Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/01/2023

Điểm báo Pháp - Ukraine chuẩn bị phản công

RFI tiếng Việt

Ukraine chuẩn bị những phương án phản công để giành chiến thắng

Ukraine cũng như Nga đều đang chuẩn bị một giai đoạn mới để tránh chiếc bẫy một cuộc chiến tranh hao mòn. Có nhiều chọn lựa cho một chiến tuyến dài đến 900 kilomet. Chiến dịch sắp tới sẽ tập trung vào Bakhmut, Crimea, Mariupol, Zaporijia hay thành phố nào khác ? Kiev chỉ còn vài tuần lễ nữa, trước khi quân Nga củng cố được lực lượng.

phancong1

Các quân nhân Ukraine quan sát một drone đang nhận dữ liệu từ một trung tâm chỉ huy ở Bakhmut, vùng Donetsk, ngày 25/12/2022. AP - Libkos

Hàng trăm lính Nga thiệt mạng vì Himars : Cuộc tấn công gây rúng động

Những thách thức đối với Pháp và thế giới trong năm mới, tình hình chiến sự Ukraine và đại dịch Covid tại Trung Quốc tiếp tục là những chủ đề được báo chí Pháp khai thác. Việc Moskva hôm qua nhìn nhận có 63 lính Nga thiệt mạng trong vụ tấn công vào thành phố Makiivka ở miền đông Ukraine là sự kiện được tất cả các nhật báo lớn chú ý hôm nay.

Kiev ban đầu không lên tiếng, nhưng đến cuối ngày quân đội Ukraine xác nhận đã tiến hành vụ oanh kích, cho biết có đến 400 lính Nga tử thương. Theo nhiều nhà quan sát từ cả hai phía, được Slate dẫn ra, tòa nhà vốn là một trường dạy nghề bị quân Nga chiếm đóng đã hoàn toàn bị hỏa tiễn Himars tiêu hủy. Les Echos dẫn lời blogger quân sự Nga Rybar (1 triệu người theo dõi trên Instagram) cho biết có 600 lính Nga hiện diện vào lúc tòa nhà bị biến thành gạch vụn. Dù sao đây cũng là lần đầu tiên Moskva công nhận số lính tử thương lớn như vậy chỉ trong một vụ tấn công.

Một nguồn ẩn danh từ chính quyền ly khai Donetsk nói với hãng Tass, đó là do nhiều tân binh mới đến sử dụng điện thoại di động nên quân đội Ukraine định vị được. Chuyên gia Vincent Tourret nói với Libération, giả thiết này khả tín vì quân đội Nga luôn chậm chạp so với việc sử dụng kỹ thuật số đa dạng của lính trẻ. Nhà nghiên cứu Yohann Michel nhận xét, những người mới bị động viên đôi khi kém ý thức về những rủi ro, và ngỡ rằng ở hậu cứ là được an toàn. Ông cũng cho rằng việc Ukraine gần đây liên tục tấn công tầm xa một cách chính xác cho thấy bộ chỉ huy và cơ quan tình báo của Kiev làm việc rất tốt.

Ukraine : Nhiều kịch bản và ẩn số cho việc phản công

Le Figaro đưa ra "Các phương án phản công của Ukraine". Những vụ Nga dùng drone đánh vào mục tiêu dân sự Ukraine gieo chết chóc đau thương, nhưng không làm thay đổi chiều hướng cuộc chiến. Một đợt hỏa tiễn mới lại ồ ạt ập đến từ hôm thứ Hai 02/01, nhưng quyết tâm kháng chiến của Ukraine không suy suyển.

Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định "Nga đang thua. Drone, hỏa tiễn và tất cả những thứ khác không giúp được gì cho họ, vì chúng tôi đồng tâm hợp lực". Tuy nhiên theo Le Figaro, Ukraine cũng như Nga đều đang chuẩn bị một giai đoạn mới để tránh chiếc bẫy một cuộc chiến tranh hao mòn. Bộ trưởng Quân lực Pháp Sébastien Lecornu sau cuộc hội đàm với tổng thống Zelensky nhận xét : "Rõ ràng Ukraine đang chuẩn bị một điều gì đó". Họ chờ đợi thời tiết thuận lợi hơn, và nhịp độ giao tranh đang chậm lại giúp tái lập các kho dự trữ.

Có nhiều chọn lựa cho một chiến tuyến dài đến 900 kilomet, và những ẩn số cũng rất nhiều. Ở phía bắc, giả thiết Belarus can thiệp khiến không thể rút bớt lực lượng. Tại miền nam, quân Nga dày đặc để bảo vệ Crimea. Miền đông, các trận đánh tập trung xung quanh Avdiivka thuộc thành phố Donetsk và nhất là ở Bakhmut, nơi số lính tử trận là khủng khiếp. Chính quyền Ukraine nói với quân đội Pháp là Nga mất đến 5.000 lính một ngày, Paris thận trọng hơn trong ước tính, nhưng cái giá nhân mạng cho trận Bakhmut là khổng lồ so với lợi ích chiến lược.

Theo bộ trưởng Lecornu, vấn đề trước hết là nội bộ Nga, phía lính đánh thuê Wagner muốn chứng tỏ là có thể thắng ở nơi mà quân đội chính quy bị thua. Giành được Bakhmut, Nga có thể mở đường về miền trung, ngáng chân các cuộc phản công của Ukraine. Tái chiếm Donbass cũng quan trọng cho Kiev. Buộc quân Nga phải trả giá thật đắt, Ukraine hy vọng các gia đình Nga sẽ nhận ra sự ác liệt của cuộc chiến, hoài nghi những luận điệu của Vladimir Putin.

Chạy đua với thời gian để tránh một cuộc chiến tranh tiêu hao

Để chiến thắng, quân đội Ukraine không thể mãi ở thế thủ. Trong danh sách những mục tiêu tiềm năng, các ban tham mưu phương Tây lưu ý đến khu vực Zaporijia. Tái chiếm được nhà máy điện nguyên tử sẽ là "game changer" về địa lý và năng lượng. Nhưng làm thế nào giao tranh mà không ảnh hưởng đến nhà máy ? Từ nhiều tuần qua phương Tây đã thương lượng với Nga và Ukraine để xác định một khu vực bảo vệ, thuyết phục bên này không bố trí thiết bị quân sự trong chu vi nhà máy, và bên kia không oanh kích.

Còn Crimea ? Mariupol ? Chiếm lại thành phố tử đạo sẽ là biểu tượng cho chiến thắng, cô lập được bán đảo. Một giả thiết khác là Ukraine tìm cách tấn công sâu vào Crimea hay đất Nga, như đã từng oanh kích căn cứ Engels. Tướng Pháp Clermont nhấn mạnh : "Để chiến thắng, Ukraine phải đánh vào lãnh thổ Nga. Nhưng Kiev không làm, và như vậy không thể thắng được".

Mọi phương án đều vấp phải vấn đề vũ khí và đạn dược. Ukraine chỉ nhận được nhỏ giọt nên khó tổ chức tấn công. Phía Nga nhịp độ pháo kích cũng chậm lại. Tướng Pellistrandi, tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng cho rằng Nga muốn câu giờ nhằm sản xuất thêm vũ khí, huy động thêm tân binh để giành lại ưu thế về tương quan lực lượng. Vladimir Putin không hề từ bỏ tham vọng, kể cả việc diễu hành trên đường phố Kiev. Tất cả những kịch bản của Ukraine đều phải tính đến cuộc chạy đua với thời gian, trước khi quân Nga lại ồ ạt tiến đánh. Họ chỉ còn vài tuần lễ nữa.

Chiến sự vẫn ác liệt ở Bakhmut, bị tàn phá 80%

Trên thực địa, Les Echos mô tả "Tại Bakhmut, dấu vết những trận đánh lì lợm của Nga". Từ sáu tháng qua, quân Nga và lính đánh thuê Wagner cố chiếm thành phố nhỏ bé này bằng mọi giá. Những người dân còn ở lại sống tạm bợ qua ngày trong những đống đổ nát, 80% thành phố đã bị phá hủy.

Các chuyên gia và những người lính phải đặt dấu hỏi vì sao quân Nga lại cố sống cố chết tấn công như thế, vì thành phố không mấy quan trọng về mặt chiến lược. Leonid, người phụ trách drone của tiểu đoàn Skala kể lại : "Mỗi ngày, những nhóm 15 đến 20 lính cố gắng chiếm vị trí của chúng tôi và sau đó oanh kích". Lực lượng đôi bên gần nhau đến nỗi khó thể xác định những quả moọc-chê rơi xuống là của phía Ukraine hay Nga.

Trên những đường phố không người, chỉ có tiếng đạn pháo ầm vang từng phút một trên những tòa nhà đổ nát, những cửa hàng kiếng đã bị bể. Người dân sống trong những căn hầm, không điện nước, họ sưởi ấm và nấu ăn bằng củi. Một lính cứu hỏa cho biết mỗi ngày đều đi tuần để tránh cho thành phố không bị thiêu hủy hoàn toàn. Cả đơn vị đều là dân Bakhmut ; họ quyết định ở lại bất chấp nguy hiểm : đã có 11 lính cứu hỏa thiệt mạng tại Donetsk.

Chống dịch kiểu quân phiệt, thất bại càng cay đắng cho Bắc Kinh

Nhìn sang Châu Á, bài xã luận của La Croix nhấn mạnh đến "Thất bại của Bắc Kinh". Bệnh nhân Covid tràn ngập các bệnh viện, theo một số nguồn thì có thể lên đến hàng trăm triệu người. Có những thành phố hoàn toàn tê liệt.

Các nhà dịch tễ học lo sợ sẽ nảy sinh ra những biến thể, đến một lúc nào đó vượt ra ngoài biên giới. Chưa kể đến nguy cơ lây lan về kinh tế : hàng ngàn nhà máy sản xuất chậm lại, và sự hụt hơi của Trung Quốc đe dọa tăng trưởng của thế giới. Như vậy theo tờ báo không ai có thể vui mừng về việc Bắc Kinh lao đao trước đại dịch. Tuy nhiên cần phải rút ra bài học về giới hạn cho quyền lực tuyệt đối của ông Tập Cận Bình.

Không một chế độ nào có thể khoe rằng đã hành động một cách hoàn hảo trước đại dịch. Nhưng trong trường hợp Trung Quốc, thất bại càng thê thảm vì Bắc Kinh đã dùng đến những biện pháp hết sức cực đoan. Chiến lược zero Covid trước hết là zero tự do, trộn lẫn với đàn áp, giám sát khắt khe và bóp méo thông tin. Buộc cách ly người bị nhiễm, thậm chí nhốt kín họ trong những căn nhà bị khóa cửa hay cổng vào bị hàn kín, chỉ làm chậm lại việc lây lan của con virus. Ba năm sau khi virus xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc không làm ra được một loại vac-xin nào hiệu quả. Tất cả đi ngược lại với tuyên truyền của một chế độ xưa nay vẫn nói rằng các nước dân chủ không có khả năng đáp trả hiệu quả thách thức Covid.

Trung Quốc thúc thủ trước Omicron, kinh tế lao dốc

Về mặt kinh tế, La Croix tỏ ra lo ngại, chạy tựa trang nhất "Kinh tế Trung Quốc gặp trắc trở" và dành hai trang trong cho tình trạng Bắc Kinh "đầu hàng trước biến thể Omicron".

Vào đầu năm 2023, nền kinh tế thứ nhì thế giới có nguy cơ khựng lại. Từ khi chính quyền đột ngột từ bỏ chính sách zero Covid, dịch bệnh bùng lên nhanh chóng. Bắc Kinh là nạn nhân của chính sách tiêm chủng do chính mình đề ra : chỉ ưu tiên cho người trong độ tuổi lao động, không chịu nhập vac-xin ARN thông tin của phương Tây. Một nghiên cứu của đại học Harvard ước tính đợt dịch mới có thể làm 1,5 triệu người chết tại Hoa lục. Còn theo công ty phân tích y tế Airfinity của Anh, số tử vong thậm chí đến 2,1 triệu ; hiện nay tại Hoa lục mỗi ngày có đến 9.000 người chết vì Covid !

Nhiều công ty hoạt động rời rạc vì thiếu nhân viên, các tiệm buôn, nhà hàng vắng khách. Một chủ doanh nghiệp Pháp cho biết 12 ngày sau khi dỡ bỏ chính sách xét nghiệm mọi lúc mọi nơi, nhà máy của ông ở Hoa lục thiếu mất 20% công nhân. Tổng cục Thống kê vốn thường công bố những con số đẹp đẽ, nay nhìn nhận sản xuất và tiêu thụ đều sụt giảm do đại dịch, gây tác động khá lớn. Chắc chắn Trung Quốc không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho năm 2022. Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ có thể là 2,7% trong năm 2022 và 4,3% năm 2023, "sự quay lại với quỹ đạo tăng trưởng liên tục sẽ lâu hơn dự kiến".

"Đừng nghe những gì Bắc Kinh nói…"

Về mặt chính trị, chuyên gia François Godement của Viện Montaigne nhận thấy "Nhng li hoa m bt hung hăng hơn ca Trung Quc không được phn ánh trong hành động". Trong ngắn hạn, kinh tế chậm lại không tác động đến ảnh hưởng thực sự của Trung Quốc. Tuy xuất khẩu không còn tăng, nhưng thặng dư thương mại vẫn rất lớn và luồng đầu tư nước ngoài vẫn còn quan trọng. Cùng với Nga và Saudi Arabia, Trung Quốc có cán cân thanh toán thặng dư, và trọng lượng tài chánh không giảm sút. Ngược lại, dân số giảm sẽ có tác động lâu dài lên sức mạnh kinh tế.

Trong lãnh vực đối ngoại, những năm dài hung hăng với ngoại giao "chiến lang" và tăng cường quân sự hóa đã gây ra cú sốc không chỉ ở Hoa Kỳ. Nhật Bản tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng, Đài Loan kéo dài thời gian quân dịch, kỹ nghệ vũ khí Hàn Quốc gia tăng kể cả xuất khẩu. Hoa Kỳ tạo ra tại Ấn Độ-Thái Bình Dương một liên minh quân sự với Úc và Anh. Châu Âu cứng rắn hơn về thương mại, củng cố các chính sách chống lại sự lũng đoạn của Bắc Kinh. Trước sự phản công này, Trung Quốc điều chỉnh mặt ngoài bằng cách tỏ ra bớt hiếu chiến hơn, mà việc bổ nhiệm Tần Cương (Qin Gang), cựu đại sứ ở Washington làm ngoại trưởng là một ví dụ.

Nhưng thực ra trong hành động thì không hề thay đổi. Bắc Kinh tiếp tục tăng cường vũ trang trên mọi mặt. Những tuần qua Trung Quốc đã tập trận hải quân chung với Nga trên Biển Hoa Đông, gia tăng áp lực quân sự lên Đài Loan, xâm nhập quần đảo Senkaku tranh chấp với Nhật, chưa kể xung đột trở lại với Ấn Độ ở Himalaya. Bắc Kinh tiếp tục bảo vệ lợi ích kinh tế, các yêu sách lãnh thổ và tìm cách thiết lập trật tự quốc tế có lợi cho mình. Tập Cận Bình luôn ủ mưu vượt qua mặt Hoa Kỳ. Trong khi theo như những gì Bắc Kinh vẫn nói, thì Trung Quốc không phải là một Nhà nước bá quyền như Mỹ, phương Tây !

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 255 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)