Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

21/02/2023

Thế giới lo ngại cuộc chiến Nga-Ukraine vượt tầm kiểm soát

RFI tổng hợp

Chiến tranh Ukraine : Bắc Kinh quan ngại về "xung đột vượt tầm kiểm soát" và kêu gọi "đối thoại"

Trọng Thành, RFI, 21/02/2023

Trong một hội nghị về an ninh hôm 21/02/2023 tại Bắc Kinh, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) kêu gọi đàm phán để tìm giải pháp hòa bình cho chiến tranh Ukraine và khẳng định Bắc Kinh có thể góp phần cho một "giải pháp chính trị".

uk1

Lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) tại diễn đàn an ninh được tổ chức tại Bộ ngoại giao, Bắc Kinh, ngày 21/02/2023. AP - Andy Wong

Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

"Tại Munich, lãnh đạo cao nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nói về một "giải pháp chính trị" để "thoát khỏi cuộc khủng hoảng" ở Ukraine.Nhìn chung, đó là lời nhắc lại về các nguyên tắc đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc đề cập, được trình bày lại trong một "văn bản" được giới thiệu vào ngày thứ Ba hôm nay, trước giới ngoại giao nước ngoài tại thủ đô Trung Quốc.

Khoảng 10 trang bằng tiếng Anh, với 15 điểm, bao gồm nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, trung thành với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo Bắc Kinh, cần ưu tiên "đối thoại và tham vấn" và coi trọng các mối quan tâm chính đáng về an ninh của tất cả các nước.

Cả Ukraine và Nga đều không được trích dẫn trực tiếp trong bản tóm tắt các nguyên tắc, được coi là cơ sở cho các cuộc đàm phán vì một "hòa bình lâu dài".Trong lúc lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến ​​s có bài phát biu nhân dp đánh du mt năm cuc xung đột, ông Tn Cương, đương kim ngoi trưởng Trung Quc, sáng hôm nay bày t "quan ngi" trước s leo thang ca cuc chiến mà Ukraine phải gánh chịu từ gần một năm nay, cuộc chiến mà Trung Quốc chưa bao giờ nói ai là kẻ xâm lược".

Trọng Thành

************************

Tổng thống Putin cáo buộc phương Tây đe dọa sự tồn tại của nước Nga

Thu Hằng, RFI, 21/02/2023

Để đánh dấu tròn một năm Nga phát động "chiến dịch đặc biệt" "giải trừ phát xít" ở Ukraine, tổng thống Vladmimir Putin đọc bài diễn văn trước Quốc hội lưỡng viện Nga sáng 21/02/2023. Ông cáo buộc phương Tây làm leo thang xung đột ở Ukraine và đe dọa sự tồn tại của nước Nga.

uk2

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Moskva, ngày 21/02/2023. AP - Dmitry Astakhov

Như vậy, cuộc chiến tại Ukraine sẽ còn kéo dài vì theo tổng thống Nga, "để bảo đảm an ninh cho đất nước chúng ta, để loại bỏ mọi mối đe dọa từ một chế độ tân phát xít tồn tại ở Ukraine từ sau cuộc đảo chính năm 2014 nên chiến dịch quân sự đặc biệt mới được tiến hành. Và chúng ta sẽ giải quyết từng bước, cẩn thận và có phương pháp, các mục tiêu đặt ra trước mắt chúng ta".

Theo Reuters, ông Putin cáo buộc phương Tây phải chịu trách nhiệm về tình trạng leo thang xung đột ở Ukraine từ một năm nay, nhằm mục đích "hủy hoại sự tồn tại" của nước Nga. Ngược lại, ông khẳng định Moskva đã huy động các nguồn lực "để giải quyết một cách hòa bình" cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine từ năm 2014, nhưng "sau lưng chúng ta, một kịch bản hoàn toàn khác lại được chuẩn bị". Ông yêu cầu Mỹ "rút quân và trang thiết bị" của NATO ra khỏi Ukraine. 

Theo ông chủ điện Kremlin, "các nước phương Tây sẽ tìm cách gây chia rẽ xã hội Nga, trông cậy vào những kẻ phản bội". Vì vậy, ông cảnh cáo "những người chọn phản bội nước Nga sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật". Phát biểu này muốn nói đến chiến dịch trấn áp những tiếng nói phản đối chiến tranh, được áp dụng triệt để từ một năm nay, sẽ còn được tăng cường trong thời gian tới, dù ông Putin trấn an đó sẽ không phải là "một cuộc săn đuổi phù thủy".

Trong lĩnh vực kinh tế, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã không làm suy yếu nước Nga, mà ngược lại, theo khẳng định của ông Putin, lại tạo "những cơ hội" cho các doanh nghiệp trong nước. Ông cho rằng "mục đích không phải là thích ứng với những điều kiện hiện nay" mà phải "đưa kinh tế Nga vượt qua đường biên giới mới", ý muốn nói đến những vùng đất Ukraine mới bị Nga sáp nhập.

Ngay lập tức, trước báo giới, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan đã lên án "sự phi lý" trong những phát biểu của tổng thống Nga khi viện cớ mối đe dọa từ phương Tây để tấn công Ukraine.

Trên mạng Telegram, chánh văn phòng tổng thống Ukraine Andriy Yermak khẳng định "nhiệm vụ của chúng ta (Ukraine) là truy đuổi và trừng trị" quân xâm lược Nga.

Thu Hằng

**************************

Vũ khí Trung Quốc cấp cho Nga : Cục diện chiến trường Ukraine có thay đổi ?

Minh Anh, RFI, 21/02/2023

Ngày 20/02/2023, Bắc Kinh phủ nhận có ý định cung cấp vũ khí, hậu thuẫn cuộc tấn công của Nga tại Ukraine. Chính phủ Trung Quốc còn cáo buộc Washington "đổ dầu vào lửa" khi có khẳng định như vậy. 

uk3

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/02/2022. AP - Alexei Druzhinin

Theo AFP, trước những thông tin này, lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borrell, cảnh báo, việc cung cấp vũ khí cho Nga "sẽ là một lằn ranh đỏ". Câu hỏi đặt ra, nếu Trung Quốc hỗ trợ Nga, chuyện gì sẽ xảy ra ? Liệu điều đó có làm thay đổi cục diện chiến trường Ukraine hay không ? 

Trả lời ban tiếng Pháp đài RFI, Guillaume Lasconjarias, giáo sư trường Paris Sorbonne, phân tích : 

"Nga có lẽ sẽ có thêm khả năng hành động một chút bởi vì ngành công nghiệp của Nga đang gặp khó khăn và không thể chuyển đổi hoàn toàn sang nền kinh tế chiến tranh. Chúng ta thấy rõ là Nga đang gặp khó khăn để chế tạo những thiết bị mới, và họ buộc phải nâng cấp lại các loại xe tăng cũ. Nếu Trung Quốc can dự vào và cung cấp các linh kiện mới và kho dự trữ trong lĩnh vực này, chúng ta có thể hình dung là nhìn từ bề ngoài, Nga có vẻ có một bước nhảy vọt về công nghệ.

Ngược lại, Nga vẫn luôn thiếu hai điểm, đó là huấn luyện và binh sĩ được đào tạo. Điều này, Trung Quốc sẽ không cung cấp. Do vậy, sự nhẩy vọt về sức mạnh quân sự với sự hậu thuẫn về công nghệ thì "Có". Nhưng bước nhảy vọt trên phương diện tính toán chiến lược và tiếp theo đó là chiến đấu, thì điều này khó hơn. 

Mặt khác, lợi thế tương quan lực lượng có lẽ nghiêng hẳn về phía Nga. Nếu có đủ trang thiết bị quân sự và nguồn dự trữ, chúng ta có thể thực sự lại thấy Nga trở lại tấn công nhiều hơn và trong trường hợp này, sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine có nhiều khả năng là không đủ". 

Minh Anh

************************

Chiến tranh : Quân đội Ukraine thiếu thốn trang thiết bị quân sự

Minh Anh, RFI, 21/02/2023

Ngày 20/02/2023, trong chuyến thăm bất ngờ Kiev, tổng thống Mỹ Jode Biden đã hứa giao thêm trang thiết bị thiết yếu, đặc biệt là các loại đạn pháo, các hệ thống tên lửa chống tăng và ra-đa giám sát không phận, sau nhiều tuần do dự. Một nguồn hỗ trợ mà các binh sĩ trên thực địa nóng lòng trông đợi. 

uk4

Một xe tăng BMP-2 của Nga mà lữ đoàn số 92 của Ukraine tại vùng Koupiansk đã chiếm được và sửa lại. © Boris Vichith / RFI

Anastasia Becchio và c, đặc phái viên đài RFI, có mặt tại vùng Koupiansk, gởi về bài phóng sự : 

"Đó là một chiến lợi phẩm mà lữ đoàn số 92 thích trưng bày : Một chiếc xe bọc thép mà quân Nga đã phải bỏ rơi trên chiến trường. Chiếc áo blu-dông vấy bẩn dầu động cơ, găng tay đen xì, viên binh sĩ mang mật danh "người Ban Lan" đã tìm cách khôi phục tình trạng. 

Anh nói : "Đây là một chiếc BMP2, xe tăng chiến đấu bộ binh mà chúng tôi đã lấy được của quân Nga. Chúng tôi đã tìm được chiếc xe này cách chiến tuyến 500 mét. Trong vòng một tháng, chúng tôi đã sửa chữa chiếc xa này, và nó sẽ có ích cho chúng tôi, bởi vì chúng tôi cần vũ khí. Chúng tôi thiếu xe bọc thép sơ tán, xe chiến đấu, pháo, đạn dược". 

Victor Artiomov, 49 tuổi, đứng đầu đơn vị, lưu ý là nguồn dự trữ đạn dược không phải là không thể cạn kiệt. Ở phía đối diện, quân Nga dường như có nhiều nguồn dự trữ hơn. 

Anh giải thích : "Họ nhắm bắn chúng tôi lúc đêm, bằng xe tăng, pháo Grad, họ bắn bất kể nơi đâu. Trong khi đó, chúng tôi không bắn bừa bãi, được lợi gì khi xả súng vào đồng trống lúc đêm khuya ? Buổi sáng, drone của chúng tôi bắt đầu hành động, chúng phát hiện thiết bị của Nga và tiếp đến chúng tôi bắn hai hay ba quả trái phá để phá hủy các thiết bị này. Nếu quân Nga bắn đi 30 quả đạn cối trong một giờ, chúng tôi chỉ bắn có ba. Chúng tôi tiết kiệm trong khi mà họ bắn không cần đếm, chắc là để làm chúng tôi sợ hãi !" 

Ở xa xa, vài tiếng nổ hiếm hoi vang lên, phía Ukraine vẫn giữ được chiến tuyến, trưởng đơn vị khẳng định". 

Minh Anh

**************************

Quốc phòng, năng lượng : Một năm chiến tranh Ukraine làm xáo trộn mô hình Đức

Thu Hằng, RFI, 21/02/2023

Cuộc chiến do Nga phát động tại Ukraine đã buộc Đức phải thay đổi chiến lược. Từ một nước chủ hòa, dè dặt cung cấp thiết bị quân sự trong thời gian đầu, chính quyền Berlin thông báo viện trợ cho Kiev nhiều vũ khí hạng nặng. Tại Hội nghị An ninh Munich ngày 19/02/2023, thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh, khi giao vũ khí cho Ukraine, "một nước lớn về vị thế và mạnh về kinh tế như Đức thì phải đảm nhận trách nhiệm trong những thời điểm như hiện nay".

uk5

   Bộ trưởng quốc phòng Đức Boris Pistorius (giữa và đại sứ Ukraine tại Đức Oleksii Makeiev (trái) thăm nơi huấn luyện binh sĩ Ukraine dùng xe tăng Leopard, căn cứ quân sự Bundeswehr của Đức ở Munster, ngày 20/02/2023. Reuters – Fabian Bimmer

Theo thông tín viên RFI Pascal Thibaut tại Berlin, chiến tranh Ukraine đã làm đảo lộn những trụ cột của mô hình Đức, buộc nước này khẩn cấp thay đổi triệt để, đôi khi là trong đau đớn :

"Xe tăng Đức ở Ukraine, cách đây vài tháng, người ta chỉ thấy trong các sách về lịch sử. Trong vòng vài tuần, chuyện này lại thành hiện thực. Đức, vẫn nổi tiếng tiết chế quân sự sau thảm kịch của "Đệ tam Đế chế", lần đầu tiên đã cung cấp vũ khí cho một khu vực xung đột, cho dù phải mất một thời gian để làm việc này.

Bị cắt giảm kinh phí từ lâu, Bộ quốc phòng Đức đã được cấp một ngân sách đặc biệt 100 tỉ euro. Tân bộ trưởng quốc phòng muốn có thêm ngân sách bổ sung và tuân thủ những cam kết chi tiêu quân sự đối với Liên minh Bắc Đại Tây Dương - NATO. Cuộc cách mạng này gây ra hàng loạt tranh luận và không được một bộ phận người dân Đức, vẫn ủng hộ mạnh mẽ tư tưởng chủ hòa.

Điểm thay đổi thứ hai là lĩnh vực năng lượng. Sự phụ thuộc quá lớn vào khí đốt của Nga đã bị ngừng một cách quá đột ngột. Việc khẩn cấp trước mắt là phải tìm các nguồn thay thế tốn kém, bắt đầu từ khí hóa lỏng. Chính quyền, cũng như các hộ gia đình, phải trả hóa đơn đắt hơn. Các doanh nghiệp cũng chịu tình trạng tương tự. Mô hình Đức, dựa trên các ngành công nghiệp xuất khẩu, bị tác động. Do ngốn quá nhiều năng lượng, ngành hóa chất và công nghiệp luyện kim đối mặt với tình trạng bùng nổ chi phí và gây nghi ngờ về tương lai của ngành tại Đức, cũng như ở những nơi khác".

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, Thu Hằng, Minh Anh,
Read 291 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)