Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

30/03/2023

Chiến tranh Ukraine : phía Nga bắt đầu mệt mỏi

RFI tổng hợp

Chiến tranh Ukraine : Putin thừa nhận trừng phạt quốc tế tác hại đến kinh tế Nga

Thanh Hà, RFI, 30/03/2023

Các biện pháp trừng phạt quốc tế "có thể đem lại những hậu quả tiêu cực về trung hạn" đối với kinh tế Nga. Sau 13 tháng chiến tranh Ukraine và một chục đợt trừng phạt liên tiếp của phương Tây, ngày 29/03/2023 tổng thống Vladimir Putin lần đầu tiên nhìn nhận như trên và ra lệnh cho chính phủ "nhanh hành động" để bảo đảm một mức "tiêu thụ nội địa chắc chắn". 

uk1

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp qua video với các thành viên chính phủ, ngày 29/03/2023 via Reuters - sputnik

Đến nay chủ nhân điện Kremlin luôn khẳng định các biện pháp trừng phạt của Âu, Mỹ nhắm vào kinh tế Nga phản tác dụng, do chúng đè nặng lên kinh tế của chính các quốc gia phương Tây.

Thông tín viên đài RFI từ Moskva Anissa El Jabri ghi nhận, một thay đổi quan trọng trong lập trường của Nga :

Từ nhiều tháng qua, tại Nga, mỗi lần chính quyền được hỏi về các biện pháp trừng phạt mới phương Tây ban hành, Moskva luôn đưa ra một câu trả lời gần như rập khuôn. Đó là những biện pháp ấy làm tổn thương chính kinh tế của phương Tây nhiều hơn là đánh vào nước Nga. Tham dự các diễn đàn kinh tế hay phát biểu trước các doanh nhân, ông Putin luôn tự hào về sức kháng cự của kinh tế Nga, về thành công trong chiến lược xoay trục sang Châu Á. Do vậy, tuyên bố của tổng thống Nga nhân cuộc họp với chính phủ được chiếu trên đài truyền hình, cho thấy lập trường đã thay đổi hẳn.

Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh : "mọi người phải phản ứng nhanh, không vì những thủ tục hành chính mà gây chậm trễ vô ích. Những giới hạn bất hợp pháp áp đặt lên kinh tế Nga trong trung hạn có thể đem lại hậu quả tiêu cực. Do vậy chúng ta cần bảo đảm nhu cầu tiêu thụ nội địa phải tăng lên một cách lâu dài".

Từ đầu cuộc xung đột Ukraine, tổng thống Nga đã ban hành nhiều biện pháp để đối phó, chẳng hạn như mở rộng các khoản trợ cấp xã hội vào lúc mà các hãng xưởng của Tây Phương đóng cửa. Nhiều chỉ số kinh tế vẫn khá tốt, thí dụ như tỉ lệ thất nghiêp đang ở mức thấp nhất, lạm phát trong tầm kiểm soát của chính quyền sau khi đã tăng lên tới 20% hồi năm ngoái nay còn có 4% tính cho cả năm.

Vấn đề đặt ra là phương Tây tiếp tục gia tăng áp lực. Thổ Nhĩ Kỳ hay Kazakhstan đến nay không trừng phạt kinh tế Nga nhưng những quốc gia này liên tục nhận được những tín hiệu, đặc biệt là từ phía Hoa Kỳ, nhắc nhở rằng không được giúp Moskva lách lệnh trừng phạt. Trao đổi mậu dịch của Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan với Nga đã tăng mạnh trong năm 2022. 

Moskva chuẩn bị công luận cho một cuộc chiến lâu dài 

Trong bối cảnh đó phát ngôn viên phủ tổng thống Nga, Dmitri Peskov trong cuộc họp báo hôm 29/03/2023 tuyên bố phương Tây "khởi động một cuộc chiến hỗn hợp lâu dài nhắm vào nước Nga", cho nên người dân Nga phải đoàn kết bên tổng thống Putin. Theo nhà chính trị học Maxim Trudolyubov, trung tâm nghiên cứu Mỹ Wilson Center, được nhật báo Anh The Guardian trích dẫn, điện Kremlin chuẩn bị công luận cho một cuộc chiến "bất tận" với phương Tây vào lúc Nga đang sa lầy trên chiến trường Ukraine. 

Thanh Hà

*************************

Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật : yếu tố Belarus và Trung Quốc

Anh Vũ, RFI, 29/03/2023

Cuối tuần qua, một lần nữa tổng thống Nga Vladimir lại khuấy động dư luận thế giới với thông báo triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ đồng minh Belarus. Động thái leo thang đe dọa nhằm vào phương Tây này không gây nhiều ngạc nhiên nhưng nói nhiều điều về mối quan hệ giữa Nga và hai đồng minh chủ chốt hiện nay là Belarus và Trung Quốc.

uk2

Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko (trái) với thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 01/03/2023. AFP – Maxim Guchek

Đã trở nên quen thuộc, từ đầu cuộc chiến tranh tại Ukraine, mỗi khi phương Tây dấn thêm bước mới trong việc hậu thuẫn Ukraine khiến Nga gặp khó khăn trên chiến trường, là Moskva lại giương quân bài vũ khí hạt nhân nhằm chặn đà ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine. Không ít nhà quan sát cho rằng thông báo của ông chủ điện Kremlin là để đáp trả việc Anh Quốc dự định cung cấp các loại đạn pháo có chứa uranium nghèo, cho dù giữa vũ khí hạt nhân chiến thuật và đạn uranium nghèo không có gì liên quan. Đây là cách hành động thường thấy ở ông Putin : đối thủ đe dọa một thì mình phải đáp lại mạnh hơn nhiều lần.

Hôm 28/03, Minsk đã xác nhận các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ được triển khai ở Belarus. Một câu hỏi được dư luận đặt ra là vì sao Belarus lại dễ dàng chấp nhận để Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình ?

Quyết định của Minsk được giải thích là để đáp trả các sức ép ngày càng lớn của phương Tây đối với Belarus từ nhiều năm nay, từ trừng phạt, cô lập đến việc NATO tăng cường quân sự gần biên giới. Theo Minsk, đó là những nỗ lực của phương Tây nhằm lật đổ chế độ của Alexander Lukashenko. Tổng thống Belarus đã được Vladimir Putin cứu thoát trong cuộc nổi dậy của dân chúng hồi năm 2020. 

Chính quyền Belarus quả quyết rằng quyết định này không hề đi ngược lại các thỏa thuận quốc tế chống phổ biến vũ khí hạt nhân và đây là một trong những cảnh cáo cứng rắn nhất của Moskva đối với phương Tây. Cũng cần phải nhắc lại là Belarus đã chuẩn bị từ trước "sân bãi" cho quyết định mới đây của tổng thống Nga. Từ năm 2022, tổng thống Alexander Lukashenko đã cho sửa đổi Hiến pháp để có thể tiếp nhận triển khai vũ khí hạt nhân Nga trên lãnh thổ Belarus.

Thông cáo của của bộ ngoại giao Belarus ngày 28/3 ghi rõ trong hoàn cảnh hiện nay, xuất phát từ những nguy cơ và lo ngại chính đáng về vấn đề an ninh quốc gia mà "Belarus phải đáp lại bằng cách tăng cường năng lực an ninh và quốc phòng của mình". Với Moskva, thì việc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus, càng khẳng định nước này đang hội nhập toàn diện với nước Nga.

Một dấu hiệu khác được giới quan sát chú ý là động thái đe dọa hạt nhân mới này được Putin tung ra vào thời điểm không lâu sau chuyến thăm Moskva của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong chuyến thăm ba ngày đó, chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Nga đã khẳng định mối quan hệ "đặc biệt" giữa hai nước Vì thế mà nhiều câu hỏi được đặt ra về lập trường của Trung Quốc và mối quan hệ Nga -Trung xung quanh căng thẳng mới về vũ khí hạt nhân. Phần đông các chuyên gia đều cảm thấy ngạc nhiên khi mà trong chuyến thăm đó, ông Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã ghi vào thông cáo chung quan điểm "một cuộc chiến tranh hạt nhân không bao giờ được xảy ra" và hai bên, cùng là cường quốc hạt nhân, cam kết không triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ của mình. Truyền thông ở phương Tây lập tức nêu thắc mắc : Phải chăng Kremlin đã hành động với sự thỏa thuận của Bắc Kinh ? Hay là tổng thống Nga đã xỏ mũi đồng minh Trung Quốc ? Giới chuyên gia đều cho rằng khó có câu trả lời thấu đáo cho vấn đề này. Có một điểm dễ thấy đó là Bắc Kinh vẫn luôn giữ thái độ mập mờ về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, muốn lợi dụng cuộc chiến tranh này để đạt được mục đích kép. Một mặt có được độc quyền quan hệ kinh tế với Nga đang trong thế cô lập vì bị bao vây cấm vận của phương Tây, mặt khác làm suy yếu tối đa các đối thủ của chính của mình, nhưng không hẳn là kẻ thù, là các cường quốc phương Tây.

Bắc Kinh không dại gì để bị lôi vào chiến tranh, đồng thời không thể áp đặt lập trường hay cách hành xử của Vladimir Putin. Có điều chắc chắn là Trung Quốc và Belarus vẫn luôn là đồng minh của Nga và tất cả đều có chung một mục đích : Làm sao để phương Tây suy yếu.

Anh Vũ

*************************

Nga tố cáo Ukraine oanh kích Melitopol và triển khai tên lửa phóng bom nhỏ của Mỹ

Minh Anh, RFI, 29/03/2023

Phải chăng chiến dịch phản công của Ukraine đã bắt đầu ? Truyền thông Nga hôm 29/03/2023 cho biết, lực lượng vũ trang Ukraine đã pháo kích thành phố Melitopol, đông nam Ukraine, bị Nga chiếm đóng từ một năm qua.

uk3

Cầu Konstantinovka ở Melitoplo bị phá hủy (ảnh chụp tháng 2/2022) © Anissa El Jabri - RFI

Hãng thông tấn TASS của Nga, dẫn lời các quan chức do điện Kremlin bổ nhiệm cho biết, các cuộc oanh kích của quân đội Ukraine đã làm hư hại hệ thống cung cấp điện cho thành phố và Melitopol cũng như ở nhiều ngôi làng xung quanh bị mất điện. Ngoài ra, một nhà kho để đầu máy xe lửa đã bị phá hủy nhưng không có thương vong. 

Thông tin này cũng được Ivan Fedorov, cựu thị trưởng thành phố Melitopol, hiện đang sống tị nạn, xác nhận. Trên mạng xã hội Telegram, ông cho biết có nhiều tiếng nổ đã vang lên tại thành phố. 

Reuters lưu ý, Melitopol chỉ cách trung tâm khai thác hạt nhân Zaporijjia 120 km về phía đông nam. Cuộc tấn công diễn ra vào lúc tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử AIEA, Rafael Grossi hôm nay đến thanh tra cơ sở hạt nhân lớn nhất Châu Âu ở Ukraine. 

Hệ thống phóng bom nhỏ GLSDB của Mỹ xuất hiện trên chiến trường Ukraine 

Cũng theo Moskva, hôm qua, hệ thống phòng không Nga đã bắn hạ 18 tên lửa Himars và nhất là một tên lửa GLSDB, mà Hoa Kỳ đã hứa cung cấp cho Ukraine hồi đầu tháng 2/2023. 

AFP giải thích, GLSDB (Ground Launched Small Diameter Bomb) là những loại bom kích cỡ nhỏ nhưng có độ chính xác cao, do hãng Boeing của Mỹ và Saab Thụy Điển đồng chế tạo, được phóng đi bằng tên lửa, có thể bay xa đến 150 km và đe dọa các vị trí của Nga, đặc biệt là các kho đạn dược, nằm sâu sau các đường chiến tuyến.

Hiện tại, Ukraine chưa đưa ra một thông tin nào về việc triển khai loại vũ khí này. Nhưng thông báo của Nga là một xác nhận đầu tiên về việc Mỹ giao GLSDB cho Ukraine. Thông báo này được đưa ra một ngày sau việc Anh, Mỹ và Đức xác nhận đợt giao xe tăng chiến đấu – những phương tiện thiết yếu cho Kiev để tiến hành tham vọng giành lại lãnh thổ. 

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Anh Vũ, Minh Anh
Read 248 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)