Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

25/02/2023

Cầu chúc Ukraine giành được chiến thắng và có hòa bình

RFI tổng hợp

Ukraine đẩy nhanh việc di tản thường dân gần chiến tuyến miền đông

Thùy Dương, RFI, 25/02/2023

Gần đến 24/02/2023, tròn một năm ngày Putin phát động cuộc chiến xâm lược nước láng giềng Ukraine, các vùng nằm gần chiến tuyến miền đông Ukraine càng cảm thấy áp lực trước nguy cơ bị quân Nga ồ ạt tấn công trở lại. Tại vùng Kharkiv, nơi đã được giải phóng từ hồi tháng 09/2022, gần Koupiansk, tình hình những ngày qua rất căng thẳng, việc di tản thường dân được đẩy nhanh, nhưng không phải ai cũng đành lòng ra đi, cho dù ở lại là đối mặt với đạn pháo của kẻ thù.

uk3

Anh Oleksij, một tình nguyện viên lái xe đưa người dân di tản, Koupiansk, Ukraine, ngày 22/02/2023. © Boris Vichith / RFI

Ngày 23/02, đặc phái viên Anastasia Becchio và Boris Vichith gửi về bài phóng sự :

"Chiếc xe bus nhỏ của các tình nguyện viên ra dấu báo hiệu là xe đã đến sân trong của tòa nhà. Vài phút sau, một người phụ nữ lớn tuổi với nước da bợt bạt, được hai người đàn ông đỡ lên xe. Khi các vụ pháo kích xảy ra gần hơn, anh Aleksei, con trai bà cụ, cuối cùng đã thuyết phục được bà đến bệnh viện ở Kharkiv. Anh nói : "Pháo kích rất dữ dội. Thật là đáng lo. Ai cũng sẽ thấy sợ thôi, đó cũng là điều bình thường".

Người lái xe là anh Oleksij Reutskij, một tình nguyện viên. Anh cho biết các đề nghị được đi sơ tán đã tăng. Oleksij kể : "Cách nay 1 tháng, mỗi tuần chúng tôi di tản khoảng 20 người. Giờ đây, chỉ riêng trong ngày hôm nay chúng tôi phải đưa 11 người rời khỏi đây. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng đến đây. Tình hình đang căng thẳng : Người dân nghe nói là các vụ pháo kích ngày càng dữ dội hơn, ngày càng có nhiều trận giao tranh hơn và kẻ thù đã tiến đến gần".

Trước khi đi đón những hành khách khác, Oleksij đến gặp cha mình, người từ chối rời khỏi một khu vực đặc biệt nguy hiểm. Ông nói : "Tôi sinh ra và được rửa tội ngay ở đây. Còn cha mẹ tôi yên nghỉ phía bên kia con đường". Oleksij than thở : "Thật khó để đưa ông ấy ra khỏi đây, nhưng chúng tôi đang cố thuyết phục ông rời đi trong vòng hai tuần lễ, cho qua cái khoảng thời gian xung quanh ngày 24/02, bởi vì tất cả mọi người đều đang lo sợ điều gì đó xảy ra".

Đúng lúc đó, có tiếng đạn pháo vang lên không xa, Oleksij đứng dậy, nói thêm : 'Ấy thế mà ông ấy không muốn rời đi'".

Trường học thời chiến : Học sinh đã quen với còi báo động và hầm trú ẩn

Trong khi đó, ngay tại thủ đô Kiev, suốt thời gian qua, mặc dù điện liên tục bị cúp và có nhiều vụ nổ xảy ra, nhưng mọi người vẫn làm hết sức để trẻ em được đến trường. Tuy nhiên, vào cuối tuần này, tại vùng Kiev, các trường học phải đóng cửa. Nhà chức trách khuyến nghị các trường tổ chức cho học sinh học từ xa vì lo ngại quân Nga tăng cường các đợt oanh kích vào dịp tròn một năm xâm lược Ukraine.

Đặc phái viên Julien Boileau và Sylvie Noël hôm thứ Năm 23/02 đã đến trường 49 ở Kiev, gặp hiệu trưởng, nghe bà hồi tưởng về dấu mốc 24/02 và cách trường học thích nghi với thời chiến :

"Bà Alla Souleymanova, hiệu trưởng của trường kể lại là hôm 24/02/2022, bà đến trường từ rất sớm. Lúc đó mới là 6 giờ sáng và hiệu trưởng trường 49 ở Kiev bắt đầu các cuộc gọi điện thoại cho hiệu trưởng của các trường học ở Pháp mà bà đã lập quan hệ đối tác, trao đổi trong suốt nhiều năm qua. Việc cấp bách khi đó là đưa các em học sinh đến chỗ an toàn.

Tất cả những ai có thể đều ra đi. Mẹ của một học sinh lớp 12 đi đến Paris và chở theo 8 đứa trẻ trong xe của mình, các em ngủ lăn lóc chèn cả vào người nhau.

Ở lại Kiev, vượt qua những thời khắc hoang mang, sợ hãi, cô hiệu trưởng Alla Souleymanova bắt tay vào tổ chức trường học thời chiến. Bà nói : "Anh chị biết đấy, Covid là một nỗi bất hạnh, nhưng cũng nhờ thế mà chúng tôi có các công cụ, các nền tảng dạy học. Và thế là chúng tôi bắt đầu tổ chức dạy học từ xa trên khắp thế giới, vì mọi người đều đã ra đi, đến bất cứ nơi nào họ có thể".

Kể từ tháng 9 năm ngoái, các lớp học tại trường đã được mở trở lại, nhưng việc dạy học trực tuyến vẫn tiếp tục được tổ chức cho các học sinh đã di tản đến những nơi khác ở Ukraine hoặc cho những học sinh đang sống tị nạn ở nước ngoài. Đối với những ai đến trường học, có một khu trú ẩn rộng rãi, thoải mái đã được tạo ra ở tầng hầm của trường. Mỗi khi có báo động, tất cả các lớp đều xuống ẩn náu ở đó và buổi học lại tiếp tục.

Cô hiệu trưởng Alla Souleymanova kết luận : "Nhưng sẽ vẫn tốt hơn nếu chúng tôi không cần nơi trú ẩn này".

Mỗi ngày có gần 20.000 người Ukraine vượt biên giới Ba Lan trở về nước

Nhìn tới vùng biên giới giữa Ukraine và Ba Lan, vào thời điểm có nhiều đồn đoán về việc Nga sẽ ồ ạt tấn công Ukraine vào dịp 24/02, nhiều người Ukraine tị nạn ở Ba Lan vẫn tìm cách đi tàu trở về Ukraine, nhất là đến miền tây, dù chỉ để lưu lại trong một ngày nghỉ cuối tuần, một tuần hay vài tháng. Mỗi ngày có gần 20.000 người vượt biên giới Ba Lan về thăm quê.

Từ Przemysl, một trong những thị trấn của Ba Lan nằm gần Ukraine nhất, thông tín viên Martin Chabal gửi về bài phóng sự :

"Trong tiết trời tháng Hai, nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, hàng trăm người đang đợi để lên chuyến tàu đi Ukraine.

Izabel cùng các con và gia đình của chị gái cô từ Anh trở về nước trong kỳ nghỉ của học sinh. Izabel nói : "Chúng tôi trở về vì muốn gặp lại chồng của chúng tôi. Còn họ đang nóng lòng được gặp lại bọn trẻ". Thế nhưng, đằng sau nụ cười của Izabel vẫn là nỗi lo lắng về tình hình quê nhà ở Dnipro. Izabel nói tiếp : "Dẫu sao chúng tôi cũng vẫn sợ khi trở về Ukraine bây giờ. Trong trận pháo kích đầu tiên nhắm vào Dnipro, ngôi nhà cạnh nhà của chị gái tôi đã bị phá hủy".

Những người khác ít kiên nhẫn hơn Izabel. Đây là lần thứ hai Lera trở lại kể từ đầu năm đến nay. Cô rất vui khi được trở về Odessa. Lera chia sẻ : "Tôi rất vui khi được trở về. Tôi đã chờ suốt cả tháng nay rồi, chỉ để ở Odessa và có một khoảng thời gian thật vui ở đó".

Còn Vitalii đến Ba Lan là để thăm mẹ. Bây giờ cậu trở về sống ở Dnipro. Vitalii cho biết : "Tôi mới 17 tuổi nên tôi có thể dễ dàng sang Ba Lan rồi lại trở về". Nhưng đến tháng Tư tới đây, Vitalii sẽ tròn 18 tuổi và cậu ấy sẽ không thể rời khỏi đất nước được nữa. Vitalii nói tiếp : "Tôi không biết mình sẽ phải làm gì. Tôi hy vọng chiến tranh sẽ kết thúc, nhưng tôi không sợ".

Mỗi ngày, có 3 chuyến tàu khởi hành từ thị trấn nhỏ này của Ba Lan để đến miền tây Ukraine. Còn người tị nạn đổ về đây từ khắp Châu Âu để nắm lấy cơ hội về thăm đất nước mà họ đang rất nhớ thương".

Bất chấp chính sách trung lập về quân sự, Ireland quyết định huấn luyện binh sĩ Ukraine rà phá mìn

Chính phủ Ireland vừa chính thức thông báo sẽ có chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraine rà phá mìn. Ý tưởng này được đưa ra vào cuối năm ngoái. Ireland trước đây đã từng tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình, nhưng chưa bao giờ can dự vào một cuộc xung đột giữa hai quốc gia. Thông báo này đương nhiên không được phe đối lập ủng hộ, vì họ muốn duy trì tình trạng trung lập quân sự của đất nước. Quyết định của Ireland đương nhiên cũng vấp phải sự phản đối của Nga.

Từ Dublin, thông tín viên Laura Taouchanov ngày 22/02 gửi về bài tường trình :

"Sau nhiều tháng gửi hàng viện trợ y tế hoặc cứu trợ nhân đạo, nhưng luôn từ chối viện trợ quân sự, chính phủ Ireland nay đã thay đổi ý kiến. Khoảng 30 binh sĩ Ireland sẽ huấn luyện cho binh lính Ukraine cách rà phá mìn. Đó là một thế mạnh của quân đội Ireland và họ đã từng thực hiện một số khóa huấn luyện kiểu như vậy, chẳng hạn như ở Mali.

Mục tiêu là tăng cường năng lực quân sự của Ukraine, giúp họ bảo vệ tốt hơn lãnh thổ Ukraine và bảo vệ dân thường. Đã có hàng trăm chương trình như vậy ở Châu Âu, nhưng điểm khác biệt là Ireland vốn vẫn duy trì tình trạng trung lập về quân sự.

Hòn đảo này không tham gia trực tiếp vào Đệ Nhị Thế Chiến và chưa bao giờ gia nhập NATO. Do vậy, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, Ireland đóng góp vào việc huấn luyện một lực lượng của một nước đang có chiến tranh với một nước khác.

Quyết định này đang gây tranh cãi trong hàng ngũ phe đối lập, đặc biệt là đảng Sinn Fein. Đối với đảng này, tính trung lập không chỉ là một quan điểm lịch sử, mà còn là mong muốn của nhân dân hiện nay. Đại sứ Nga tại Ireland cũng khẳng định khi đưa ra quyết định như vậy, coi như Ireland trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột này".

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 24/02/2023

************************

Bốn kịch bản tiếp theo của chiến tranh Ukraine

Thanh Phương, RFI, 24/02/2023

Đúng một năm kể từ khi tổng thống Nga Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, xung đột không biết bao giờ mới chấm dứt, bên nào cũng tuyên bố sẽ đánh đến cùng để giành chiến thắng, chứ không hề tỏ ý muốn đàm phán hòa bình.

uk1

Một người đàn ông hóa trang thành chim bồ câu hòa bình đứng trước đại sứ quán Nga ở Berlin, Đức, trong cuộc biểu tình đánh dấu một năm ngày Nga xâm lược Ukraine, ngày 24/02/2023. AP - Markus Schreiber

Quân đội hai nước nay giao tranh với nhau trên một chiến tuyến dài đến hơn 1.000 km ở miền đông Ukraine, giành giật nhau từng tấc đất tại những thành phố nay chỉ là những đống đổ nát. Chiến tranh Ukraine giờ đã trở thành một cuộc chiến tranh hao mòn. 

Như vậy, cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể sẽ tiếp diễn như thế nào, các chuyên gia được tuần báo Pháp L’Obs trích dẫn hôm qua dự báo bốn kịch bản.

Thứ nhất là Ukraine giành chiến thắng. Từ khi lực lượng của Kiev mở cuộc phản công vào tháng 9, chỉ trong vài ngày giành lại quyền kiểm soát 2.500 km2, kịch bản Ukraine giành chiến thắng đã trở thành một trong những giả thuyết được xem là có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự Thibault Fouillet thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược (FRS), chiến thắng trên chiến trường không đồng nghĩa với việc đạt được các mục đích của chiến tranh mà Kiev đã đề ra, đó là giành lại toàn vẹn lãnh thổ và đạt được những bảo đảm an ninh lâu dài. Hơn nữa, theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Céline Marangé tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự (IRSEM), chính người dân Ukraine đòi hỏi là bất cứ giá nào cũng phải giải phóng toàn bộ các vùng mà Nga chiếm đóng hoặc sát nhập, kể cả vùng Crimea. 

Hiện giờ, quân Ukraine đang "thừa thắng xông lên" chủ yếu là nhờ nguồn vũ khí dồi dào do phương Tây viện trợ. Nhưng Mỹ, Anh, Pháp, Đức hay Ba Lan không thể nào cung cấp súng đạn, xe tăng lâu dài cho Kiev. Đến một lúc nào đó, nguồn vũ khí viện trợ sẽ cạn dần, liệu sức kháng cự của quân Ukraine có sẽ bị suy giảm hay không ?

Cho nên, không loại trừ khả năng xảy ra kịch bản thứ hai, đó là Nga giành chiến thắng. Moskva đã nêu rõ mục đích của họ khi mở cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine : Thay đổi chế độ "phát xít" ở Kiev và đặt Ukraine dưới sự giám hộ của Nga. Tuy nhiên, trước mắt, chế độ Kiev khó mà bị lật, trừ phi bộ máy quân sự của Ukraine bị sụp đổ hoàn toàn. Đúng là Moskva có thể ban hành các lệnh động viên mới để gầy dựng lại các lực lượng đã bị tiêu hao ở Ukraine, hoặc điều quân chính quy và lính đánh thuê từ Syria và Châu Phi về, để áp đảo quân Ukraine về số lượng. Nhưng quân Nga vẫn còn gặp nhiều vấn đề về thiết bị quân sự và đạn được.

Do cả hai bên đều khó mà giành chiến thắng dứt điểm, nên có thể Nga và Ukraine rồi sẽ đàm phán với nhau để chấm dứt chiến tranh. Nhưng kịch bản thứ ba này khó mà xảy ra trong những tháng tới, vì theo nhận định của chuyên gia Thibaut Fouillet, chiến tranh Ukraine hiện giờ là một cuộc chiến tranh hao mòn, "khi nào mà hai bên tham chiến đều hy vọng giành được thêm đất, thì cả hai đều thấy không cần phải thương lượng với nhau". Hơn nữa, theo nhà nghiên cứu Céline Marangé, đối với tổng thống Zelensky, ngồi vào bàn đàm phán với Nga sẽ làm sụt giảm uy tín chính trị của ông, vì dân Ukraine không chấp nhận bất cứ một nhân nhượng nào với Nga.

Cả ba kịch bản nói trên đều khó có khả năng xảy ra về ngắn hạn, cho nên không thể loại trừ kịch bản thứ tư, đó là nguy cơ leo thang, tức là Nga sử dụng vũ khí nguyên tử, hay chiến tranh Ukraine lan sang các nước khác. Tuy nhiên, theo đa số các chuyên gia, nguy cơ Moskva dùng đến các vũ khí không quy ước là rất thấp, vì đối với Nga, cái giá phải trả cho việc dùng vũ khí hạt nhân sẽ rất là cao, trong khi kết quả thu được ở chiến trường Ukraine rất thấp.

Nguy cơ xung đột lan sang các nước láng giềng của Ukraine như Ba Lan cũng khó xảy ra trong lúc này. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Céline Marangé nhấn mạnh, có hai lằn ranh đỏ mà Ukraine và các đồng minh không nên vượt qua : "Nếu chế độ bị đe dọa hoặc nếu lãnh thổ quốc gia bị tấn công, Putin có thể cảm thấy bị dồn đến đường cùng". Chính vì không muốn xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Nga, nên cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn không chấp nhận giao cho Ukraine các tên lửa tầm xa có thể bắn tới mục tiêu cách 300 km, tức là tới các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga. 

Thanh Phương

**********************

Đúng một năm Nga xâm lược, Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ cố giành chiến thắng năm nay

Thanh Phương, RFI, 24/02/2023

Hôm 24/02/2023, là đúng một năm ngày tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Phát biểu với quốc dân, tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ cố hết sức để giành chiến thắng trong năm nay.

uk2

Tổng thống Volodymyr Zelensky trong buổi họp báo với thủ tướng Ý Giorgia Meloni tại Kiev, Ukraine, ngày 21/02/2023. AFP – Genya Savilov

Trong bài phát biểu dài gần 15 phút, được phát trên các mạng xã hội, tổng thống Zelensky nói : "Ukraine đã làm thế giới bất ngờ. Ukraine đã gợi cảm hứng cho thế giới. Ukraine đã đoàn kết thế giới". Ông nói thêm là người dân Ukraine "sẽ không bao giờ ngơi nghỉ khi nào mà những tên sát nhân Nga không bị trừng trị".

Một năm sau khi tổng thống Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược, người dân Ukraine tin tưởng vào chiến thắng, theo tường trình của đặc phái viên Emmanuelle Chaab từ Kiev :

"Vào đầu năm nay, đúng là người dân Ukraine lo ngại về một chiến dịch tấn công mới của quân Nga trên bộ, cuộc tấn công mùa Xuân, và dĩ nhiên viễn cảnh một cuộc tấn công từ nước Belarus láng giềng vẫn còn trong tâm trí mọi người.

Hiện giờ các cuộc giao tranh trên bộ chủ yếu tập trung ở miền đông và nhưng bây giờ không còn yếu tố bất ngờ nữa. Trong tuần này, tuần đánh dấu một năm quân Nga tiến gần đến thủ đô Ukraine, nhiều người vẫn chờ đợi là sẽ xảy ra một cuộc đảo chính, nhất là vì Kiev vẫn luôn bị không kích bằng tên lửa, bằng drone tự sát, mà đa số bị hệ thống phòng không của Ukraine bắn chặn.

Tuy vậy, khi nói chuyện với những người dân Ukraine sau một năm đầy thử thách, tôi thấy ai cũng tin tưởng vào chiến thắng của Ukraine dù có phải mất nhiều thời gian đến đâu. Hiện giờ người ta nói nhiều đến Bakhmut. Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine đã thống kê là từ tháng 2/0222, chỉ riêng thành phố này đã bị tấn công 380 lần. Nên nhớ rằng tại vùng này chiến tuyến dài đến hơn 1.000 km. 

Hôm qua, Kherson lại bị oanh kích. Dù đã được giải phóng từ tháng 11 năm 2022, thành phố này vẫn tiếp tục sống dưới đạn pháo của Nga".

Về phía Nga, cựu tổng thống Dmitri Medvedev hôm nay cũng khẳng định là Nga "sẽ giành chiến thắng ở Ukraine và sẵn sàng tiến đến sát biên giới Ba Lan".

Trong khi đó, lãnh đạo các nước phương Tây vẫn ủng hộ Kiev. Khối NATO hôm nay ra thông cáo bày tỏ "quyết tâm trợ giúp Ukraine chống lại Nga" và cho rằng Moskva "đã thất bại trong nỗ lực phá vỡ ý chí kiên cường của nhân dân Ukraine". Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định Pháp sẽ luôn sát cánh với Ukraine và cầu chúc cho Ukraine giành được chiến thắng và đạt đến hòa bình. Thủ tướng Đức Olaf Scholz thì tin tưởng là tổng thống Putin "sẽ không đạt được các mục tiêu đế quốc chủ nghĩa" của ông ở Ukraine.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 24/02/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương, Thanh Phương
Read 315 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)