Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

28/02/2023

Điểm báo Pháp – Chiến tranh giúp Ukraine thoát "ách" tài phiệt

RFI tiếng Việt

Chiến tranh : Cơ hội giải phóng Ukraine khỏi "ách" tài phiệt

Báo Le Monde hôm nay quan tâm nhiều đến thời sự quốc tế. Bên cạnh cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị ở Venezuela, sức hút của tấm hộ chiếu Bồ Đào Nha, về chiến tranh Ukraine, Le Monde nhận định các nhà tài phiệt (oligarque) Ukraine đã bất ngờ sụp đổ do chiến tranh và xem đó là một bước ngoặt lịch sử đối với Ukraine, một quốc gia mà giới tài phiệt các nhà tài phiệt đã "làm mưa, làm gió", thao túng suốt 30 năm qua.

taiphiet0

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, tỷ phú Petro Poroshenko, cựu Tổng thống Ukraine (2014-2019) và đối thủ chính trị của Volodymyr Zelensky, là chỉ huy trưởng một lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ. Ảnh chụp ngày 26/2/2022 tại Kyiv/Shutterstock

Giới tài phiệt (quả đầu) Ukraine được hình thành từ sau sự sụp đổ của Liên Xô và sau làn sóng tư hữu hóa lớn hồi thập niên 1990. Chiến tranh bùng nổ, người dân sống trong cảnh bom đạn nhưng giới tài phiệt Ukraine cũng trở thành những nạn nhân một cách không mấy ai có thể ngờ tới : mất hết ảnh hưởng cả về truyền thông, chính trị và kinh tế.

Trước hết, về sức mạnh truyền thông, trước chiến tranh, 6 nhân vật tài phiệt nắm giữ tới 70% các kênh truyền hình. Nay, 8 kênh lớn nhất đều phải phát cùng một chương trình trong khuôn khổ "cuộc đua đường trường về thông tin", theo yêu cầu của thiết quân luật.

Về kinh tế, các lĩnh vực mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho giới tài phiệt là các nhà máy luyện kim, các mỏ quặng ở vùng Donbass, các khu cảng ở Hắc Hải và biển Azov, thế nhưng những khu công nghiệp này, cũng như các vùng đất nông nghiệp màu mỡ nhất, đều nằm ở miền đông nam đất nước, nơi diễn ra các trận giao tranh ác liệt nhất. Le Monde nêu một ví dụ : tài sản của nhà tài phiệt Rinat Akhmetov đã giảm từ 13,7 tỉ đô la xuống còn 4,4 tỉ đô la.

Về vị thế chính trị, quyền lực của giới tài phiệt Ukraine cũng đã tiêu tan. Chiến tranh nổ ra, tất cả các dân biểu đều đã quyết định đồng lòng đứng về phía tổng thống Zelensky để đối phó với Moskva. Theo Le Monde, không có ai dám chỉ trích tổng thống Zelensky, nếu không muốn bị quy là kẻ phản bội đất nước. Họ đều hiểu ra là nên đứng về phía nhân dân, bảo vệ chính phủ, chống Nga thay vì chống lại Nhà nước Ukraine. Le Monde trích dẫn nhà chính trị học Konstantin Batovsky, theo đó lần đầu tiên trong đời, giới tài phiệt Ukraine có chung vận mệnh với nhân dân, ai cũng phải chịu nỗi đau. Dù không mất mạng, nhưng giới tài phiệt mất tài sản và ảnh hưởng. Chiến tranh là cơ hội để nhân dân Ukraine dẹp trừ giới tài phiệt, cho dù cái giá phải trả là rất đắt.

Sự suy yếu chưa từng có của giới tài phiệt Ukraine được Bruxelles theo dõi sát sao, bởi Kiev muốn gia nhập Liên Âu. Bruxelles rất cảnh giác bởi những kẻ tài phiệt mới lại có thể nổi lên trong quá trình tái thiết đất nước Ukraine. Kiev cũng hiểu điều đó. Một cố vấn của lãnh đạo Văn phòng phủ tổng thống khẳng định xã hội sẽ không thể dung thứ nếu Kiev lại để một thế hệ tài phiệt có cơ hội ra đời.

Le Monde kết luận bài viết với nhận định của Daria Kaleniuk, tổng giám đốc Trung tâm hành động chống tham nhũng của Ukraine, theo đó để tránh nguy cơ giới tài phiệt hồi sinh, Kiev phải củng cố các định chế, cải tổ Ủy ban chống độc quyền, bởi chính vì các định chế của Ukraine suy yếu nên Putin mới tự tin xâm lược Ukraine. Cách duy nhất để bảo vệ người Ukraine khỏi các cuộc tấn công mới của Nga là "xây một pháo đài không tham nhũng, không có các nhà tài phiệt".

Nước Đức và "kỳ tích" zero khí đốt của Nga

Nếu như chiến tranh là bước ngoặt lịch sử để Ukraine thoát "tai ương" tài phiệt, thì đối với Le Monde, ngày 24/02/2022, ngày Putin xua quân xâm lược Ukraine cũng là dấu mốc lịch sử để nước Đức chấm dứt kỷ nguyên lệ thuộc 55% vào khí đốt của Nga. Không chỉ "thoát Nga" về năng lượng, đây còn là cơ hội để nước Đức chuyển đổi về quân sự. Le Monde dành cả tựa trang nhất "Quân đội, năng lượng : Sự chuyển đổi của Đức", bài xã luận "Nước Đức phải tiếp tục chuyển đổi" và bài viết dài 2 trang "Nước Đức không khí đốt của Nga" cho các đề tài này.

Riêng về năng lượng, điều đáng nói đối với Le Monde là Berlin chỉ mất những thời gian ngắn kỷ lục để ra những quyết định mà trước đó từng bị xem là không thể nghĩ tới : tái khởi động các nhà máy nhiệt điện than và đẩy mạnh sản xuất điện than, khánh thành 2 trạm tiếp nhận khí hóa lỏng GNL, thông qua các biện pháp thuế khóa để kìm hãm đà tăng giá khí đốt và điện …

Trong một năm chiến tranh Ukraine, Berlin đã cho thấy Đức có khả năng chống đỡ nhanh hơn dự báo ban đầu. Không những hoàn toàn ngưng nhập khẩu khí đốt của Nga sau 8 tháng, Đức còn không bị suy thoái kinh tế, không vấp phải làn sóng phá sản, thất nghiệp, đình công diện rộng, cho dù lạm phát tăng cao. Khách quan mà nói, theo Le Monde, nước Đức cũng được hưởng lợi từ tình trạng chậm tăng trưởng của Trung Quốc do chính sách Zero Covid, cũng như mùa đông không quá khắc nghiệt. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là những thay đổi mang tính cấu trúc của nền kinh tế Đức.

Hơn nữa, cả thủ tướng Đức Olaf Scholz và bộ trưởng kinh tế, Robert Habeck, đều rất tích cực trong chính sách "ngoại giao năng lượng", xông pha khắp nơi trên thế giới, từ Nam Phi, Namibia, Canada, Na Uy, các nước vùng Vịnh, đến cả châu Mỹ la-tinh, để tìm kiếm đối tác cung cấp khí đốt và hydrogen, cũng như kim loại hiếm phục vụ công cuộc chuyển đổi năng lượng, chẳng hạn lithium. 

Mùa đông khô hạn kỷ lục, nông dân Pháp lo lắng, chính phủ vận động dùng nước "điều độ"

Nhìn sang báo công giáo La Croix, trang nhất tờ báo hôm nay đặc biệt quan tâm đến tình trạng nước Pháp khô hạn bất thường, chủ yếu do thiếu mưa. 2/4 trang trong mục Sự kiện được dành cho 2 bài viết có tiêu đề "Nước Pháp khô hạn ngay trong mùa đông" và "Nông dân ngày càng lo lắng".   

Tình trạng khô hạn mùa đông ở Pháp đang lên đến mức cao kỷ lục : thiếu mưa, đất đai khô cằn, mực nước ở các sông ngòi và hồ chứa trong tháng 2 này đã xuống dưới mức thấp nhất trong cả nước. Lo sợ "một năm đen tối", giới nông dân Pháp kêu gọi Nhà nước triển khai các biện pháp dự trữ nước, bởi "không có nước thì không thể có nông nghiệp".

Về phía bộ trưởng nông nghiệp Pháp, ông Marc Fessneau vẫn bảo vệ ý tưởng xây những bể chứa nước khổng lồ, hút nước từ các mạch nước ngầm. Đề xuất này đang gây nhiều tranh cãi. Những người phản đối cho rằng những bể chứa khổng lồ đó chỉ tạo thuận lợi cho các nhà công nghiệp trồng trọt vốn sử dụng rất nhiều nước, nhất là ngành trồng ngũ cốc phục vụ chăn nuôi gia súc, mà phần thiệt thòi thì vẫn là các nông dân nhỏ lẻ phải gánh chịu.   

Nhìn sang Le Figaro, tờ báo cũng cho biết "Chính phủ đang huy động lực lượng chống khô hạn". Bộ trưởng chuyển đổi sinh thái Christophe Béchu đã kêu gọi các tỉnh trưởng ra văn bản hạn chế việc sử dụng nước. Các chuyên gia dự báo trong những năm tới, do biến đổi khí hậu, lượng nước có thể sử dụng sẽ giảm 10-40%, thế nên cách duy nhất, theo Le Figaro, là dùng nước "điều độ".

Báo kinh tế Les Echos nhắc lại là vào cuối tuần qua, tại Hội chợ Nông nghiệp, một sự kiện lớn thường niên của Pháp, tổng thống Macron đã nhấn mạnh là nước Pháp cần có một kế hoạch về sử dụng nước điều độ, tương tự như đối với năng lượng. Tổng thống cho biết một quy định thúc đẩy việc tái sử dụng nước thải hiệu quả hơn mới đây đã được chuyển đến Tham Chính Viện. Để chống lãng phí nước, việc tái sử dụng nước thải được xem là một trong những biện pháp có thể sẽ được đưa vào kế hoạch về nước mà chính phủ đang xây dựng và theo sự kiến sẽ được công bố vào tháng 03/2023.

Thế Vận Hội Paris 2024 : Nỗi lo của các chuyên gia về an ninh

Vẫn liên quan đến nước Pháp, Le Figaro dành tựa trang nhất, bài xã luận và nhiều bài viết khác cho vấn đề bảo đảm an ninh, chống tội phạm tại Thế Vận Hội mùa hè Paris 2024. Còn 18 tháng nữa là đến Olympic Paris 2024, Le Figaro chú ý đến kế hoạch của nhà chức trách để bảo đảm an toàn, tránh xảy ra những kịch bản tồi tệ làm xấu đi hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế.

Điều đặc biệt đáng lo ngại đối với Le Figaro là tỉnh Seine-Saint-Denis (93), nơi nổi tiếng về mất an ninh, tệ nạn, lại là nơi đón tiếp 15.000 vận động viên quốc tế đến tham gia Thế Vận Hội, giới báo chí nước ngoài và hơn 50% số trận thi đấu. Nước Pháp chờ đón 13,5 triệu du khách đến dự sự kiện thể thao lớn của thế giới. Các du khách nước ngoài rất dễ trở thành "con mồi" bị giới tội phạm nhắm tới. Thách thức là làm thế nào để sự kiện thể thao thuộc hàng lớn nhất hành tinh không biến thành một "cơn ác mộng" khi hiện giờ mỗi ngày ở tỉnh Seine-Saint-Denis có tới 37 vụ tấn công xảy ra. Le Figaro nói đến nỗi sợ "lạnh sống lưng" của các chuyên gia về an ninh khi nghĩ đến lễ khai mạc Thế Vận Hội được tổ chức tại một không gian mở trên sông Seine. Một sự kiện tương tự theo lệ thường phải được tổ chức tại một không gian khép kín, lối vào được kiểm soát gắt gao. 

2022 - Pháp đạt kỷ lục về thu hút đầu tư nước ngoài

Về khả năng thu hút đầu tư, báo kinh tế Les Echos trích dẫn số liệu của Business France, cơ quan Nhà nước chuyên trách thu hút đầu tư, cho biết trong năm 2022, Pháp đã thu hút được 1.725 dự án đầu tư của nước ngoài, tăng 7% so với năm 2021, bất chấp chiến tranh Ukraine, lạm phát, khủng hoảng năng lượng… Nhờ đó, Pháp có thêm gần 59.000 việc làm. Tổng thống Macron tự hào khẳng định chính sách thu hút đầu tư mà Pháp tiến hành từ 6 năm nay đã mang lại kết quả.

Nhìn từ nước ngoài, Pháp được đánh giá cao về khả năng chống chọi với khủng hoảng, với mức lạm phát thấp hơn đa phần các nước Châu Âu khác. Các lĩnh vực được nhà đầu tư quốc tế quan tâm tại Pháp là năng lượng, tái chế, trang thiết bị điện tử, thực phẩm và y tế, chăm sóc sức khỏe. Một tin vui khác là ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài đặt trụ sở chính tại Pháp. Năm nước đầu tư nhiều nhất vào Pháp là Mỹ, Đức, Anh, Hà Lan và Ý.

Mỹ - Trung chưa bao giờ lệ thuộc nhau về thương mại nhiều đến thế

Nhìn ra thế giới, trong chuyên mục kinh tế, Le Figaro cho biết "Mỹ vẫn lệ thuộc vào hàng ‘made in China’". Bất chấp quan hệ Mỹ - Trung xuống cấp do các căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh công nghệ, trao đổi thương mại song phương năm 2022 vẫn phá kỷ lục, đạt hơn 690 tỉ đô la.

Le Figaro nhận định sự lệ thuộc lẫn nhau giữa hai cường quốc chưa bao giờ mạnh đến thế. Nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đã tăng 6,3% trong khi xuất khẩu của Mỹ sang Trung tăng 1,6% cho dù việc giao máy bay Boeing 737 Max đang phải tạm ngưng.

Le Figaro trích dẫn một nghiên cứu mà Allianz Trade công bố hồi tháng 10/2022, theo đó Trung Quốc là nhà cung cấp quan trọng 276 loại mặt hàng sang Mỹ, trong khi Trung Quốc chỉ lệ thuộc vào 27 loại sản phẩm của Mỹ. Để giảm sự chênh lệch này, Mỹ đang đẩy mạnh chiến lược "Trung Quốc + 1".  Các nhà công nghiệp của Mỹ đang tìm kiếm thêm các nhà cung ứng, nhất là ở Việt Nam, Đài Loan, Ấn Độ, hay ở ngay nước láng giềng Mexico của Mỹ, nhất là liên quan đến các loại hàng hóa trung gian, như linh kiện xe hơi, thép, thiết bị bán dẫn. Tuy nhiên, xét cả về số lượng - chất lượng sản xuất và thời hạn giao hàng, theo Le Figaro, thường thì Trung Quốc vẫn có tính cạnh tranh cao hơn.  

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 178 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)