Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/03/2023

Ngoại giao : Cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các đại cường

RFI tổng hợp

Ảnh hưởng ngoại giao : Đối đầu âm ỉ giữa Trung Quốc và Nhật Bản

Thanh Hà, RFI, 23/03/2023

Trung Quốc và Nhật Bản hiện đang gia tăng ảnh hưởng ngoại giao với các vùng ngoài khu vực Châu Á : Chủ tịch Trung Quốc mang kế "hoạch hòa bình cho Ukraine" đến Moskva. Thủ tướng Nhật Bản bất ngờ viếng thăm Kiev. Trước đó, Bắc Kinh khẳng định vai trò trung gian hòa giải Iran và Saudi Arabia, Tokyo công bố "Kế hoạch Nhật Bản" cho vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, thắt chặt bang giao với Ấn Độ, gạt bỏ những hiềm khích quá khứ để khôi phục hợp tác với Hàn Quốc.

ngoaigiao1

Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông (Sun Weidong) gặp ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 22/02/2023. AP - Issei Kato

Cuộc đối đầu Mỹ Trung thu hút chú ý của công luận quốc tế, truyền thông chỉ quan tâm đến sự kiện ông Tập Cận Bình đến Moskva mà quên mất rằng các hoạt động ngoại giao của Nhật Bản đang "năng động hơn bao giờ hết". Bắc Kinh và Tokyo đang lao vào một cuộc tranh giành ảnh hưởng trên sân khấu ngoại giao quốc tế. Sau khi làm nhịp cầu giữa Iran và Saudi Arabia, hai nước Hồi Giáo thù nghịch trong vùng Trung Đông, ông Tập Cận Bình lập tức lên đường sang Moskva để thắt chặt "bang giao vô bờ bến" với tổng thống Vladimir Putin và tập trung vào xung đột Ukraine, với dụng ý con đường dẫn đến hòa bình phải đi qua Bắc Kinh.

Giống như trong hồ sơ Iran-Saudi Arabia, Trung Quốc cũng sẽ là một nhà hòa giải "trung thực" và đáng tin cậy của các bên. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định tầm quan trọng về mặt chiến lược trong bang giao "mật thiết" và "không có giới hạn" giữa Bắc Kinh với Moskva. Trung Quốc và Nga hàm ý cùng nhau xây dựng một trật tự thế giới mới, thách thức vai trò của Hoa Kỳ.

Vai trò ngoại giao của Nhật ?

Về phía Nhật Bản, một đồng minh thân thiết của Mỹ tại Đông Á, thủ tướng Fumio Kishida vừa kết thúc chuyến thăm New Delhi đã đến Butcha và thủ đô Kiev của Ukraine bằng tàu hỏa. Từ sau Thế Chiến Thứ Hai, ông là lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên viếng thăm một quốc gia đang trong có xung đột. Tháng trước, Tokyo thông báo viện trợ 5,5 tỷ đô la cho Ukraine. Từng đứng đầu ngành ngoại giao Nhật Bản, thủ tướng Kishida liên tục cảnh báo rằng "chiến tranh Ukraine ngày hôm nay" là kịch bản báo trước những gì sẽ xảy ra "tại Đông Á sau này".

Nhà nghiên cứu Guillaume Figueroa, Đại học Cambridge trên báo The Diplomat (ngày 22/03/2023) ghi nhận thái độ của chính quyền Tokyo trên vấn đề Ukraine khác hẳn với những tuyên bố về thế trung lập của Bắc Kinh. Ông Kishida cũng không để họ Tập độc quyền dùng đòn ngoại giao và kinh tế để áp đặt tiếng nói trên hồ sơ Ukraine. Hơn nữa, vẫn theo tác giả bài tham luận trên The Diplomat, Nhật Bản không hài lòng khi thấy Bắc Kinh thành công trong vai trò trung gian để Teheran và Riyad nối lại đối thoại. Trong quá khứ, Tokyo từng đứng ra đảm nhiệm vai trò nhưng đã không mấy thành công.

Cuộc đua tranh giành ảnh hưởng

Ngoài ra, thủ tướng Kishida đến Kiev ngay sau khi ông vừa kết thúc chuyến công du Ấn Độ, một quốc gia có tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Nhật Bản, Ấn Độ tuy lệ thuộc vào Trung Quốc về thương mại và kinh tế nhưng có cùng một mục đích kiềm tỏa Bắc Kinh. New Delhi và Tokyo còn là hai thành viên trong Bộ Tứ QUAD cùng với Mỹ và Úc.

Trước chặng dừng ở New Delhi và đối thoại với đồng cấp Narendra Modi, thủ tướng Fumio Kishida vừa tiếp tổng thống Hàn Quốc tại Tokyo và đôi bên đồng ý sang trang quá khứ lịch sử để đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại. Yếu tố địa chính trị đã thúc đẩy Seoul và Tokyo nâng bang giao lên tầm cao mới. Trung Quốc là yếu tố gắn kết Nhật Hàn. Cả hai cùng lo ngại trước đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên. Nhật Bản và Hàn Quốc cùng chuẩn bị đối phó với kịch bản Bắc Kinh thôn tính Đài Loan. Cả hai cùng muốn ngăn chặn Trung Quốc bành trướng khẳng định chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông. 

Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc là ba cường quốc trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương và cả ba đều rất thận trọng trước những tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Cũng chính trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng với Bắc Kinh và nhất là để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc mà Tokyo vừa mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước trong vùng, và đã quyết định tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng trước ngưỡng 2027. 

Cuối cùng, Guillaume Figueroa, Đại học Cambridge, nêu lên một khả năng : Dù không răm rắp nghe theo Washington, nhưng chính sách đối ngoại của Nhật luôn chịu ảnh hưởng của Mỹ, đối tác quan trọng nhất của Tokyo cả về an ninh lẫn ngoại giao. Có lẽ một trong những lý do khiến thủ tướng Kishida hối hả đến Kiev lần này đó là Hoa Kỳ không muốn để cho Trung Quốc đóng vai trò trung gian, lợi dụng "tình bạn vô bờ bến" với Moskva để giải quyết xung đột Ukraine.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 23/03/2023

**********************

Cuộc tấn công ngoại giao Trung Quốc đặt ra thách thức cho Mỹ

Anh Vũ, RFI, 22/03/2023

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến thăm Moskva, để gặp tổng thống Vladimir Putin khẳng định mối quan hệ Nga-Trung "không giới hạn", đồng thời cũng là dịp để Bắc Kinh khẳng định vị thế trong các hồ sơ quốc tế như một "cường quốc có trách nhiệm".

ngoaigiao2

Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện Kremlin, Moskva, Nga ngày 21/03/2023. AFP – Grigory Sysoyev

Chuyến đi của lãnh đạo Trung Quốc được giới quan sát tập trung chú ý vào kế hoạch hòa bình cho Ukraine sẽ được triển khai thế nào. Dù không mấy ai hy vọng chuyến công du của ông Tập sẽ tạo được bước đột phá trong giải quyết xung đột tại Ukraine. Nhưng Washington theo dõi với mối lo ngại những bước đi ngoại giao mới đây sẽ giúp Bắc Kinh tạo được uy tín trên trường quốc tế.

Những tuần qua, Trung Quốc liên tiếp đưa ra những sáng kiến lớn về vấn đề an ninh toàn cầu, ngày càng tỏ ra tích cực can dự và các hồ sơ nóng của thế giới. Hôm 21/02 vừa rồi, Bắc Kinh giới thiệu dự án hòa bình lớn có tên gọi "sáng kiến cho an ninh toàn cầu". Tài liệu kêu gọi ủng hộ giải quyết các điểm nóng của thế giới, cụ thể, hiện nay là cuộc khủng hoảng Ukraine, thông qua đối thoại và đàm phán. Trước chuyến đi của ông Tập Cận Bình tới Moskva, hôm 10/03, tại Bắc Kinh, Trung Quốc tổ chức thành công cuộc hòa giải, tái lập quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia, sau 7 năm là đối thủ kình địch nhau trong khu vực Trung Cận Đông, nơi từ nhiều thập kỷ qua, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia điều hành chủ yếu bàn cờ địa chính trị.

Giới quan sát đã nhận thấy những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc trong khu vực này không chỉ là lợi ích kinh tế qua các hợp đồng dầu mỏ, hay bán vũ khí cho các nước được Trung Quốc giúp mang lại sự ổn định, mà còn đạt mục tiêu rộng hơn, thu hẹp sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên trường quốc tế.

Riêng với hồ sơ Ukraine, từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, Hoa Kỳ và các nước phương Tây vẫn tự tin là vẫn đang làm chủ cuộc chơi. Giờ đây, Washington tỏ nghi ngại bản kế hoạch hòa bình 12 điểm cho Ukraine, sẽ có thể dẫn đến việc ngừng bắn, tạo cơ hội cho Nga có thời gian củng cố lại lực lượng đã bị cuộc kháng cự của Ukraine từ hơn một năm nay làm tiêu hao đáng kể. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tuyên bố : "Thế giới không nên bị lòe bịp bởi một ý đồ chiến thuật nào đó của Nga được Trung Quốc ủng hộ để làm bế tắc cuộc chiến tranh theo điều kiện của họ".

Nhưng nhiều giới chức và chuyên gia Mỹ đã khẳng định, ngoại giao của Trung Quốc không nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh này mà chỉ là để cố gắng thay đổi cách nhìn nhận về Trung Quốc. Ông Robert Daly, giám đốc Viện Kissinger thuộc Center Wilson của Mỹ, được AFP trích dẫn, nhận định : "Tập Cận Bình muốn được nhìn nhận và coi trọng như là một con người hòa bình, ông ta quan tâm đến điều này nhiều hơn là kiến tạo điều gì đặc biệt để đạt đước hòa bình ở Ukraine. Đó mới chính là thông điệp".

Ngay sau khi đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, ông Joe Biden đã tuyên bố hùng hồn rằng nước Mỹ đang trở lại dẫn dắt thế giới. Washington ngày càng thuyết phục được các đồng minh phương Tây coi Trung Quốc như là mối đe dọa toàn cầu. Quan điểm này càng được phát triển rộng ở Châu Âu sau khi gần đây, Washington khẳng định Bắc Kinh đang dự định cung cấp vũ khí cho Nga.

Chuyên gia Daly cho rằng việc Tập Cận Bình thể hiện mình là một nhà trung gian hòa giải sẽ tạo một hiệu ứng nhất định ở Châu Âu, đặc biệt ở nhiều nước đang phát triển không mấy đồng tình với điểm duy trì trật tự thế giới dựa trên các luật lệ do Mỹ đặt ra.

Theo chuyên gia Daly, ông Tập không chú trọng vào hòa bình hay ngừng bắn ở Ukraine. Những gì ông ta làm chỉ là để chứng tỏ ông có qua tâm đến hòa bình, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nước khác.

Trong khi ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken nhìn nhận việc Iran và Saudi Arabia hòa hợp là "điều tốt", dù là dưới bàn tay của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc chỉ nhảy vào cuộc chơi ở những nơi có chọn lọc. Iran và Arập Xê Út là những nước mà Hoa Kỳ đều bất lực không thể điều khiển được. 

Còn theo bà Tôn Vân (Yun Sun), giám đốc chương trình nghiên cứu về Trung Quốc tại Stimson Center (Mỹ), "thỏa thuận Iran-Saudi Arabia đã khiến nhiều người ở Hoa Kỳ khó chịu". Chuyên gia này giải thích thêm, Trung Quốc đã rời bỏ dần với chính sách ngoại giao "chiến lang" được triển khai từ nhiều năm qua. "Nhưng vấn đề là để xem liệu Trung Quốc có khả năng đề xuất một trật tự thế giới mới, tôi không cho là như vậy", bà Tôn Vân nhấn mạnh.

Evan Feigenbaum, cựu quan chức Hoa Kỳ hiện đang làm việc tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định chính sách ngoại giao của Trung Quốc hiện nay chỉ có thể giúp ích, nếu không muốn nói là rất nhiều, ở Châu Âu – nhưng không có chuyện thắng Hoa Kỳ.

"Bắc Kinh hiểu Washington sẽ coi bất kỳ hoạt động ngoại giao nào của Trung Quốc chỉ là biểu diễn, nhưng người Mỹ không phải là khán giả của Trung Quốc, vì vậy Bắc Kinh có thể không quan tâm lắm đến những gì Washington nghĩ", chuyên gia Evan Feigenbaum bình luận.

Anh Vũ

Nguồn : RFI, 22/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Anh Vũ
Read 301 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)