Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

07/02/2023

Điểm báo Pháp - Ngôi sao quần vợt quốc tế" nay là chiến sĩ

RFI tiếng Việt

Ukraine : Ngôi sao quần vợt quốc tế trở về nước chiến đấu ở Bakhmut

Đặc phái viên Le Figaro thuật lại tình hình "Ở mặt trận gần Bakhmut, với một ngôi sao quần vợt quốc tế" nay là chiến sĩ. Sergiy Stakhovsky, cựu vận động viên tennis từng gây khó khăn cho Roger Federer, đã thay cây vợt bằng khẩu súng AR-15 để tham gia bảo vệ tổ quốc.

UKRAINE-RUSSIA-CONFLICT-ARMY-SPORT-TENNIS

Cựu ngôi sao quần vợt người Ukraine Sergiy Stakhovsky. AFP – Sergei Supinsky

Từ tay vợt thứ 31 thế giới đến chiến binh vô danh

Đơn vị của anh đã rời Bakhmut cách đây sáu ngày để triển khai cách đó vài cây số về phía tây. Gọi là "tiểu đoàn", nhưng thực ra chỉ là một nhóm khoảng 20 người, hỗ trợ cho lữ đoàn phản ứng nhanh số 4 của Vệ binh Quốc gia ở tiền phương - đang phải chịu đựng những đợt tấn công dồn dập của quân Nga ở ngoại ô Bakhmut.

Stakhovsky thổ lộ, những tuần lễ gần đây, tình hình đột ngột xấu đi. Họ đã mất vài vị trí ở gần Soledar, do lực lượng ít ỏi và cũng do thiếu kinh nghiệm. Nếu quân Nga tiếp tục tấn công với cường độ dữ dội như hiện nay, họ không biết sẽ giữ được bao lâu. Nhưng với số lượng lính Nga tử trận mỗi ngày, cũng không thể biết Nga kéo dài được đến đâu.

Cách đây một năm, Sergiy Stakhovsky, tay vợt tennis thứ 31 thế giới, có lần đánh bại huyền thoại Roger Federer ở giải Wimbledon năm 2013, chuẩn bị gác vợt để trở thành nhà sản xuất rượu vang. Nhưng ngày 24/02, khi những đợt hỏa tiễn đầu tiên ập xuống Kiev, Kharkiv, Mariupol và Odessa, người đã nhiều lần tranh Cúp Davis dưới lá cờ hai màu xanh vàng đã có quyết định khác. Stakhovsky từ Dubai ghé qua Budapest, nơi anh cư ngụ với vợ và ba con, rồi đến Bratislava lấy một chiếc áo giáp, và lên đường đến Ukraine. Dòng người và xe chạy loạn trên đường càng củng cố thêm quyết tâm kháng chiến của anh.

Thiếu đạn, mỗi khẩu moọc-chê không được bắn quá ba phát

Stakhovsky lần lượt tham gia vào nhiều lữ đoàn tư nhân do các doanh nhân tài trợ để giúp sức cho đất nước, rồi xin vào lực lượng đặc biệt, và đến tháng Chín gia nhập đơn vị hiện nay. Nhóm cơ động này chuyên quấy nhiễu quân Nga bằng những phát mortier 82 ly và 120 ly, để chận bước tiến của địch ở tây nam Bakhmut. Họ nhận lệnh và đạn dược từ quân đội chính quy.

Dù có phương Tây giúp sức, các quân nhân Ukraine vẫn thiếu nhiều vũ khí và nhất là đạn. Sergiy Stakhovsky cho biết đơn vị anh chỉ có thể bắn ba quả đạn một ngày cho mỗi khẩu súng. Để tránh lãng phí, họ được lệnh không nhắm vào những vị trí có dưới ba lính Nga. Dù tình hình ngày càng khó khăn, cựu vận động viên khẳng định sẽ chiến đấu lâu dài để đuổi quân xâm lược khỏi bờ cõi, nhất là khi đã nhìn thấy những gia đình tìm kiếm trong tuyệt vọng xác người thân ở Bucha.

Bakhmut, mặt trận ác liệt nhất

Cũng tại Bakhmut, đặc phái viên Le Monde tả lại cuộc chiến dữ dội để bảo vệ thành phố thuộc vùng Donbass - đã trở thành biểu tượng cho cuộc chiến tranh. Nhà báo Pháp nhìn thấy một xe tăng Nga bắn những phát đại bác. Một thượng sĩ của lữ đoàn đặc biệt 518 mang tên "Ivan Bohun" - người hùng cô-dắc thế kỷ 17 - giải thích, quân Nga bắn vào những bãi mìn để mở ra một hành lang, sau đó bộ binh tiến lên. Và đúng là sau đó những loạt súng tự động nổ ran.

Người hạ sĩ quan trên nói thêm, đợt tấn công đầu tiên là lính đánh thuê Wagner và tân binh, những "bia đỡ đạn" này thường bị giết chết hầu hết. Đợt thứ hai là những lính Nga có kinh nghiệm. Trong mùa đông, quân Nga tăng cường thêm xe tăng, lính dù, tấn công dài theo toàn tuyến.

Các chiến binh Ukraine đều kiệt sức sau những trận đánh không kể ngày đêm, họ không còn khái niệm về thời gian. Điều an ủi cho người chỉ huy đơn vị là theo báo cáo của tình báo, một địch quân bị bắn hạ hôm trước được phía Nga cố lấy xác bằng mọi giá, mất cả một xe bọc thép, là một sĩ quan cao cấp chỉ huy đại đội. Nhờ đó trận giao tranh tạm ngưng, họ được nghỉ ngơi 12 tiếng đồng hồ. Cũng theo báo cáo, đại đội này có 250 lính, sau trận đánh chỉ còn 60. Người chỉ huy tiểu đoàn "Dnipro-1" mỉa mai, quân Nga hy sinh cả ngàn người và khi tiến được 500 mét, họ rêu rao "thắng lớn".

Brexit : Dân Anh hối tiếc

Vẫn ở Châu Âu, xã luận của Le Monde nói về "Anh quốc vào thời Bregret", nuối tiếc đã chọn lựa "Brexit" - ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU). Ba năm đã trôi qua, nay có đến 57% người Anh muốn quay lại. Cựu thủ tướng Boris Johnson lâu nay vẫn cho rằng Covid là nguyên nhân khiến kinh tế nước Anh đi xuống, nhưng nay không còn có thể đổ cho con virus. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố dự báo : trong số những nền kinh tế quan trọng trên thế giới, Anh quốc là nước duy nhất bị suy thoái trong năm 2023.

Khi tái lập việc kiểm soát hải quan, Brexit gây trở ngại cho trao đổi với đối tác chính là EU khiến thương mại giảm mất 15%, chuỗi cung ứng rối loạn, đầu tư chậm lại. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu lao động, lạm phát tăng, đình công liên tục diễn ra. Dấu hiệu cho thấy thời thế đã thay đổi : người Anh sáng tạo ra chữ mới "rejoiner" để chỉ những người muốn quay lại với EU.

Khinh khí cầu gián điệp khiến công luận Mỹ nhìn rõ mối đe dọa Trung Quốc

Về quan hệ Mỹ-Trung, chuyên gia Bruno Tertrais của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược trên Libération nhận thấy "Đối với công luận Mỹ, vụ khinh khí cầu đã cụ thể hóa "mối đe dọa Trung Quốc". Theo ông Tertrais, Mỹ không thể không bắn hạ khí cầu trên vì phải cho Bắc Kinh thấy là không thể thách thức Hoa Kỳ theo kiểu này, đồng thời để phe Cộng hòa không có lý do tố cáo ông Joe Biden là nhu nhược. Những khinh khí cầu tân tiến bổ sung cho vệ tinh vì có thể mang theo những thiết bị nặng và ở yên phía trên mục tiêu lâu hơn, gần hơn, ghi được những liên lạc mà vệ tinh không thu được.

Tại sao lại gởi đi một thiết bị gián điệp như vậy, chỉ vài ngày trước chuyến công du quan trọng của ngoại trưởng Mỹ ? Ông Bruno Tertrais cho rằng đây là câu hỏi chính. Khó thể coi là một sự trùng hợp, vả lại Trung Quốc vẫn có thói khiêu khích trước những sự kiện ngoại giao lớn như cho thử nguyên tử, thử hỏa tiễn tầm xa, oanh tạc cơ tân tiến... Tuy nhiên, ông không nghĩ rằng Bắc Kinh muốn phá hoại chuyến thăm, mà có thể đã vô tình đi quá xa. Cũng như vụ Sputnik của Liên Xô, vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới đã bay trên lãnh thổ Hoa Kỳ năm 1957, sự kiện này có thể là nhân tố chính của một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Phiên tòa xử 47 nhà đối lập Hồng Kông

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde  Les Echos chú ý đến sự kiện hầu như tất cả các nhà đối lập Hồng Kông đều phải ra trước vành móng ngựa từ hôm qua. Bốn mươi bảy nhà hoạt động dân chủ, trong đó hai phần ba bị giam giữ từ hai năm qua, bị cáo buộc "âm mưu nổi dậy" vì đã tham gia vào cuộc bầu cử sơ bộ hồi tháng 7/2020.

Gần phân nửa những khuôn mặt trước tòa là những cột trụ trong đời sống chính trị Hồng Kông, từ thủ lãnh các đảng, dân biểu kỳ cựu như Đái Diệu Đình (Benny Tai), Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo), Âu Nặc Hiên (Au Nok Hin), Lương Quốc Hùng (Leung Kwok Hung) cho đến những người trẻ từ cuộc Cách mạng Dù, cuộc nổi dậy chống luật dẫn độ như Hoàng Chi Phong.

Luật sư Dennis Kwok, cựu dân biểu cho rằng đây là vụ đàn áp chính trị, một trò đùa theo mọi nghĩa. Peter Stano, phát ngôn viên Ủy ban Châu Âu nhận thấy đây là vụ án lớn nhất trong khuôn khổ luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt. Các bị cáo có thể lãnh án đến chung thân, theo đạo luật được đặt ra để bóp nghẹt mọi dạng thức phản kháng. Phiên tòa kéo dài 90 ngày, bên công tố sẽ phải cố chứng tỏ việc tổ chức bầu cử sơ bộ là nhằm lật đổ trưởng đặc khu, như vậy là hành động nổi dậy - một lý lẽ mà theo các luật gia là khó đứng vững.

Sự kiện rất được chờ đợi là phiên tòa dành cho nhà tỉ phú truyền thông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), chủ báo Apple Daily đã bị đóng cửa. Ông bị cáo buộc là thông đồng với nước ngoài, do đã yêu cầu quốc tế trừng phạt Hồng Kông và Trung Quốc. Lẽ ra phiên xử đã diễn ra hồi tháng 12/2022 nhưng bị dời lại vì chính quyền Hồng Kông nhờ Bắc Kinh cấm một luật sư Anh đại diện cho ông. Trong ngày khai mạc phiên tòa 47 nhà hoạt động, nhiều nước trong đó có Pháp đã gởi đại diện lãnh sự đến dự khán.

Trí thông minh nhân tạo : Ai hưởng lợi ?

Trên lãnh vực khoa học, Les Echos đánh giá từ khi ChatGPT bắt đầu được đưa vào hoạt động ngày 18/11/2022, thế giới sững sờ nhận thấy trí thông minh nhân tạo (AI) cần phải được xếp vào hàng những phát minh công nghệ lớn nhất xưa nay như điện, động cơ nổ... AI có thể được sử dụng trong nhiều sản phẩm và dịch vụ, từ đơn giản như ra lệnh miệng cho máy pha cà phê, đến máy công cụ, máy nông nghiệp tự động. Một cơ quan nghiên cứu ước tính thị trường của trí thông minh nhân tạo vào năm 2030 lên đến 15.000 tỉ đô la. Đó là một cuộc cách mạng chỉ xảy ra một, hai lần trong thế kỷ.

Các chuyên gia vi tính có thể dùng ChatGPT để lập trình, chỉnh sửa những ứng dụng phức tạp nhất, giúp nhanh chóng số hóa nhiều lãnh vực. Bên cạnh đó là việc lập mô hình tài chánh, quy trình sản xuất, dịch trực tiếp... chưa kể những viễn cảnh đầy hứa hẹn trong giáo dục và y tế. Nhưng bên cạnh đó còn có nỗi sợ trí thông minh nhân tạo chiếm mất việc của con người, dự báo có 15 triệu chỗ làm ở Hoa Kỳ bị đe dọa.

Tuy nhiên, theo Les Echos, vấn đề chính là lợi nhuận từ hiệu quả mà AI tạo ra có được tái phân phối hay không. Bởi vì trong kỷ nguyên công nghiệp hóa trước đây, trước khi các phong trào nghiệp đoàn và những quy định giúp cho giai cấp trung lưu phát triển mạnh mẽ, một thời gian dài các nhà tài phiệt đã thủ lợi đầy túi.

Đình công, động đất : Hai sự kiện chiếm trang nhất báo Pháp

Hôm nay các nghiệp đoàn tiếp tục đình công đến lần thứ ba để chống lại kế hoạch cải cách chế độ hưu trí của chính phủ Pháp, nhưng hai trận động đất 7,8 và 7,5 độ Richter làm ít nhất 5.000 người chết là thời sự được đề cập đến nhiều nhất. Le Monde ra từ chiều hôm trước nhấn mạnh "Tuần lễ quyết định cho cải cách hưu trí" nhưng cũng kịp đăng ảnh về thảm họa trên trang nhất. Tương tự, Le Figaro chạy tựa chính "Những nhượng bộ của thủ tướng Elisabeth Borne không xoa dịu được Quốc hội", nhưng ảnh trang nhất là cảnh cứu người bị nạn.

La Croix đăng ảnh một người cha ôm con chạy tìm chỗ trú, với dòng tít "Thổ Nhĩ Kỳ và Syria : Lời kêu gọi giúp đỡ". Trang nhất Libération là hình ảnh những người cứu hộ hối hả đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường, với tòa nhà sụp đổ phía sau, chạy tựa "Động đất ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ : Bi kịch". Riêng nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến "Renault và Nissan cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận". Ở trang trong, tất cả các báo đều có bài tường thuật cụ thể về thảm họa này, bên cạnh chiến sự Ukraine.

Thiên tai và tình người trong hoạn nạn

Libération tự hỏi, còn bao nhiêu người đang bị vùi dưới đống đổ nát ? Có thể hàng ngàn người, vì chưa đánh giá nổi tầm cỡ của thảm họa. Vào lúc 4 giờ 17 phút sáng thứ Hai, trận động đất đầu tiên 7,8 độ Richter xảy ra ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Syria, mạnh đến nỗi Greenland ở cách tâm chấn trên 5.000 kilomet còn ghi nhận được.

Hàng ngàn căn nhà, hàng trăm tòa nhà thi nhau sụp đổ, khiến rất nhiều người bị mắc kẹt ngay trong đêm. Tiếp theo là cả trăm dư chấn, và trận động đất thứ hai 7,5 độ Richter gây thêm khó khăn cho việc cứu hộ. Ở bên kia biên giới là nơi cư ngụ tạm bợ của hàng ngàn người tị nạn Syria, các nhà báo Libération ghi nhận sự khốn khổ của những con người phải chịu đựng hết giặc giã lại đến thiên tai. 

La Croix nhận định, trận địa chấn này là một trong những trận thảm khốc nhất từ 20 năm qua. Những gương mặt hoảng loạn, những khối bê-tông bị xé rời, những đống đổ nát nhìn thấy từ không ảnh, chỉ mới vài giờ trước là nhà cửa, làng mạc. Một cư dân Aleppo cho biết tình hình còn tệ hại hơn bao năm dưới bom đạn chiến tranh.

Trong hoàn cảnh đó, những xung đột đã được gác sang một bên. Israel gởi viện trợ khẩn cấp cho Syria, trong khi Damascus chưa bao giờ chịu công nhận Nhà nước Do Thái. Những đội cứu hộ từ khắp nơi đổ đến, từ Châu Âu hay Ấn Độ, Iran, Mỹ, Nga... để tìm kiếm nạn nhân trong giá lạnh và tuyết. Tình tương thân tương ái đã vượt qua sự ích kỷ quốc gia, chứng tỏ cộng đồng quốc tế không chỉ đơn thuần là một khái niệm.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 136 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)