Putin chuẩn bị một cuộc đại chiến mới với Ukraine ?
Chiến sự Ukraine, diễn đàn Davos, dân số giảm gây lo ngại cho quỹ hưu bổng là các chủ đề chính trên báo chí hôm nay. Libération là tờ báo duy nhất có bài viết về Việt Nam với tựa đề "Đảng cộng sản lo việc "đốt lò"". Được tổng bí thư tiến hành từ mười năm qua, chiến dịch chống tham nhũng vừa làm chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mất ghế.
Một xe tăng Nga bị phá hủy ngập trong tuyết trắng tại một khu rừng ở Kharkiv, ngày 14/01/2023. AP - Evgeniy Maloletka
Ông Nguyễn Xuân Phúc phải ra đi sau khi hai phó thủ tướng mất chức
Cuộc thanh trừng là không có giới hạn. Thậm chí còn mang tính lịch sử, cho thấy một cơn sốt bất thường trong chính trường Việt Nam đầy biến động : chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc từ chức hôm qua sau khi bị các đồng chí trong Đảng cáo buộc đã để cho thuộc cấp có những "vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng". Sự ra đi chưa từng thấy của nhân vật số hai của Nhà nước, chỉ sau tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đi kèm với việc từ bỏ các chức trách trong Bộ Chính Trị và Trung ương Đảng.
Một cuộc họp bất thường của Quốc hội được triệu tập hôm nay, thứ Tư, để phê chuẩn. Và thông qua việc cải tổ Ủy ban Trung ương Đảng, có thể một số quan chức an ninh - vốn đông đảo trong các cơ quan chính phủ - được thăng chức, và một số chức sắc khác ra đi. Theo nhà phân tích Zachary Abuza, việc ông Phúc bất ngờ từ chức đánh dấu một bước leo thang quan trọng trong việc "đốt lò", tức chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng do ông Trọng phát động cách đây một thập niên. Có ít nhất 168.000 đảng viên đã bị trừng phạt, trên 7.300 bị truy tố.
Cũng theo Libération, ông Phúc vốn là thủ tướng được tín nhiệm trong việc thúc đẩy cải cách kinh tế, sau đó lên làm chủ tịch nước do xử lý tốt đại dịch Covid, là quan chức cấp cao nhất bị nhắm đến trong cuộc thanh trừng gần đây. Trước đó vào đầu tháng Giêng, hai phó thủ tướng đã bị cách chức.
Ông Vũ Đức Đam, người chịu trách nhiệm chính trong việc chống dịch, đang phụ trách lãnh vực y tế khi tổng giám đốc công ty Việt Á thú nhận đã chi hoa hồng cho các quan chức để bán bộ xét nghiệm Covid với giá trên trời cho bệnh viện và trung tâm y tế. Xì-căng-đan này khiến bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long, chủ tịch Hà Nội và là cựu bộ trưởng Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh mất chức và bị bắt giam tháng 6/2022. Phó thủ tướng thứ nhì là Phạm Bình Minh, rơi đài vì vụ khác. Ngay trong đại dịch, khi Việt Nam đóng cửa biên giới vào đầu 2020, ông giám sát chiến dịch hồi hương các công dân từ 60 nước. Khoảng 40 nhà ngoại giao và công an đã bị bắt vì nhận tiền để ưu tiên cho một số hành khách được về nước trong 800 chuyến bay đặc biệt.
Chống tham nhũng đồng thời đấu tranh quyền lực, phe công an ở thế thượng phong
Theo tác giả bài viết, công cuộc chống tham nhũng sâu rộng tại Việt Nam cũng như tại nước láng giềng Trung Quốc thường là dịp để chế độ củng cố quyền lực, loại các đối thủ cạnh tranh và tạo lòng tin nơi dân chúng. Chuyên gia Benoît de Tréglodé của IRSEM nhấn mạnh : "Sự kiện ông Phúc bị buộc từ chức có nghĩa là các nhân vật trong ngành công an, vốn có quan hệ mật thiết với các đồng nghiệp Trung Quốc, nắm lại bộ máy chính trị. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn bảo vệ ý thức hệ và vai trò của Đảng".
Ông Trọng, trước đây được coi là một nhà lãnh đạo cởi mở trong Phòng Bầu dục của Barack Obama, đã chật vật đạt được nhiệm kỳ thứ ba trong Đại Hội Đảng năm 2021, với "đấu đá nội bộ tăng lên". Libération cho rằng đến tháng Tư ông sẽ 79 tuổi, sức khỏe kém và chịu áp lực, có khả năng ông rời chức vụ trước thời hạn dự kiến năm 2026.
Cũng theo chuyên gia Benoît de Tréglodé, ông Trọng "lo ngại sự phản kháng trong nội bộ, một dân số trẻ muốn mở cửa và một loạt hoạt động ngoại giao của nhiều nước ở Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm kìm hãm Trung Quốc, trong khi ông muốn giữ sự gần gũi ý thức hệ với Bắc Kinh". Việc cách chức phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh được cho là một sự bảo đảm đối với Bắc Kinh. Vẫn theo Tréglodé : "Ông Minh thân phương Tây, cởi mở, tốt nghiệp các trường đại học danh giá. Ông tượng trưng cho một sự hiện đại hóa thực sự, nhưng bị cách chức, thậm chí còn bị cho ra khỏi Trung ương Đảng và Bộ Chính trị".
Phe công an đã nắm lấy chiến dịch chống tham nhũng mà thực tế là cuộc chiến giành quyền kế vị. Một cái tên "cộm cán" nổi lên : ông Tô Lâm, đương kim bộ trưởng công an và có lẽ là nhân vật quyền lực của Việt Nam. Năm nay 65 tuổi, tại vị đã gần 8 năm, ông tiêu biểu cho tình trạng công an chiếm toàn quyền. Benoît de Tréglodé cho rằng : "Tô Lâm đã đạt được việc bổ nhiệm một phó thủ tướng thân cận với mình. Mục tiêu của ông là chức chủ tịch, trước khi thành tổng bí thư". Chống tham nhũng khó thể đụng tới ông, tuy Tô Lâm đã từng bị ghi lại cảnh ăn thịt bò rắc vàng giá gần 2.000 đô la. Cư dân mạng đặt câu hỏi, làm thế nào ông thanh toán bữa ăn này với lương tháng khoảng 660 đô la ? Có lẽ khát khao quyền lực biện minh cho phương tiện.
Kiev mong Berlin bật đèn xanh về chiến xa Leopard
Liên quan đến Ukraine, Le Figaro có đến bốn bài viết mô tả tình hình chiến trường và các bài phân tích. Trước hết là bài phóng sự của đặc phái viên ở Tchernihiv, nói về "Những chiến binh Ukraine trấn giữ trong những khu rừng gần biên giới Belarus", nơi sương mù che khuất tầm nhìn và tuyết trắng bao phủ mọi nơi. Le Monde dành một trang khổ lớn cho phóng sự ảnh tại Dnipro, nơi "cuộc sống bị ngưng đọng trong đống đổ nát sau vụ oanh tạc của Nga" làm 45 thường dân thiệt mạng, 72 căn hộ bị phá hủy. Vũ khí được dùng là một hỏa tiễn hành trình loại Kh-22 được chế tạo từ thập niên 60 để tấn công hàng không mẫu hạm. Hôm thứ Bảy 14/01, Nga bắn 5 quả Kh-22 vào lãnh thổ Ukraine. Hỏa tiễn này chứa đến 1 tấn thuốc nổ có thể hủy diệt bất cứ tòa nhà nào của thường dân, chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu tố cáo "tội ác chiến tranh".
Le Figaro nhận thấy "Với các xe tăng hạng nặng, Kiev hy vọng có được bước tiến chiến thuật". Vừa được bổ nhiệm, tân bộ trưởng quốc phòng Đức Boris Pistorius sẽ phải nhanh chóng quyết định có chi viện chiến xa Leopard 2 cho Ukraine hay không. Việc Berlin bật đèn xanh còn giúp các nước Châu Âu khác có thể chuyển giao các xe tăng này cho Kiev, theo quy định xuất khẩu. Ưu điểm chính của Leopard 2 là có số lượng nhiều tại Châu Âu. Ba Lan sở hữu khoảng 100 chiếc Leopard 2 loại A4, Phần Lan và Đức có trên 200 chiếc A5. Việc cung cấp phụ tùng và sửa chữa sẽ dễ dàng hơn, và nhất là các chiến xa này được trang bị đại bác 120 ly.
Les Echos cho biết Boris Pistorius, 62 tuổi, xuất thân là luật gia, tuy chưa hề làm việc trong lãnh vực quốc phòng, nhưng là chính khách rất giàu kinh nghiệm về an ninh nội địa. Ông là một trong những bộ trưởng được cảm tình nhiều nhất ở bang Niedersachsen (Basse-Saxe theo tiếng Pháp), có quan điểm cứng rắn, chủ trương củng cố lực lượng cảnh sát, quản lý chặt các phần tử Hồi giáo cực đoan. Le Monde lưu ý, cho dù Boris Pistorius kêu gọi nên thận trong trong cuộc chiến tranh Ukraine, ông là một trong những nhân vật hiếm hoi trong đảng SPD hồi tháng 5/2022 đã nói rõ "Ukraine phải thắng trong cuộc chiến này".
Xe tăng hạng nặng là ưu thế, nhưng không quyết định chiến trường
La Croix đặt vấn đề "Phương Tây giúp xe tăng hạng nặng cho Ukraine có thể thay đổi thế trận hay không ?". Nhà nghiên cứu Léo Péria-Peigné của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) nhận định việc Hoa Kỳ và Đức viện trợ khoảng 100 xe bọc thép Bradley và Marder rất hữu ích. Cho đến nay bộ binh Ukraine chỉ có thể tấn công với sự yểm trợ của các xe chống mìn được bọc thép rất ít, dẫn đến những thiệt hại đáng kể mà lẽ ra tránh được.
Xe tăng hạng nặng là biểu tượng mạnh mẽ cho một quân đội tân tiến. Về mặt bảo trì, người ta thường nói rằng cứ một xe tăng hoạt động thì một chiếc khác đang bảo dưỡng và một chiếc nữa để lấy phụ tùng thay thế. Như vậy nếu phương Tây giao dưới 50 chiếc chỉ phản tác dụng, vì Ukraine phải mất thời gian lo hậu cần và huấn luyện. Le Monde dẫn lời tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, tướng Valeri Zaloujny, ước tính nhu cầu là 300 xe tăng.
Theo ông Péria-Peigné, xe tăng hạng nặng giúp thêm ưu thế nhưng không phải là yếu tố quyết định. Sẽ không là bước ngoặt, trừ phi phương Tây viện trợ hẳn một sư đoàn thiết giáp : 400 chiếc xe bọc thép, 200 xe tăng và thợ sửa chữa. Trong khi đó khó thể giao được trên 200 xe tăng trong thời gian ngắn. Nếu Nga huy động thêm nửa triệu quân, Ukraine cần một số lượng lớn khẩu pháo, giàn phóng rốc-kết đa nòng Himars và đạn dược.
Đối với nhà nghiên cứu Camille Grand, cựu phó tổng thư ký NATO, động thái này mang ý nghĩa chính trị quan trọng. Phương Tây giúp Kiev không chỉ kháng cự như trong thời kỳ đầu, mà còn giành lại những lãnh thổ bị quân Nga chiếm. Chuyên gia cho rằng lằn ranh đỏ duy nhất là sự hiện diện của quân đội NATO trên đất Ukraine. Vấn đề là trong những tháng tới phương Tây có thể cung cấp dồi dào trong thời gian dài hay không, khi đảng Cộng Hòa nắm Hạ Viện Mỹ còn ở Pháp, các đảng cực hữu và cực tả không ủng hộ.
Nga chuẩn bị tấn công đại quy mô vào Ukraine ?
Về phía Nga, Le Figaro cho biết cựu cố vấn của Vladimir Putin, Andreï Illarionov hiện đang sống tại Washington, trong một cuộc phỏng vấn trên YouTube hôm Chủ nhật đã cảnh báo về "trận đại chiến" mà ông chủ điện Kremlin đang chuẩn bị cho năm 2023. Nói rằng có những nguồn tin khả tín, Illarionov khẳng định Nga đã rút được những bài học về thảm họa của năm 2022, có thể gây bất ngờ qua việc đánh mạnh từ đông bắc, tức là thông qua Belarus ; những tuyến đường tiếp liệu và đường xe lửa huyết mạch nối Lviv của Ukraine với Châu Âu.
Từ 17/09, ngày thông báo động viên, và nhất là từ 15/12, Putin cùng với bộ tham mưu "làm việc 24/24" để hoạch định các chi tiết của chiến lược mới. Hôm 17/12, tổng thống Nga đi thăm bộ chỉ huy chiến dịch đặc biệt rồi đến Minsk "để thanh sát đoàn quân trong trường hợp tấn công từ phía bắc". Cuối tháng 12, ông ta duyệt lại bộ quốc phòng và đầu tháng Giêng đến Luhansk, Donetsk, hiện diện trong lễ hạ thủy chiến hạm Gorshkovle hôm 04/01. Các quân nhân mặc treilli bao quanh Vladimir Putin trong dịp chúc mừng năm mới cũng là dấu hiệu cho chuẩn bị tổng động viên.
Việc bổ nhiệm tổng tham mưu trưởng quân đội Valery Guerassimov chỉ huy chiến dịch Ukraine cho thấy Kremlin muốn tăng tốc. Ba viên phó của Guerassimov phụ trách ba hướng chính của cuộc chiến (đông bắc, đông và nam) là những người giỏi. Nhất là việc tướng Saliukov đến Belarus, với nhiệm vụ "cắt đứt quân đội Ukraine khỏi phương Tây", còn tướng Serguei Surovikine lo duy trì áp lực lên Donbass. Cũng theo Illarionov, Guerassimov nghiên cứu kế hoạch tạo gọng kềm ở miền nam nhằm cắt đường tiếp viện từ phương Tây, bằng cách đưa lực lượng đến Boudjak, phía tây Odessa với sự hỗ trợ của hạm đội ở Novorossiisk. Sau đó đột phá về phía Moldova.
Các nhà chiến lược phương Tây tỏ ra nghi hoặc về những kế hoạch tham vọng như thế, do màn trình diễn thảm hại của quân Nga trong năm 2022. Chuyên gia quân sự Na Uy Katarzyna Zysk cho biết hiện không quan sát thấy một sự tập trung quân nào. Tuy vậy cũng không nên đánh giá thấp : Nga đang rút tỉa kinh nghiệm từ những sai lầm về tình báo, kế hoạch tác chiến, hệ thống chỉ huy. Viện Nghiên cứu Chiến tranh khẳng định năm 2023 Moskva sẽ có "hành động chiến lược quyết định" để thay đổi chiều hướng cuộc chiến. Bà Zysk cho rằng Nga có thể đưa quân số lên 1,5 triệu nhưng thiếu trầm trọng sĩ quan để huấn luyện. Về trang bị, "Nga vẫn còn xe bọc thép, nhưng tình trạng như thế nào ? Đó là cả một ẩn số".
Cựu tổng thống Pháp François Hollande : Putin nói dối không ngượng miệng
Về bản thân tổng thống Nga, trong bài "Cuộc chiến tranh qua cái nhìn của một ‘nhà Putin học’ mang tên François Hollande", Le Figaro chú ý đến việc cựu tổng thống Pháp khẳng định Vladimir Putin "có khả năng nói dối vô hạn định". Ông François Hollande, khách mời nói chuyện thời sự quốc tế trước sinh viên trường đại học Sorbonne, nhận định "sự nói dối trắng trợn đôi khi gây sững sờ, khiến người ta hoang mang tự hỏi phải chăng là sự thật".
Cựu tổng thống Pháp đã nhiều lần tiếp xúc với Vladimir Putin trong nhiệm kỳ 2012-2017, từng thấy Putin thao túng hồ sơ vũ khí hóa học ở Syria và bẻ cong thỏa thuận Minsk có lợi cho Nga. Chính François Hollande, sau nhiều đắn đo, đã hủy hợp đồng bán tàu chở trực thăng Mistral cho Moskva, sau khi Nga chiếm Crimée năm 2014. Nếu không viên ngọc của Hải quân Pháp giờ đây chắc chắn được dùng tấn công Ukraine trên Hắc Hải và biển Azov, Paris sẽ vô cùng khó ăn khó nói.
Ông François Hollande nhớ lại, khi nêu ra công ty lính đánh thuê Wagner, Putin đã vờ ngây thơ : "Wagner nào ? Ông nói về cái gì vậy ?" Năm 2014, ông chủ điện Kremlin khẳng định "không quen phe ly khai", nhưng vào cuối cuộc họp, ông hứa sẽ gọi cho họ - có nghĩa là có sẵn số điện thoại. Theo cựu tổng thống Pháp, cuộc xâm lăng năm 2022 không phải bất thần xảy ra do căng thẳng giữa Nga và Ukraine, mà là cả một tiến trình bắt đầu từ 2014 với ý đồ thay đổi trật tự thế giới. Nếu Moskva thắng, sẽ tiếp tục dòm ngó những nước láng giềng, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ được khuyến khích bành trướng. Ông cảnh báo "Những gì diễn ra ở Ukraine không đơn giản là việc chinh phục lãnh thổ, mà ảnh hưởng đến vận mệnh thế giới".
Thụy My