Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/01/2023

Điểm báo Pháp - Bí mật về bệnh tật của các Sa hoàng đỏ

RFI tiếng Việt

Bí mật về bệnh tật của các Sa hoàng đỏ Lênin, Stalin, Brejnev…

Le Figaro có bài điều tra dài chia làm hai phần,mang tựa đề "Bí mật xung quanh sức khỏe của Putin, người kế thừa các Sa hoàng đỏ", và "Brejnev, Andropov : Những người bệnh hoạn đứng đầu Liên Xô".

sahoang1

Ảnh minh họa, ghép những chiếc tách in hình tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà độc tài xô-viết Josef Stalin. Ảnh chụp ngày 08/09/2021. AP - Dmitri Lovetsky

Những căn bệnh của Lênin, Stalin được giấu kín

Không nơi nào mà tình trạng sức khỏe của các nhà lãnh đạo lại phải chịu "luật im lặng" khắt khe như ở Nga. Thời Liên Xô, thông tin về thể trạng của Lênin, Stalin… được giấu kín như bưng, và Putin tiếp tục truyền thống này. Tình báo Ukraine từng khẳng định Vladimir Putin bị "ung thư giai đoạn cuối". Washington, Luân Đôn, Paris đều tỏ ra thận trọng, nhưng những tin đồn về sức khỏe của ông chủ điện Kremlin vẫn thường xuyên được tung ra. Tại những nước khác, các nguyên thủ cũng giấu những chứng bệnh của mình, nhưng ở Nga mang tính đặc thù, nhằm buộc những nhân vật có tham vọng soán ngôi phải tránh sang một bên, và các quan chức khác luôn vâng lời.

Mùa xuân 1922, bộ máy tuyên truyền ca ngợi sức mạnh bách chiến bách thắng của Lênin, nhưng thực tế khác hẳn : nhà lãnh đạo cách mạng bị xơ cứng động mạnh. Ngày 19/04/1922 trong một lá thư Lênin nêu ra số vàng mà đảng dành cho các ủy viên trung ương để bí mật sang Đức chữa bệnh. Trong đêm 25 rạng 26/05/1922, Lênin bị đột quỵ lần đầu, bị liệt nửa người bên phải một thời gian, đa số những quyết định quan trọng lúc đó do Stalin, Trotski, Zinoviev, Bukharin đưa ra. Khuya 22/12 năm đó, ông lại bị đột quỵ không thể viết được, và đầu tháng 2/1923 thêm một trận nữa. Chỉ có các nhà lãnh đạo bôn-sê-vích mới biết sự thực là Lênin không còn khả năng giao tiếp cho đến khi qua đời ngày 21/01/1924.

Bí mật cũng bao trùm lên tình trạng sức khỏe của Stalin. Năm 1952, "người cha dân tộc" 73 tuổi đầy quyền lực, bị nhồi máu cơ tim đe dọa, ít khi có mặt ở Moskva. Lãnh tụ tối cao nghi ngờ các bác sĩ của điện Kremlin, đã kết án tử hình một người trong số này, cho tra tấn các bác sĩ bị bắt, tiêu hủy y bạ. Sáng 01/03/1953 không thấy Stalin dậy nhưng không cận vệ nào dám léo hánh. Đến tối, nhờ cái cớ có thư cần trao, họ vào phòng và phát hiện Stalin bất tỉnh, xung quanh đẫm nước tiểu. Các lãnh đạo cao cấp Malenkov, Beria, Khrushchev, Bukharin chờ nhiều giờ mới gọi bác sĩ. Stalin chết ngày 03/03/1953 nhưng theo thông cáo chính thức là ngày 05/03 vì xuất huyết não.

Brejnev : Đột quỵ với các di chứng nhưng vẫn ở ngôi cao nhất

Trường hợp Brejnev, nghiện rượu và thuốc lá, thường dùng thuốc ngủ, bị chứng xơ động mạch như Lênin. Ngay từ mùa hè 1968, khi quyết định đè bẹp Mùa Xuân Praha, sự mệt mỏi của ông đã thấy rõ. Trong thập niên 70 Brejnev phải thường xuyên nằm viện. Dù được cả một đội ngũ bác sĩ chăm sóc, những vụ đột quỵ nhẹ vẫn diễn ra với nhà lãnh đạo Liên Xô. Trong bài diễn văn đọc ở đại hội đảng 25, Brejnev đọc nhầm "kholodnaia voina" (chiến tranh lạnh) thành "kholodnaia voda" (nước lạnh) và đến 1982 những bài nói chuyện của ông chỉ hiểu được phân nửa.

Nhưng tại sao Brejnev vẫn được tại vị ? Vào thời đó, những cuộc khủng hoảng liên tiếp diễn ra : vụ nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn, kinh tế đình trệ, đưa quân vào Afghanistan năm 1979, chuyến thăm lịch sử của Đức giáo hoàng John Paul II tại Ba Lan tháng 6/1979, thiết quân luật để bóp nghẹt Công đoàn Đoàn Kết tháng 12/1981, so găng với nước Mỹ của Reagan.

Brejnev biết lắng nghe, lãnh đạo một cách tập thể, tránh sỉ nhục người khác kể cả không cùng phe. Ông làm ngơ trước nạn tham nhũng đang hoành hành, không từ chối điều gì với quân đội, hào phóng phân phát huy chương, nên đại đa số quan chức thích một Brejnev sức khỏe kém. Đời sống dễ thở hơn thời Khroutchtchev đôi chút, một số người dân cũng sợ Brejnev chết tình hình sẽ hỗn loạn. Brejnev qua đời ngày 11/11/1982 lúc gần 76 tuổi. Tân tổng bí thư Andropov, người đàn áp hàng ngàn nhà ly khai, ông trùm gián điệp kỹ nghệ thì bị tiểu đường, cũng thường vắng mặt ở Kremlin. Quy luật bằng vàng của một Sa hoàng đỏ bị bệnh là "không bao giờ thú nhận".

Các xe tăng phương Tây bắt đầu lên đường đến Ukraine

Chiến sự Ukraine tiếp tục được các báo chú ý. Le Monde chạy tựa trang nhất "Những xe tăng hạng nặng cho Ukraine : Cấm kỵ đã được dỡ bỏ". Le Figaro cũng nói về "Những xe tăng phương Tây lên đường đến Ukraine". Cuộc "đông tiến" đã được khởi động. Trước hết chỉ nhẹ nhàng với xe bọc thép của Pháp, Mỹ, Đức ; và Pháp là nước đầu tiên bước qua ngưỡng cửa khi đề nghị các chiến xa do phương Tây sản xuất.

Theo Le Figaro, có lẽ vì muốn xóa đi những câu nói vụng về của tổng thống Macron "bảo đảm an ninh cho Nga" hay "không làm mất mặt" Kremlin. Một nhà ngoại giao nhìn nhận : "Cung cấp các AMX là một cách bày tỏ quan điểm chính trị, vì đúng là Kiev đặt câu hỏi về thái độ của Paris". Giai đoạn thứ hai, gởi các xe tăng hạng nặng, bắt đầu từ tuần rồi và sẽ tăng lên khi bộ trưởng quốc phòng các nước đồng minh với Ukraine họp tại Ramstein (Đức) ngày 20/01.

Vì sao chuyển biến đột ngột như vậy ? Le Figaro cho rằng giờ đây phương Tây cảm thấy cần khẩn cấp viện trợ thêm vũ khí trước nguy cơ một đợt tấn công quy mô của Nga, khi Kremlin động viên thêm nửa triệu quân. Đôi bên đang chạy đua với thời gian để thay đổi tương quan lực lượng trên chiến trường. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh "Chúng ta đang trong giai đoạn quyết định của cuộc chiến". Từ ngày 24/02 đến nay, những "lằn ranh đỏ" lần lượt bị vượt qua. Ban đầu Kremlin cảnh cáo mọi quân viện đều là khiêu khích, rồi đến vũ khí nặng, hệ thống phòng không, và nay đòi "đốt cháy" các xe tăng phương Tây. Những cái loa tuyên truyền của Putin trên truyền hình đe dọa "tấn công phòng vệ" để làm nước Pháp biến mất trên bản đồ...

Le Figaro nhấn mạnh, nếu Emmanuel Macron muốn duy trì vị trí lãnh đạo của Pháp tại Châu Âu thì cần tiến lên hàng đầu trong số các nước đồng minh của Ukraine. Hơn nữa, nhu cầu của Kiev không dừng lại. Trong một tweet, nhà ngoại giao Andrij Melnyk gợi ý quân đội Đức hiện có 93 chiến đấu cơ Tornado sẽ được thay thế bằng F35, có thể cho Ukraine được không ? Cuộc tranh luận chỉ mới bắt đầu.

Tân thủ tướng Anh tiếp tục ủng hộ Kiev như hai người tiền nhiệm

Le Monde nhận thấy, thêm một lần nữa "quý ông Ăng-lê", vốn đã hỗ trợ rất nhiều cho Ukraine, bắn phát súng mở màn với loan báo chi viện 14 xe tăng hạng nặng Challenge 2 cho những người lính của Kiev. Người ta chờ đợi quyết định của Paris về xe tăng Leclerc, và Berlin về xe tăng Leopard do Đức sản xuất. Ba Lan và Phần Lan thì đã cho biết sẵn sàng giao một số xe Leopard đang có, chỉ chờ Berlin bật đèn xanh. Pháp giao xe bọc thép nhẹ AMX còn nhằm thúc đẩy Đức thêm mạnh dạn, vì xe tăng Leopard thích hợp với địa hình Ukraine hơn.

Về phía Anh, Le Monde cho rằng thủ tướng Rishi Sunak đang đi theo con đường của hai người tiền nhiệm Boris Johnson và Liz Truss, ủng hộ Ukraine vô điều kiện. Anh quốc là một trong những nước đầu tiên từ trước cuộc xâm lăng đã trang bị cho lực lượng Kiev hỏa tiễn chống tăng vác vai NLAW, giúp chận đứng đoàn xe tăng Nga tiến về thủ đô Kiev. Luân Đôn đứng thứ nhì về quân viện cho Ukraine, chỉ sau Hoa Kỳ.

Thực dụng hơn bà Truss và ông Johnson, và phải đối phó với phong trào xã hội chưa từng thấy trong bối cảnh khó khăn kinh tế, cho đến nay, Sunak vẫn tránh nhắc lại cam kết của Liz Truss dành 3% tổng sản phẩm nội địa cho chi tiêu quân sự. Tuy nhiên ông là một trong những người ủng hộ Kiev mạnh mẽ nhất. Rishi Sunak không thể tự cho phép đứng trong hậu trường, khi ông Johnson, vẫn muốn quay lại Downing Street, tiếp tục duy trì mối quan hệ bạn bè với tổng thống Volodymyr Zelensky. Theo The Guardian, cựu thủ tướng sẽ lại đến thăm Kiev trong những tháng tới.

Pháp chuẩn bị gia tăng điện nguyên tử, Đức phải quay sang than đá

Trên lãnh vực năng lượng, La Croix chú ý đến việc Đức phải tăng gấp đôi số lượng cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng. Sai lầm của Đức trong việc từ bỏ điện nguyên tử khiến nay phải cho hoạt động các nhà máy điện than một cách quy mô. Điều tra của Les Echos cho biết làng Lützerath ở vùng Ruhr tập trung mọi nghịch lý của chính sách năng lượng nước Đức. Ngôi làng này sắp bị san bằng để khai thác than non dưới lòng đất. Đối với chính phủ, đây là vấn đề an ninh năng lượng, nhưng với các nhà hoạt động lại là sự từ chối những cam kết về khí hậu.

Xã luận của Le Figaro kêu gọi Pháp cố gắng "đuổi kịp thời gian đã mất" về nguyên tử. Tuy chưa phải là một cuộc cách mạng, nhưng là bước đầu tiên - từ khi François Hollande "phá hoại" kỹ nghệ nguyên tử Pháp, được người kế nhiệm Emmanuel Macron theo đuổi và sau đó đã quay ngoắt 180 độ - một dự luật được trình ra Quốc hội để bắt đầu tái xây dựng. Hiện chỉ mới ở mức chuẩn bị về hành chánh và pháp lý cần thiết trước khi bắt đầu những công trình lớn, và mùa hè này sẽ có lộ trình tái thúc đẩy với các nhà máy điện nguyên tử thế hệ mới. Sự kiện hiếm thấy là hầu hết các đảng phái đều ủng hộ dự luật.

Theo Le Figaro, các nhà sinh thái hoàn toàn mù quáng khi chỉ nhắm vào điện gió và điện mặt trời. Một yếu tố khác là kinh tế : từ khi cuộc xâm lăng Ukraine nổ ra với các hệ quả, giá cả tăng vọt và nguy cơ thiếu điện càng làm ý thức hơn giá trị của năng lượng. Doanh nghiệp lao đao, sức mua sụt giảm, tóm lại toàn bộ nền kinh tế đều bị ảnh hưởng. Điện nguyên tử dồi dào, giá rẻ lại giúp bảo đảm chủ quyền và tính cạnh tranh.

Dân số giảm, "Trung Hoa mộng" khó thành

Nhìn sang Châu Á, Le Figaro lưu ý đến việc dân số Trung Quốc đã giảm sút, lần đầu tiên kể từ nạn đói do chiến dịch "đại nhảy vọt" của Mao trong thập niên 60. Hoa lục có 9,56 triệu công dân mới trong năm 2022, không đủ để bù đắp số 10,41 triệu người qua đời, trong một xã hội ngày càng lão hóa và thế hệ mới không muốn sinh nhiều con.

Sự sụt giảm diễn ra sớm hơn dự báo, được cho là khoảng 2025-2030, cho thấy thách thức về dân số trên cơ sở tăng trưởng chậm lại và giá cả tăng lên. Nhà nghiên cứu Dịch Phú Hiền (Yi Fuxian) của đại học Wisconsin-Madison coi việc giảm dân số này là "lịch sử", cho biết thực ra dân Trung Quốc đã giảm từ 2018. Xu hướng này sẽ còn trầm trọng trong năm 2023 vì đại dịch Covid – đã làm 60.000 người chết theo như chính quyền, còn các nhà khoa học dự báo đến hơn 1 triệu nạn nhân.

Viễn cảnh kinh tế và địa chính trị trở nên u ám hơn. Trung Quốc nay cùng chung số phận với Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc ; nhưng chạm tới cái đỉnh đáng buồn quá sớm, trước khi đạt mức phát triển tương đương với ba láng giềng Châu Á, cũng như an sinh xã hội. Dân số Nhật Bản bắt đầu giảm từ năm 2010 khi đất nước mặt trời mọc đã là quốc gia phát triển, và tổng sản phẩm nội địa (GDP) cao gấp bốn lần Trung Quốc hiện nay. Anbound, công ty tư vấn độc lập ở Bắc Kinh cho biết ở Hoa lục, chăm sóc người già là vấn đề lớn, khi số người trên 60 tuổi đã vượt quá 260 triệu. Vấn đề dân số đè nặng lên lực lượng lao động, lâu nay vốn là ưu thế của công xưởng thế giới để thu hút các tập đoàn đa quốc gia.

Thống kê màu xám trên đây là thách thức cho Tập Cận Bình, người quảng bá "Giấc mơ Trung Hoa", đang kèn cựa với Mỹ và gây hấn ở Châu Á-Thái Bình Dương cũng như với địch thủ Ấn Độ ở Himalaya. Hy vọng trở thành siêu cường số một thế giới, theo cựu giám đốc một định chế quốc tế ở Bắc Kinh, "trở thành một giấc mơ bất định". Ông Dịch Phú Hiền cho rằng : "Các chiến lược gia phương Tây có khuynh hướng coi một con mèo già bịnh hoạn là một con sư tử hung hăng". Trung Quốc vẫn là một thị trường khổng lồ, nhưng bức tường dân số đã xáo lại những lá bài, và cả những giấc mơ.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 173 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)