Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

24/05/2023

Điểm báo Pháp - Chiến lược "chích hàng ngàn mũi"

RFI tiếng Việt

Ukraine và chiến lược "chích hàng ngàn mũi" để làm gấu Nga hoảng loạn

Le Figaro nhận định tuy những hoạt động tấn công vào đất Nga của các binh đoàn người Nga chống Putin không làm thay đổi hẳn diện mạo cuộc chiến, nhưng cũng đủ để Kremlin phải "quan ngại sâu sắc". Trong cuộc chiến tranh đầy những diễn biến bất ngờ, người Ukraine vừa tung ra một vũ khí mới, đó là người Nga. Mai đây họ sẽ dành những gì nữa cho kẻ xâm lăng ?

chich1

Các thành viên của Binh đoàn Tình nguyện Nga bên cạnh một xe thiết giáp tại cửa khẩu biên giới Graivoron thuộc Kozinka, vùng Belgorod của Nga. Ảnh được công bố ngày 23/05/2023 via Reuters – Russian Volunteer Corps

Các cuộc tấn công vào Belgorod đã che khuất Bakhmut

La Croix nói về "Những chiến binh chống Putin đẩy lùi quân đội Nga ngay trên đất của họ". Tuy không phải là cuộc phản công đã loan báo nhiều lần, nhưng chừng như cuộc chiến đã bước vào một giai đoạn mới. Quân đội Nga đã phải huy động cả trực thăng, vũ khí hạng nặng, thậm chí phải cắt mạng điện thoại di động, di tản dân ở ít nhất 9 địa phương. Chưa bao giờ Nga phải đối phó với một cuộc tấn công quy mô như vậy ở Belgorod. Các chuyên gia quân sự nhấn mạnh đến tầm vóc cả về chiến thuật lẫn tâm lý của các vụ tấn công này - quân Nga bị đánh ở xa tiền tuyến và làm nổi bật lên những yếu kém. Belgorod đã làm chìm khuất Bakhmut !

Le Monde cho rằng "Xâm nhập vào lãnh thổ Nga, một sự sỉ nhục cho Moskva". Cú sốc tâm lý thấy rõ nơi phía Nga, có thể mạnh hơn cả vụ drone tấn công điện Kremlin hôm 03/05. Chương trình tin tức buổi tối trên truyền hình chỉ dành chưa đầy một phút cho sự kiện, nhưng hình ảnh người dân lũ lượt đi sơ tán, và nhất hàng dài vô tận xe hơi tìm cách chạy khỏi Belgorod gây ấn tượng mạnh. Tờ báo nhắc lại quyết định đặt vùng này dưới chế độ "chống khủng bố" là chưa từng có kể từ thập niên 90, khi xung đột vũ trang lan ra tại vùng Kavkaz rộng lớn.

Người Nga lưu vong chống Putin : Đủ khuynh hướng từ cánh tả đến tân quốc xã

Những ai đã làm nên chiến công bất ngờ này ? Le Figaro có bài phóng sự về "Những người Nga chiến đấu với Putin". Đó là những nhóm khác biệt về lý tưởng, nhưng có chung mục đích là lật đổ chế độ độc tài ở Kremlin.Hàng ngàn người Nga lưu vong ở Ukraine đã tham gia Binh đoàn Nước Nga Tự Do đấu tranh cho dân chủ, và Binh đoàn Tình nguyện Nga, có xu hướng tân quốc xã.

Đặc phái viên tờ báo tìm gặp Denis Kapustine, biệt danh "Rex", nhân vật "nhiều màu sắc" nhất. Doanh nhân, cựu hooligan, người sáng lập một thương hiệu thời trang, Kapustine lớn lên ở Đức, nhưng sau bị cấm vào không gian Schengen vì ý hướng phát-xít mới. Tại Kiev, anh có hai vệ sĩ bịt mặt đeo kalachnikov hộ tống. Nói thông thạo cả tiếng Anh, Đức, Nga, "Rex" từng tham gia cuộc cách mạng Maidan. Vài tuần sau cuộc xâm lăng, thấy có những đơn vị người Gruzia, Chechnya, Belarus, Ba Lan trong đội quân tình nguyện nước ngoài, "Rex" bèn thành lập một "binh đoàn" gồm toàn người Nga lưu vong để giúp bảo vệ Ukraine, và bản thân từng chiến đấu tại Zaporijia.

Ilya Bogdanov, xuất hiện trên những tấm ảnh được phe nổi dậy ở Belgorod đăng lên gần đây, cũng thuộc Binh đoàn Tình nguyện Nga (RDK). Người cựu nhân viên tình báo (FSB) 34 tuổi đã rời nước Nga đến tham gia cuộc cách mạng Maidan, rồi chiến đấu trong nhóm dân quân dân tộc chủ nghĩa. Tháng 2/2022 khi chiến tranh bắt đầu, Bogdanov gia nhập một nhóm tình nguyện được tình báo quân đội Ukraine (GUR) trang bị hỏa tiễn chống tăng, tấn công những đoàn xe Nga ở Kiev. Một tháng sau bị thương, anh nhập vào binh đoàn của Denis Kapustine.

Còn Roman Popkov và Elena Boroskva, hai nhà báo đồng thời là nhà hoạt động Nga, xưa nay vẫn đối lập với Vladimir Putin, đã rời khỏi Moskva đến tị nạn ở Kiev vài tháng trước cuộc xâm lăng. Cả hai nói rằng đã thành lập kênh Telegram mang tên "Rospartisan" có 30.000 theo dõi, chuyên thống kê những hành động phá hoại trên đất Nga như phóng hỏa văn phòng tuyển mộ, phá đường sắt dành cho các đoàn tàu quân sự… Nhà đối lập Ilya Ponomarev, từ một năm qua cố gắng nối kết các nhóm vũ trang và đối lập, nhấn mạnh rằng họ "không phải là khủng bố mà là những chiến binh cho tự do".

Chiến lược "chích hàng ngàn mũi" để làm gấu Nga hoảng loạn

Trong bài xã luận "Ukraine : Chiến lược chích hàng ngàn mũi vào gấu Nga", Le Figaro nhận định tuy những hoạt động trên đây không làm thay đổi hẳn diện mạo cuộc chiến, nhưng cũng đủ để Kremlin phải "quan ngại sâu sắc".

Trong số những nhà đối lập với Vladimir Putin, có những thủ lãnh chính trị bị ám sát như Boris Nemtsov, bị tống giam như Alexei Navalny và Vladimir Kara-Mourza, phải lưu vong như Ilya Ponomarev ở Kiev. Và nay những chiến binh của Ponomarev đi chiến đấu bằng cùng một phương cách với chế độ, tiến hành "hoạt động gìn giữ hòa bình theo yêu cầu của cư dân Belgorod" !

Hai nhóm đối thủ về ý thức hệ dường như đã có thỏa thuận qua trung gian của Ponomarev, hợp tác cho đến khi lật đổ được chế độ Putin. Khó thể nói đội đặc nhiệm đang tiếp tục cuộc tấn công ngoạn mục bên kia biên giới, hay đã bị máy bay và pháo "đập tan" như bộ tham mưu Nga tuyên bố. Dù sao đi nữa, những giờ phút huy hoàng của họ là thách thức cho ông chủ điện Kremlin, "người bảo vệ" đất nước, và các tướng lãnh của ông ta. Các cảm tử quân chỉ muốn trắc nghiệm, và khi thấy sự kháng cự của Nga là con số không, đã tự cho phép dấn lên, gây tiếng vang lớn.

Vụ này trước hết cho thấy tính dễ tổn thương của một đất nước rộng lớn nhất thế giới, rất vất vả để bảo vệ 1.500 kilomet đường biên giới với Ukraine, đồng thời vụ chứng tỏ khả năng đánh lạc hướng, gây bất ngờ mà Kiev có thể khai thác vào lúc tổng phản công. Đó còn là dấu hiệu biểu hiện tất cả đều có thể, kể cả việc mở rộng cuộc chiến mà không dùng đến vũ khí do phương Tây cung cấp. Không phải để tràn sang Nga, mà trong chiến lược chích hàng ngàn mũi để làm con gấu ở Kremlin hoảng loạn. Trong cuộc chiến tranh mà mọi việc chưa thể lường hết, người Ukraine vừa tung ra một vũ khí mới, đó là người Nga. Mai đây họ sẽ dành những gì nữa cho kẻ xâm lăng thiếu suy xét ?

Rzeszow, "thành phố cứu rỗi" của Ba Lan

Le Figaro ghi nhận Rzeszow, thành phố ở miền đông Ba Lan đang là tuyến đầu trong hệ thống hậu cần quân sự cung ứng cho quân đội Ukraine. Vào cao điểm khủng hoảng nhân đạo tháng Tư năm ngoái, 200.000 dân thành phố này đã đón tiếp 100.000 người tị nạn Ukraine. Nằm cách biên giới khoảng 1 giờ xe hơi, Rzeszow kể từ cuộc xâm lăng đã biến thành hậu phương lớn của lực lượng đồng minh.

Giám đốc khách sạn Manoir Ostoya, bà Karina Guzek-Buk cho biết cư dân chưa bao giờ thấy nhiều quốc tịch đến đây như thế. Khách sạn từng là nơi tạm trú cho 1.500 người Ấn Độ di tản khỏi Ukraine trong tuần lễ đầu tiên, rồi đến người tị nạn Ukraine, và nay 95% số phòng được các nhân viên làm việc cho quân đội Mỹ mướn. Sân bay nhờ có phi đạo dài thứ nhì trên cả nước, hàng ngày khoảng vài chục phi cơ vận tải phương Tây hạ cánh. Nhịp độ đang tăng lên, cho thấy cuộc phản công của Ukraine không còn quá xa.

Đài Loan : Quốc dân đảng nêu nguy cơ chiến tranh với Trung Quốc để tranh cử

Nhìn sang châu Á, Le Monde nhận thấy "Tại Đài Loan, một cuộc bầu cử dưới chiếc bóng Trung Quốc bao trùm". Chuẩn bị cho cuộc tranh cử tổng thống tháng Giêng 2024, Quốc dân đảng đưa ra những lời hứa hẹn trấn an dân chúng trước mối đe dọa từ Bắc Kinh. Giáo sư Hoàng Giới Chính (Alexander Chieh Cheng), nhà chiến lược của Quốc dân đảng, khẳng định : "Trên thang bậc từ 1 đến 10, nguy cơ xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan là 0 trong năm 2023. Nếu đảng Dân Tiến tiếp tục cầm quyền, nguy cơ này sẽ tăng lên mức 3 thậm chí 5, còn nếu Quốc dân đảng được bầu, là 0".

Nhấn mạnh vào hòa bình với Trung Quốc, đảng này hy vọng sẽ giành được ghế tổng thống. Ứng cử viên được chọn là Hầu Hữu Nghi (Hou You Yi), 65 tuổi, cựu cảnh sát, thị trưởng Tân Bắc (New Taipei City), sẽ đối đầu với ông Lại Thanh Đức (Lai Ching Te), 63 tuổi, đương kim phó tổng thống, thị trưởng Đài Nam và chủ tịch đảng Dân Tiến, xuất thân từ ngành y.

Việc chọn Hầu Hữu Nghi, một người Đài Loan "gốc", đánh dấu một bước ngoặt, vì giới tinh hoa Quốc dân đảng lâu nay đều từ Hoa lục. Tuy nhiên, ông này không có được những bằng cấp danh giá, chưa từng giữ chức vụ quan trọng trong chính phủ, và mới đây còn bị cáo buộc tham nhũng. Khi còn là cảnh sát ở Đài Bắc, Hầu Hữu Nghi bị chỉ trích vì từ chối mở điều tra về vụ xe cấp cứu đến trễ dẫn đến cái chết của một em bé thời Covid, và liên can đến một vụ tự thiêu.

Mỹ-Việt đang trong tuần trăng mật

Tại Đông Nam Á, trong số 10 nước ASEAN, có nước nằm trong lục địa, và có những nước sở hữu những bờ biển dài như Việt Nam, Thái Lan, hoặc là quần đảo như Indonesia, Philippines - một thế giới thu nhỏ để nghiên cứu, theo nhà Trung Quốc học David Shambaugh.

Chiến thắng của các lực lượng cấp tiến ở Thái Lan cho thấy dân chủ vẫn là viễn cảnh được mong muốn ở Đông Nam Á, cho dù đảng Move Forward còn phải vất vả để lập được liên minh. Thế hệ trẻ này đã từng liên kết với giới trẻ Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông trong "liên minh trà sữa" để chống lại sự ngạo mạn của phe dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc trong đại dịch Covid.

Le Monde nhận thấy Hoa Kỳ được ưa thích trong khu vực, đang trong tuần trăng mật với Việt Nam, quốc gia được viện trợ một lượng lớn vac-xin ngừa Covid. Tại Philippines, "Bongbong" Marcos đồng ý mở cửa thêm bốn căn cứ quân sự cho Hải quân Mỹ. Washington cũng giúp đỡ lực lượng tuần duyên của các nước tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Bắc Kinh (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei).

Những nước lớn của ASEAN (Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines) tham gia sáng kiến Indo-Pacific Economic Framework (Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương - IPEF) do Mỹ đưa ra từ tháng 5/2022, ít nhắm vào tự do mậu dịch và đầu tư, chú trọng đến mở rộng hợp tác về các tiêu chí, chống tham nhũng, không nhấn mạnh đến nhân quyền.

Đông Nam Á, trung tâm xung đột Mỹ-Trung

Các nước trên được hưởng lợi từ việc "tái cân bằng" chuỗi sản xuất toàn cầu từ sau đại dịch, nên thị phần Mỹ giờ đây lớn hơn so với Trung Quốc. Nhật Bản đầu tư vào Đông Nam Á nhiều hơn, Hàn Quốc trở thành đối tác chủ chốt của Việt Nam về kinh tế (Samsung sản xuất smartphone tại đây) và cả quân sự : Hà Nội muốn đa dạng hóa nguồn cung trong khi vũ khí lâu nay hầu hết mua từ Nga.

Nếu Ấn Độ-Thái Bình Dương là nơi đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, thì "Đông Nam Á là trung tâm của "ván bài lớn" này". Bắc Kinh hứa hẹn hiện đại hóa, nhưng không có tự do chính trị. Tất cả các nước ASEAN đều đã ký kết Sáng kiến Vành đai Con đường với Bắc Kinh. Trung Quốc đã xây tuyến đường sắt đến Lào, chuẩn bị nối dài đến Thái Lan, Miến Điện. Nhưng Lào đang trên đà phá sản, Philippines và Malaysia xem lại các dự án Trung Quốc, còn tại Indonesia, tàu cao tốc Trung Quốc đội giá rất cao so với loan báo. "Con đường tơ lụa mới" còn dẫn đến việc các mạng lưới tội phạm lan tràn ở Cam Bốt, Lào, Miến Điện, nên Đông Nam Á hậu Covid đều ngờ vực.

Theo David Shambaugh, Bắc Kinh đã đi quá xa, áp đặt, cưỡng bức, xâm nhập, bóp nghẹt các nhà nước và xã hội Đông Nam Á. Trung Quốc quá mạnh và quá gần khiến các nước này e sợ. Việc Trung Quốc thống trị Cam Bốt, nơi Bắc Kinh có những cơ sở hạ tầng lưỡng dụng gây lo ngại cho Washington, nhưng nhất là cho Hà Nội và Bangkok. Điều chắc chắn là "ván bài lớn" ở Đông Nam Á chỉ mới bắt đầu.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 200 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)