). Trong tác phẩm, Brigitte Giraud chìm đắm vào những kỷ niệm về cái chết của chồng bà trong một vụ tai nạn xe máy cách nay 20 năm. 

Trong lĩnh vực xã hội, Le Figaro nói về "Sự vắng mặt của khách Trung Quốc làm suy yếu ngành du lịch Pháp". Từ gần 3 năm nay, không còn du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Pháp đi du lịch. Chính sách Zero Covid nghiêm ngặt của Bắc Kinh khiến Pháp mất 2,2 triệu khách Trung Quốc và thất thu 3,5 tỉ euro so với năm 2019. Đáng buồn là tình hình này có thể kéo dài đến cuối năm 2023.  

Vẫn về xã hội, báo kinh tế Les Echos cho biết năm thứ hai liên tiếp, Pháp đứng thứ 19 trong bảng xếp hạng thế giới về khả năng cạnh tranh và nhân tài, vươn lên 5 thứ hạng so với năm 2017. Khả năng tạo ra nhân tài ở Pháp đứng thứ 9 thế giới. Tuy nhiên, nước Pháp cũng khó thu hút các tài năng nước ngoài.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 216 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)