Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

14/01/2023

Điểm tuần báo Pháp - Còn lá bài nào cho Putin ?

RFI tiếng Việt

Chiến tranh ở Ukraine : Còn lá bài nào cho Putin ?

Đánh chiếm Soledar, Bakhmut cho bằng được để lấy tiếng bất chấp mạng lính, tiếp tục tấn công vào thường dân Ukraine… Vị Sa hoàng đỏ Vladimir Putin được cho là bất bại, nay trong ngõ cụt.

labai1

Thủ lãnh Wagner Yevgeny Prigozhin dự đám tang của lính đánh thuê tại nghĩa trang Beloostrovskoye, ngoại ô Saint-Petersbourg (Nga) ngày 24/12/2022. AP

Đấu tranh quyền lực giữa quân đội Nga và lính đánh thuê

L'Express nhận thấy trong trận đánh mang tính biểu tượng ở Soledar, ông chủ Wagner, Yevgeny Prigozhin cố gắng chứng tỏ lính đánh thuê của mình giỏi hơn quân đội chính quy Nga, với cái giá phải trả hết sức nặng nề.  Hôm thứ Sáu 13/01 Nga vừa loan báo chiếm được thành phố 11.000 dân ở miền đông, thì chỉ vài phút sau quân đội Ukraine đã cải chính. Hai ngày trước, mọi việc cũng diễn ra y như vậy. Khoe khoang chiến thắng quá sớm, "đầu bếp của Putin" đã bị cả Moskva và Kiev dội gáo nước lạnh. Soledar có thể sẽ thất thủ, nhưng sự vội vã này cho thấy Wagner hết sức nóng lòng có được kết quả sau nhiều tháng giao tranh ác liệt.

Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhaïlo Podoliak nói rằng những trận đánh ở Bakhmut và Soledar là đẫm máu nhất từ trước đến nay, và quân Nga thiệt hại "khủng khiếp". Libération nhấn mạnh "Soledar, một biểu tượng cho Moskva với cái giá một núi xác chết". Theo ước tính của Mỹ, trong số gần 50.000 lính đánh thuê, đã có hơn 4.100 chết và 10.000 bị thương. Tuy nhiên Wagner có số lượng dự trữ lớn để thay thế : các nhà tù Nga. Tổ chức phi chính phủ Gulagu.net cho biết ít nhất 30.000 tù nhân đã được Wagner tuyển mộ để đưa sang Ukraine. Tướng Dominique Trinquand cho rằng họ chỉ là những tấm bia thịt để làm kiệt quệ những chiến binh Ukraine.

Về chiến thuật, giành được Soledar Nga có thể bao vây Bakhmut, còn Wagner chiếm mỏ muối đáng giá. Prigozhin có thể tặng chiến thắng này cho Putin hay không ? Wagner đã tung hết mọi phương tiện vào thành phố không còn dấu vết của sự sống này. Cũng theo tướng Trinquand, trong một chiến dịch tầm cỡ, sự đoàn kết của bộ chỉ huy là quan trọng, nhưng phía Nga lại không có. Một số chuyên gia cho rằng việc Kremlin hôm 11/01 chỉ định tổng tham mưu trưởng quân đội Valeri Guerasimov thay Sergey Surovikin vốn thân cận với Prigozhin, là một cách nhắc nhở. Bên ngoài chiến trường, đấu tranh quyền lực vẫn gay gắt.

Thay ngựa giữa dòng thường xuyên : Putin độc quyền quyết định

Le Point cho rằng "Việc thay đổi liên tục các tướng lãnh cho thấy điểm yếu trong ban tham mưu Nga : sự độc đoán của Putin". Valeri Guerasimov, 67 tuổi, là quân nhân chuyên nghiệp, cả đời dành cho binh nghiệp và trung thành với truyền thống xô-viết. Là tướng lãnh cao cấp nhất trong quân đội Nga, ông cũng là nhân vật trung thành với Vladimir Putin và Sergey Shoigu, tác giả của chủ thuyết mang tên ông. Guerasimov từng thành công ở Syria, Chechnya và Crimea – ông chỉ huy chiến dịch "những người áo xanh" không quân hàm quân hiệu chiếm bán đảo này năm 2014. Theo nhiều nhà phân tích Nga, việc bổ nhiệm này là một món quà tẩm thuốc độc, vì nay Guerasimov sẽ trực tiếp hoạch định và chỉ đạo các chiến dịch.

Phải chăng Surovikin bị loại vì thất bại ? Nhận nhiệm vụ từ tháng Chín, Sergey Surovikin là tác giả chiến lược oanh kích cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, nhưng không dẫn đến việc Kiev sụp đổ. Hơn nữa, tên ông lại gắn liền với việc rút lui khỏi Kherson, và thảm kịch Makiivka đã làm hàng trăm lính Nga chết, cũng như việc huy động quân dự bị một cách vô tổ chức. Tướng Jérôme Pellistrandi cho rằng với việc bổ nhiệm Valeri Guerasimov phụ trách chiến trường Ukraine, Kremlin đã thu gọn về một mối. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) nhận định có thể nhằm tổ chức những cuộc tấn công lớn trong năm 2023. Theo tướng Trinquand, cứ sau mỗi thất bại Putin lại thay tướng, rốt cuộc cho thấy chỉ có Putin là người quyết định.

Tướng Pháp : Zelensky lãnh đạo hiệu quả hơn ông chủ điện Kremlin

Tướng Henri Bentégeat, cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp khi trả lời phỏng vấn của Le Point đã nhận định "Zelensky tỏ ra là thủ lãnh quân sự hiệu quả hơn Putin". Nhưng điều đó vẫn chưa đủ, nguồn lực chính đến từ lòng ái quốc của người dân và quân đội Ukraine. Ông nhận xét quân đội Nga, vốn đã từng thành công tại Syria, ròng rã gần 11 tháng qua không chiếm nổi Ukraine là một bất ngờ rất lớn, trong khi CIA dự báo chỉ hai tuần là Kiev đầu hàng. Việc Nga không kiểm soát được không phận Ukraine cũng là một ngạc nhiên lớn. Trong những tháng đầu tiên, Nga đã bị mất một số lớn trực thăng cho những toán quân cơ động.

Trong cuộc chiến Ukraine, ông Bentégeat không thấy điểm gì mới, pháo binh vẫn là chủ đạo, các drone không phải là một cuộc cách mạng. Sự tham gia của lính đánh thuê cũng không mới, chỉ có điều Wagner can thiệp trực tiếp một cách quy mô, và đặc biệt rất siêng năng trong cuộc chiến tranh thông tin. Tất nhiên không có sự hỗ trợ của quốc tế, Ukraine khó chống chọi nổi với quân đội Nga mạnh và đông đảo hơn nhiều. Theo ông, không có một nước nào có thể đơn độc kháng cự một cuộc chiến tranh quy mô như thế.

Những lá bài cuối cùng của Putin

Le Point phân tích về "Những lá bài cuối cùng của Putin". Tổng động viên, dùng đến vũ khí nguyên tử... tổng thống Nga có thể làm gì để tránh bị đánh bại ở Ukraine ? Vladimir Putin muốn chấm dứt loạt thất bại, qua việc động viên thêm 300.000 quân, sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine. Kèm theo là việc đả kích dữ dội phương Tây, từ nay được mô tả là địch thủ thực sự của Nga – Putin không thể thú nhận thất bại trước nước láng giềng nhỏ yếu hơn. Vị Sa hoàng đỏ được cho là bất bại, nay trong ngõ cụt. Quân Nga chiến đấu từ nhiều tháng qua đã mỏi mệt, không được tăng viện. Cần hai, ba tháng nữa mới huấn luyện và trang bị được cho tân binh, trừ phi đưa thẳng họ ra chiến trường làm bia đỡ đạn.

Tổng động viên dân Nga như Stalin năm 1941 ? Nhưng thời đó để chống lại quân Đức, còn nay Moskva là bên đi xâm lược. Che giấu tầm vóc của thất bại qua việc tìm kiếm ngưng bắn ? Nhưng ở Moskva không ai bị lừa, và Kiev cũng chẳng muốn. Trước mắt chỉ còn cách tiếp tục "lấn đất giành dân". Việc dùng vũ khí nguyên tử chiến thuật cũng đặt ra nhiều vấn đề : nhắm vào quân đội thì lực lượng Ukraine đang đan xen với quân Nga, hay một thành phố Ukraine, một trục giao thông ? Theo Le Point, điều quan trọng là răn đe Moskva để khả năng này không xảy ra.

Phía Hoa Kỳ cũng tỏ ra kềm chế. Hiện có hai luồng ý kiến khác nhau : hoặc tăng cường vũ trang cho Ukraine kể cả chiến đấu cơ, hoặc có những biện pháp từ lập vùng cấm bay trên không phận Ukraine cho đến oanh kích hạm đội Hắc Hải của Nga ở Sevastopol. Dù sao đi nữa, Putin ngày càng có ít chọn lựa, không phương án nào bảo đảm được chiến thắng cho ông ta.

Phương Tây cần viện trợ xe tăng hạng nặng cho Ukraine

Trong bối cảnh đó, The Economist nhấn mạnh "Phương Tây nên cung cấp xe tăng cho Ukraine", cho rằng đồng minh quá thận trọng trong việc trao những phương tiện để chống lại cuộc xâm lược của Nga. Rốt cuộc cũng có tin vui là Pháp, Mỹ, Đức bắt đầu gởi các loại xe bọc thép hạng nhẹ, nhưng như vậy chưa đủ, Kiev cần những chiến xa thực sự như Abram (Mỹ), Leopard (Đức) và các hỏa tiễn tầm xa. Những vũ khí như Himars đang làm quân Nga sợ hãi sẽ tạo cơ hội cho Ukraine đột phá, đưa Nga trở lại những giới tuyến trước ngày 24/02. Không thể nói rằng giao xe bọc thép Marder sẽ ít nguy hiểm hơn Leopard. Chiến tranh là nguy hiểm, và Kiev cần công cụ để hoàn thành công việc.

Một số tiếng nói ở phương Tây lo ngại sẽ dẫn đến việc NATO tham chiến. Những lo lắng này không phải là không có cơ sở, nhưng những "lằn ranh đỏ" của Putin đã nhiều lần bị vượt qua mà chẳng có chuyện gì xảy ra. Thời gian không còn nhiều, nhiệt độ ở Kharkiv đã xuống đến âm 10°C. Nếu Ukraine không nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này, Moskva có thể tấn công tiếp sau khi giành được toàn bộ miền đông. Dù không đạt mục đích chiếm trọn Ukraine đi nữa, nhưng Vladimir Putin cũng ngăn cản được quốc gia này trở thành một đất nước dân chủ, thịnh vượng, đây cũng là một kiểu chiến thắng.

Chiến tranh Ukraine : Mỹ, Trung Quốc được lợi, Armenia bị bỏ quên

Đối với ông Thomas Gomart, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), "Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến tranh ở Ukraine". Vị trí của Bắc Kinh được củng cố : Nga lệ thuộc vào Trung Quốc về năng lượng lẫn hàng hóa. Hoa Kỳ tạm thời không can thiệp được ở Châu Á-Thái Bình Dương, nhưng gián tiếp đánh bại một đối thủ chiến lược và chứng tỏ sự bất cập về quân sự của Nga. Washington nắm trong tay an ninh Châu Âu và lại trở thành trung tâm địa chính trị thế giới, 18 tháng sau thất bại ở Afghanistan.

Nói về những nước được lợi, Le Point  Le Figaro cuối tuần không quên nhắc đến một dân tộc bị thiệt thòi vì cuộc xâm lăng Ukraine : Armenia. Khoảng 120.000 dân Armenia ở Artsakh, vùng đất nhỏ bé nằm kẹt giữa Azerbaijan từ một tháng qua hoàn toàn bị phong tỏa. Hành lang Latchine, ngõ duy nhất để sang Armenia bị đóng với cớ ô nhiễm. Cư dân theo Thiên chúa giáo từ 17 thế kỷ qua bỗng bị cắt rời với thế giới, không được tiếp tế và bị cúp điện, bị bóp nghẹt ngay giữa mùa đông. Trong ba thập niên qua, Armenia vẫn dựa vào sự bảo vệ quân sự của Nga và sự ủng hộ tinh thần từ phương Tây. Nhưng nay tất cả đều bị cuốn hút vào chiến tranh Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ bèn lợi dụng để vũ trang cho đồng minh Hồi giáo Azerbaijan. Liên Hiệp Châu Âu vừa tăng gấp đôi nhập khẩu khí đốt của Azerbaijan, khó thể trừng phạt chế độ này.   

Covid và "bức tường than khóc" của dân Hoa lục

Liên quan đến Châu Á, trả lời phỏng vấn của L'Express, ông Ryan Hass, cựu cố vấn của Barack Obama chỉ trích "Sự ngoan cố của Tập Cận Bình trước vac-xin ngoại quốc gây thiệt hại nhân mạng lớn lao". Ông ta nhất quyết từ chối nhập vac-xin ARN thông tin hiệu quả hơn vac-xin nội địa, coi rẻ sinh mạng người dân, chỉ vì ba năm qua đã lỡ tuyên truyền khoác lác.

The Economist cho biết chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục đàn áp những người từng biểu tình chống zero Covid. Danh khoản Vi Bác (Weibo) của Lý Văn Lượng (Li Wenliang), bác sĩ trẻ đã báo động về virus corona và qua đời sau đó, trở thành một loại "bức tường than khóc" của dân Hoa lục. Đến giữa năm 2020, đã vượt quá 1 triệu lời bình và không được đếm nữa, nhưng hai nhà nghiên cứu của đại học Phục Đán ghi nhận một năm sau khi tử vong vì Covid, số bài đăng lên đến 1,34 triệu.

Muốn tỏ ra hòa hoãn với thế giới, nhưng Bắc Kinh lại che giấu dịch bệnh

Về mặt đối ngoại, The Economist nhận thấy do thiếu minh bạch về Covid khiến các nước ngờ vực, Trung Quốc đã tự gây khó khăn cho mình trong nỗ lực tái hòa nhập với thế giới. Trong bài diễn văn năm mới, Tập Cận Bình có giọng điệu chừng mực một cách bất thường, không kêu gọi thống nhất Đài Loan như những năm trước, không thấy cảnh báo về "các thế lực thù địch nước ngoài". Trả lời Washington Post hôm 04/01, tân ngoại trưởng Tần Cương "đánh giá cao người dân Mỹ thân thiện và   chăm làm".

Các nhà quan sát cho rằng ông Tập muốn sửa chữa những thiệt hại do chính sách đối ngoại, nhất là thái độ phía Mỹ và một số nước khác ngày càng cứng rắn. Tuy nhiên kế hoạch này có lỗ hổng lớn : Bắc Kinh không muốn chia sẻ đầy đủ các dữ liệu về làn sóng Covid đang hoành hành, khiến các chuyên gia y tế không thể đánh giá mức độ nguy hiểm cũng như khả năng biến đổi của con virus. Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thường ngại chỉ trích Bắc Kinh hôm 11/01 cũng phải nói rằng Trung Quốc công bố số tử vong "vô cùng thấp" so với sự thật.

Nhiều chính phủ hạn chế cho nhập cảnh khách từ Hoa lục, Trung Quốc trơ tráo cáo buộc "động cơ chính trị", trong khi chính Bắc Kinh đòi hỏi khách nước ngoài phải có xét nghiệm PCR âm tính. Hạ Viện Mỹ rục rịch lập một ủy ban điều tra về nguồn gốc con virus, và thái độ ôn hòa của Châu Âu có thể thay đổi nếu một biến thể từ Trung Quốc lây lan sang.

Cam Bốt : Ream, căn cứ quân sự của Trung Quốc trong 30 năm ?

Tại Đông Nam Á, Libération cuối tuần có bài viết "Ream, căn cứ nhỏ ở Cam Bốt và căng thẳng lớn". Trung Quốc tài trợ và giám sát việc mở rộng căn cứ quân sự Cam Bốt ở vịnh Thái Lan, mà một phần được Bắc Kinh dùng để đóng quân, với nguy cơ làm đảo lộn tương quan lực lượng trong khu vực.

Chuyên gia Gregory B. Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải nhận thấy việc xây dựng đã tăng tốc rất nhanh trong năm qua. Những hình ảnh vệ tinh mà Libération tham khảo cũng chứng tỏ những công trình lớn đang hình thành như đường sá, các tòa nhà... và căn cứ rõ ràng đã được chia đôi để dành cho Trung Quốc nửa phía bắc.

Từ tháng 7/2019 Wall Street Journal đã tiết lộ một thỏa thuận bí mật, theo đó Cam Bốt cho Trung Quốc sử dụng căn cứ Ream trong 30 năm. Cả Bắc Kinh lẫn Phnom Penh đều chối cãi, nhưng không ai lạ gì về mối quan hệ chư hầu này. Sau lễ khai mạc chính thức được tưng bừng tố chức ngày 08/06/2022, bộ trưởng quốc phòng Cam Bốt Tea Banh và đại sứ Trung Quốc Vương Văn Thiên (Wang Wentian) đã cùng bơi trong vịnh biển.

Nhà phân tích quân sự Tom Shugart phát hiện một con đường ở đầu mút phía đông căn cứ có những khoảng đã được dọn sạch, dùng cho những giàn phóng hỏa tiễn địa-không SAM HQ-9. Chuyên gia Phương Nguyễn ở Úc dự đoán Trung Quốc sắp tới có thể triển khai tại Ream các radar và những phương tiện C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, tin học, tình báo, giám sát, trinh sát).

Mối đe dọa cho Việt Nam, và điểm tựa của Bắc Kinh trên Biển Đông

Cuối 2018, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã gởi thư cho ông Hun Sen bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc lập căn cứ quân sự tại đây. Phía Cam Bốt nói rằng Bắc Kinh chỉ giúp nạo vét mở rộng cảng, nhưng sau đó bất ngờ cho phá hủy những công trình do Mỹ xây dựng, và cho di dời Nhà hữu nghị - kỷ niệm Việt Nam giúp giải phóng Ream khỏi quân Khmer Đỏ năm 1979.

Theo Phương Nguyễn, đây là mối đe dọa cho Việt Nam ở sườn phía tây nam cũng như những nước khác. Bộ quốc phòng Hoa Kỳ khẳng định Ream sẽ là căn cứ quân sự đầu tiên của Bắc Kinh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, giúp quân Trung Quốc tiếp cận eo biển Malacca, đe dọa căn cứ Mỹ ở Singapore, và là điểm tựa quý giá ở phía nam Biển Đông. Không ai quên câu nói của Tập Cận Bình hồi tháng 9/2015 tại Nhà Trắng trước Barack Obama, rằng Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các đảo trên Biển Đông. Một sự dối trá trắng trợn, vì ngay sau đó Bắc Kinh đã ồ ạt xây dựng các cơ sở quân sự tại Trường Sa và Hoàng Sa.

Một điểm đáng lo ngại nữa là công ty Trung Quốc Union Development Group có liên hệ mật thiết với quân đội đã được nhượng quyền trong 99 năm để xây dựng một phức hợp du lịch, trong đó có phi trường quốc tế Dara Sakor với phi đạo dài 3.400 mét có thể tiếp nhận những phi cơ vận tải lớn, và cả tiêm kích. Phương Nguyễn cảnh báo phi trường này có thể được không quân Trung Quốc dùng làm nơi xuất phát các phi vụ tuần tra trên toàn bộ vịnh Thái Lan. Gregory B. Poling nói thêm, Dara Sakor cũng có khả năng thành nơi trung chuyển cho các phi cơ tiêm kích trên hàng không mẫu hạm Trung Quốc. Việc xây dựng bị chậm trễ do Covid và khó khăn kinh tế, sẽ tiếp tục từ tháng Sáu. Chuyện dài Ream còn tiếp diễn.

Tựa chính các tuần báo Pháp

Trang bìa của L'Express tuần này đăng ảnh tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tập trung bài vở cho cải cách hưu trí. Cũng với ảnh ông Macron và đồng nhiệm Algeria, Le Point chạy tựa "Pháp và Algérie, di sản đáng buồn". Hồ sơ của Courrier International được dành cho "Brexit, giờ phút tiếc nuổi". L'Obs nói về "Thế giới theo như ông Musk". Ông chủ của Tesla, SpaceX và nay là Twitter định cứu vớt nhân loại bằng cách chiếm lĩnh vũ trụ, hoặc giải quyết những cuộc khủng hoảng địa chính trị lớn. Với ý tưởng tự do, nhà tỉ phú tin rằng công nghệ có thể hóa giải tất cả.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 229 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)