Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/02/2023

Điểm báo Pháp - Khinh khí cầu gián điệp

RFI tiếng Việt

Khinh khí cầu gián điệp : Hai người khổng lồ Mỹ-Trung so găng

Các báo Pháp hôm 06/02/2023 quan tâm đến việc bắn hạ khinh khí cầu dọ thám trên không phận Hoa Kỳ. Động thái này cho thấy đôi bên đã bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới, trong lúc Tập Cận Bình rất mong tan băng. Một giáo sư trường đại học Bắc Kinh cho rằng từ nay nếu cải thiện được quan hệ Mỹ-Trung lâu dài, sẽ gần như là phép lạ. Có thể Trung Quốc muốn trắc nghiệm khả năng phát hiện và cách xử lý của Mỹ.

giandiep1

Báo chí tiếng Hoa và tiếng Việt bày bán ở khu Chinatown, Los Angeles (Hoa Kỳ) ngày 05/02/2023 viết về vụ khinh khí cầu gián điệp của Trung Quốc. AP - Damian Dovarganes

Chiến tranh lạnh và nguy cơ xung đột nóng

Le Figaro trong bài "Khinh khí cầu dọ thám : Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai gã khổng lồ so găng" nhận định, việc bắn hạ quả cầu gián điệp trên không phận Hoa Kỳ cho thấy đôi bên đã bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Nỗ lực chinh phục ngoại giao của Tập Cận Bình đã như bong bóng xì hơi trên bọt sóng Đại Tây Dương, bị phi cơ tiêm kích Mỹ F22 Raptor tiêu diệt bằng một hỏa tiễn AIM-9X Sidewinder. Kết thúc thảm hại của khinh khí cầu dọ thám Trung Quốc, bị bắn rơi ngoài khơi Nam Carolina sau khi bay qua Bắc Mỹ, theo lệnh của ông Joe Biden, đã đánh gục chiến dịch quyến rũ - được chủ tịch Trung Quốc khởi động từ thượng đỉnh G20 ở Bali hồi tháng 11.

Cuộc khủng hoảng khinh khí cầu cho thấy tính chất khó khăn và sự mong manh của quan hệ Mỹ-Trung - đang căng thẳng nhất kể từ thập niên 60 - khơi dậy bóng ma một cuộc xung đột nóng trong cuộc chiến tranh lạnh mới này. Việc hoãn lại chuyến thăm dự kiến hôm nay của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken làm tắt ngấm hy vọng của Trung Quốc. Giáo sư Thi Ân Hoằng (Shi Yinhong) của đại học Bắc Kinh cho rằng : "Mối quan hệ quá dễ tổn thương để có thể chịu được một cú đòn. Từ nay, nếu cải thiện được lâu dài sẽ gần như là phép lạ".

Khó có việc hai khinh khí cầu cùng bay lạc

Tuy Trung Quốc cố cãi là khinh khí cầu chỉ vô tình trôi sang, nhưng Lầu Năm Góc không thể tin nổi vì vật thể này sau khi bay trên bầu trời Alaska và Canada, đã quay lại bang Montana của Mỹ, nơi có các kho chứa hỏa tiễn nguyên tử đạn đạo liên lục địa LG-30G Minuteman III. Le Figaro cho rằng chuyến du hành của khí cầu chứa đầy thiết bị gián điệp cho thấy quyết tâm thách thức Mỹ, khi Bắc Kinh muốn tăng gấp bốn lần số đầu đạn nguyên tử từ nay đến 2035.

Theo Bắc Kinh, khinh khí cầu thuộc về một công ty tư nhân chỉ dùng vào mục đích khoa học, đã bị lạc sang. Giáo sư Julien de Troullioud de Lanversin, đại học Khoa học Công nghệ Hồng Kông (HKUST) phản bác, nếu vậy đã phải lên tiếng ngay, vả lại còn có quả cầu khác ở Châu Mỹ la-tinh. Khó có việc cả hai khinh khí cầu thương mại hay khí tượng cùng một lúc bay lạc. Chuyên gia Blake Herzinger của American Enterprise Institute cũng không cho rằng đây chỉ là sự cố.

Đôi bên cùng căng thẳng

Hình ảnh hỏa tiễn Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc được Le Figaro cho là tiền lệ nguy hiểm, khi hai đại cường quân sự vẫn đang căng thẳng về Đài Loan và Biển Đông. Dư luận Hoa lục vốn được nuôi dưỡng bằng tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa, tức giận. Tại Washington, đảng Cộng hòa phẫn nộ trước "mối đe dọa Trung Quốc", làm giảm khả năng ngoại giao của Dân Chủ.

Quan hệ Mỹ-Trung đã vượt qua được một số sự kiện, như vụ thả bom trúng đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade năm 1999, vụ va chạm giữa hai chiến đấu cơ ở Hải Nam năm 2003. Hai cuộc khủng hoảng này được dàn xếp nhờ ngoại giao hậu trường, lúc đó Trung Quốc chưa phải là địch thủ số một của Hoa Kỳ. Còn giờ đây hai bên chỉ nói chuyện ở mức tối thiểu, coi bên kia là mối đe dọa cho lợi ích chiến lược của mình.

Tình hình còn có thể căng thẳng hơn trong những tháng tới, khi tân chủ tịch Hạ Viện Kevin McCarthy thăm Đài Loan. Giáo sư Đinh Thụ Phạm (Arthur Ding), đại học Chính trị Đài Bắc cho rằng "Tập Cận Bình biết rằng chiến tranh với Đài Loan nhiều rủi ro, làm phương hại đến tham vọng phục hưng của ông ta". Nhưng theo Le Figaro, rất có thể xảy ra đánh giá sai lầm do thiếu trao đổi thường xuyên với đối thủ.

Trung Quốc muốn trắc nghiệm phản ứng của Mỹ ?

Cũng về sự kiện này, thông tín viên Le Figaro tại New York cho biết theo phía Mỹ, cách phân bua của Trung Quốc không logic, và đặt ra câu hỏi về ý đồ của Bắc Kinh. Chính quyền Joe Biden coi đây là sự chủ ý khiêu khích của Trung Quốc, và xử lý mạnh tay, cho dù chậm trễ. Chiếc khinh khí cầu ở độ cao 19.000 mét đã bay xuyên qua cả Châu lục, trước khi lơ lửng phía trên Đại Tây Dương, cho đến lúc 14 giờ 39 phút thứ Bảy 04/02 mới bị chiến đấu cơ từ căn cứ không Langley (Virginia) bay lên bắn hạ. Về mặt chính thức, nhằm tránh thiệt hại dân sự, nhưng về chính trị để khỏi bị chỉ trích là để yên cho công cụ gián điệp này.

Trước đó đã có ba vụ tương tự, hai trong thời Donald Trump và một trong nhiệm kỳ Joe Biden, nhưng chưa bao giờ ở lâu đến thế (từ ngày 27/01). Đây chỉ là sự kiện mới nhất trong một chuỗi dài những hoạt động xâm nhập của quân đội Trung Quốc, từ khi vệ tinh Mỹ phát hiện một địa điểm sản xuất khinh khí cầu tầng bình lưu tại Tân Cương năm 2020. Trước đó khinh khí cầu Trung Quốc đã xuất hiện tại Nhật Bản tháng 6/2020 rồi tháng 9/2021, tại Ấn Độ tháng 1/2022. Đến ngày 14/02/2022, Mỹ đã cho F-22 xuất kích sau khi có cảnh báo do phát giác một khinh khí cầu phía trên đảo Kauai, nơi chứa các hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa Pacific Missile Range Facility (PMRF). Ngày 20/12/2022, một khinh khí cầu khác lại bay phía trên Philippines. Khi đó Manila, đồng minh thân cận của Washington vừa thỏa thuận về 9 căn cứ Mỹ gần Đài Loan.

Hiện Mỹ đang tổ chức trục vớt ngoài khơi Myrtle Beach trong chu vi 11 km2 để thu thập tối đa những thiết bị từ khinh khí cầu bị bắn hạ, với sự tham gia của FBI, như trong trường hợp máy bay rơi, để biết rõ ý đồ của Bắc Kinh. Ông Julien de Troullioud de Lanversin cho biết, khinh khí cầu bay chậm và thấp hơn vệ tinh, nên có thể chụp được nhiều ảnh dưới nhiều góc độ khác nhau và độ phân giải cao hơn.

Le Monde dẫn một nguồn tin quân sự nói thêm, so với vệ tinh di chuyển mỗi 90 phút, gởi khinh khí cầu gián điệp lên độ cao từ 20 đến 100 kilomet (Higher Airspace Operation – HAO) có ưu điểm là ở yên được lâu hơn, tha hồ quan sát bằng thiết bị sợi quang hay điện từ. Nhất là khoảng không gian này chưa có quy phạm hay thỏa thuận quốc tế nào. Nhưng liệu có ích gì trong bối cảnh khủng hoảng ngoại giao ? Nhà nghiên cứu trên cho rằng ý định thực sự của Trung Quốc là nhằm trắc nghiệm khả năng phát hiện và cách xử lý của Mỹ.

Kiev mong gia nhập EU để không còn sợ bị xâm lăng

Liên quan đến Ukraine, xã luận của Le Monde cho rằng Liên Hiệp Châu Âu (EU) cần tăng tốc để có thể đón nhận Kiev làm thành viên. Việc cựu thủ tướng Anh Boris Johnson, kiến trúc sư Brexit lại đứng ra vận động kết nạp Ukraine vào EU giống như chuyện nằm mơ, nhưng trường hợp Ukraine vượt qua cả nghịch lý. Chuyến đi quan trọng mới đây của các nhà lãnh đạo EU đến thủ đô Kiev đang trong chiến tranh đã tái khẳng định mối liên hệ bền chặt, với sự hiện diện của 15 ủy viên và 50 tỉ euro viện trợ từ một năm qua. Nhưng người Ukraine không chỉ muốn thắng cuộc chiến do Nga khởi sự, họ muốn không còn lo sợ bị xâm lăng !

Theo tờ báo, ý định hướng về Châu Âu của Ukraine không phải mới đây. Chính vì cựu tổng thống Viktor Ianoukovitch từ chối ký kết dưới áp lực của Moskva nên mới có cuộc cách mạng Maidan năm 2013. Ông ta bị lật đổ, chạy trốn qua Nga, Vladimir Putin bèn trả đũa bằng việc chiếm Crimea và can thiệp vào Donbass. Người Ukraine đã phải trả giá cho ý định gia nhập Liên Hiệp Châu Âu từ 10 năm qua.

Tiến trình kết nạp rất phức tạp nên các nhà lãnh đạo EU từ chối đưa ra lịch trình cụ thể. Tuy nhiên cũng không thực tế nếu cứ để việc này mãi mù mờ. Le Monde cho rằng EU cần hỗ trợ Kiev trong công cuộc chống tham nhũng, hủy bỏ hệ thống tài phiệt và cải cách tư pháp. Bối cảnh đặc thù của Ukraine cần phải có nhịp độ đặc thù.

Israel có thể trao cho Ukraine hệ thống lá chắn "Vòm Sắt" ?

Về cuộc chiến ở Ukraine, Les Echos cho biết "Israel có thể quyết định hỗ trợ quân sự cho Kiev". Từ đầu cuộc xâm lăng, Israel vẫn viện trợ nhân đạo, nhưng tránh chuyển giao vũ khí. Việc Iran đứng về phía Nga, dấn sâu vào cuộc xung đột dường như làm thay đổi tình thế. Trong thời chiến, khó thể không chọn phe, nhưng đó là điều mà Israel vẫn cố gắng thực hiện. Tình trạng này có thể diễn biến khác đi.

Nhân chuyến thăm Pháp và hội đàm với tổng thống Emmanuel Macron thứ Năm tuần trước, thủ tướng Benyamin Netanyahu khi trả lời đài LCI đã cho biết ông "cân nhắc" khả năng cung ứng vũ khí cho Ukraine, nhất là hệ thống lá chắn chống hỏa tiễn Vòm Sắt, và giữ khoảng cách với Vladimir Putin. Ông Netanyahu cũng thận trọng nói rằng không có hứa hẹn cụ thể nào, nhấn mạnh nước ông không muốn đối đầu trực tiếp với Nga - quốc gia mà cho đến nay Israel vẫn chia sẻ không phận ở Syria để phá hủy các vị trí quân sự của Iran tại đây. Israel linh hoạt hơn vì bối cảnh đã thay đổi.

Trước hết, Nga sử dụng các drone của Iran tại Ukraine ; tiếp đến, viễn cảnh hiệp ước nguyên tử Iran hiện không được bàn đến ; và cuối cùng, Nga ít hiện diện ở Syria hơn trước. Moskva buộc phải đưa một số lực lượng không quân và binh lính từ Syria sang chiến trường Ukraine. Chuyên gia David Khalfa của Quỹ Jean-Jaurès nhấn mạnh đến hệ quả : "Nga không thể mở thêm mặt trận thứ hai ở Syria chống lại Israel". Và "Sự can thiệp của Iran vào một cuộc chiến tranh ở Châu Âu là một bước ngoặt chiến lược, phân bố lại bàn cờ, giúp ông Netanyahu có thể hy vọng củng cố một mặt trận chống Iran". 

Benyamin Netanyahu nói rằng tổng thống Emmanuel Macron cũng có cùng quan điểm là cần phải có biện pháp chung để ngăn cản Iran chế tạo bom nguyên tử. Mối đe dọa sống còn đối với Israel, nay cũng hiển hiện hơn với Châu Âu. Trên thực tế, quan hệ quân sự giữa Israel và Ukraine dần dà đã âm thầm siết chặt lại. Cuối tháng 11/2022, một đoàn đại biểu quân đội Ukraine đã sang thăm Israel, và khoảng 100 cựu quân nhân Israel đào tạo cho Ukraine về chiến tranh đô thị. Tel Aviv cung cấp tin tức về các drone Iran cũng như ảnh vệ tinh về các vị trí đóng quân của Nga, và Mỹ đã lấy 150.000 quả đạn trong kho ở Israel để tặng cho Ukraine.

Covid : Người dân Trung Quốc cố kéo cha mẹ ra khỏi móng vuốt thần chết

Quay lại với Trung Quốc, Les Echos có bài phỏng vấn độc quyền nhà văn Phương Phương (Fang Fang), tác giả Nhật ký Vũ Hán ghi lại cuộc sống, sự chết chóc, tình trạng hỗn loạn tại Vũ Hán, đô thị đầu tiên trên thế giới bị phong tỏa vì đại dịch Covid. Cuốn nhật ký trên mạng được nhiều triệu người đọc ở Hoa lục trước khi xuất bản tại phương Tây, khiến nhà văn bị cáo buộc là "phản quốc".

Ngay từ đầu, bà Phương Phương đã tỏ ra hoài nghi về các biện pháp "diệt trừ" con virus, khi nhớ lại phong trào "Đả ma tước vận động" do Mao phát động hồi thế kỷ trước nhằm tiêu diệt bốn loài là chim sẻ, ruồi, muỗi, chuột. Lúc đó còn ở tuổi thiếu niên, bà đã tham gia chiến dịch diệt ruồi nhưng đến nay những loại này vẫn không biến mất. Hai năm đầu "zero Covid" người dân còn chịu đựng được, đến năm thứ ba thì ngày nào cũng bị xét nghiệm, liên tục có những khu phố, thành phố bị phong tỏa, bệnh viện và nhà thuốc không được bán thuốc cảm. Nhà văn hiểu rằng chủ trương này không thể kéo dài.

Sau khi Bắc Kinh đột ngột dỡ bỏ phong tỏa, từ một tháng qua, ngày nào bà cũng đọc được cáo phó, hoặc được trực tiếp báo tin : nhiều người chết vì không có thuốc. Một câu nói được chia sẻ rộng rãi trên internet : "Trên toàn Trung Quốc, người dân phải chiến đấu để kéo cha mẹ ra khỏi móng vuốt của thần chết". Nhà văn cho biết cuộc sống của bà vẫn bình thường, nhưng bà không được tham gia bất kỳ sự kiện văn chương nào tại Hoa lục, không được đăng báo, ra sách, kể cả tái bản những tác phẩm cũ. Đó là một sự trừng phạt khủng khiếp đối với người viết văn.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 256 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)