Phương Tây giao xe tăng cho Ukraine – thông điệp chính trị gửi tới Nga
Phương Tây giao xe tăng cho Ukraine và tình hình nhập cư ở Pháp là hai trong số những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất trong ngày 27/01/2023.
Abrams M1 xe tăng hạng nặng của Mỹ tại căn cứ quân sự Fort Carson - Colorado Springs, Colorado, Hoa Kỳ. Ảnh ngày 29/11/2022. © AP / Christian Murcock
Trang nhất và xã luận nhật báo Le Monde chú ý đến việc Châu Âu và Hoa Kỳ tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine chống lại Nga.
Khi cam kết cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine hôm 25/01, Châu Âu và Hoa Kỳ rõ ràng đã "tiến thêm một bước" trong việc viện trợ quân sự cho Kiev. Các bên rất vất vả mới tìm được tiếng nói chung, chủ yếu do sự miễn cưỡng ban đầu của Berlin, khiến Washington cũng phải xuống nước hỗ trợ Ukraine, nhưng cam kết này trước hết là một thông điệp chính trị gửi tới Nga.
Ngay cả trước khi Đức và Hoa Kỳ quyết định gửi xe tăng cho Ukraine, tờ báo nhận định rằng đây là hậu quả từ những tính toán sai lầm của tổng thống Putin. Nga vẫn luôn cho rằng phương Tây nhu nhược và không quyết đoán. Mặc dù có bất đồng, các đồng minh của Kiev đã đạt được thỏa thuận trong hồ sơ này.
Trong khi quân đội Ukraine đang ở thế phòng thủ tại Donbass và lo lắng về một cuộc tấn công mới của Nga, trang bị cho quân đội Ukraine những chiếc xe tăng hạng nặng hiệu quả trên trận địa sẽ cho phép Kiev đứng vững trong khi vẫn bảo toàn được lực lượng của mình.
Những "bảo bối" này cũng có thể giúp Kiev tiếp tục phản công giống như hồi mùa thu năm 2022 và đó sẽ là một thảm họa đối với Moskva. Điều mà Ukraine cùng với các đồng minh muốn đạt được là giải phóng nhiều nhất có thể những vùng lãnh thổ bị Nga chinh phục bằng quân sự trong những ngày đầu của cuộc xâm lược.
Phải thừa nhận rằng không một nước nào, bao gồm cả Đức, có thể đoán trước được là vào buổi sáng ngày 24/02/2022, khi số phận của Ukraine như ngàn cân treo sợi tóc, Berlin sẽ chuyển giao cho Kiev những loại vũ khí tinh vi nhất trong kho vũ khí của mình. Nhưng Đức và đồng minh có thể làm khác được không ?
Tăng cường viện trợ cho Ukraine là hệ quả từ những hành động của điện Kremlin trên chiến trường. Trái ngược với cáo buộc của Moskva, hỗ trợ quân sự Ukraine không biến các đồng minh của Kiev trở thành những kẻ hiếu chiến, mà họ chỉ đang bảo vệ lẽ phải, giúp đỡ một quốc gia tự vệ trước những trận oanh kích của quân xâm lược.
Những thất bại mà Nga phải hứng chịu ở Ukraine hầu như chưa làm thay đổi tương quan lực lượng của hai bên. Do vậy, không giúp đỡ Ukraine với tất cả nguồn lực mà cuộc chiến tiêu hao này đòi hỏi sẽ khiến Kiev không sớm thì muộn phải hứng chịu thất bại. Việc gửi xe tăng Leopard và Abrams cho Ukraine ngụ ý rằng các đồng minh phương Tây quyết tâm không để cho điều đó xảy ra.
Hoa Kỳ duy trì đoàn kết với đồng minh
Đứng từ góc độ của Hoa Kỳ, Le Monde nhận định rằng việc Washington chấp nhận gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine không đơn giản chỉ là để hỗ trợ nước này. Về việc gửi xe tăng Abrams, tờ báo cho rằng thể hiện đoàn kết với các đồng minh là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ, quan trọng hơn việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Chính lý do này đã thúc đẩy tổng thống Joe Biden, trái với ý kiến ban đầu của Lầu Năm Góc, chấp nhận chuyển giao 31 chiếc xe tăng Abrams cho Kiev. Nhưng theo một quan chức cấp cao Hoa Kỳ, những thiết bị quân sự này sẽ phải mất vài tháng mới có thể tới được tiền tuyến. Có khả năng chúng sẽ không tới được Ukraine vào năm 2023. Mặt khác, một chương trình đào tạo cho các binh lính Ukraine cần được tiến hành sớm nhất có thể.
Bất chấp những hạn chế nói trên cùng với lịch trình giao xe tăng không tương ứng với mức độ cấp bách của tình hình trên thực địa, Le Monde nhận định đây là một bước ngoặt thực sự sau nhiều tuần cân nhắc về mặt kỹ thuật và vận hành của xe tăng. Suy cho cùng, Hoa Kỳ tiếp viện Abrams cho Ukraine là điều không thể tưởng tượng được mới cách đây vài tháng.
Nga cáo buộc phương Tây trực tiếp tham gia chiến tranh Ukraine
Nhật báo kinh tế Les Echos thì chú ý đến việc Nga cáo buộc phương Tây trực tiếp tham gia vào xung đột ở Ukraine. Moskva đưa ra lập luận này sau khi các nước Châu Âu và Washington quyết định cung cấp xe tăng cho Kiev.
Trong bối cảnh Kiev kêu gọi đồng minh cung cấp cả máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa để có thể tấn công sâu vào các căn cứ quân sự của Nga, Hà Lan gần đây cho biết sẵn sàng cung cấp cho Kiev một số máy bay F-16 của họ. Đây là một chủ đề gây tranh cãi khi phải mất nhiều tháng mới có thể đào tạo một phi công quen lái máy bay Sukhoi lái được máy bay chiến đấu của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các máy bay này sẽ ít có khả năng phải đối đầu với những máy bay Nga vốn ít khi xâm phạm không phận Ukraine.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, chủ đề này sẽ không còn là cấm kỵ và có thể được đưa ra thảo luận trong phiên họp tiếp theo của các đồng minh vào tháng 2 tới tại căn cứ quân sự Ramstein của Mỹ trên lãnh thổ Đức
Nhập cư ở Pháp, chủ đề cấm kỵ
Một số cải cách như cải cách hưu bổng rất khó thực hiện vì vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, thì những cải cách khác dường như có vẻ đơn giản hơn rất nhiều. Nhật báo thiên hữu Le Figaro dành trang nhất và bài xã luận ám chỉ đến những cải cách về nhập cư ở Pháp. Hợp pháp hay bất hợp pháp, tỷ lệ nhập cư ở Pháp lại phá kỷ lục vào năm ngoái, chưa kể đến dòng người di cư ồ ạt từ Ukraine. Từ nhiều thập kỷ qua, chủ đề này luôn gây lo lắng, nhưng vẫn không có gì thay đổi và mọi thứ thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn.
Trong bối cảnh này, gần như có thể khẳng định rằng dự luật về tị nạn và nhập cư được chính phủ trình bày vào mùa xuân tới một lần nữa sẽ không mang lại kết quả gì. Điều đó minh họa cho sự bất lực của chính quyền không dám nhìn thẳng vào sự thật. Để không làm phật lòng những "kẻ đạo đức giả", chính phủ tìm cách hợp pháp hóa những người không có giấy tờ làm trong các ngành nghề thiếu nhân lực, thay vì trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp.
Le Figaro cảm thấy ngao ngán khi nói về nước Pháp, một vùng đất tị nạn đón nhận tất cả những kẻ gặp khó khăn mạt hạng trên hành tinh. Tờ báo nhận định rằng nước Pháp nên lấy cảm hứng từ Đan Mạch để nhìn thấy "chân lý". Trong 20 năm qua, Copenhagen đã quyết định giảm mạnh dòng người di cư và áp dụng chính sách hội nhập rất khắt khe. Giờ đây, Đan Mạch là một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu (EU), của khối Schengen và được cánh tả lãnh đạo. Vậy công thức của họ là gì ? Đơn giản là quyết tâm muốn đất nước tiến bộ.
Pháp rút quân khỏi Burkina Faso
Cũng về thời sự nước Pháp, nhật báo công giáo La Croix dành trang nhất và bài xã luận nói về chủ đề Paris tiếp tục rút quân khỏi khu vực Sahel. Sau Mali, đến lượt Burkina Faso muốn thoát khỏi ảnh hưởng ngoại giao và quân sự của Pháp. Chính quyền Ouagadougou đã xác nhận việc rút lui của 400 binh sĩ thuộc chiến dịch chống khủng bố Sabre, đóng quân ở vùng ngoại ô thủ đô và có phạm vi hoạt động bao trùm toàn bộ khu vực. Hôm qua, Paris tuyên bố triệu hồi đại sứ, một dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa hai bên rất căng thẳng. Burkina Faso muốn đa dạng hóa các đối tác của mình và đặc biệt hướng tới Nga. Pháp ghi nhận điều này và không muốn đổ thêm dầu vào lửa.
Phong trào bài Pháp đang lan rộng trong cộng đồng người dân vùng Sahel, bị ảnh hưởng của tuyên truyền thân Nga. Đây không phải là điều mới mẻ. Vào những năm 1980, cựu tổng thống Burkina Faso Thomas Sankara đã kịch liệt lên án "chủ nghĩa thực dân Pháp". Ngày nay, sự bất an và khủng hoảng kinh tế xã hội đang "nuôi sống" lẫn nhau, và Pháp đóng vai trò vật tế thần, khi các hoạt động quân sự của Paris trên thực tế không mang lại hòa bình cho Burkina Faso.
Tuy nhiên, La Croix nhận định rằng việc Pháp rút quân không phải là giải pháp tối ưu. Tại Mali, Liên Hiệp Quốc lưu ý rằng việc Pháp rút quân khỏi Barkhane vào năm ngoái đã khiến bạo lực ở đó gia tăng. Cả Pháp, Châu Âu và các nước Châu Phi đều không muốn thấy Sahel biến thành một Somalia mới, với các cấu trúc nhà nước bị sụp đổ và sự chia cắt lãnh thổ. Điện Élysée cho biết họ đang chuẩn bị một chiến lược mới cho khu vực. Sẽ cần phải gia tăng an ninh và hỗ trợ phát triển để ngăn không cho tình hình trở nên xấu đi trên khắp Tây Phi.
Làn sóng thứ 9 của Covid-19 đã qua
Về lĩnh vực y tế, La Croix chú ý đến việc Pháp chưa bao giờ có mức độ lây nhiễm Covid-19 thấp như thời điểm hiện tại kể từ mùa hè năm 2020. Theo một ứng dụng theo dõi Covid, trung bình có 4.573 ca dương tính được ghi nhận mỗi ngày, giảm 25% so với tuần trước. Cùng thời điểm này vào năm ngoái, một kỷ lục mới về ca lây nhiễm đã được ghi nhận với hơn 500.000 trường hợp dương tính trong vòng 24 giờ. Giáo sư Antoine Flahault, giám đốc viện Y tế Toàn cầu ở Genève cho rằng làn sóng thứ 9 đã ở phía sau.
Điều khiến các chuyên gia quan tâm là dịch bệnh thuyên giảm vào mùa đông, mùa mà virus rất dễ phát triển. Theo ông Flahault, rất khó đưa ra một kết luận cụ thể. Còn Yannick Simonin, nhà virus học tại đại học Montpellier, thì tin rằng làn sóng thứ 9 này ngắn hơn và ít nguy hiểm hơn phần lớn là nhờ tiêm chủng. Do đó, chúng ta có thể hy vọng rằng các đợt bùng phát dịch trong tương lai cũng sẽ ít dữ dội hơn.
Phan Minh