Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

30/03/2023

Điểm báo Pháp - Quân Nga thất thế, án tù phản chiến nặng

RFI tiếng Việt

Quân Nga càng thất thế, án tù cho người phản chiến càng nặng

Le Figaro cho biết "Ở chiến trường Bakhmut, Mi-8 của Ukraine quấy rối quân đội Nga", dù những chiếc trực thăng này đôi khi tuổi đời còn lớn hơn phi công. Tại nước Nga, xu hướng trừng phạt ngày càng nặng nề đối với các công dân phản đối cuộc xâm lăng Ukraine. Le Monde nêu ra trường hợp một người cha bị án tù vì con gái vẽ những hình ảnh chống chiến tranh.

nga1

Các quân nhân của lữ đoàn 18 Không quân Ukraine tiếp nhiên liệu và bảo dưỡng trực thăng tại một sân bay ở Donetsk, sau khi quay về từ chiến trường, ngày 25/03/2023. Reuters – Violetta Santos Moura

Máy bay cổ lỗ sĩ, Ukraine vẫn gây khó cho quân Nga ở Bakhmut

Đặc phái viên Le Figaro mô tả, từ một căn cứ không quân ở miền đông Ukraine mà địa điểm được giữ bí mật, ba chiếc trực thăng Mi-8 cất cánh. Điểm đến là Bakhmut, với nhiệm vụ phá hủy các kho đạn và thiết giáp của kẻ thù. Các phi công xuất kích đến thậm chí ba lần trong ngày trên những chiếc Mi-8 và Mi-24 cũ kỹ từ thời Liên Xô, vẫn phải thường xuyên tu bổ. Người trẻ nhất chưa đầy 22 tuổi, và chưa có nhiều phi vụ trước cuộc xâm lăng, nhưng Ukraine rất cần phi công. Ivan, tình nguyện quân cách đây một năm còn là nhân viên bán đồ nội thất ở Ba Lan, cho biết ở miền trung Ukraine có những người thân Nga theo dõi và chỉ điểm, nên tại Kharkiv đã ba lần phải dời căn cứ.

Một giờ sau, ba chiếc trực thăng quay về an toàn. Các phi công vừa bước xuống là nhóm kỹ thuật viên vội vã chạy đến đổ đầy xăng, gắn những quả rốc-kết mới bên sườn. Đại úy Olexandr giải thích : "Không thể để mất thời gian. Mỗi phi vụ nhằm hủy diệt các mục tiêu, có nghĩa là cứu mạng những người lính Ukraine đang chiến đấu trên mặt đất. Đôi khi trực thăng được dùng để chở thiết bị hay thương binh, nhưng chủ yếu nhằm tác chiến. Tuy Mi-8 được sản xuất để vận chuyển, nhưng nay tất cả máy bay của Không quân Ukraine đều được cải tiến để chiến đấu". Dù chỉ có những loại rốc-kết không có hệ thống dẫn đường, nhưng họ cũng hoàn thành nhiệm vụ. Trực thăng phải bay rất thấp để tránh bị phát hiện, lộ trình luôn được thay đổi.

Không quân Nga có số phi cơ tiêm kích gấp sáu lần so với Ukraine, nhưng đã bị mất nhiều phi công kinh nghiệm, nhiều chiến đấu cơ và trực thăng nên nay không dám bay vào không phận Ukraine. Theo bộ quốc phòng Ukraine, Moskva đã dùng đến tiêm kích thế hệ thứ năm Su-57, nhưng chỉ thả hỏa tiễn tầm xa từ không phận Nga. Cho đến nay, chưa có nước nào viện trợ máy bay do phương Tây sản xuất, chỉ mới có Anh cho Kiev ba chiếc Westland Sea King loại biên chế. Nhưng vào đầu tháng này, có những phi công Ukraine đến Hoa Kỳ, có thể được đào tạo điều khiển F-16 và Pháp cũng đã huấn luyện khoảng 30 người sử dụng oanh tạc cơ Mirage 2000.

Nga : Lãnh án tù vì con gái vẽ tranh chống cuộc chiến Ukraine

Tại Nga, chính quyền gia tăng đàn áp những người chống chiến tranh. Vụ một người cha phải ra tòa vì con gái 13 tuổi vẽ hình phản đối cuộc chiến ở Ukraine đã gây nhiều xúc động trong xã hội. Ngày thứ Ba 28/03, ông Alexei Moskalev, 54 bị tòa án vùng Tula ở phía nam Moskva xét xử vì tội "làm mất uy tín" quân đội Nga và bị kết án hai năm tù ở. Có điều bản án được tuyên trong lúc bị cáo vắng mặt. Đêm trước ngày ra tòa, ông Moskalev, bị quản thúc tại gia, đã gỡ vòng điện tử và trốn mất. Nhà báo Marina Ovsiannikova, được biết đến qua vụ giơ biểu ngữ chống chiến tranh ngay trên truyền hình Nga, cho biết Moskalev đang ở một nơi an toàn. Nhưng bản tin mới nhất của AFP cho hay Alexei Moskalev đã bị bắt tại Belarus hôm nay.

Mọi rắc rối đến từ tháng 4/2022, khi cô con gái 13 tuổi Maria Moskaleva từ chối vẽ tranh gởi đến những người lính Nga, thay vào đó cô bé vẽ một gia đình Ukraine dưới bom Nga. Bị bà hiệu trưởng tố cáo, một năm qua khi thì bị bắt, khi bị xét nhà, người cha gà trống nuôi con sau đó không được gặp con gái. Maria bị đưa vào trại mồ côi, nhưng hôm cha ra tòa cô bé cũng đăng lên một bức hình với dòng chữ "Ba là người hùng của con". Dù báo chí nhà nước im lặng, đông đảo người dân đã kéo đến trước tòa để ủng hộ Alexei Moskalev. Một kiến nghị trên mạng thu thập được trên 145.000 chữ ký, bất chấp không khí đàn áp.

Trường hợp trên đây cho thấy xu hướng trừng phạt ngày càng nặng nề kể từ giữa tháng Ba, đối với những người chống lại cuộc xâm lăng Ukraine. Một thanh niên 22 tuổi ném bom xăng vào một văn phòng tuyển quân : 13 năm tù, một sĩ quan quản giáo chạy sang Kazakhstan vì phản đối chiến tranh : sáu năm rưỡi, một sinh viên đăng bài diễn văn của Zelensky : tám năm rưỡi…

Nhưng có một ca đặc biệt được khoan hồng : Daniil Frolkine chỉ bị năm năm rưỡi, nhưng là tù treo. Người lính này bị báo chí Nga lưu vong nhận diện trong các vụ thảm sát ở ngoại ô Kiev tháng 2 và tháng 3 năm ngoái, và cũng là người duy nhất nhìn nhận đã sát hại thường dân. Tòa án quân sự ở Khabarovsk kết tội anh ta là… "tung tin sai lạc".

Moskva đe dọa Armenia nếu tham gia ICC

Le Monde cũng cho biết, Moskva đe dọa trả đũa Armenia nếu nước này tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Vladimir Putin sắp tới có thể bị cấm đặt chân vào Armenia, nước đồng minh của Nga. Viễn cảnh này không thể loại trừ, từ khi Tòa Bảo hiến Armenia hôm 24/03 cho rằng Quy chế Roma là hợp hiến, mở đường cho việc phê chuẩn để tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế. Bộ ngoại giao Nga tuyên bố quyết định trên đây là "không thể chấp nhận được", phát ngôn viên Kremlin khẳng định Moskva sẽ thảo luận về những hệ quả với Erevan.Theo nhà đấu tranh nhân quyền Artur Sakunts, tạo điều kiện cho việc bắt giữ Putin nằm trong lợi ích của Armenia. Đây sẽ là bước ngoặt trong quan hệ hai nước.

Nhà phân tích Narek Minasyan của Trung tâm Orbeli ở Erevan giải thích đây chỉ là một sự trùng hợp, vì tiến trình của Tòa Bảo hiến đã có từ lâu, không liên quan đến lệnh truy nã Vladimir Putin của ICC. Một nhà ngoại giao Châu Âu nhận xét, rất khó ngáng chân nhà lãnh đạo một nước mà Armenia bị lệ thuộc nhiều như thế, cho dù Erevan đã cấm nhập cảnh một số chiếc loa tuyên truyền của Kremlin.

Tổng thống Đài Loan : "Chúng tôi chẳng khiêu khích ai !"

Nhìn sang Châu Á, Le Figaro coi chuyến công du Châu Mỹ sắp tới của tổng thống Đài Loan là "hoạt động ngoại giao tế nhị". Bà Thái Anh Văn thăm Guatemala và Belize, hai quốc gia chính thức công nhận Đài Loan, và quá cảnh Hoa Kỳ. Bà sẽ gặp lãnh tụ Cộng hòa tại Hạ Viện là Kevin McCarthy, bảy tháng sau chuyến thăm đầy sóng gió của bà Nancy Pelosi.

Như thường lệ, Bắc Kinh cao giọng đe dọa, nhưng bà Thái thản nhiên trả lời : "Chúng tôi sẽ không lùi bước và cũng chẳng khiêu khích ai cả". Để làm phức tạp thêm tình hình, cựu tổng thống Mã Anh Cửu đi thăm Hoa lục 12 ngày "với tư cách cá nhân", nhưng lại được các quan chức Trung Quốc tiếp đón tại Thượng Hải hôm thứ Hai 27/03. Chủ tịch Quốc dân đảng nói rằng : "Trách nhiệm của người Hoa hai bên bờ eo biển là phải giữ gìn hòa bình". Việc ông đánh đồng người Đài Loan với Trung Quốc là chủ đề luôn gây tranh cãi.

"Ngoại giao chi phiếu" kéo Trung Mỹ về phía Bắc Kinh

Le Monde nhận thấy "Trung Mỹ đang ngả về phía Trung Quốc". Vùng đất nơi Đài Bắc có nhiều đồng minh nhất vào giữa những năm 2000, lần lượt đổi màu. Khởi đầu là Costa Rica năm 2007, rồi đến Panama, Salvador, Cộng hòa Dominica, Nicaragua. Chuyên gia Marisela Connelly ở Mêhicô lưu ý, trường hợp Nicaragua và Salvador có yếu tố chính trị, vì lãnh đạo của hai nước này bị phương Tây chỉ trích. Nhưng các nước còn lại chỉ vì lý do kinh tế, dù thường xuyên nhận được sự giúp đỡ về tài chánh và công nghệ của Đài Loan.

Mới nhất là Honduras loan báo cắt đứt quan hệ với Đài Bắc, sau khi đòi hỏi một món tiền lớn nhưng không được đáp ứng. Bà Connelly lo rằng Guatemala, nền kinh tế lớn nhất Trung Mỹ sẽ không còn chống chọi được bao lâu nữa trước "ngoại giao chi phiếu" của Bắc Kinh. Hoa Kỳ đang cố gắng vận động giữ lại thành trì cuối cùng của Đài Loan trong khu vực.

Vật giá tăng, người Pháp thay đổi cách ăn uống

Khủng hoảng xã hội tiếp tục là đề tài hàng đầu của báo chí Pháp. Le Figaro đặt câu hỏi "Phải chăng thủ tướng Borne và các nghiệp đoàn không thể đối thoại ?". Libération điều tra về sự chậm trễ đến hai tiếng đồng hồ của y tế cấp cứu ở Sainte-Soline. La Croix cho biết "Những thành phố nhỏ cũng sôi sục". 

Về kinh tế, Le Monde nhận thấy "lạm phát làm xáo trộn thói quen ăn uống" của người Pháp. Theo INSEE, giá thực phẩm trong tháng Hai đã tăng 14,8 % so với cùng kỳ năm ngoái. Chi tiêu cho ăn uống, kể cả ngoài hàng quán, giảm 4,6 % trong năm 2022. Các quầy hàng thịt, cá, thịt nguội ế ẩm hẳn đi ; khách đi siêu thị chỉ mua những món hàng có thương hiệu khi được khuyến mãi ; chọn thịt heo, gà và trứng thay cho thịt bò. Những món ăn công nghiệp làm sẵn được chuộng hơn do tiết kiệm so với nấu tại nhà khi điện, gaz, nguyên liệu đều tăng giá. Trong khi đó giá cả sẽ còn tăng nữa trong những tuần lễ tới.

Trí thông minh nhân tạo sẽ lấn lướt con người ?

Les Echos chạy tựa lớn "Trí thông minh nhân tạo : Tiếng kêu báo động của những ngôi sao ngành công nghệ". Nhật báo kinh tế cho đăng trên trang web toàn văn lá thư ngỏ kêu gọi tạm ngưng nghiên cứu trí thông minh nhân tạo (AI) trong ít nhất sáu tháng. Khoảng 1.100 chuyên gia trong đó có những tên tuổi như ông chủ SpaceX Elon Musk, bày tỏ lo ngại trước nguy cơ nhân loại mất kiểm soát AI.

Các chuyên gia dẫn chứng những nghiên cứu khoa học, lo sợ sẽ đi quá xa, cho rằng trí thông minh nhân tạo (AI) cần phải được kế hoạch hóa và quản lý một cách thận trọng. Họ sợ hãi một cuộc chạy đua giữa các phòng thí nghiệm AI để phát triển các hệ thống mạnh mẽ hơn bao giờ hết, mà không ai – kể cả những người tạo ra chúng – có thể kiểm soát.

Lá thư đặt ra một số câu hỏi, có nên để tràn ngập những thông tin tuyên truyền, dối trá hay không ? Có nên tự động hóa tất cả các công việc ? (Nghiên cứu gần đây của Goldman Sachs cho rằng AI có thể đe dọa 300 triệu việc làm trên toàn thế giới). Thậm chí có nên phát triển những hệ thống không phải con người mà một ngày nào đó có thể đông đảo hơn, thông minh hơn và thay thế được chúng ta hay không ?

Bức thư được đưa ra vào thời điểm quan ngại ngày càng tăng khi AI tiến bộ với tốc độ ấn tượng, sau khi bản cập nhật mới nhất của ChatGPT được lưu hành. Bản thân Sam Altman, lãnh đạo của OpenAI, công ty đã trình làng ChatGPT, cũng thừa nhận "hơi sợ" tác phẩm của mình nếu nó được "sử dụng cho các cuộc tấn công mạng hoặc thông tin giả quy mô lớn". Lá thư ngỏ này hoàn toàn trái ngược với ý kiến của Bill Gates : Người đồng sáng lập Microsoft tuyên bố ChatGPT là cuộc cách mạng công nghệ lớn nhất kể từ thập niên 80.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 277 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)