Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

14/02/2023

Điểm báo Pháp - Các vật thể bay trên bầu trời Bắc Mỹ

RFI tiếng Việt

Bí ẩn chưa có lời giải đáp về các vật thể bay trên bầu trời Bắc Mỹ

Nhiều báo Pháp số ra hôm 14/02/2023 tiếp tục chú ý đến các vật thể bay không xác định (UFO) bị bắn hạ gần đây trên không phận Hoa Kỳ và Canada.  

vatthebay1

Ảnh do Chad Fish cung cấp : Khinh khí cầu trên bầu trời vùng Đại Tây Dương, ngoài khơi bang South Carolina, Hoa Kỳ, ngày 04/02/2023. AP - Chad Fish

Theo Le Figaro, vào thứ Sáu tuần trước, một vật thể bay được phát hiện ở Alaska. Thứ Bảy, một vật thể khác được phát hiện ở Yukon, thuộc không phận Canada. Trong cùng ngày hôm đó, một UFO khác bay trên bầu trời bang Montana ở Hoa Kỳ. Lầu Năm Góc cho biết các UFO này không phải là mối đe dọa quân sự nhưng có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của các chuyến bay dân sự. Các quan chức Hoa Kỳ hiện vẫn chưa có lý giải hay thông tin chi tiết về các vật thể bay này và cho biết chúng nhỏ hơn các quả khinh khí cầu của Trung Quốc "bay lạc" vào không phận Hoa Kỳ hồi đầu tháng Hai. Washington cũng không trực tiếp cáo buộc các UFO này là của Trung Quốc. Nhật báo thiên hữu cho rằng hiếm khi mà chính quyền Biden và Lầu Năm Góc không đưa thông tin giải thích về vụ việc.   

Les Echos trích dẫn thông tin từ Nhà Trắng cho biết các vật thể bay này không có hệ thống lực đẩy hay điều khiển hướng bay. Từ 20 năm qua, Hoa Kỳ đã ghi nhận 520 vật thể bay không xác định. La Croix trích dẫn một báo cáo vào năm 2021 của Lầu Năm Góc cố làm sáng tỏ 130 vật thể bay không xác định xuất hiện trên bầu trời Hoa Kỳ từ năm 2004. Theo báo cáo, không loại trừ trường hợp những vật thể bay này có liên quan đến các công nghệ được triển khai bởi Trung Quốc, Nga, hay một quốc gia khác, hoặc bởi một tổ chức phi nhà nước nào đó. Khi được hỏi về khả năng các vật thể bay này đến từ hành tinh khác, lãnh đạo Không Quân Hoa Kỳ không loại trừ, trong khi Nhà Trắng lại bác bỏ khả năng này.  

Viện trợ cho Syria ra sao ?  

Hậu quả của cuộc động đất chết chóc khiến ít nhất hơn 35 000 người thiệt mạng tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục được các các báo Pháp quan tâm.  

Libération Le Monde đề cập đến tình hình hỗ trợ những nạn nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cái lạnh giá của băng tuyết mùa đông, hơn 1 triệu người mất nhà mất cửa đang ở trong những chiếc lều tạm bợ. Theo Le Monde, ở một số nơi, điều kiện vệ sinh không được bảo đảm. Giới chuyên gia y tế lo ngại về sự xuất hiện của các dịch bệnh như sởi hay viêm gan A. Phóng sự của Libération nói đến công tác cứu hộ ở Antioche, thành phố giáp biên giới Syria.   

Theo nhật báo thiên tả, vào cuối tuần vừa qua, Syria đã mở đường cho phép đội cứu hộ và viện trợ nhân đạo tiếp cận toàn bộ lãnh thổ Syria, bao gồm cả vùng do quân nổi loạn chiếm đóng. Hôm qua, 13/02, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã họp kín để thảo luận về vấn đề Syria. Trong mục tranh luận, báo La Croix đặt câu hỏi: liệu chúng ta có thể giúp đỡ Syria mà không củng cố sức mạnh của chính quyền Bachar al-Assad ? Giáo sư Ziad Majed, giám đốc nghiên cứu về Trung Đông tại Đại học Mỹ ở Paris (l’Université américaine de Paris), cho rằng viện trợ nhân đạo không nhất thiết phải cần có trao đổi ngoại giao giữa các chính phủ với chính quyền Damascus.  

Các tổ chức phi chính phủ hoặc Liên Hiệp Quốc có thể đứng ra làm cầu nối cho các quốc gia muốn hỗ trợ Syria. Chính quyền Damascus trên thực tế đang tận dụng thảm họa chết chóc này để bình thường hóa quan hệ với một số nước. Damascus đổ lỗi cho các trừng phạt quốc tế khiến hỗ trợ nhân đạo chậm trễ là hoàn toàn sai, vì các trừng phạt mà Damascus bị áp đặt không bao gồm các viện trợ về y tế hay lương thực.  

Về phần mình, đại diện của tổ chức phi chính phủ Mehad, ông Raphaël Pitti, giảng viên về y tế khẩn và khủng hoảng, cho rằng nếu không có sự đồng thuận từ chính phủ Syria thì khó có thể trợ giúp nhân đạo. Hiện lối vào Syria duy nhất là hành lang nhân đạo Bab Al-Hawa, phía bắc Syria. Trước vụ động đất, chính quyền Damascus đã không ngừng tấn công vào quân nổi loạn ở phía bắc nước này. Điều kiện sống của người dân tại nơi đây thậm chí còn tồi tệ hơn thời chiến : khủng hoảng kinh tế, các cơ sở hạ tầng bị phá hủy, không có việc làm, nạn buôn ma túy hoành hành.

Tại Idlib, một thành phố ở khu vực này, hơn 11 000 người bị thương sau vụ động đất, nhưng không có thiết bị y tế hỗ trợ thăm khám hay chữa trị. Ông Pitti nhấn mạnh viện trợ từ phương Tây là rất cần thiết trong thời điểm này tại Syria, nhưng dường như tất cả viện trợ đều đổ về Thổ Nhĩ Kỳ. Sắp tới, một cuộc họp sẽ được tổ chức tại Bruxelles để thảo luận về việc tái thiết Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng còn Syria thì sao?  

Trong mục ý kiến của báo Le Figaro, cây bút Renaud Girard phân tích những bất cập của trừng phạt, chẳng những không hiệu quả mà chỉ khiến người dân của Syria lầm than. Từ 2011, Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt trên diện rộng nhằm cô lập Syria do các cuộc đàn áp thường dân của chế độ. Các trừng phạt này khiến cho 90% dân Syria sống dưới ngưỡng nghèo đói, ngăn cản tất cả các tài trợ về kinh tế nhằm tái thiết nước này. Theo tờ báo thiên hữu, các loạt trừng phạt với quy mô này không những vô nhân đạo mà còn không có tác dụng, không hề tác động đến các đàm phán giữa chính quyền Damascus và quân phản loạn. Le Figaro kết luận về một nghịch lý đáng buồn: các trừng phạt này tưởng sẽ đem lại hạnh phúc của người dân Syria, ai ngờ chỉ khiến họ thêm khổ đau. "Bom đạn giết người và các trừng phạt cũng vậy" !  

Phòng thí nghiệm drone ở Ukraine  

Về chiến tranh Ukraine, nếu như Le Monde đề cập đến khả năng của Liên Hiệp Châu Âu phối hợp mua đạn dược cho Ukraine, thì Le Figaro đề cập đến "phòng thí nghiệm drone" trên chiến trường Ukraine. Các drone mà quân đội Ukraine sử dụng không chỉ là phương tiện trinh sát mà còn có những drone tự sát, tấn công vào các cơ sở của quân đội Nga, giáng một đòn tâm lý lớn vào binh lính của điện Kremlin.   

Các loại drone mà Ukraine sử dụng như là drone chiến thuật TB2 có thể bay hàng trăm cây số, cho đến các mẫu drone nhỏ, thực hiện các nhiệm vụ giám sát hay những drone có thể mang vật nặng. Tuy nhiên, cũng phải kể đến điểm yếu của các loại drone, đó là có thể bị mất liên lạc nếu kẻ thù làm nhiễu sóng với bộ điều khiển. Tại Ukraine, một số drone dân dụng được chuyển đổi thành những cỗ máy chết người khi được trang bị lựu đạn.  

Le Figaro cho biết Nga cũng không xem thường loại vũ khí nhỏ gọn này. Họ trang bị cho quân đội các loại drone Lancet và loại drone Shahed 136 do Iran sản xuất để tấn công tầm xa, thay thế cho các tên lửa đắt đỏ. Iran cũng dự trù xây dựng nhà máy sản xuất drone ở Nga, có khả năng chế tạo 6000 drone.   

Giúp Ukraine, năng lực của quân đội Anh Quốc suy giảm  

Trong cùng hồ sơ này, Le Figaro nêu ra hiện trạng của quân đội Anh : thiếu tên lửa địa đối địa và chống tăng, những loại vũ khí mà Luân Đôn cung cấp với số lượng lớn cho Ukraine. Số lượng lính bộ binh của Anh cũng suy giảm. Từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra, Anh đã viện trợ quân sự cho Kiev 2,3 tỷ bảng Anh. Le Figaro trích dẫn nhận định của chủ tịch Hạ Viện Anh, ông Tobias Ellwood, cho biết chi phí để thay thế các loại vũ khí và thiết bị quân sự đã gửi cho Ukraine trong bối cảnh lạm phát gia tăng là một viễn cảnh đen tối cho quân đội Anh.

Tình hình này khiến thủ tướng Anh Rishi Sunak phải đối mặt với áp lực tăng ngân sách quốc phòng. Le Figaro đưa ra giả thuyết quân đội Anh chỉ có thể cầm cự được vài ngày nếu đối đầu với Nga. Trước tin đồn thiếu hụt về nhân lực cũng như khí tài trong quân đội Anh, lãnh đạo của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương lo ngại rằng Anh sẽ không có đủ khả năng để nắm giữ vị trí ở tuyến phòng thủ đầu tiên của liên minh, trước nguy cơ Nga. Vào cuối năm nay, Anh sẽ phải thay Đức chỉ huy lực lượng phản ứng nhanh của NATO. Hai phương tiện truyền thông đã xác nhận Anh đã yêu cầu Đức giữ vị trí đó thêm một năm nữa, nhưng bộ trưởng quốc phòng Anh đã nhanh chóng bác bỏ thông tin này.  

Bác sĩ Pháp đình công  

Về thời sự nước Pháp, bên cạnh những căng thẳng về dự luật cải tổ hưu trí, một thông tin đáng chú ý khác đó là cuộc đình công của các bác sĩ.  

Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : "Bác sĩ tự do đình công và lý do của sự lo lắng". Hôm nay, một lần nữa các phòng khám bác sĩ tư nhân đóng cửa. Một số bác sĩ đến biểu tình trước Thượng Viện. Nguyên do là vì một dự thảo luật do nghị sĩ đảng Xã hội Guillaume Garot trình bày, đề xuất cho phép bệnh nhân có thể tự đến khám các dịch vụ như vật lý trị liệu hay niềng răng mà không cần qua bác sĩ điều trị chính. Một dự luật khác nhắm tới việc hạn chế quyền tự do lựa chọn khu vực hành nghề của các bác sĩ và bắt buộc họ phải làm việc tại những khu vực thiếu bác sĩ. Về chủ đề này, Le Monde có tựa "trận chiến giữa chính phủ và bác sĩ". Tờ báo chỉ ra sự bất bình của các bác sĩ khi bị chính phủ đẩy trách nhiệm về tình trạng thiếu hụt cán bộ y tế ở một số địa phương.   

Một lý do không kém phần quan trọng khác khiến các bác sĩ Pháp phẫn nộ, được các báo Pháp nêu ra, đó là về yêu cầu tăng chi phí khám bệnh vẫn không được quỹ Bảo hiểm Y tế Pháp đáp ứng. Sau các cuộc biểu tình từ cuối năm ngoái, quỹ Bảo hiểm Y tế của Pháp đã đề xuất tăng 1,5 euro cho phí khám bệnh hiện đang được quy định tối thiểu là 25 euro. Các bác sĩ gọi đây là một sự sỉ nhục, vì phí khám bệnh của Pháp thấp nhất châu Âu và vẫn được giữ nguyên từ năm 2016. Công đoàn Pháp yêu cầu tăng phí khám bệnh gấp đôi, lên thành 50 euro.   

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 225 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)