Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/01/2023

Điểm báo Pháp - Ukraine giáng những đòn nặng vào Nga

RFI tiếng Việt

Chạy đua với thời gian, Ukraine giáng những đòn nặng vào Nga

Ukraine gần đây mạnh dạn tiến hành những vụ oanh kích tầm xa gây thiệt hại nặng cho Nga. Phương Tây lo ngại những vụ oanh kích đó sẽ khiến Putin leo thang, nhưng các nhà chiến lược ở Kiev tính toán ngược lại : làm bộc lộ những yếu kém của Nga sẽ khuyến khích đồng minh chuyển giao thêm vũ khí để có thể giành chiến thắng.

uk1

Công nhân dọn dẹp đống đổ nát sau cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine vào Makiivka, vùng Donetsk, làm hàng trăm lính Nga thiệt mạng. Ảnh chụp ngày 03/01/2022. AP

Bắt đầu giáng những đòn mạnh vào Moskva

Le Figaro dành ba trang báo nói về "Chiến lược của Ukraine để mở rộng oanh kích sang Nga". Theo một viên chức Pháp, tổng thống Volodymyr Zelensky mỗi lần trao đổi với các đồng nhiệm phương Tây, sau khi nói về những vũ khí mà Ukraine đang cần, đều không quên đề cập đến "kế hoạch hòa bình" gồm 10 điểm của mình, và tỏ vẻ thất vọng khi không được lắng nghe. Để gây tiếng vang, quân đội Ukraine trước hết muốn chứng tỏ họ có thể khiến Nga phải chịu thiệt hại nặng nề.

Lực lượng Zelensky tấn công căn cứ không quân Engels tại Nga, nơi xuất phát những oanh tạc cơ chiến lược và mới đây đã làm hàng trăm lính Nga thiệt mạng khi bắn hỏa tiễn vào Makiivka, ngoại ô Donetsk, gây tác động lớn về tâm lý. Quân đội Ukraine đang tăng tốc để khi kết thúc đợt oanh tạc tầm xa có thể sẵn sàng giao tranh trở lại. Trong khi chờ đợi, họ tiến hành những cuộc tấn công nho nhỏ để chiếm những cao điểm, những giao lộ quan trọng để có thể triển khai quân khi thuận lợi. Tổng thống Ukraine tối thứ Ba tuyên bố : "Chúng tôi chắc chắn rằng chủ nhân điện Kremlin sẽ tung ra tất cả những gì còn lại để cố thay đổi tình thế hoặc ít nhất là làm chậm lại thất bại. Chúng ta phải ngăn cản việc này, bọn khủng bố phải thua cuộc".

Theo tướng về hưu Olivier Kempf, chuyên gia địa chính trị, thì cả Ukraine lẫn Nga đều không thể dừng lại. Tuy đều mong Kiev chiến thắng, cả Mỹ lẫn Châu Âu đều thận trọng không muốn bị cuốn vào cuộc chiến. Về hỗ trợ tài chánh, các nhà lãnh đạo đều cố gắng duy trì sự ủng hộ của công luận, và để tránh nguy cơ leo thang, họ kín đáo nêu ra vài lằn ranh đỏ cho Ukraine. Hoa Kỳ từ chối giao đạn Atacms giúp đánh vào sâu nhiều trăm cây số, và cấm tấn công mục tiêu dân sự Nga. Trên chiến trường, vẫn còn những vùng xám. Trong vụ oanh kích căn cứ Engels, Ukraine đã ý tứ không sử dụng vũ khí phương Tây, mà dùng những phiên bản drone Nga đã chỉnh sửa. Những trận giao chiến xung quanh nhà máy điện nguyên tử Zaporijia cũng gây lo ngại, và vấn đề Crimea vẫn cấm kỵ.

Kiev đã có kế hoạch tái sát nhập Crimea

Le Figaro cho biết "Kiev đã chuẩn bị việc tái sát nhập Crimea". Một tài liệu 35 trang bằng tiếng Anh đã được soạn sẵn trong khuôn khổ "Nền tảng cho Crimea", sáng kiến của tổng thống Volodymyr Zelensky từ trước chiến tranh, nhằm tập hợp các nhân tố chính trị và kinh tế về bán đảo bị Moskva chiếm đoạt từ 2014.

Một thành viên tổ chức này lưu ý : "Minsk 1, Minsk 2 và Công thức Normandie nêu ra Donetsk và Luhansk, nhưng hiếm khi nhắc đến Crimea. Sự khai sinh Nền tảng cho Crimea năm 2021 là để lấp vào khiếm khuyết này". Văn bản trên đây mô tả cách thức Nga "xâm chiếm bán đảo, thay đổi thành phần cư dân và hủy diệt bản sắc của người dân bản địa".

Từ 2014, Crimea bị biến thành "căn cứ để chuẩn bị tấn công cả nước Ukraine" và "khu vực luật rừng", cộng đồng thiểu số Tatar bị trấn áp. Kiev hy vọng mai này Crimea sẽ được hội nhập vào hệ thống xa lộ và đường sắt Châu Âu, hướng về "độc lập năng lượng nhờ công nghệ xanh". Phía sau những mục tiêu được phương Tây ủng hộ, là một ẩn số phức tạp hơn : sẽ phải làm gì với cư dân được Nga đưa vào và cơ sở hạ tầng do Nga xây dựng sau khi sáp nhập ?

Thành viên trên đây cho biết, dự kiến sau khi được giải phóng, Crimea sẽ được đặt dưới chế độ quân quản, ai đi ai ở sẽ được quyết định theo thái độ trong thời kỳ chiếm đóng, người dân bình thường có thể an tâm không bị trừng phạt. Kiev chưa hề công nhận các hộ chiếu do Nga cấp. Theo luật Ukraine, những ai đến Crimea qua cầu Kerch sau 2014 đều là cư trú bất hợp pháp.

Máy bay Nga không còn dám phiêu lưu trên không phận Ukraine

Cũng về Ukraine, Le Figaro giải thích "Làm thế nào Không quân Ukraine có thể buộc kẻ thù phải tôn trọng mình". Lực lượng Kiev yếu hơn rất nhiều, nhưng tại sao Nga chưa bao giờ làm chủ được vùng trời Ukraine ? Theo phát ngôn viên Không quân Yuriy Ignat, ngay từ ngày đầu tiên họ đã dẫn dụ phi cơ địch tới khu vực mà phòng không đang chờ sẵn, mấy chục máy bay Nga đã bị bắn hạ khiến kế hoạch chiếm phi trường, vận tải quân xuống Kiev bị phá sản.

Một phi công Ukraine cho biết trong những tuần lễ đầu phía Nga khá hung hăng, tưởng rằng sẽ dễ dàng như ở Syria. Nay phi công Nga đã hiểu và không còn dám bay sâu vào không phận Ukraine. Moskva chuyển sang dùng drone và hỏa tiễn đánh phá, Kiev dựa vào các đơn vị radar trên cả nước làm tai mắt cho Không quân, cũng như thông tin tình báo. Tỉ lệ mục tiêu địch bị phòng không Ukraine tiêu diệt lên đến 75 %.

Chạy đua với thời gian để không đánh mất ưu thế

Trong bài xã luận "Chiếc đồng hồ cát của chiến tranh", Le Figaro nhận định thời gian trước đây đứng về phía kháng chiến Ukraine, dập tắt hy vọng chiến thắng trong vài ngày của Vladimir Putin, nay có nguy cơ đang đe dọa Kiev.

Trong khi Kremlin chờ đợi đối thủ sẽ kiệt sức, bất chấp cái giá khổng lồ về nhân mạng cho quân Nga, những yếu tố làm nên thắng lợi cho Ukraine có thể đang bị hao mòn : lòng can đảm và kiên trì của một quân đội và dân số ít hơn rất nhiều, viện trợ vũ khí của phương Tây, và cả một loạt những sai lầm khó tin của quân xâm lược. Cứ ngỡ rằng những thất bại liên tiếp ở Kiev, Kharkiv và Kherson có thể khiến bộ tham mưu Nga thay đổi chiến lược. Thế nhưng, họ vẫn bất cẩn, khiến mới đây hàng trăm tân binh đã thiệt mạng tại Makiivka.

Trong khi Nga câu giờ, huy động nền kinh tế tập trung cho chiến tranh, Ukraine phải chạy đua với thời gian. Chính là để trình bày chiếc đồng hồ cát đảo ngược này mà tổng thống Zelensky đã đến Mỹ vào cuối tháng 12, và để làm đối thủ phải hoang mang, Kiev liên tục tấn công sâu vào đất Nga. Nếu phương Tây lo ngại những động thái của Ukraine sẽ khiến Putin leo thang, thì các nhà chiến lược ở Kiev tính toán ngược lại : làm bộc lộ những yếu kém của Nga sẽ khuyến khích đồng minh chuyển giao thêm vũ khí để có thể đánh thắng người khổng lồ hung hăng.

Cuộc xâm lăng Ukraine tạo cơ hội cho một số kẻ trục lợi

Bên cạnh đó, Le Monde nhận thấy "cuộc chiến Ukraine mang lại cơ hội bất ngờ cho một loạt kẻ trục lợi như Maduro, Erdogan ou bin Salman". Trong năm 2023, cuộc xâm lăng Ukraine và những hậu quả của nó vẫn sẽ bao trùm thời sự quốc tế.

Tất nhiên là vẫn không thể dự báo được mọi thứ. Cách đây 10 tháng, người ta cho rằng sự khắc nghiệt của mùa đông sẽ làm yếu đi sự ủng hộ từ Châu Âu, nhưng rốt cuộc người dân chấp nhận tiết kiệm, và thời tiết lại rất ấm áp so với thường lệ. Cuộc chiến do Vladimir Putin khởi động đã dồn ông vào chân tường. Ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga từ khi Putin cầm quyền đã bị những thất bại quân sự làm suy sụp, ngược hẳn với phương Tây. Đoàn kết sau Ukraine, các nước dân chủ càng mạnh mẽ hơn, tuy không nắm được tất cả chìa khóa. Chiếc chìa khóa chính, chuyển từ chiến đấu sang đàm phán vào một thời điểm nào đó, vẫn nằm trong tay Kiev.

Ngoài hai bên tham chiến, cuộc chiến tranh đã giúp một số kẻ thủ lợi về chiến lược hay chính trị, mà gần đây nhất là tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro. Lâu nay gần như đã chết hẳn về chính trị vì đưa đất nước vào thảm họa, chỉ còn giao thiệp được với vài nước bị quốc tế cô lập như Iran, nay Mỹ đã cho phép tập đoàn dầu khí Chevron thương lượng với Caracas nhằm tái lập hoạt động. Lãnh đạo một cường quốc dầu lửa khác là Mohammed bin Salman "MBS" trước đây bị tẩy chay vì vụ ám sát Jamal Khashoggi, nay được săn đón.

Không nhất thiết phải có được trữ lượng dầu lửa khổng lồ để được hưởng lợi. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, kinh tế chao đảo vì lạm phát đe dọa đến việc tranh cử, nhưng chiến tranh Ukraine đã thúc đẩy Recep Tayyip Erdogan trở thành nhà trung gian hòa giải giữa Moskva và Kiev. Ở Algeria, Abdelmadjid Tebboune đứng đầu một chế độ đàn áp phong trào dân chủ Hirak, cũng được ưu ái nhờ nguồn khí đốt.

Đài Bắc noi gương vệ quốc của Kiev

Nhìn sang Châu Á, Les Echos tỏ ra kinh ngạc khi "Trước Trung Quốc, người Đài Loan có thái độ vô tư kỳ lạ". Chuyên gia Tống Thừa Ân (Raymond Sung) ở Đài Bắc cho rằng "Có một dạng chối từ thực tế tập thể trước mối đe dọa Trung Quốc. Nhiều người nghĩ rằng hòn đảo khó thể bị xâm lăng trong ngắn hạn hoặc trung hạn". Những vụ giương oai diễu võ của Bắc Kinh trong dịp Noel đã khiến chính phủ loan báo điều đang được chờ đợi : kéo dài thời gian đi quân dịch từ 4 tháng thành 12 tháng. Tuy nhiên, luật mới chỉ bắt đầu áp dụng từ năm 2024. Chi tiêu quân sự cũng chỉ ở mức 2% GDP, tương đương với đa số nước phương Tây.

Theo ông Lại Di Trung (I-chung Lai), chủ tịch Prospect Foundation, tư vấn cho chính phủ về quốc phòng, thì Đài Loan không thiếu tiền nhưng khó mua được vũ khí. Mỹ từ chối bán F-35, Đài Bắc chỉ mua được F-16 Viper thế hệ cũ hơn. Hy vọng chỉ mới lóe lên gần đây vào dịp Noël, Washington thông báo sẽ cung cấp 10 tỉ đô la thiết bị quân sự trong đó có hỏa tiễn chống tăng, xe tải, đạn dược. Anh Quốc là nước duy nhất chấp nhận huấn luyện cho quân nhân Đài Loan trên lãnh thổ nước mình, nhưng không có tiếp xúc chính thức nào với quân đội Anh.

Bắt chước Ukraine, Đài Loan trông cậy vào lực lượng nhân dân tự vệ và có thể thành lập một lữ đoàn phòng vệ duyên hải. Lệ thuộc rất nhiều vào hệ thống cáp ngầm dưới đáy biển dùng cho Internet, Đài Bắc vừa xin kết nối vào mạng lưới Starlink của tỉ phú Elon Musk. Đảo quốc hy vọng cũng chứng tỏ David có thể đọ sức với Goliah như Kiev, nhưng Đài Loan có đặc điểm là là chỉ được 14 nước công nhận, thậm chí không có tư cách thành viên Liên Hiệp Quốc vì chiếc ghế năm 1971 đã bị lấy giao cho Bắc Kinh. Như vậy sự ủng hộ Ukraine dựa trên Hiến chương Liên Hiệp Quốc và quyền bảo vệ một Nhà nước có chủ quyền, không thể áp dụng cho Đài Loan. Phương Tây có thể cứu vớt như thế nào trong bối cảnh đó ? Nếu Mỹ đã chứng tỏ quyết tâm, về phía Châu Âu vẫn mơ hồ.

Châu Âu lo tự vệ trước Covid từ Trung Quốc

Cũng liên quan đến Trung Quốc, tất cả các báo đều đề cập đến việc Liên Hiệp Châu Âu (EU) cố gắng phối hợp để có quy định chung để đối phó với việc mở cửa biên giới của Bắc Kinh kể từ ngày 08/01. Như thường lệ, các thành viên EU có ý kiến khác nhau, và sau một tuần lễ lúng túng, chuyên gia của các nước mới ngồi lại trong cuộc họp khẩn do chủ tịch luân phiên Thụy Điển triệu tập để bàn bạc.

Rốt cuộc tối qua 04/01 EU quyết định buộc khách từ Hoa lục phải có chứng nhận âm tính với Covid ít nhất 48 giờ trước đó – như Ý, Tây Ban Nha, Pháp đã đòi hỏi ; khách đến và đi từ Trung Quốc đều phải đeo khẩu trang ; xét nghiệm ngẫu nhiên khi đến phi trường ; kiểm tra nước thải các phi cơ từ Trung Quốc… Trước đó nhiều nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Anh quốc từ tuần rồi đã nhanh chóng buộc hành khách từ Hoa lục phải có xét nghiệm âm tính. Một loạt quyết định của phương Tây khiến Bắc Kinh bực tức đe dọa trả đũa, dù vẫn đang bắt buộc khách ngoại quốc đến Hoa lục phải xét nghiệm.

Le Monde nhắc nhở, từ khi virus xuất hiện ở Vũ Hán tháng 1/2020, Bắc Kinh hoàn toàn không có thái độ minh bạch. Từ việc chậm chạp báo động, giảm nhẹ số tử vong cho đến gây khó khăn cho các nhà điều tra quốc tế. Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng phải đòi Trung Quốc cung cấp dữ liệu "nhanh chóng, thường xuyên và khả tín hơn". Đối với EU, điều quan trọng là sớm biết được khả năng biến đổi của con virus, trong khi mỗi ngày có thêm mấy chục triệu người Trung Quốc bị lây nhiễm. Le Figaro nói thêm, Châu Âu đã đề nghị giúp chuyên gia và tặng các loại vac-xin phù hợp, nhưng chính quyền Trung Quốc thẳng thừng từ chối !

Kim Jong-un xử tử cựu ngoại trưởng từng dự hội nghị Hà Nội với Trump ?

uk2

Ông Ri Yong-ho (trái), cựu ngoại trưởng và "bốn hoặc năm" nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên khác có thể đã bị hành quyết vào nửa cuối năm 2022.

Les Echos dẫn tin của nhật báo Yomiuri Shimbun hôm thứ Tư 04/01 cho rằng Ri Yong-ho, cựu ngoại trưởng và "bốn hoặc năm" nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên khác có thể đã bị hành quyết vào nửa cuối năm 2022. Ông Ri không còn xuất hiện trên báo chí nhà nước từ cuối tháng 12/2019, bức ảnh cuối cùng được chụp vào dịp Hội nghị trung ương đảng Lao Động.

Ri Yong-ho từng đại diện Kim Jong-un vào đầu những năm 2010 trong nhiều phiên đàm phán đa phương về giải trừ nguyên tử Bắc Triều Tiên. Đặc biệt ông Ri là nhân tố quan trọng trong việc sưởi ấm quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ từ 2017 đến 2019. Ông đã tổ chức các hội nghị thượng đỉnh ở Singapore rồi Hà Nội cho Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump, trước khi bị thất sủng vì thất bại của chiến lược xích lại gần này. Nhà nghiên cứu Michael Madden cho rằng Ri cũng có thể bị trừng phạt vì nhiều sự cố ở Bộ ngoại giao, trong đó có vụ Jo Song-gil, đại sứ Bắc Triều Tiên tại Ý đào thoát năm 2019.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 267 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)