Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/01/2023

Điểm báo Pháp - "Liệu pháp xe tăng" ở Ukraine

RFI tiếng Việt

"Liệu pháp xe tăng" cho cuộc chiến tranh ủy nhiệm của phương Tây ở Ukraine

Chiến xa phương Tây sẽ xuất hiện trên chiến trường Ukraine, đó là sự kiện được tất cả các báo Pháp ra hôm nay bàn luận. Le Monde chạy tựa trang nhất "Ukraine : Đồng minh quyết định giao chiến xa hạng nặng", Le Figaro nhấn mạnh "Phương Tây đưa xe tăng vào cuộc chiến chống lại Nga".

leopard1

Được thiết kế bởi nhà sản xuất Krauss-Maffei của Đức và được chế tạo hàng loạt từ cuối những năm 1970, xe tăng Leopard 2 kết hợp hỏa lực, tính cơ động và khả năng bảo vệ. Wojtek Radwanski Agence France-Presse

Món quà Noël đến trễ nhưng hào phóng

Libération cho rằng món quà Noël đến hơi trễ, nhưng hào phóng hơn người ta tưởng. Berlin chính thức thông báo viện trợ 14 chiếc Leopard II A6, và mở đường cho Ba Lan, Tây Ban Nha, Na Uy chuyển giao mấy chục chiếc nữa cho Ukraine. Vẫn chưa hết, vài giờ sau tổng thống Mỹ Joe Biden loan báo gởi 31 xe tăng M1 Abrams, thuộc loại mới nhất và tân tiến nhất. Ông nói rằng đó không phải là "mối đe dọa tấn công chống lại Nga". Nhưng ai có thể tin được ? Chắc chắn không thể là nhân vật chính Vladimir Putin, người cách đây gần một năm nghĩ rằng sẽ nuốt gọn Ukraine, và giờ đây phải đối mặt với những chiến xa sát thủ được chế tạo để khắc chế xe tăng Nga.

Nhà sản xuất Leopard là Rheinmetall nói rằng có thể nhanh chóng giao 139 chiếc loại I và II đang có sẵn. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh một "bước ngoặt", Kiev nói về "một ngày lịch sử, một trong những thời điểm quyết định cho chiến thắng tương lai". Nhật báo công giáo La Croix cho biết thứ trưởng ngoại giao, cựu đại sứ Ukraine ở Berlin, Andriï Melnyk khi nghe tin đã thốt lên : "Alléluia ! Chúa Giêsu Kitô, tạ ơn Chúa !". Tất nhiên là "liên minh Leopard" khiến Moskva tức tối. Phát ngôn viên Kremlin Dimitri Peskov thề rằng những chiến xa phương Tây "sẽ bị đốt cháy như tất cả những xe tăng khác".

Leopard, khắc tinh của xe tăng Nga

Tướng Pháp Michel Yakovleff khẳng định "Leopard hiệu quả hơn các xe tăng Nga". Đó là loại chiến xa tiêu biểu ở Châu Âu, hiện có 14 quốc gia đang sở hữu, chất lượng hơn hẳn về mặt bảo vệ, cơ động, hỏa lực và thông tin. Leopard tác xạ chính xác ở khoảng cách 4.000 mét khi ở tại chỗ và 2.000-2.500 mét khi đang di chuyển. Chiến xa này có thể chạy nhanh khỏi nơi nguy hiểm, động cơ diesel 1.500 mã lực tiêu thụ ít nhiên liệu hơn Abrams của Mỹ. Tốt nhất là có hẳn một tiểu đoàn gồm 40 đến 50 xe tăng cùng loại.

Tuy nhiên hệ thống thông tin và chỉ huy mỗi nước mỗi khác về tần số, mã hóa... nên tạo phần mềm liên kết giữa 3 kiểu Leopard của 8 nước mất nhiều thời gian. Giao 12 xe tăng, phải kèm theo khoảng năm chục container phụ tùng. Thợ cơ khí có sách hướng dẫn dày bằng cả một ram giấy soạn bằng tiếng Đức hay tiếng Ba Lan, và phải thành thạo phần mềm quản lý để tìm ra món mình cần. Có thể coi như tặng một máy giặt nhưng chưa ráp, và tài liệu chỉ dẫn thì bằng tiếng Hoa.

Xe tăng Leclerc của Pháp nhanh nhẹn hơn Leopard, có thể chiến đấu trong thời tiết lạnh, tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn một chút. Cũng cần phải chi viện 50 chiếc Leclerc mới hiệu quả, tức 1/4 số mà Pháp hiện có. Dây chuyển sản xuất Leclerc đã ngưng hoạt động, có nghĩa là một trung đoàn Pháp sẽ phải... đi bộ trong 20 năm - thời gian để cho ra đời một loại xe tăng Pháp-Đức mới. Khả năng phòng vệ của Pháp sẽ giảm hẳn, nhưng phải đáp ứng yêu cầu khẩn cấp nhất. Nếu Ukraine có thể phản công với 200 xe tăng phương Tây, Nga phải vất vả đối phó, và biết đâu Kiev sẽ giành được chiến thắng. Nhưng trong lúc này, chỉ mới là loan báo. 

Liệu pháp mạnh cho cuộc chiến tranh ủy nhiệm

Trong bài "Ukraine, cuộc chiến ủy nhiệm của phương Tây", Le Figaro ví von, trước một căn bệnh được chẩn đoán quá trễ, phương tiện chữa trị sẽ nặng nề hơn, mang tính xâm lấn hơn và đôi khi rủi ro hơn. Đó là những gì đã diễn ra với cuộc xâm lăng của Nga. Nếu phương Tây xử lý khối u khi vừa mới xuất hiện trong cuộc chiến Gruzia năm 2008 hay Crimea năm 2014, toa thuốc có lẽ không cần đến chiến xa hạng nặng. Nhưng vào thời đó, đa số vẫn thích làm ngơ, cho rằng sẽ khỏi bệnh một cách tự nhiên.

Chiến tranh có những động lực riêng của nó, và cuộc chiến Ukraine đã trượt dần trong 11 tháng qua. Tuy Washington, Berlin, Paris luôn bác bỏ, nhưng nay với các xe tăng hạng nặng, phương Tây đã bước qua một thời kỳ mới, kết thúc giai đoạn đi dây vất vả từ một năm qua. Đối với Hoa Kỳ, đó có nghĩa là duy trì một cam kết lâu dài tại Châu Âu. Với Đức, là sự thay đổi mô hình chính trị-quân sự đã lỗi thời. Và với Pháp, vốn đã khai mào với việc chi viện xe tăng hạng nhẹ AMX, là hồi kết của tình trạng vừa muốn Ukraine chiến thắng nhưng lại e ngại sự bại trận của Nga. Camille Grand, cựu viên chức NATO nay làm việc tại Hội đồng Đối ngoại Châu Âu (ECFR) nhận xét, phương Tây nay đã thấy lời nói cần phải đi đôi với hành động. Không thể nói rằng muốn Ukraine thắng nhưng lại từ chối giúp.

Những lý do dẫn đến bước ngoặt

Điều gì đã khiến các nước thay đổi ý kiến ? Trước hết là nhu cầu của Kiev đã phải thích ứng với đặc tính các cuộc tấn công của Nga. Người Ukraine bằng sự kháng cự anh dũng gây bất ngờ, đã chứng tỏ quyết tâm và khả năng chiến đấu. Tiếp theo là niềm tin - đến trễ tràng đối với một số nước - rằng nếu Ukraine bại trận sẽ dẫn đến hậu quả hết sức nặng nề vừa cho an ninh khu vực, vừa cho tương lai của Liên Hiệp Châu Âu (EU), của các nền dân chủ và luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó là những lằn ranh đỏ của Kremlin không ngừng bị lùi lại, cộng với việc Vladimir Putin không hề có ý định đàm phán dù quân Nga liên tiếp thất bại. Phương Tây hiểu rằng cuộc chiến còn kéo dài. Cuối cùng, cú hãm thắng của Đức và sự thận trọng của Pháp mang lại hình ảnh một Tây Âu đi ngược chiều lịch sử, uy tính chính trị và quân sự lung lay.

Le Figaro trong bài xã luận nhận định, khi nói rằng Ukraine là chiến trường của một cuộc xung đột rộng lớn hơn với phương Tây và NATO, Vladimir Putin đã "cầu được ước thấy". Đức do dự không muốn một mình đấu với Nga, thì nay Washington đã "bảo kê" khi hứa tặng M1 Abrams, có thể mùa thu này mới đến nơi. Từ đây đến đó, những chiếc Leopard từ khắp Châu Âu sẽ lăn bánh xích trên vùng đất sình lầy Donbass.

Nước Đức là trung tâm của giai đoạn mới. Không chỉ vì những chiến xa Leopard của Đức là loại duy nhất có số lượng đủ để đóng vai trò quan trọng trên chiến địa, mà còn vì tại Berlin xu hướng chống lại việc gia tăng quân viện cho Ukraine là mạnh mẽ nhất. Trước áp lực từ khắp nơi kể cả trong liên minh cầm quyền, thủ tướng Olaf Scholz không còn có thể kháng cự. Camille Grand giải thích : "Quyết định của Mỹ, Anh và Pháp được đưa ra để đi kèm hoặc thúc đẩy quyết định của Đức".

Cuộc chiến sẽ đi về đâu ?

Cũng như vào đầu cuộc xâm lăng, các nước Đông Âu dẫn đầu là Ba Lan, Baltic và Phần Lan đóng vai trò tích cực trong giai đoạn mới này, qua việc thúc giục các đồng minh chuyển giao xe tăng hạng nặng. Hoàn toàn không phải là những nước sáng lập, đã sai lầm trong việc đánh giá chế độ Vladimir Putin. Camille Grand cũng cho rằng việc giao Leopard và các xe tăng hạng nặng khác đến hơi chậm. Mất đến hai tháng trời vô ích cho tiến trình, rốt cuộc Đức bị phê phán trong khi đã viện trợ quân sự cho Ukraine rất nhiều.

Theo Le Figaro, dù vậy Paris, Berlin và Washington vẫn không từ bỏ nguyên tắc tránh tham gia cuộc chiến với Nga. Hoa Kỳ vẫn còn bị ám ảnh bởi thất bại ở Iraq và Afghanistan, còn Pháp thì Libya, Mali. Không ai muốn nhận lấy nguy cơ khởi động Đệ tam Thế chiến. Một nguồn tin ngoại giao Pháp nói rằng việc giao xe tăng hạng nặng cho Ukraine không phải là hành động leo thang vì không tác động vào lãnh thổ Nga và cung cấp thiết bị quân sự không phải là "đồng tham chiến".

Nhưng mai đây thì sao, khi từ tối qua Ukraine đã yêu cầu đồng minh cung cấp chiến đấu cơ ? Hà Lan nói rằng sẵn sàng vượt qua ngưỡng mới, và tại Hoa Kỳ đang có tranh luận về việc viện trợ hỏa tiễn tầm xa. Cuộc chiến do Nga khởi động ở Ukraine sẽ còn đi đến đâu ? Không ai có thể trả lời câu hỏi này. Nhưng như chuyên gia về thế giới hậu Liên Xô Anna Colin Lebedev đã nhận định : "Cuộc chiến tranh này dạy cho chúng ta một điều : không nên loại trừ những giả thiết cực đoan, không tự cho rằng Kremlin sẽ không ra một quyết định vì nó thiếu thực tế hoặc đi ngược lại lợi ích của chính họ".

"Đồng tham chiến" ? Nỗi lo không có cơ sở

Về mối quan ngại trở thành bên tham chiến, Libération dẫn lời Olivier Corten, giáo sư luật quốc tế của Đại học Tự do Bỉ, nhấn mạnh dưới cái nhìn về mặt pháp lý, thì những tranh luận kiểu này không nên diễn ra. Nga không có bất kỳ cơ sở pháp luật nào để tấn công các nước viện trợ cho Kiev. Ngược lại, theo luật về chiến tranh, phương Tây buộc phải ngăn chận kẻ tấn công.

Không có văn bản nào nói cụ thể về khái niệm "đồng tham chiến". Các luật gia dựa vào Công ước Genève và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nhất là điều 51 chương VII liên quan đến "hành động trong trường hợp hòa bình bị đe dọa, bị phá vỡ và tấn công". Julia Grignon, giáo sư luật đại học Laval ở Canada cho rằng việc tài trợ, trang bị, hoặc có công dân tham gia chiến đấu với tư cách cá nhân không thể được coi là tham chiến đối với một Nhà nước. Như vậy theo Libération, việc chuyển giao vũ khí và hỗ trợ hậu cần nằm trong khuôn khổ tự vệ tập thể chính đáng.

Chuyên gia Wiktor Stoczkowski, giám đốc nghiên cứu của EHESS (Viện Khoa học Xã hội) trên Le Monde nhấn mạnh "Chiến tranh ở Ukraine là thách thức đối với các nền dân chủ". Dù luật pháp có định nghĩa như thế nào đi nữa, ai cũng biết rằng chiến tranh hiện đại không hạn chế ở những cuộc giao tranh, mà cần cả một hệ thống hậu cần rộng lớn. Nỗi lo trở thành "đồng tham chiến" là thảm hại, khi Nga đã tuyên bố chiến đấu lâu dài với liên minh khoảng 50 nước đang ủng hộ Ukraine. Và bên cạnh Nga là một liên minh khác, vì Belarus, Iran, Bắc Triều Tiên vẫn đang tiếp tay về quân sự.

Cuộc xâm lăng Ukraine trên thực tế đã trở thành đại chiến thế giới

Cũng theo ông Stoczkowski trên Le Monde, cuộc chiến mà chúng ta đang chứng kiến thực chất đã là đại chiến thế giới, lần thứ ba kể từ 1914, cho dù chỉ có người Ukraine phải đổ máu. Một điểm khác biệt nữa : cách đây 80 năm, để chống lại chế độ toàn trị diệt chủng của nước Đức thời Hitler, các nước dân chủ phải hợp tác với chế độ toàn trị diệt chủng của Liên Xô thời Stalin. Ngày nay không còn nỗi xấu hổ này ; Moskva được một nhúm chế độ độc tài ủng hộ tích cực, trong khi phe yểm trợ Ukraine gồm toàn những nước dân chủ. Đó là một cuộc chiến giữa hai chế độ chính trị. Cái gọi là mục tiêu "phi phát-xít hóa" Ukraine do Vladimir Putin đưa ra, trên thực tế nhằm vào "phi dân chủ hóa" Ukraine, có nghĩa là tiêu diệt một nền dân chủ non trẻ, thay vào đó là một chính quyền độc tài thần phục Moskva.

Kết cuộc sẽ cho thấy chế độ chính trị nào có thể chiến thắng trong cuộc đụng độ vừa về quân sự lẫn hậu cần và kinh tế hiện nay. Thất bại của Ukraine sẽ là thất bại của toàn bộ các nền dân chủ, chứng tỏ độc tài có thể thắng được thế giới tự do với điều kiện : quân sự hùng mạnh, vô đạo đức, và dẫm đạp lên luật pháp quốc tế. Tiếp theo, Putin sẽ làm cho Châu Âu bị chia rẽ về chính trị, yếu đi về quân sự, kinh tế lệ thuộc vào dầu khí Nga. Một khi Châu Âu yếu ớt trở thành công viên giải trí cho tài phiệt Nga, Putin và những người kế nhiệm sẽ tha hồ tung hoành ở Cận Đông và Châu Phi.

Hệ quả từ chiến thắng của phe dân chủ cũng mang tính toàn cầu, sẽ thay đổi bộ mặt Châu Âu. Hungary năm 1956, Tiệp Khắc năm 1968, Gruzia năm 2008 đã bị bỏ rơi. Năm 2022, lần đầu tiên phương Tây đoàn kết thành một khối phía sau một đất nước chiến đấu cho dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Nếu Ukraine thắng được cuộc chiến này, sẽ là hồi chuông báo tử cho các chế độ độc tài cuối cùng ở Châu Âu. Ý nghĩa sâu sắc của cuộc chiến là như thế. Một Châu Âu mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn sau chiến tranh Ukraine, có thể hy vọng đến một ngày nào đó bên sườn phía đông không phải là nước Nga bại trận, mà là một nước Nga dân chủ, tự do và thịnh vượng.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 224 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)