Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/03/2023

G20 năm 2023 : cuộc họp giữa những người điếc

RFI tiếng Việt

Phân cực Đông-Tây trong nhóm G20 vì chiến tranh Ukraine

Thu Hằng, RFI, 02/03/2023

Thủ tướng Narendra Modi hôm nay đã kêu gọi nhóm G20 vượt qua "những chia rẽ" về chiến tranh ở Ukraine để tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách như giảm nghèo đói, chống biến đổi khí hậu. Là nước chủ tịch luân phiên G20, giữ thế trung lập về chiến tranh Ukraine, Ấn Độ muốn làm trung gian giữa hai cực Đông-Tây ngày càng thêm căng thẳng trong G20. Nhưng có lẽ đây là nhiệm vụ bất khả thi đối với New Delhi.

g20-1

Ảnh minh họa : Bảng chào mừng Hội Nghị các Ngoại trưởng G20 tại New Delhi (Ấn Độ), ngày 01/03/2023. Reuters - AMIIT DAVE

Chiến tranh Ukraine gây chia rẽ G20

Chiến tranh Ukraine, kéo dài hơn một năm nay, đã đào sâu thêm hố ngăn cách giữa phương Tây, đứng đầu là Mỹ với Nga. Dấu hiệu rõ ràng nhất là dù ngồi chung phòng họp, nhưng hai ngoại trưởng Antony Blinken và Sergey Lavrov không có ý định gặp riêng (hai ông chỉ trao đổi với nhau vài câu). Ông Blinken khẳng định không có "bất kỳ dấu hiệu nào" cho thấy Putin sẵn sàng chấm dứt chiến tranh bằng con đường ngoại giao, mà "các bằng chứng lại đi theo hướng ngược lại".

Phía Pháp lên án "cuộc chiến bẩn thỉu" do Nga phát động "vi phạm mọi quy luật về chiến tranh và nhân đạo". Ngoài những từ ngữ nghiêm khắc trong bài phát biểu hôm 02/03 để lên án Nga, ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna kêu gọi G20 có biện pháp "đáp trả rõ ràng". Theo bà, đó là "trách nhiệm chung, chứ không phải là sự chia rẽ hay phản đối triệt để". Dù không muốn biến G20 thành diễn đàn chỉ trích Nga, ngoại trưởng Anh James Cleverly nhấn mạnh với AP là thế giới đều biết lập trường của phương Tây về cuộc chiến ở Ukraine.

Hội nghị ngoại trưởng G20 cũng là cơ hội để Matxcơva lên án phương Tây. Bộ Ngoại Giao Nga ra một thông cáo hôm 28/02 tố cáo "chính sách hủy hoại của Mỹ và các đồng minh của Hoa Kỳ đã đẩy thế giới bên bờ thảm họa, gây thụt lùi về phát triển kinh tế-xã hội và làm trầm trọng thêm tình hình của các nước nghèo nhất". Đối với Nga, tất cả đều là do phương Tây đơn phương áp đặt "các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp, cắt đứt chuỗi cung ứng xuyên biên giới và áp đặt các mức giá trần mà thực chất là mưu đồ ăn cắp tài nguyên".

Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng

Sự chia rẽ tại hội nghị ngoại trưởng G20 còn do cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh. Ngày 01/03, một ngày trước khi khai mạc hội nghị, ngoại trưởng Mỹ lại cảnh cáo Trung Quốc về khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Nga. Ông Blinken vẫn nghi ngờ thực tâm làm trung gian hòa giải của Bắc Kinh thông qua kế hoạch hòa bình 12 điểm, vì theo ông, "nếu Trung Quốc thực sự nghiêm túc về vấn đề này, lẽ ra họ nên dành cả năm ngoái để xem xét khả năng khôi phục chủ quyền cho Ukraine".

Theo AP, trả lời báo giới tại Tachkent trong chuyến công du Uzbekistan trước khi đến Ấn Độ, ông Blinken cho rằng Trung Quốc "không thể tự nhận là một lực lượng gìn giữ hòa bình trong khi bằng cách này hay cách khác, họ tiếp tục châm lửa cho đám cháy mà Vladimir Putin khơi mào".

Ngoài chiến tranh ở Ukraine, hai cường quốc hàng đầu thế giới còn bất đồng, thậm chí đối đầu về nhiều vấn đề khác, từ căng thẳng Đài Loan, nhân quyền ở Hồng Kông, tự do hàng hải ở Biển Đông và gần đây nhất, Bắc Kinh chỉ trích Mỹ mắc chứng "hoang tưởng" khi cấm mạng xã hội TikTok và bắn hạ "khinh khí cầu do thám". Cuộc họp của hai nhà lãnh đạo ngoại giao Mỹ-Trung, được cho là nhằm giảm bớt căng thẳng song phương, đã bị hủy vào phút chót vì sự cố khinh khí cầu.

Những bất đồng, chia rẽ tiếp diễn tại hội nghị các ngoại trưởng G20 trong khi hôm nay các nước trong nhóm cũng không ra được thông cáo chung. Nga và Trung Quốc lên án biện pháp "đổi chác và đe dọa" của phương Tây, chỉ trích các nước này đơn phương áp đặt "quan điểm". Người đứng đầu ngành ngoại giao Châu Âu Josep Borrell từng kỳ vọng Ấn Độ sẽ "khiến Nga hiểu rằng phải kết thúc chiến tranh". Nhưng do lợi ích kinh tế của Ấn Độ gắn liền với Nga kể từ khi Matxcơva phát động chiến tranh, cũng như do chủ trương giữ thế trung lập, New Delhi khó mà tác động đến điện Kremlin.

Thủ tướng Narendra Modi muốn G20 lắng nghe tiếng nói của các nước đang phát triển phương Nam, tập trung vào những vấn đề cấp bách như giảm đói nghèo, chống biến đổi khí hậu. Nhưng chừng nào nhóm 20 nước còn bị chia rẽ về chiến tranh Ukraine, hội nghị G20 có lẽ sẽ vẫn chỉ là diễn đàn để Đông-Tây chỉ trích nhau.

Thu Hằng

**********************

Hội nghị ngoại trưởng G20 : Ấn Độ kêu gọi vượt qua chia rẽ về chiến tranh Ukraine

Thu Hằng, RFI, 02/03/2023

Hội nghị ngoại trưởng nhóm G20 khai mạc ngày 02/03/2023 tại New Delhi, Ấn Độ. Trong lễ khai mạc, thủ tướng Narendra Modi kêu gọi 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt qua "những chia rẽ" về chiến tranh ở Ukraine. Ông cũng quan ngại rằng "chủ nghĩa đa phương đang gặp khủng hoảng".

g20-2

Quang cảnh hội nghị các ngoại trưởng G20 tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 02/03/2023. Reuters - POOL

Hiện giữ chức chủ tịch luân phiên G20, Ấn Độ muốn nhiệm kỳ 2023 tập trung vào những vấn đề như giảm nghèo đói, chống biến đổi khí hậu. Theo thủ tướng Modi, "kinh nghiệm của những năm trước - khủng hoảng tài chính, biến đổi khí hậu, đại dịch, khủng bố và chiến tranh - cho thấy rõ cách quản trị toàn cầu đã thất bại". 

Tuy nhiên, cuộc chiến do Nga phát động tại Ukraine đang lấn át những chủ đề quan trọng. Ấn Độ sẽ cố đóng vai trò trung gian để tiếng nói của các nước đang phát triển miền Nam được lắng nghe tại G20.

Thông tín viên RFI Sébastien Farcis tại New Delhi cho biết thêm :

"Ấn Độ khéo léo giữ lập trường trung lập về cuộc xung đột ở Ukraine. New Delhi kêu gọi chấm dứt chiến tranh, nhưng lại duy trì mối quan hệ hữu hảo với Nga, nay là nhà cung cấp dầu lửa lớn nhất cho Ấn Độ.

Vì thế, Ấn Độ tìm cách hòa giải hai phe tại hội nghị ngoại trưởng G20 với lập luận rằng những nước miền Nam như Ấn Độ mới là những nước đầu tiên phải chịu hậu quả từ cuộc đối đầu đó. Đây là điểm được nhà nghiên cứu Harsh Pant, chuyên về quan hệ đối ngoại của Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên (Observer Research Foundation) tại New Delhi, nhấn mạnh.

Ông nói : "Nếu đề cập đến những tác động của cuộc xung đột đối với những nước đang phát triển về mặt kinh tế và năng lượng, ta có nhiều cơ hội đạt được một đồng thuận, vì sẽ không ai nói là mặc kệ những nước này. Nhưng lần này chưa chắc đã thành công, vì có rất nhiều nhân vật quan trọng như Antony Blinken, Sergey Lavrov và ngoại trưởng Trung Quốc. Họ có thể có thái độ cứng rắn triệt để".

Trong cuộc họp của các bộ trưởng Tài chính G20 vào tuần trước, Nga và Trung Quốc đã từ chối ký vào bản thông cáo chung vì văn kiện này nói đến "chiến tranh" ở Ukraine".

Nga - Trung Quốc không ký văn bản kêu gọi Nga rút hết quân khỏi Ukraine

Cuộc họp của các ngoại trưởng G20 kết thúc mà thông ra được thông cáo chung, vì Nga và Trung Quốc từ chối ký vào văn kiện ủng hộ lời kêu gọi Nga rút hết lực lượng khỏi Ukraine, giống như cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 vào tuần trước. Nga và Trung Quốc lên án phương Tây áp đặt "quan điểm" riêng.

Ngày 02/03, ông Blinken đã có cuộc gặp ngắn, chỉ 10 phút, với đồng nhiệm Nga Sergey Lavrov để "trực tiếp gửi thông điệp" của Washington là tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 226 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)