Drone tấn công thủ đô Nga, dân Moskva bắt đầu nếm mùi chiến tranh
Sự kiện drone tấn công vào thủ đô nước Nga chẳng là gì so với bom đạn mà người dân Ukraine phải chịu đựng từ nhiều tháng qua. Nhưng như vậy cũng đủ để tạo cảm giác bất an cho cư dân Moskva : chiến tranh đang ở rất gần, và Putin chẳng phải toàn năng. Đây là một trong những chủ đề được các báo Pháp ra ngày 31/05/2023 quan tâm.
Kiểm tra thiệt hại tại một căn hộ bị ở Moskva, Nga bị drone tấn công ngày 30/05/2023. Ảnh chụp lại từ video. AP
Libération hôm nay dành trang nhất cho liên minh cánh tả Nupes, một năm sau khi thành lập. Le Figaro chạy tựa "Hiện tượng Airbnb gây mất thăng bằng cho trung tâm các thành phố", La Croix quan tâm đến "Pháp-Ý, đường biên giới dưới áp lực" khi di dân kéo sang Ý ngày càng nhiều. Le Monde nhận xét "Thổ Nhĩ Kỳ : Erdogan chiến thắng, kinh tế chao đảo". Nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến "Nvidia, người khổng lồ đứng đầu về trí thông minh nhân tạo". Về thời sự quốc tế, sự kiện drone tấn công vào thủ đô nước Nga được các báo chú ý nhiều nhất.
La Croix đưa tin "Moskva trở thành mục tiêu trực tiếp của drone", Libération mô tả "Khi chiến tranh ở Ukraine xâm nhập vào Nga". Le Figaro nhận thấy "Moskva bị drone tập kích ồ ạt nhất kể từ đầu cuộc chiến", Les Echos cho rằng "Bị drone tấn công, Moskva nửa lo ngại nửa thờ ơ".
Dân Moskva bắt đầu nếm chút ít mùi vị chiến tranh
Bộ quốc phòng Nga lên án "hành động khủng bố", phát ngôn viên Kremlin tố cáo "Kiev trả đũa" những cuộc tấn công mới đây của Nga vào Ukraine. Vụ tập kích ồ ạt sáng hôm qua bằng 8 drone theo chính quyền, và hơn 30 theo các nguồn không chính thức, nhắm vào các tòa nhà ở Moskva và ngoại ô. Không có ai thiệt mạng, thiệt hại vật chất cũng không đáng kể. Một drone rơi gần phi trường Moskva, ba chiếc khác tại một khu ngoại ô sang trọng của giới tinh hoa, cách nhà nghỉ của Vladimir Putin khoảng mười mấy phút xe chạy. La Croix dẫn lời Ủy ban điều tra nói rằng đa số drone bị bắn rơi gần thủ đô, và có một chiếc xuyên vào một căn hộ ở tầng 14 của tòa nhà nằm trên một đại lộ chính.
Phát ngôn viên Dimitri Peskov vẫn khẳng định "hệ thống phòng không hoạt động tốt", "hiện cư dân không bị đe dọa". Một người dân nhìn nhận "chiến tranh rõ ràng đã đến gần chúng tôi", người khác lo ngại những cuộc tấn công sẽ gia tăng với những drone có kích thước nhỏ khó nhận ra. Vladmir Soloviov, một trong những cái loa tuyên truyền của Kremlin nói rằng "phòng không Nga tiêu diệt được hầu hết mục tiêu", đồng thời dọa dẫm ai đưa "fake news" có nguy cơ lãnh đến 15 năm tù. Les Echos cho biết dù vậy, nhưng tin tức vẫn lan truyền trên mạng và khác hẳn với thông cáo chính thức.
Chuyên gia Andrei Kolesnikov của Quỹ Carnegie, một trong số hiếm hoi những nhà phản biện vẫn còn ở lại thủ đô Nga nhận xét, người dân Moskva chỉ cảm nhận được một ít so với cư dân các thành phố Ukraine, dưới bom đạn từ nhiều tháng qua. Nhưng như vậy cũng đủ để họ suy nghĩ một ít về chiến tranh. "Những cuộc tấn công này có thể tạo cảm giác bất an, kiểu như nhắc lại rằng chiến tranh ở rất gần, và Putin chẳng phải toàn năng".
Phe cực đoan Nga thêm khích động
Dư luận Nga có thể rúng động, nhưng cũng là cái cớ để phe dân tộc chủ nghĩa hung hăng hơn. Yevgeny Prigozhin, ông chủ Wagner chất vấn Bộ quốc phòng : "Tại sao lại để những drone này bay trên bầu trời Moskva ?". Libération nhận xét ngay cả đối với những người từng vào tù ra khám, ngôn từ của Prigozhin rất khó dịch, vì chạm đến cái ngưỡng của sự thô tục. Đại khái nhẹ nhất đối với Bộ quốc phòng là : "Lũ súc vật hôi hám kia, bọn mày đang làm gì vậy ? Nhích mông ra khỏi chiếc ghế đã được cho ngồi vào để bảo vệ đất nước !".
Nhưng đây cũng là biểu lộ sự giận dữ của phe cực đoan. Làm thế nào điều này có thể xảy ra, trong khi Moskva có lực lượng phòng không hùng hậu gồm nhiều giàn hỏa tiễn địa-không S-400 cùng với Pantsir, được cho là hiệu quả nhất thế giới ? Nhất là Kremlin vừa bị tấn công cách đó vài tuần, và mới tuần trước Belgorod bị đột kích ! Le Figaro nhận xét, hình ảnh trên internet cho thấy có thể là những drone Raybird-3 có tầm bay lý thuyết từ 400 đến 1.000 kilomet, như vậy có thể phóng đi từ Ukraine. Ngược lại chuyên gia quân sự Vladislav Churygin cho rằng những drone tấn công Moskva có thể xuất phát từ lãnh thổ Nga.
Một nhân vật dân tộc chủ nghĩa mỉa mai : "Xin chào Moskva, hoan nghênh đến Donetsk" - vì sau khi hứa hẹn chiếm được Ukraine chỉ trong vài ngày, lâu nay bộ phận tuyên truyền của Vladimir Putin chuyển sang khoe khoang chất lượng phòng vệ thủ đô. Phản ứng chính thức của Moskva cũng rất yếu ớt. Như mọi lần đất Nga bị tấn công, thông điệp của Kremlin luôn là, mọi việc điều ổn, chẳng có gì đáng nói.
Cuộc chiến "low cost" của Moskva
Trả đũa vào thường dân trở thành chuyện bình thường đối với Moskva. Hôm qua, thủ đô Ukraine bị drone Nga đánh vào đến lần thứ ba trong vòng 24 giờ, giết chết một người dân và làm mười mấy người khác bị thương. Les Echos nhận thấy Nga tiến hành một cuộc chiến "low cost" để duy trì áp lực lên Kiev.
Có 31 drone Shahed của Iran đã được Nga sử dụng, trong đó 21 bị phòng không Ukraine bắn hạ. Cư dân một tòa nhà ở khu phố Holossiiv phải sơ tán vì mảnh vỡ của drone gây hỏa hoạn, hai tầng dưới bị phá hủy và có thể còn nạn nhân phía dưới. Đây là đợt tấn công thứ 17 trong tháng 5, sau một đợt hỏa tiễn đạn đạo và drone đêm Chủ nhật rạng sáng thứ Hai. Financial Times dẫn lời phát ngôn viên Yuri Ignat của Không quân Ukraine cho biết hệ thống Patriot của Mỹ đã bảo vệ được thủ đô trong lúc Nga tấn công dồn dập.
Tổng cộng : 23 Shahed, 2 drone Orlan-10 và Merlin-BP, 10 hỏa tiễn X-101 và X-555 đã bị bắn hạ trên bầu trời Kiev hôm 26/05 ; 52 chiếc drone Shahed hôm 28/05, 29 drone và 37 hỏa tiễn loại X-101, X-555 ngày 29/05. Từ đầu cuộc xâm lăng, hỏa tiễn và drone Nga đã sát hại hàng ngàn thường dân Ukraine, gây thiệt hại nhiều tỉ euro. Các cuộc tấn công dồn dập vào mùa đông để làm dân Ukraine "chết cóng" bằng cách tập trung vào cơ sở hạ tầng - điện và hệ thống sưởi. Nhưng các đồng minh của Kiev đã dần dà cung ứng các hệ thống phòng không ngày càng tân tiến hơn.
Theo Andriy Yusov, phát ngôn viên tình báo quân sự Ukraine, số hỏa tiễn dự trữ của Nga đã giảm xuống rất nhiều, kỹ nghệ quốc phòng đang bị trừng phạt khó thể bổ sung kịp. Nga có nhiều hỏa tiễn S-300 đang đe dọa dọc theo vùng giới tuyến, nhưng số hỏa tiễn có độ chính xác cao Kinzhal và Kalibr còn rất ít. Moskva nay dùng các drone Shahed được đặt tên lại là Geran, khoảng 20.000 đô la một chiếc. Những drone khá thô sơ này có thể mang 40 ký chất nổ, gây thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng của Ukraine. Theo tổng thống Volodymyr Zelensky, Nga đặt mua 2.400 chiếc Shahed của Iran.
Đối lập lưu vong hy vọng một nước Nga không Putin
Về phía đối lập Nga, Libération cho biết "Tại Vilnius, các nhà ly khai mới nuôi hy vọng về một nước Nga không còn Putin". Đã gần một năm Anastasya Chevchenko sống tại thủ đô Litva, nhưng vẫn sẵn sàng va li để quay lại nước Nga, dù các con đang đi học và đã hòa nhập vào cuộc sống mới. Bà sang đây vì cùng múi giờ với Nga, thay vì đi Mỹ hoặc Tây Âu, và Litva đang mang dáng vẻ một "nước Nga không có Putin" với cộng đồng người Nga tị nạn đông đảo, và các nhà hoạt động trong đội ngũ của bà luôn rất tích cực.
Anastasya không phải là vô danh trong giới đối lập với Vladimir Putin. Nhà báo kiêm nhà giáo này đã phải trả cái giá rất đắt vì chống lại việc gây chiến với Ukraine năm 2014 : bị bắt một cách thô bạo và bị tống giam năm 2019. Những gì diễn ra sau đó là đề tài của một bộ phim mang tên "Anastasya" từng gây tiếng vang ở Hoa Kỳ và được chọn vào danh sách tranh giải Oscar. Trong lúc tạm giam, Anastasya bị từ chối cho về thăm con gái ở bệnh viện và sau đó đứa con đã qua đời. Sáu tháng trước khi bị bắt, bà phát hiện có camera đặt phía trên giường, y như trong phim "La Vie des autres" (Cuộc sống của những người khác) về gián điệp thời Đông Đức, từng đoạt Oscar năm 2006.
Trong hai năm trời, sống với nỗi đau mất con và bị tước quyền nuôi dạy hai người con khác, bị quản thúc… tưởng chừng đã tận cùng nỗi đau. Nhưng cuộc xâm lăng Ukraine ngày 24/02/2022 vẫn gây ra chấn thương nặng nề. Vì mang một biểu ngữ chống lại Putin, Anastasya lại bị kết án và phải trốn sang Litva cùng với hai con. Cũng như Anastasya, tất cả những người Nga lưu vong mà Le Figaro tiếp xúc đều không ngừng suy nghĩ về tương lai đất nước, cũng giống như đợt di cư của người Nga trong thập niên 20 sau cuộc cách mạng bôn-sê-vích. Điểm khác biệt là internet với họ đã trở thành vũ khí phản tuyên truyền chống lại Putin.
Chẳng hạn một nhà báo khác là Tania Felgengauer, luôn duy trì đối thoại với những người theo dõi trên YouTube và độc giả trang web. Bà kêu gọi nên phân biệt một Nhà nước tội phạm với nước Nga. Có lẽ cùng ý nghĩ này, nhiều thủ lãnh đối lập Nga trong đó có tỉ phú, tù nhân lương tâm Mikhail Khodorkovski và cựu vô địch cờ vua Garry Kasparov đưa ra sáng kiến thúc đẩy đồng hương Nga ký vào "Tuyên bố Berlin", lên án chiến tranh, đòi bồi thường thiệt hại, trừng phạt những người có trách nhiệm ở Moskva.
Erdogan chiến thắng, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ u ám
Xã luận của Le Monde nói về "Bóng ma tương lai u ám ở Thổ Nhĩ Kỳ". Tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba hôm Chủ nhật với 52% số phiếu, ông Recep Tayyip Erdogan hoàn toàn nắm trong tay mọi quyền lực. Việc lần đầu tiên Erdogan phải đợi đến vòng hai mới thắng được, chỉ là một niềm an ủi nhỏ bé cho phe đối lập, dù đã đoàn kết nhưng vẫn không chặn được cỗ máy tranh cử hùng mạnh của tổng thống mãn nhiệm. Khủng hoảng kinh tế, cứu hộ chậm trễ sau trận động đất ngày 06/02, sự độc đoán của chế độ (200.000 người bị điều tra vì lăng mạ tổng thống), không làm giảm đi tầng lớp cử tri bảo thủ. Trong thời kỳ khó khăn với lạm phát phi mã khiến dân chúng thêm chật vật, cuộc chiến Nga-Ukraine sát bên, hàng triệu người tị nạn Syria, đa số người Thổ muốn nhìn thấy nơi Erdogan một sự bảo đảm ổn định chính trị.
Tuy vậy trách nhiệm của tổng thống mãn nhiệm về tình hình kinh tế đất nước là rất lớn. Bất chấp mọi logic kinh tế, trước siêu lạm phát Erdogan nhất định giảm lãi suất với cớ hỗ trợ xuất khẩu, nhưng chỉ đổ dầu vào lửa, làm sức mua càng suy giảm. Sau khi cách chức liên tiếp ba thống đốc ngân hàng trong hai năm do không ngoan ngoãn nghe theo, những tuần lễ gần đây Recep Tayyip Erdogan lao vào cuộc chiến tranh cử, làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối để kìm giá đồng lira. Cụ thể, theo chỉ thị của ông, Ngân hàng Trung ương đã chi ra gần 200 tỉ đô la trong một năm rưỡi qua, khiến lần đầu tiên kể từ 2002 dự trữ ngoại tệ ở mức âm.
Erdogan ca khúc khải hoàn, nhưng đồng tiền quốc gia ngay sau đó bị mất giá và tiếp tục xuống dốc, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn "xài trước, trả sau" khí đốt Nga để vận hành nền kỹ nghệ. Thị trường tài chính mỗi lúc càng thêm nghi ngờ. Làm thế nào vực dậy đồng lira nếu không còn ngoại tệ dự trữ, các nhà đầu tư ra đi ? Theo Bloomberg, tích sản của nước ngoài bằng cổ phiếu và trái phiếu Thổ Nhĩ Kỳ giảm mất 85%, tương đương 130 tỉ đô la. Giáo sư Daron Acemoglu của MIT cho rằng tình hình sẽ không cải thiện. Thu nhập từ du lịch, tín dụng của các nước vùng Vịnh và có thể của Nga giúp trụ được một thời gian, nhưng về lâu về dài rất khó. Trừ phi tư nhân hóa một số ngọn cờ đầu của nền kinh tế như Turkish Airlines hay Botas, công ty quốc doanh vận chuyển, phân phối dầu khí. Botas hiện đang trong tầm ngắm của Kremlin.
Nắm trong tay mọi đòn bẩy chính trị, chính sách có thay đổi ?
Ngược lại về chính trị, Erdogan nay ở vị trí lý tưởng để thực hiện các dự án của mình. Sau khi bịt miệng tư pháp, báo chí, các định chế của Nhà nước pháp quyền, dùng tôn giáo làm công cụ, ông ta giờ đây có mọi đòn bẩy nhằm để lại dấu ấn trong lịch sử. Kỷ niệm 100 năm nước cộng hòa do Mustafa Kemal Atatürk thành lập, ngày 29/10/2023 sẽ là dịp phác họa ra một Thổ Nhĩ Kỳ Hồi giáo hơn, dân tộc chủ nghĩa hơn bao giờ hết, nhưng lại bấp bênh về kinh tế.
Theo Le Monde, chiến thắng sát nút này sẽ khiến Recep Tayyip Erdogan phải nhìn lại những sai lầm. Người Thổ Nhĩ Kỳ chẳng có lợi gì khi thiên về độc tài, khiến Ankara càng rời xa phương Tây để xích gần lại Nga và Trung Quốc. Le Figaro cho rằng là người thực dụng, quan hệ với Nga sẽ không thay đổi vì Thổ Nhĩ Kỳ đang bị lệ thuộc, nhưng Erdogan vẫn giữ vai trò trung gian giữa Moskva với Kiev. Quá trình tan băng với các nước trong khu vực vẫn tiếp tục, và Ankara có thể quay lại bàn thương lượng về việc Thụy Điển được gia nhập NATO. Một số người cho rằng việc Erdogan ngáng chân Thụy Điển những tháng gần đây là do ông ta cần lá phiếu của phe dân tộc chủ nghĩa.
Thụy My