Từ cuối tuần qua, gần như mỗi ngày đều xảy ra một vụ tấn công bằng drone hoặc phá hoại trên lãnh thổ Nga, chủ yếu nhắm vào các kho xăng dầu. Điều này cho thấy Nga đang hứng chịu sức ép và đòn trả đũa vào lúc Moskva chuẩn bị kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít Đức 09/05/2023. Sự kiện này luôn được tổng thống Vladimir Putin sử dụng để cổ vũ tinh thần dân tộc và biện minh cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" để giải trừ "phát xít" ở Ukraine.
Lính bắn tỉa của quân đội Ukraine ở gần Bakhmut, Ukraine, ngày 02/05/2023. AP - Libkos
Vụ tấn công bằng drone vào kho dầu ở Crimea vào cuối tuần trước đã mở màn cho hàng loạt "hoạt động phá hoại", cùng lúc là trận oanh kích vào một ngôi làng Nga ở vùng biên giới Briansk. Trong hai ngày tiếp theo 1 và 2/5 là vụ tấn công hai đoàn tầu chở hàng cũng ở tỉnh biên giới Briansk, làm người ta liên tưởng đến "chiến dịch đường tầu" trong Thế Chiến II. Cũng trong ngày 1/5, một đường dây điện ở một ngôi làng gần Saint-Peterburg, cách xa Ukraine, bị chất nổ phá. Chưa hết, trong đêm 2 rạng sáng 3/5 đã xảy ra vụ hỏa hoạn ở một kho xăng dầu khác tại một làng Nga gần bán đảo Crimea bị Nga sáp nhập.
Vụ mới nhất là vụ Kremlin cáo buộc Kiev âm mưu "tấn công khủng bố" bằng drone vào điện Kremlin và "ám sát tổng thống Putin", nhưng phía Ukraine đã cực lực phủ nhận, còn phương Tây tỏ ra thận trọng. Sau mỗi "hành động phá hoại", Moskva trả đũa bằng tên lửa vào nhiều thành phố ở Ukraine, thường vào ban đêm và nhắm vào các công trình dân sự, nơi tập trung đông người.
Tấn công các mục tiêu chiến lược làm suy yếu phòng thủ Nga
Có thể thấy thời điểm xảy ra hoạt động "phá hoại" trùng với thông báo của Ukraine là đã hoàn tất quá trình chuẩn bị cho chiến dịch phản công mùa xuân nhằm chiếm lại những vùng bị Nga chiếm đóng. Giờ chỉ còn chờ vào bộ chỉ huy quyết định phản công "như thế nào, ở đâu và lúc nào", theo bộ trưởng quốc phòng Ukraine.
Trên trang mạng của tuần báo L’Express, tướng Pháp Dominique Trinquand nhấn mạnh đến "ý đồ tấn công những mục tiêu chiến lược. Người Mỹ vẫn dùng cụm từ "định hình chiến trường" (shape the Battlefield) để nói về các mục tiêu như hậu cần hay bộ chỉ huy bị tấn công". Thông qua những chiến dịch phá hoại đó, Ukraine muốn làm suy yếu hệ thống phòng thủ Nga.
Thực vậy, lực lượng Nga không thể bảo đảm sự hiện diện mạnh mẽ trên một mặt trận dài hơn mặt trận phía tây thời Thế Chiến I (khoảng 900 km). Vào lúc quân Ukraine sẽ phải chọc thủng một phòng tuyến thì quân Nga gia tăng phòng thủ. Theo tướng Dominique Trinquand, Nga "có ba tuyến phòng thủ sâu 120 km đầy hào, bãi mìn và "răng rồng" (các khối bê tông được dựng chống tăng). Quân Nga cũng phải chuẩn bị lực lượng, có thể phản công nếu Ukraine chọc thủng tuyến phòng thủ".
Đánh đòn tâm lý dân Nga
Mục tiêu tiếp theo là làm suy yếu tinh thần của chính quyền Moskva và người dân Nga. Trái ngược với thái độ"lạc quan" của truyền thông Nhà nước khi liên tục thông báo các cuộc không kích gây tổn hại cho quân đội Ukraine, những phát biểu của chủ tập đoàn lính đánh thuê Wagner, khi trả lời một blogger nổi tiếng Nga trên kênh Telegram hôm 30/04, lại cho thấy không khí "bi quan" hơn. Prigozhin dọa bỏ Bakhmut nếu không được cung cấp đạn dược và dự báo cuộc phản công của Ukraine sẽ là "thảm kịch" cho Nga.
Trên thực tế, "lực lượng Nga đã bị suy giảm và chúng ta thấy điều đó ở Bakhmut". Tướng Dominique Trinquand phân tích : "Quân đội Nga theo chiến lược gặm nhấm bằng cách sử dụng pháo binh và bộ binh. Nga đã mất rất nhiều xe bọc thép và khả năng phản công của Nga nay bị hạn chế".
Ngoài ra, những chiến dịch phá hoại diễn ra ít ngày trước Ngày Chiến thắng 9/5 còn làm xước lớp sơn "một đất nước an toàn" mà tổng thống Putin vẫn cố bảo vệ. Rất nhiều địa phương đã hủy lễ diễu binh do các mối đe dọa ở mức cao, dù Nga thông báo vẫn duy trì sự kiện ở Moskva và "cơ quan tình báo Nga sẽ cố hết sức bảo đảm an ninh", theo phát biểu của người phát ngôn điện Kremlin Dmitri Peskov.
Nhà phân tích Andrei Kolesnikov, thuộc trung tâm Carnegie, nhận định với AFP : "Những sự cố (xảy ra vào ngày 9/5) là điều không mong muốn, vì chúng sẽ làm đảo lộn việc thực hiện các mục tiêu của Moskva về tuyên truyền và làm giảm cảm giác an toàn" trong dân. Từ khi lên cầm quyền, tổng thống Putin vẫn nhân Ngày Chiến thắng phát xít để cổ vũ tinh thần dân tộc. "Đó là chất gắn kết duy nhất đoàn kết dân tộc", theo ông Andrei Kolesnikov. Từ khi xâm lược Ukraine, ông Putin muốn dân Nga tin rằng "chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine là sự kéo dài của cuộc chiến chống Adolf Hitler, nhằm giải trừ "tân phát xít" ở Ukraine.
Thu Hằng