Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/01/2023

Điểm báo Pháp - Cải cách hưu trí : thử thách của đường phố

RFI tiếng Việt

Cải cách hưu trí : Chính phủ Pháp trước thử thách của đường phố

Thông tin phủ kín trang nhất các tờ báo Pháp hôm nay là cuộc đình công và biểu tình khắp cả nước chống lại dự luật cải cách chế độ hưu trí của chính phủ, trước ngày dự luật này được đưa ra thảo luận tại Quốc hội.

thuthach1

Ga xe lửa Gare du Nord ở thủ đô Paris sáng ngày 19/01/2023, gần như không bóng người do đình công chống dự luật cải tổ hưu trí của chính phủ Pháp. AP - Lewis Joly

Cải cách hưu trí là một dự án chủ chốt và cũng gai góc nhất đã được chuẩn bị từ nhiệm kỳ trước của tổng thống Emmanuel Macron. Điểm qua các tựa chính các báo có thể thấy, Le Monde chạy tựa chính Hưu trí : Macron và bài "trắc nghiệm" huy động", hay Macron trước thử thách của đường phố.  Nhật báo Le Figaro thì chạy tựa : Cải cách hưu trí : Cuộc đọ sức bắt đầu. Còn nhật báo thiên tả Libération thì lưu ý đến phía các nhà tổ chức là các công đoàn, với ghi nhận :  Một cuộc cải cách hưu bổng để đoàn kết các công đoàn. Ở Pháp, có cả chục tổ chức công đoàn từ lớn đến các nhỏ đại diện cho người lao động trong đủ các lĩnh vực, ngành nghề. Mỗi tổ chức có mục tiêu, phương cách đấu tranh riêng. Hiếm khi như lần nầy, các công đoàn có vẻ như đều cùng một hướng là chống đến cùng dư án cải cách hưu trí của chính phủ.

Trong khi đó La Croix, với tựa trang nhất Hưu trí, thử thách của đường phố, nhận xét : Cuộc đình công chống cải cách hưu trí dự báo được rất đông đảo tham gia dù chính phủ cố gắng bảo vệ dự án của mình. Còn nhật báo kinh tế Les Echos đưa hàng tựa chính trang nhất : Hưu trí, hậu trường của cuộc đối đầu, cho thấy các cuộc thương lượng với các đối tác xã hội khó khăn và không thể tìm được thỏa hiệp. Chính phủ quyết tâm đi đến cùng, còn công đoàn cũng không lùi một bước.

Chương trình cải cách hưu trí bao gồm rất nhiều nội dung, nhưng dư luận và người dân Pháp chỉ quan tâm đến điểm mấu chốt là kéo dài tuổi về hưu theo luật định của người lao động từ 62 tuổi hiện nay dần dần đến năm 2030 lên thành 64 tuổi. Các công đoàn và đảng đối lập ngay lập  tức lên án cuộc cải cách là "thô bạo" là "bất công" với người lao động.  Với chính phủ, kéo dài mức tuổi như vậy là tối cần thiết để tránh thâm hụt quỹ hưu trí, hiện đã lên tới con số hàng chục tỷ euro và đây là cải cách công bằng. Nếu không có cải cách này, theo chính phủ, đến năm 2030, quỹ hưu bổng không biết tìm đâu ra 15 tỷ euro thâm hụt, trong khi đến thời điểm đó, tuổi nghỉ hưu theo luật định của người Pháp vẫn còn thấp hơn nhiều nước Châu Âu xung quanh. Chính phủ đã có nhiều cuộc thương lượng tham khảo ý kiến các đảng đối lập và các công đoàn, nhưng bất đồng vẫn không thể san bằng được và hệ quả là cuộc huy động phản kháng ngày hôm nay.

Theo Le Figaro, dự tính con số sẽ có khoảng 600 nghìn người tham gia đình công và 800 nghìn người biểu tình trên cả nước Pháp ngày hôm nay. Những người tham gia phong trào gồm tất cả các ngành lĩnh vực từ khu vực tư nhân đến công.

Các báo đã gọi hôm nay là ngày thứ Năm đen, nguy cơ một phần nước Pháp bị tê liệt trong ngày hôm nay và có thể cả những ngày tiếp theo, nếu chính phủ không lùi bước.  

Nhật báo Le Figaro quan tâm đến một hệ quả khác của cuộc đình công biểu tinh ngày hôm nay. Xã luận của báo nhận thấy, có thể là đa số người dân Pháp không hứng thú gì với việc phải kéo dài thời gian làm việc thêm 2 năm, nhưng họ cũng không sẵn sàng chịu đựng hàng tuần lễ sống trong hỗn loạn của một xã hội bị cuốn vào rối ren. Cuộc sống hàng ngày của họ biến thành một cuộc chạy đua vượt chướng ngại vật, bị phong tỏa…

Theo Le Figaro, "nước Pháp đang bị kẹp giữa gọng kìm của những nhà hoạch định chính sách và các công đoàn, những thành phần không hề  bị ảnh hưởng gì bởi những ngày đình công".

Lúc này, một mặt chính phủ tiếp tục nỗ lực thuyết phục dân chúng về tính chính đáng của cuộc cải cách, mặt khác cũng đang chuẩn bị biện pháp đối phó với khả năng đất nước bị phong tỏa dẫn đến tê liệt các hoạt động, theo ghi nhận của La Croix.

Việt Nam : Chủ tịch nước từ chức, chuyện chưa từng có

Chuyển qua các thời sự ngoài nước Pháp. Nhật  báo công giáo La Croix chú ý đến thời sự chính trị vừa diễn ra ở Việt Nam với bài có tựa đề thông báo ngắn gọn : "Tại Việt Nam, chủ tịch nước từ chức".  La Croix nhận định  việc ông Phúc từ chức  "có ít hậu quả chính trị, chức năng của chủ tịch nước chủ yếu mang tính hình thức. Tuy nhiên, nó làm lộ ra các vấn đề tham nhũng và phản ánh những thay đổi đáng kể trong bộ máy quyền lực" ở Việt Nam.

Vẫn theo La Croix, việc ông Phúc đột ngột rời bỏ chức vụ này " là rất bất thường ở Việt Nam, nơi những thay đổi chính trị được chế độ cộng sản dàn dựng cẩn thận. Về mặt chính thức, Đảng nhận thấy nhà lãnh đạo 68 tuổi này phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của các thành viên trong chính phủ khi ông còn là thủ tướng từ năm 2016 đến năm 2021, trước khi được làm chủ tịch nước, như một phần thưởng cho việc quản lý hiệu quả đại dịch". 

Tờ báo cũng trích dẫn phân tích của một số chuyên gia Pháp xung quanh sự kiện chưa có tiền lệ trong chính trị Việt Nam này. Ông David Camoux, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Pháp (Ceri), cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng tiến hành từ đầu nhiệm kỳ của ông là "lý do chủ yếu để thúc đẩy nhân dân Việt Nam ủng hộ chế độ".  Nhưng theo chuyên gia Benoit de Tréglodé, giám đốc khoa học Viện nghiên cứu Chiến lược trường Quân sự Pháp (Irsem) cuộc chiến chống tham nhũng này "trước hết được dùng để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh : việc ông Phúc bị buộc phải từ chức có nghĩa là bộ Công An, cơ quan rất gần gũi với Trung Quốc, đang nắm lại các vụ việc cấp Nhà nước".

Chuyên gia về Đông Nam Á này nhận định tiếp, việc tổ chức lại bàn cờ chính trị Việt Nam này diễn ra trong hoàn cảnh địa chính trị đặc biệt : " Người ta đang chứng kiến cuộc vận động từ Hoa Kỳ và các nước trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương nhằm cố gắng kéo Việt Nam sang phía chống lại Trung Quốc". Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn duy trì xu hướng xích gần về mặt hệ tư tưởng với Bắc Kinh. "Mục đích của Đảng là duy trì vai trò lãnh đạo, tránh phân hóa tư tưởng trong xã hội Việt Nam và tránh mở cửa rộng quá với phương Tây, đồng thời duy trì quan hệ chặt chẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc", chuyên gia Benoit de Tréglodé phân tích.

Theo La Croix, trong cuộc thanh lọc chống tham nhũng này đang nổi lên một cái tên : Tô Lâm, bộ trưởng Công An, người đang nhăm nhe kế nhiệm Nguyễn Xuân Phúc. Chức chủ tịch nước có lẽ chỉ là một bước đệm trước khi nhắm tới vị  trí tổng bí thư đảng của ông Nguyễn Phú Trọng, nay đã 78 tuổi, sẽ rời khỏi quyền lực khi hết nhiệm kỳ vào năm 2026.

Vỡ mộng về Trung Quốc của Tập Cận Bình

Vẫn là chủ để chính trị liên quan đến  Châu Á, trên trang ý kiến của nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết với tựa đề đáng chú ý : "Nhiệt tình nguội lạnh của một kẻ "lạc quan về Trung Quốc".

Tác giả bài viết là Stephen Roach, một nhà kinh tế học nổi tiếng, đã theo dõi tình hình Trung Quốc và các lãnh đạo nước này từ thập  niên 1990. Ông là người đã từng tin rằng Trung Quốc có thể tránh được cái bẫy của Nhật Bản, trở thành cường quốc số một thế giới. Thế nhưng, từ khi  Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông đã thất vọng hoàn toàn, niềm tin vào một cường quốc kinh tế Trung Quốc phát triển không ngừng đã nguội đi trong nhà kinh tế này.

Tác giả tự nhận từ 25 năm qua, ông là một trong số những người có niềm lạc quan mãnh liệt vào tương lai của Trung Quốc. Quan điểm này của ông là có từ khi xảy ra khủng hoảng tài  chính ở Châu Á năm 1997 và 1998. Khi đó phép lạ kinh tế Đông Á, Nhật Bản bị sụp đổ. Nhiều người cho rằng Trung Quốc cũng sẽ sụp đổ theo. Nhưng kinh tế Trung Quốc đã trụ vững và tăng trưởng mạnh mẽ nhờ có nguồn lực lớn từ bên trong và chính sách cải cách thích ứng có hiệu quả của nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc. Những gì diễn ra ở Trung Quốc khi đó khiến tác giả hết sức lạc quan.

Nhưng mọi sự bắt đầu thay đổi khi đến kỷ nguyên của Tập Cận Bình. Theo Stephen Roach, thời kỳ đầu, nhà lãnh đạo Trung Quốc thuộc thế hệ thứ 5 này dường như cũng theo khuôn mẫu của nhà cải cách Đặng Tiểu Bình. Một loạt các cải cách từ Đại hội Đảng thứ 18 cuối năm 2013 tỏ ra rất khích lệ. Nhưng đến năm 2017,  ở Đại hội 19, Tập Cận Bình bắt đầu sự tụt hậu khi trở lại hệ tư tưởng Mac xít. Đường hướng này ngay sau đó được gọi là "tư tưởng Tập Cận Bình". Hệ quả : Chấm dứt tái cân bằng phát triển kinh tế dựa trên tiêu thụ nội địa. Chiến dịch chống tham nhũng trở thành công cụ loại bỏ đối thủ chính trị và cùng cố quyền lực nhiều hơn là loại bỏ các thành phần tham nhũng ra khỏi Đảng. Đường lối "sức mạnh địa chíến lược" của ông ta đã đoạn tuyệt với chủ trương khiêm nhường "ẩn mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình. Chính việc này đã dẫn đến các xung đột lớn với Hoa Kỳ.

Theo tác giả, năm 2022 là năm thức tỉnh cuối cùng đối với những người lạc quan về Trung Quốc. Chiến thuật đại cường của Tập đã dẫn Trung Quốc dẫn đến quan hệ " đối tác không giới hạn" với Nga, trước cuộc xâm lược Ukraine của Kremlin. Đại hội Đảng lần thứ 20 cũng chỉ là để Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo thêm nhiệm kỳ thứ 3. Ưu tiên của ông ta lại tập trung vào quyền lực cá nhân, an ninh ở thế giới bên ngoài và kiểm soát bên trong nước. Nhũng phép lạ tăng trưởng kinh tế vì thế mà lụi dần.

Tác giả nhận thấy Trung Quốc tuy nhiên đã từng đến gần miền đất hứa. Nền kinh tế của nước này đã từng theo một quỹ đạo phi thường. Tập xuất hiện và phá tan những hứa hẹn và tác giả bài viết cũng thức tỉnh, không còn lạc quan vào Trung Quốc nữa.

Hoa Kỳ : Bang Wyoming cấm xe điện để bảo vệ dầu lửa

Theo trang kinh tế báo Le Figaro, có một điều nghịch lý : Giữa lúc chính quyền Joe Biden nỗ lực triển khai một chương trình khổng lồ "làm xanh" nền kinh tế nhờ vào phát triển xe hơi điện, thì sự chống đối xuất hiện ở bang Wyoming.  Các dân biểu của  bang nằm ở miền Tây nước Mỹ, thiên đường xưa của những chàng cao bồi, muốn loại bỏ xe điện, vì họ cho rằng xe điện sẽ gây hại đến sự phát triển của ngành dầu khí của địa phương. Các thượng nghị sĩ của bang này vừa đề xuất một dự luật đến năm 2035 sẽ cấm hoàn toàn xe điện. Lý do họ đưa ra : Hệ thống rộng lớn đường xá của bang không đáp ứng được yêu cầu có các điểm nạp điện và  phát triển xe điện sẽ gây hại cho nền kinh tế của Wyoming, trong khi ngành công nghiệp dầu lửa đang bảo đảm công ăn việc làm cho hàng nghìn người ở bang này. Đó là chưa kể, nếu phát triển xe điện, bang sẽ phải gánh những chi phí rất tốn kém chăng hạn như để thu hồi tái xử lý các khoáng chất của bình điện. Dự luật của bang Wyoming không chỉ trực diện chống lại kế hoạch bảo vệ khí hậu của chính quyền Biden, mà còn có nguy cơ lan sang các bang khác.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 218 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)