Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/02/2023

Điểm báo Pháp – Thụy Điển trước nguy cơ chiến tranh

RFI tiếng Việt

Thụy Điển chuẩn bị đối phó với nguy cơ xảy ra chiến tranh

Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine sắp tròn 1 năm, chuyên mục quốc tế của báo Le Monde hôm 15/02/2023, có bài viết đáng chú ý về việc Thụy Điển trong năm qua đã đẩy mạnh phòng vệ dân sự để chuẩn bị khả năng đối phó với xung đột.

thuydien1

Nội các Thụy Điển, với bộ trưởng Phòng vệ Dân sự Carl-Oskar Bohlin (hàng cuối, bên trái), Stockholm, tháng 10/2022. AP - Fredrik Sandberg

Đến hết năm 2022, sĩ số lực lượng phòng vệ dân sự của Thụy Điển lên đến hơn 104.000 người, tăng 16% so với hồi tháng 06. Dù là quân nhân chuyên nghiệp hay quân dự bị, công chức, tài xế xe buýt hay người trông trẻ, tất cả đều nhận được "nhiệm vụ chiến tranh". Nếu Thụy Điển bị tấn công, họ sẽ biết những gì họ được trông chờ thực hiện. Đa phần sẽ tiếp tục làm việc ở vị trí của mình, được xem là quan trọng vận hành đất nước. Những người khác sẽ được chọn tùy theo năng lực đặc biệt của họ. Nhưng mọi người đều phải tỏ ra kín đáo.

Đối với những người trong độ tuổi 16-70 và không nhận được nhiệm vụ, họ cũng không được bỏ trốn, mà phải tiếp tục hoạt động của mình và có thể được Cơ quan quốc gia về việc làm huy động.

121.500 thanh niên Thụy Điển đón sinh nhật 16 tuổi trong năm 2022 đã nhận được thư của Cơ quan phòng vệ dân sự (MSB) thông báo rằng từ nay họ trở thành một phần của lực lượng "phòng vệ toàn diện" của vương quốc Thụy Điển và có "nghĩa vụ giúp đỡ trong trường hợp có mối đe dọa về chiến tranh hoặc nếu chiến tranh xảy ra".

Sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra, lần đầu tiên tính từ năm 1947, Thụy Điển lại có bộ trưởng Phòng vệ dân sự, bên cạnh bộ trưởng Quốc phòng. Tân bộ trưởng Phòng vệ dân sự Carl-Oskar Bohlin, nhậm chức ngày 18/10/2022, giải thích việc bổ nhiệm ông là do "tình hình an ninh rất nghiêm trọng mà Thụy Điển và Châu Âu đang gặp phải". Ông giải thích vai trò của mình là điều phối các nỗ lực tái lập hệ thống phòng thủ dân sự của đất nước để "trong trường hợp bị tấn công quân sự, xã hội vẫn tiếp tục hoạt động, bất chấp những xáo trộn rất nghiêm trọng" và rằng "xã hội cũng có thể tập trung tất cả mọi nguồn lực và năng lượng để hỗ trợ quân đội thực hiện nhiệm vụ".

Le Monde trích dẫn một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Thụy Điển về phòng phòng : "Trong hoàn cảnh này, chúng tôi đã phát hiện ra chiến tranh hiện đại tấn công toàn thể xã hội, như trường hợp của Ukraine, và chúng tôi lo sợ rằng đó sẽ là một cuộc chiến tổng hợp, có độ chính xác. Đối mặt với cuộc chiến tranh toàn diện này, cần có lực lượng phòng vệ toàn diện, cả quân sự và dân sự".

Theo đường lối trung lập, Thụy Điển chưa trải qua một cuộc xung đột vũ trang nào kể từ năm 1814. Nhưng điều đó không ngăn cản Thụy Điển chuẩn bị mọi chuyện, bởi trong Đệ nhị Thế chiến, người dân Thụy Điển cũng chịu cảnh thiếu hụt, khan hiếm hàng hóa.

Khắc phục sai lầm chiến lược trong quá khứ

Sau Đệ nhị Thế chiến, trong nhiều thập niên, Thụy Điển đã trang bị một hệ thống phòng vệ dân sự mà bộ trưởng Phòng vệ dân sự nhìn nhận là "hệ thống được xây dựng kỹ nhất và phát triển nhất thế giới". Thế nhưng, theo Le Monde, đằng sau nhận xét của ông Carl-Oskar Bohlin là một sự cay đắng, bởi vì sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin và Liên Xô, khi mối đe dọa chiến tranh ở Châu Âu đã giảm, Thụy Điển đã "phạm sai lầm chiến lược" khi tin rằng mọi chuyện đã kết thúc.

Vụ Nga xâm chiếm bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014 đã tạo ra một sự thay đổi 180 độ tại Thụy Điển. Sau khi bị hủy vào năm 2010, nghĩa vụ quân sự đã được Thụy Điển khôi phục vào năm 2017 và phòng vệ dân sự được tái khởi động. Đến năm 2018, 4,9 triệu hộ gia đình đã nhận được trong hộp thư sách hướng dẫn bằng 14 ngôn ngữ "Trong trường hợp nổ ra chiến tranh hoặc khủng hoảng". Họ được giải thích cách chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất.

Việc lập kế hoạch diễn ra ở mọi cấp độ trong xã hội. Ở cấp quốc gia, một đạo luật có hiệu lực từ ngày 01/10/2022 xác định 10 lĩnh vực chiến lược (bưu chính viễn thông, tài chính, năng lượng, y tế …) và yêu cầu các cơ quan chính phủ bảo đảm hoạt động của các lĩnh vực này.

Patrik Moström, người đứng đầu bộ phận khẩn cấp của Cơ quan nông nghiệp, giải thích rằng thách thức là "giữ cho mọi người khỏe mạnh trong một thời gian dài, từ 3 tháng đến 1 năm", khi nhập khẩu có thể phải tạm ngưng và các tuyến tiếp vận bị cắt. Bước tiếp theo là xác định những gì có thể được sản xuất ngay tại địa phương và những gì sẽ phải dự trữ. Từ sau Chiến Tranh Lạnh, Thụy Điển trở thành xã hội chỉ tích lũy đủ dùng chứ không dự trữ nhiều, và ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu, thường chỉ tự chủ được 50% nhu cầu, so với tỉ lệ 80% ở nước láng giềng Phần Lan.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số cũng khiến xã hội dễ bị tổn thương hơn trước các vụ cuộc tấn công từ bên ngoài. Tại Stockholm, cơ quan bảo vệ dân sự muốn nâng cao ý chí bảo vệ đất nước của người dân Thụy Điển thông qua các chiến dịch thông tin và diễn tập, bởi Stockholm "không ngây thơ đến mức tin rằng có thể chống chọi lại với mọi chuyện".

Le Monde kết luận, thông qua việc chuẩn bị cho mọi tình huống, Stockholm cũng hy vọng có thể ngăn cản một đối thủ tiềm tàng tấn công Thụy Điển.

IT Army of Ukraine : Bí ẩn đội quân công nghệ số của Ukraine

Về chiến tranh Ukraine, cả báo Le Figaro Les Echos đều chú ý đến áp lực đối với phương Tây trong việc viện trợ đạn dược cho Ukraine.

Trong khi đó, Libération hôm nay dành một tựa trên trang nhất và hồ sơ 4 trang cho "IT Army of Ukraine". Đội quân công nghệ số của Ukraine được bộ trưởng Chuyển đổi công nghệ số của Ukraine thông báo thành lập chỉ 2 ngày sau khi chiến tranh nổ ra. Không chỉ giao tranh với quân Nga trên chiến trường, Ukraine còn đối phó với Nga trên mặt trận công nghệ số. Nhưng sau 1 năm, cho đến nay, theo Libération, vẫn còn "một vùng tối" với nhiều "điều bí ẩn" bao trùm đội quân này, chẳng hạn khuôn khổ hoạt động ra sao ? Ai chỉ huy ? Đâu là vai trò của Nhà nước Ukraine ?

Theo những lời chứng mà Libération thu thập được trong cuộc điều tra, "IT Army of Ukraine" được thành lập theo ý tưởng của chính phủ Ukraine nhưng đội quân lại gồm các tình nguyện viên, không chỉ trong nước mà cả của nước ngoài, và nhắm đến tấn công các trang mạng của Nga.

Libération nhắc lại, hồi tháng 09/2022, nhật báo Hà Lan De Volkskrant từng đăng tải chân dung của một người tự xưng là cựu thành viên lực lượng đặc nhiệm của Hà Lan và là một trong những "đại tá" của IT Army. Theo người này, các thành viên của SBU, Cơ quan an ninh nội địa Ukraine, chính là "xương sống" của đội quân này và chính họ chọn lựa các nhà quản lý trung gian từ các tình nguyện viên. Khi được Libération liên lạc, cả Bộ quốc phòng Ukraine, Bộ chuyển đổi công nghệ số và SBU đều không hồi đáp.

Các mục tiêu mà IT Army nhắm đến rất đa dạng : giới công nghiệp, thương mại, tài chính, cơ quan công quyền cấp trung ương và địa phương, các phương tiện truyền thông, dịch vụ số... của Nga. Một người Ukraine ẩn danh nói với Libération : "Chúng tôi mở rộng các đòn trừng phạt để người dân ở phía bên kia (ý nói tới phía Nga), cảm thấy thế nào là chiến tranh".

Tuy nhiên, Libération cũng đặt câu hỏi về tính chính đáng của các hành động tấn công mạng của "IT Army of Ukraine", bởi nhiều mục tiêu họ nhắm tới, chẳng hạn một số ngân hàng, phương tiện truyền thông xã hội… không phải cơ sở quân sự mà là cơ sở dân sự.

Nước Nga muốn loại bỏ nội dung đồng giới ra khỏi văn hóa

Vẫn có liên quan đến nước Nga, báo công giáo La Croix giới thiệu bài phỏng vấn nhà sản xuất điện ảnh Nga Kirill Serebrennikov, đạo diễn phim "Người vợ của Tchaikovsky". Bộ phim nói về tình yêu đồng giới của nhà soạn nhạc thiên tài Tchaikovsky đã bị cấm chiếu tại Nga. Nhà làm phim, nay sống lưu vong, cho biết ngay từ khi mới quay phim, ông đã biết tác phẩm sẽ không báo giờ được phát hành trong nước.

Các quan chức chỉ muốn loại bỏ khỏi nền văn hóa Nga tất cả những gì liên quan đến tình yêu đồng giới. Giới lãnh đạo và chính trị Nga tin rằng chỉ cần đọc sách về đề tài đồng tính là sẽ biến thành người đồng tính và điều đó là trái với giá trị Nga. Thế nhưng, đối với Kirill Serebrennikov, chống lại người đồng giới và ủng hộ chiến tranh Ukraine đều là sự thù hận, cho thấy tâm hồn con người đã biến mất.

Pháp : Trầm cảm tăng, nhất là ở giới trẻ

Cũng như Libération, về xã hội Pháp, báo Le Monde quan tâm đến sự xuống cấp về sức khỏe tâm thần của người dân trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19 trong 3 năm qua. Trong bài viết "1/5 thanh niên mắc chứng rối loạn trầm cảm", Le Monde cho biết theo kết quả điều tra Cơ quan y tế công cộng Pháp công bố hôm 14/02/2023, các đợt trầm cảm trong dân chúng nói chung đều tăng trong năm 2021, tỉ lệ này ở giới trẻ tăng gần gấp đôi so với năm 2017.

Giai đoạn trầm cảm được xác định là giai đoạn buồn bã hoặc mất hứng thú trong ít nhất hai tuần liên tiếp, kèm theo ít nhất ba triệu chứng "thứ cấp", chẳng hạn mệt mỏi, sụt cân hoặc tăng cân, có vấn đề về giấc ngủ, khả năng tập trung, nghĩ về cái chết và những điều này gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Người phụ trách cuộc điều tra, một trong các tác giả bản báo cáo cho biết họ đã lường tới xu hướng gia tăng các đợt trầm cảm, nhưng không không nghĩ là đến mức như vậy, nhất là ở giới trẻ. Ở lứa tuối 18-24, các đợt trầm cảm liên quan phần nào đến tình hình công việc, gia đình và tài chính, bởi cuộc sống của họ rõ ràng là bấp bênh hơn trong khủng hoảng dịch bệnh.

Một tác giả khác của báo cáo giải mã : "Sự tách biệt xã hội do các đợt phong tỏa, sự bất định trong học tập và tương lai, sự bấp bênh được bộc lộ rõ hơn trong đại dịch, và có thể là bối cảnh rất đáng lo ngại, với khủng hoảng khí hậu, chiến tranh, tình hình kinh tế, đã đè nặng lên những người trẻ tuổi nhất". Có tiền sử rối loạn tâm thần cũng là một yếu tố gây nguy cơ trầm cảm.

Nghiên cứu của Cơ quan y tế công cộng Pháp ghi nhận những người sống ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở Paris và vùng phụ cận bị ảnh hưởng nhiều nhất, cũng như những người không dư dả về tài chính, những người sống một mình hoặc trong gia đình có cha mẹ sống đơn thân, hoặc người thất nghiệp. Nhiễm Covid-19 với triệu chứng mắc bệnh, căng thẳng chưa từng có do đại dịch gây ra và các biện pháp kiểm soát đại dịch được xem là những yếu tố chính gây trầm cảm. Phụ nữ bị tác động nhiều hơn, bất kể lứa tuổi, vì điều kiện sống phức tạp hơn, thu nhập thấp hơn, và dễ gánh chịu bạo lực hơn.

Điều khiến giới chuyên môn y tế lo ngại nhất là nhiều người bị rối loạn trầm cảm không đi khám bệnh, trong khi điều quan trọng nhất để thoát khỏi trầm cảm là họ phải có thể nói chuyện, chia sẻ với người thân hoặc bác sĩ.

Tiktok : Công cụ tuyên truyền và "ngu hóa giới trẻ Tây phương" của Bắc Kinh ?

Nhìn sang báo công giáo La Croix, cả trang nhất, bài xã luận và chuyên mục Sự kiện đều dành cho mạng xã hội Tiktok của Trung Quốc.

Trong bài xã luận "Thôi miên", La Croix cho biết mỗi ngày, hàng tỉ người dùng trên toàn thế giới xem trên mạng Tictok các video có tổng thời lượng lên đến một trăm ngàn năm. Riêng tại Pháp, một nửa số trẻ em 8-11 tuổi đăng ký sử dụng Tiktok. 2/3 số người dùng Tiktok tại Pháp là thanh thiếu niên dưới 25 tuổi. Do mạng video Trung Quốc đã bị tố cáo thiếu minh bạch, do mức độ ảnh hưởng đến giới trẻ, do những tác động liên quan đến nhiều lĩnh vực : giáo dục, sức khỏe tâm thần, bảo vệ dữ liệu, thông tín bị làm sai lệch… Tiktok sẽ bị đưa ra trước một ủy ban điều tra của Thượng Viện Pháp vào đầu tháng 03/2023.

Trong bài viết "Tiktok, mạng xã hội gây nghiện nhất", La Croix cho biết một số nhà khoa học coi mạng video do tập đoàn Byte Dance của Trung Quốc tạo ra hồi năm 2016 là chất "ma túy công nghệ số". Nhịp độ dồn dập của các video thúc đẩy quá trình tiết ra dopamine, chất tạo ra cảm giác sảng khoái và như bị thôi miên. Nhưng đằng sau đó là những rối loạn giấc ngủ và rối loạn trí nhớ và sự giảm sút khả năng tập trung.

Ủy ban gồm 19 thượng nghị sĩ Pháp sẽ có 6 tháng điều tra về một số cáo buộc nhắm vào Tiktok, đặc biệt là về việc khai thác dữ liệu cá nhân và khả năng Tiktok có một chiến lược nhằm gây hại cho người dùng ngoại quốc. Theo La Croix, một số người thậm chí cho rằng Tiktok là công cụ của Bắc Kinh để làm giới trẻ Tây phương trở nên xuẩn ngốc hơn.

Sau 7 năm phát triển, giờ đây ngày càng nhiều video mang nội dung chính trị trên Tiktok, kể cả về chiến tranh Ukraine các vụ xả súng ở Mỹ. Công ty khởi nghiệp NewsGuard nhận định hồi tháng 09/2022, là 20% video trên mạng Tiktok là tin giả. Theo một báo cáo hồi năm 2020 của Viện Úc về chiến lược chính trị, chỉ có 1/10 video liên quan đến Tân Cương có nội dung không ủng hộ chính sách của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ. Vì thế, một số nhà quan sát không ngần ngại gọi TikTok một "công cụ tuyên truyền" của Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo La Croix, Ủy ban điều tra của Thượng Viện Pháp có thể sẽ khó chứng minh điều đó.

Cam Bốt : Thủ tướng Hun Sen "bịt miệng" tự do báo chí

Nhìn sang Châu Á, Le Figaro cho biết chỉ 5 tháng trước cuộc bầu cử lập pháp Cam Bốt, thủ tướng Hun Sen lại "bịt miệng tự do báo chí", cho đóng cửa báo mạng tiếng Anh và tiếng Khmer, Tiếng Nói Dân chủ (VOD), một trong những phương tiện truyền thông độc lập cuối cùng tại Cam Bốt.

Hôm qua, giấy phép hoạt động của VOD đã bị Bộ thông tin thu hồi, vài ngày sau khi VOD cho đăng tải một bài báo gây tranh cãi khi đặt câu hỏi về vai trò của Hun Manet, con trai thủ tướng Hun Sen, trong bộ máy nhà nước. Việc công bố thông tin đã khiến người quyền lực nhất Cam Bốt suốt 38 năm nay nổi giận. Ban đầu, thủ tướng Cam Bốt cho VOD 72 giờ để đưa ra lời xin lỗi công khai, sau đó giảm xuống còn 24 giờ. Ban lãnh đạo của tổ chức phi chính phủ Trung tâm truyền thông độc lập của Cam Bốt, cơ quan giám sát VOD, đã thực sự bày tỏ "sự hối tiếc" và xin lỗi qua 2 lá thư, nhưng Hun Sen vẫn thông báo đóng cửa VOD để "bảo vệ danh dự" của ông.

Điều đáng nói là, theo Le Figaro, luật báo chí 1995 không quy định về kịch bản nói trên. Nhưng một nhà báo của VOD than thở : "Ở Cam Bốt, ngay khi quý vị không ủng hộ chính phủ, điều này có thể xảy ra". Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới về quyền tự do báo chí, Cam Bốt từ hạng 128 đã tụt xuống hạng 142 trên tổng số 180 nước.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 245 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)