Hôm 08/06/2017, cử tri Anh Quốc bầu Quốc Hội trước kỳ hạn. Kết quả thăm dò cho thấy Đảng Bảo Thủ và Công Đảng bám nhau sát nút. Chưa bao giờ, Liên Hiệp Châu Âu lại lo lắng cho kỳ bầu cử Quốc Hội tại Anh Quốc như lúc này, do nguy cơ đàm phán Brexit bị phá vỡ.
Cử tri Anh Quốc đi bỏ phiếu tại Congleton, Luân Đôn, ngày 08/06/2017. REUTERS/Paul Childs
Vào lúc nhiều người đang đặt cược vào thắng lợi của Theresa May, các kết quả thăm dò trước kỳ bỏ phiếu cho thấy Đảng Bảo Thủ cánh hữu đang bị Công Đảng cánh tả bám sát nút. Nguy cơ thắng cử không có đa số tuyệt đối, bất kể là đảng nào, càng khiến cho Châu Âu thêm lo lắng.
Liên Hiệp Châu Âu hy vọng bắt đầu đàm phán Brexit vào ngày 19/6, tức chỉ 10 ngày sau cuộc bầu cử và Bruxelles mong muốn sau cuộc bỏ phiếu hôm nay, nước Anh sẽ có một lãnh đạo "nặng ký", với một "nhiệm kỳ vững chắc" để tiến hành 2 năm đàm phán, được dự báo là sẽ rất căng thẳng.
Vấn đề đặt ra là Châu Âu không thể tiên đoán được chiến lược của Anh Quốc chừng nào Luân Đôn vẫn chưa ngồi vào bàn đàm phán. Do đó, mọi cặp mắt giờ đều đổ dồn vào cuộc bầu cử ngày hôm nay.
Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng theo phân tích của giới chuyên gia, được AFP trích dẫn, nếu có được đa số tuyệt đối, thủ tướng mãn nhiệm, bà Theresa May, sẽ chịu ít áp lực và không phải có những "nhượng bộ" đối với phe bài Châu Âu ngay trong chính Đảng Bảo Thủ của bà. Trong trường hợp này bà Theresa May có thể dễ dàng thương lượng một số hồ sơ gai góc như khoản tiền Anh Quốc nợ Liên Hiệp Châu Âu (theo ước tính là từ 50-100 tỷ euro) và các quyền dành cho những công dân của Liên Hiệp Châu Âu đang sinh sống tại Anh.
Còn nếu như ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo đối lập thắng cử, tình thế còn trở nên bất định hơn. Vì như vậy, "mọi thứ lại phải làm lại từ đầu", tuy rằng lãnh đạo phe tả vẫn luôn khẳng định tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu dân ý.
Ông Michel Banier, trưởng đoàn đàm phán của Ủy Ban Châu Âu đã cảnh báo trước Luân Đôn có nguy cơ đi về tay trắng. Nghĩa là : Không đạt được thỏa thuận nào, đặc biệt là thỏa thuận trao đổi tự do mậu dịch song phương, thời hậu Brexit. Nếu vậy, Liên Hiệp Châu Âu phải dự trù một kế hoạch B.
Trong tình hình hiện nay, Bruxelles chỉ còn biết "chờ xem" và kêu gọi các thành viên "đoàn kết", đồng thời nhắc đi nhắc lại điệp khúc là các cuộc thương lượng về Brexit sẽ không làm xóa nhòa thiện chí tái thiết một Liên Âu vững mạnh, sau nhiều năm khủng hoảng và sự trỗi dậy của phe bài Châu Âu.
Minh Anh