Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

09/06/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Donald Trump dọn cỗ cho Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Donald Trump dọn cỗ cho Trung Quốc làm bá chủ thế giới

"Ông Trump làm lợi cho Trung Quốc", đó là nhận định của cây bút Alain Frachon trên Le Monde (số ra ngày 09/06/2017). Theo tác giả, chủ trương cô lập của tổng thống Mỹ đã mở ra cả một đại lộ thênh thang cho Bắc Kinh.

donco1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, Florida ngày 06/04/2017. REUTERS/Carlos Barria/File Photo

Trung Quốc, trung thành với chủ nghĩa mao-ít cổ lỗ sĩ, tiếp tục cuộc trường chinh hướng đến địa vị thèm muốn : siêu cường số một thế giới. Tất cả đều thuận lợi. Hai cường quốc Mỹ, Nga đều có những bận rộn khác, để lại đại lộ rộng mở cho Trung Quốc. Với "Con đường tơ lụa mới", Tập Cận Bình tha hồ tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh trên thế giới.

Nước Nga của ông Vladimir Putin, bị ám ảnh bởi hào quang quá khứ, nhất định muốn tái lập "vùng ảnh hưởng" tại các nước lân cận. Còn Mỹ quốc của Donald Trump thì muốn rút lui trên trường quốc tế, với chủ trương cô lập của tân tổng thống. Có thể các nhà sử học sẽ ghi lại mùa xuân năm 2017 như thời kỳ vòi bạch tuộc Bắc Kinh bắt đầu vươn ra khắp thế giới.

Hồi giữa tháng Năm, Washington sững sờ trước xì-căng-đan mới : tổng thống Trump sa thải giám đốc FBI James Comey. Thủ đô nước Mỹ mỗi sáng thức dậy lại lo ngại tổng thống lại tung ra một tin Twitter mới, mà Alain Frachon ví von như những quả lựu đạn đã mở chốt trong một chính quyền hỗn loạn. Trong lúc đó, khoảng 30 lãnh đạo các nước đến Bắc Kinh, tham gia diễn đàn đầu tiên về "Con đường tơ lụa mới", còn được gọi là OBOR (One Belt, One Road – Một vành đai, một con đường).

Được khởi động năm 2013, đây là môt dự án chiến lược nhằm gia tăng ảnh hưởng chính trị. Trung Quốc ồ ạt đầu tư ra nước ngoài để xây dựng các sân bay, hải cảng, đường xe lửa và xa lộ. Toàn bộ mạng lưới cơ sở hạ tầng này nhằm nối liền Trung Quốc với Châu Âu, đi xuyên qua Trung Á, Châu Phi và các nước láng giềng Đông Nam Á. Dự kiến huy động 1.000 tỉ đô la, đây là một loại "kế hoạch Marshall theo kiểu Tàu". Tác giả Gideon Rachman trên Financial Times viết : "Cho dù nếu chỉ thực hiện được phân nửa tổng số dự án, OBOR đặt cả một vùng rộng lớn về địa lý và địa chiến lược vào quỹ đạo của Bắc Kinh".

Diễn đàn tại Bắc Kinh tổ chức cùng thời điểm với hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bruxelles. Trong dịp đầu tiên gặp gỡ các đồng minh Châu Âu, tổng thống Mỹ từ chối nhắc lại nguyên tắc tương trợ giữa các thành viên, gây gổ với bạn bè Châu Âu. Vài ngày sau đó, ông Donald Trump loan báo Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định khí hậu Paris.

Theo Le Monde, cũng như người ta tưới nước cho sân tennis trước trận đấu, ông Trump đã dọn đường giùm cho người Trung Quốc. Ngay sau khi bước chân vào Nhà Trắng, Donald Trump đã hủy bỏ việc tham gia Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), do người tiền nhiệm đã dày công thương thảo với 11 quốc gia đối tác.

Lợi dụng món quà từ trên trời rơi xuống này, Trung Quốc tái thúc đẩy dự án tự do mậu dịch của mình để cạnh tranh, bỏ qua mọi quy chuẩn về xã hội và sinh thái. Các đồng minh của Mỹ tại Thái Bình Dương chứng kiến Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông mà không bị chống đối. Dự thảo ngân sách của chính quyền Trump cắt giảm 30% ngân sách Bộ Ngoại giao, 30% viện trợ nước ngoài, và không một đồng xu nào cho quỹ bảo vệ môi trường. Vào thời điểm "kế hoạch Marshall Trung Quốc", người ta phải đặt dấu hỏi về sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.

"Rõ ràng là ông Trump đang mở toang cánh cửa cho ảnh hưởng của Trung Quốc" - Richard Haass, chủ tịch Council on Foreign Relation ở New York nhận định. Đó chính là tham vọng che giấu phía sau "Con đường tơ lụa mới" của Bắc Kinh. Về kinh tế, Trung Quốc tìm được các thị trường mới cho thép và xi-măng sản xuất thừa. Về mặt chiến lược, "Con đường tơ lụa mới" giúp các tuyến đường nhập khẩu nguyên vật liệu vào Trung Quốc được an ninh.

Đó còn là lợi ích chính trị : Trung Quốc trải rộng được ảnh hưởng một cách chưa từng thấy từ nhiều thế kỷ qua. Bắc Kinh muốn cạnh tranh và rồi loại trừ sự lãnh đạo của Mỹ tại Châu Á. Liệu mùa xuân 2017 cũng là lúc khởi đầu cho "thế kỷ của Trung Quốc" ?

Cựu giám đốc FBI không ngần ngại tố Trump dối trá

Sự kiện cựu giám đốc FBI James Comey bị Donald Trump sa thải, ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng Viện Hoa Kỳ hôm 08/06, được tất cả các báo Pháp dành nhiều trang để tường thuật. Le Monde cho rằng "Cựu giám đốc FBI thách thức Trump", Le Figaro chú ý đến việc "Comey công khai tố cáo ông Trump dối trá". Les Echos nhận xét ông Comey "khiến Trump bối rối, nhưng không đưa ra nhận định cụ thể về hậu quả pháp lý". Còn Libération nhận định "Comey chống lại Trump, lột trần sự việc".

Tờ báo mô tả, những camera của báo chí toàn thế giới chĩa vào điện Capitol, một số bar ở Washington DC mở cửa sớm hơn thường lệ, với thực đơn đặc biệt và màn hình lớn. Từ hôm trước, các kênh truyền hình CNNFox News đã cho đếm ngược thời gian chờ đợi. Trong phòng họp H2016 của Thượng Viện, trước 15 thượng nghị sĩ và một rừng nhà báo, cựu giám đốc FBI với khuôn mặt nghiêm nghị, mắt nhìn thẳng, đã đáp ứng sự chờ đợi của mọi người.

Trước một loạt câu hỏi dồn dập, James Comey không ngần ngại lột tả câu chuyện. Luôn tỏ ra điềm đạm, ông tấn công thẳng vào Donald Trump, cáo buộc tổng thống Mỹ "dối trá". Kể lại chi tiết những cuộc gặp và điện thoại với tổng thống Trump, Comey cho biết ông buộc lòng phải ghi chép lại nội dung vì sợ rằng ông Trump sẽ nói dối. Trả lời câu hỏi của một thượng nghị sĩ : "Vì sao chúng tôi phải tin ông ?", cựu giám đốc FBI khẳng định : "Ông có thể tin toàn bộ lời chứng của tôi. Tôi cố gắng trung thực và cụ thể tối đa".

Theo Bruce Ackerman, giáo sư luật đại học Yale, thì "Một số tin Twitter của tổng thống, các tuyên bố của ông Trump về lý do cách chức giám đốc FBI và lời chứng của ông Comey phù hợp với nhau, chứng tỏ Donald Trump đã ngăn trở tư pháp". Nhưng Michael O’Hanlon, chuyên gia về quốc phòng và tình báo của Viện Brookings cho rằng các bằng chứng vẫn chưa đầy đủ. "Những lời nói của ông Donald Trump trong những cuộc đối thoại được ông James Comey kể lại vẫn còn chung chung. Chúng làm xấu đi hình ảnh của tổng thống, gây chấn động truyền thông, nhưng chưa thể trở thành cơ sở thực tế cho việc truất phế".

Philippines : Quân thánh chiến sát hại người Công giáo ở Malawi

Về Châu Á, thông tín viên của La Croix ở Malawi cho biết "Tại Philippines, xung đột kéo dài, người Công giáo phải chạy trốn". Thành phố lớn nhất khu vực Hồi giáo tự trị ở miền nam Philippines từ hai tuần qua bị nhóm thánh chiến Maute trung thành với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daesh, IS) gieo rắc kinh hoàng. Trên 100.000 thường dân đã phải đi lánh nạn.

Một y tá của bệnh viện Amai-Pakpak ở Marawi, nơi diễn ra cuộc tấn công đầu tiên của nhóm Maute hôm 23/5 kể lại, hôm đó anh chỉ kịp trốn vào cư xá bệnh viện. "Các cửa kính của cư xá màu sẫm nên khó thấy. Tôi nghe quân thánh chiến ra lệnh cho các hộ lý đang khiêng băng-ca phải đọc bài kinh Hồi giáo Chahada". Bọn chúng giết chết hai nhân viên y tế, bung ra những lá cờ đen rồi đi sang khu cấp cứu. Anh phải lẻn trốn đi cùng các đồng nghiệp.

Một người bán hàng nêu ra nhiều vụ sát hại người Công giáo gần đây, mà báo chí Philippines không nói đến, trong khi chính mắt anh trông thấy. Thứ Bảy 03/06, 120 người dân Marawi đã chạy thoát được khỏi thành phố, trong đó có những người Công giáo được hàng xóm cho ẩn náu. Nhóm này đã qua mặt được các tay súng Maute, bằng cách từng người hô lên "Allahu Akbar" mỗi lần đi ngang một trạm kiểm soát. Một nhân chứng khác nhận xét : "Nhiều quân thánh chiến chỉ mới khoảng 20 tuổi thậm chí trẻ hơn, nên dễ bị tẩy não. Họ là những thanh niên ít học".

Iraq : Dân Mosul bị kẹt lại với IS phải ăn giấy và cỏ dại

Tại khu vực chiến sự ở Trung Đông, phóng sự của hai đặc phái viên Le Figaro tại Iraq mô tả "Mosul, địa ngục Daesh". Hai trăm ngàn thường dân, mà phân nửa là trẻ em, đã bị kẹt lại ở Tây Mosul. Thiếu thốn thực phẩm, thuốc men, người dân phải ăn thịt mèo, thùng carton nhúng nước và cỏ dại.

Những người nghèo không có khả năng mua thực phẩm tích trữ đang bị nạn đói đe dọa, nơi chữa bệnh cũng không có : bệnh viện cuối cùng đã bị IS chiếm. Trả lời qua điện thoại, một người dân mô tả tình cảnh địa ngục ở đây : "Chúng tôi sắp chết đói. Người dân đành phải làm thịt mèo, nhúng nước các thùng carton cho mềm ra để ăn, và ăn cả cỏ. Trẻ em chỉ còn da bọc xương. Nước thì lờ lợ không uống được. Tại khu phố Bab Lakash của tôi, ngay ngõ vào khu phố cổ, lại còn tệ hại hơn cả. Cứ như là Ngày phán xét cuối cùng. Người ta đi lang thang tìm thức ăn mà chẳng biết về đâu".

Theo nhân chứng này, "các xác chết vô thừa nhận nằm rải rác trên đường phố gần tuyến đầu". "Nếu tìm cách bỏ trốn, coi như tự mang bản án tử vào mình. Bọn chúng bắn cả phụ nữ và trẻ em".

Các giám mục Venezuela : Không nên áp đặt chế độ mác-xít

Nhìn sang Châu Mỹ, thông tín viên La Croix tại Roma cho biết hôm qua các giám mục đến từ Venezuela khi được Giáo hoàng Francis tiếp kiến đã báo động về tình hình "hết sức trầm trọng" của đất nước mình.

Các hồng y và giám mục Venezuela đã trao cho Đức giáo hoàng danh sách 70 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình gần đây. Trước đó hồng y Jorge Urosa Savino, tổng giám mục Caracas đã hứa hẹn sẽ trình bày cho giáo hoàng với "một cái nhìn trực tiếp, trần trụi và thực tế về tình hình".

Trước cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra trên toàn quốc, hồng y Urosa Savino nhận định giải pháp là "chính phủ phải giải quyết các vấn đề đã gây ra, và không nên khăng khăng tiếp tục áp đặt chế độ xã hội chủ nghĩa, cộng sản, mác-xít, độc tài quân sự".

Kỹ thuật mới của Pháp để cứu sống người bị ngưng tim

Trên lãnh vực y tế, trang khoa học của Le Figaro ca ngợi "Sáng chế ngoạn mục của cơ quan Samu (y tế cấp cứu Paris) để cứu sống các trường hợp bị ngưng tim". Các nhân viên cấp cứu sử dụng kỹ thuật cho máu lưu thông không qua trái tim mà qua một bộ máy vừa bơm máu lên não vừa lọc oxy ngay tại hiện trường, cứu sống được rất nhiều người.

Nếu đã sử dụng máy kích tim và chích adrénaline mà sau 30 phút tim của nạn nhân vẫn chưa đập lại, đội cấp cứu sẽ dùng đến ECMO (Extracorporelle Membrane Oxygenation). Cách đây vài năm, không thể tưởng tượng được là có thể sử dụng kỹ thuật tinh vi này trên đường phố, lâu nay vẫn dùng trong phòng mổ để duy trì oxy bộ óc trong lúc phẫu thuật. Bệnh nhân cũng được khử trùng, và nhân viên cấp cứu cũng mặc trang phục như trong phòng giải phẫu.

Bác sĩ Lionel Lamhaut nhấn mạnh, nếu không dùng ECMO, tất cả các bệnh nhân hầu như sẽ tử vong. Sáng chế độc đáo này gây ảnh hưởng lớn trên thế giới, Paris đã huấn luyện cho các ê-kíp cấp cứu của Lyon, Perpignan, Madrid và sắp tới sẽ là Bruxelles, Vienna, Luân Đôn và Melbourne. Tuy nhiên điều quan trọng là đào tạo kỹ thuật cấp cứu cho công chúng, vì nếu nạn nhân không được xoa nắn ngực trước thì đội ngũ cấp cứu đến sau dù có máy móc hiện đại cũng bó tay.

Bầu cử Quốc hội, tình trạng khẩn cấp : Tựa chính báo Pháp

Tựa chính của các báo Paris hôm nay đều tập trung cho thời sự nước Pháp. Les Echos dự báo về cuộc bầu cử "Big bang tại Quốc Hội" : đảng Cộng Hòa Tiến Bước có thể giành được đến 400 ghế, và tổng thống Macron sẽ rảnh tay để cải cách.

La Croix đăng ảnh những hàng ghế trống trong Quốc hội và đặt câu hỏi : "Đa số nào cho Macron ?". Vòng một diễn ra vào Chủ nhật tới sẽ cho ra lời đáp. Theo tờ báo, sự rạn nứt của các phe đối lập không phải là một tin vui. Một nền dân chủ muốn hoạt động tốt cần có được lực lượng đủ khả năng phản biện trước đa số cầm quyền.

Le Mondechạy tựa "Khủng bố : Chính phủ muốn thiết lập tình trạng khẩn cấp thường trực". Dự thảo luật tăng cường chống khủng bố và an ninh nội địa sẽ làm những biện pháp tạm thời được áp dụng sau các vụ khủng bố năm 2015 trở thành quy định chính thức. Được trình lên Hội đồng Quốc phòng hôm 7/6, văn bản này khẳng định quyền lực của cảnh sát vượt lên các thẩm phán. Việc chỉ đạo ngành tình báo được tập trung vào một cơ quan trực tiếp dưới quyền điện Elysée.

Với ảnh bìa màu đỏ, Libération "Phản đối tình trạng khẩn cấp thường xuyên". Tờ báo trách cứ tân tổng thống Pháp khi tìm cách biến các biện pháp an ninh khẩn cấp thành luật lệ chung, Emmanuel Macron đã quay lưng lại với các cam kết của mình, làm ảnh hưởng đến các quyền tự do cá nhân.

Le Figaroquan tâm đến lãnh vực giáo dục, chạy tựa "Macron chỉnh sửa lại các bản copy của Hollande". Tân Bộ trưởng giáo dục muốn bãi bỏ các chính sách của chính phủ tiền nhiệm như cấm lưu ban, tuần học 4 ngày, bỏ các lớp song ngữ, cổ ngữ…để trở lại như bình thường, một chủ trương được tờ báo cánh hữu hoan nghênh.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 759 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)